XÂY ĐẮP TỔ ẤM
Khi bất đồng quan điểm
Sự khác biệt về sở thích, thói quen và tính cách có thể đã là một thử thách cho các cặp vợ chồng. Nhưng có những vấn đề có lẽ còn căng thẳng hơn, chẳng hạn:
Nên dành bao nhiêu thời gian cho người thân
Cách quản lý chi tiêu
Kế hoạch có con hoặc không
Bạn có thể làm gì nếu mình và người hôn phối bất đồng quan điểm?
Điều bạn nên biết
Hợp nhau không có nghĩa là giống hệt nhau. Ngay cả các cặp vợ chồng rất tâm đầu ý hợp cũng không luôn có cùng quan điểm, thậm chí là trong những vấn đề quan trọng.
“Tôi lớn lên trong gia đình rất gần gũi với nhau. Vào cuối tuần, chúng tôi thường dành thời gian thăm ông bà, cô chú và anh chị em họ. Gia đình chồng tôi thì không như vậy. Vì thế, chúng tôi có quan điểm khác nhau về việc nên dành bao nhiêu thời gian cho gia đình hoặc nói chuyện với những người thân sống ở xa”.—Chị Tamara.
“ Tôi và vợ lớn lên với quan điểm khác nhau về cách quản lý chi tiêu. Những tháng đầu khi mới cưới, có vài lần chúng tôi cãi nhau về điều này. Chúng tôi không tìm được tiếng nói chung sau lần nói chuyện đầu tiên, thậm chí lần thứ hai”.—Anh Tyler.
Một số vấn đề không thể chỉ thỏa hiệp cho xong. Chẳng hạn, nói sao nếu cha mẹ bị bệnh và cần được chăm sóc? Hoặc một người muốn có con nhưng người còn lại thì không? a
“Tôi và vợ thảo luận rất nhiều về việc có con. Càng ngày cô ấy càng nghĩ nhiều về điều này, và quan điểm của chúng tôi ngày càng khác nhau. Tôi không nghĩ là mình có thể thỏa hiệp”.—Anh Alex.
Bất đồng quan điểm không có nghĩa là hôn nhân của bạn thất bại. Vài chuyên gia nói rằng nếu bạn và người hôn phối đang gặp bế tắc trong một vấn đề quan trọng, bạn nên làm mọi cách để đạt được điều mình muốn, ngay cả khi điều đó đòi hỏi bạn rũ bỏ hôn nhân của mình. Nhưng khi chọn “giải pháp” ấy, một người cho thấy mình đang xem trọng cảm xúc của bản thân và xem nhẹ lời thề ước là sẽ gắn bó với nhau dù có chuyện gì xảy ra đi nữa.
Điều bạn có thể làm
Quyết tâm giữ lời thề ước hôn nhân. Nếu quyết tâm giữ lời thề ước hôn nhân, bạn sẽ dễ chung sức đồng lòng giải quyết vấn đề.
Nguyên tắc Kinh Thánh: “Những ai mà Đức Chúa Trời đã tác hợp thì loài người không được phân rẽ”.—Ma-thi-ơ 19:6.
Tính phí tổn. Nói sao nếu một người muốn có con nhưng người còn lại thì không? Hãy xem xét một vài yếu tố sau:
Mối quan hệ hôn nhân của bạn bền chặt đến mức nào.
Hôn nhân của bạn sẽ bị ảnh hưởng thế nào nếu có thêm những căng thẳng trong việc nuôi dạy con cái?
Các trách nhiệm làm cha mẹ.
Trách nhiệm này bao hàm nhiều hơn là chỉ cung cấp thức ăn, quần áo và chỗ ở.
Điều kiện tài chính.
Bạn có thể giữ thăng bằng giữa công việc, gia đình và những bổn phận khác không?
Nguyên tắc Kinh Thánh: “Có ai trong anh em muốn xây một cái tháp mà trước hết không ngồi xuống tính phí tổn?”.—Lu-ca 14:28.
Cân nhắc mọi khía cạnh của vấn đề. Có lẽ bạn sẽ giải quyết được phần nào đó nếu cân nhắc kỹ. Chẳng hạn, nếu vấn đề liên quan đến việc nên có con hay không, người hôn phối không muốn có con có thể tự hỏi:
“Khi nói mình không muốn có con, có nghĩa là mình không bao giờ muốn hay chỉ là hiện tại mình chưa muốn?”
“Có phải mình không muốn có con vì nghĩ rằng mình không thể làm cha mẹ tốt?”
“Phải chăng mình lo lắng rằng người hôn phối sẽ cho mình ‘ra rìa’ khi có con?”
Mặt khác, người hôn phối muốn có con có thể xem xét những câu hỏi sau:
“Vợ chồng mình có sẵn sàng đảm nhận trách nhiệm làm cha mẹ chưa?”
“Điều kiện tài chính của vợ chồng mình có cho phép mình nuôi dạy con tốt không?”
Nguyên tắc Kinh Thánh: “Còn sự khôn ngoan từ trên thì... phải lẽ”.—Gia-cơ 3:17.
Nhìn nhận những điểm tốt trong quan điểm của nhau. Hai người có thể ngắm nhìn cùng một khung cảnh nhưng có góc nhìn khác nhau. Tương tự, một cặp vợ chồng có thể có cái nhìn khác nhau trong cùng một vấn đề, chẳng hạn như cách quản lý chi tiêu. Khi bất đồng quan điểm về một tình huống nào đó, hãy bắt đầu thảo luận dựa trên những điểm chung.
Mục tiêu chung của cả hai vợ chồng là gì?
Quan điểm của cả hai đều có những điểm tốt nào?
Để giữ hôn nhân bền chặt, một hoặc hai người có thể điều chỉnh quan điểm của mình cho phù hợp với quan điểm của người còn lại không?
Nguyên tắc Kinh Thánh: “Mỗi người chớ mưu cầu lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy mưu cầu lợi ích cho người khác”.—1 Cô-rinh-tô 10:24.
a Những vấn đề quan trọng nên được thảo luận trước khi kết hôn. Dù vậy, hoàn cảnh bất ngờ có thể nảy sinh, hoặc cảm xúc của một người hôn phối có thể thay đổi theo thời gian.—Truyền đạo 9:11.