Đi đến nội dung

GIỚI TRẺ THẮC MẮC

Nói sao nếu cha mẹ tôi sắp ly dị?

Nói sao nếu cha mẹ tôi sắp ly dị?

 Một trong những tình huống căng thẳng nhất mà người trẻ có thể đối mặt là việc cha mẹ ly dị. Làm thế nào để đương đầu với nỗi đau buồn đó?

Trong bài này

 Ba điều bạn nên tránh

 1. Tự trách mình

 “Mẹ tôi từng nói là mọi vấn đề giữa cha mẹ tôi bắt đầu nảy sinh kể từ khi tôi sinh ra, nên tôi cho rằng hôn nhân của cha mẹ đổ vỡ là do mình”.—Diana.

 Hãy nhớ điều này: Cha mẹ ly dị không phải vì bạn. Đó là vấn đề giữa cha mẹ bạn. Bạn không gây ra và cũng không thể giải quyết vấn đề của họ. Họ có trách nhiệm giải quyết những khó khăn trong hôn nhân.

 “Mỗi người sẽ gánh lấy phần riêng của mình”.​—Ga-la-ti 6:5.

 2. Nuôi lòng oán giận

 “Tôi rất giận cha vì không chung thủy với mẹ. Sẽ rất khó để cha lấy lại lòng tin của tôi”.—Rianna.

 Hãy nhớ điều này: Rất có thể bạn tức giận và bực bội vì vấn đề giữa cha mẹ, và bạn có lý do chính đáng để cảm thấy như thế. Nhưng việc nuôi lòng oán giận không tốt cho sức khỏe của bạn, nó có thể khiến bạn tổn thương về thể chất lẫn tinh thần. Đó là lý do người ta nói rằng nuôi lòng oán giận như thể uống thuốc độc rồi mong người khác chịu hậu quả. a

 “Hãy thôi giận và dẹp cơn thịnh nộ”.​—Thi thiên 37:8.

 3. Lo là mình không thể có một hôn nhân hạnh phúc

 “Tôi lo là mình sẽ làm những điều giống như cha. Tôi sợ là nếu kết hôn và có con, tôi sẽ đi theo vết xe đổ của cha mẹ và ly dị”.—Jessica.

 Hãy nhớ điều này: Hôn nhân của cha mẹ bạn đổ vỡ không có nghĩa là hôn nhân của bạn cũng sẽ thất bại. Thực tế là bạn có thể rút ra những bài học quý giá từ kinh nghiệm của cha mẹ. Chẳng hạn, có lẽ bạn sẽ biết rõ hơn là mình cần một người hôn phối có những phẩm chất nào. Cuộc hôn nhân thất bại của cha mẹ cũng có thể thúc đẩy bạn vun trồng những phẩm chất giúp mình trở thành người chồng hoặc người vợ tốt hơn.

 “Mỗi người hãy tra xét hành động của chính mình”.​—Ga-la-ti 6:4.

Vượt qua vấn đề cha mẹ ly dị giống như phục hồi sau khi bị gãy xương. Nỗi đau hiện tại sẽ nguôi ngoai theo thời gian

 Ba điều bạn có thể làm

 1. Trò chuyện. Những người dồn nén những cảm xúc tiêu cực thường làm những điều gây hại cho bản thân, như lạm dụng rượu bia hoặc ma túy. Thay vì đi theo con đường đó, hãy thử:

 Nói chuyện với cha mẹ. Nếu cha hoặc mẹ hay cả hai cố kéo bạn vào vấn đề của họ, hãy bình tĩnh nhưng kiên định cho họ biết điều đó ảnh hưởng thế nào đến bạn. Nếu thấy khó nói chuyện trực tiếp, bạn có thể viết thư cho một hoặc cả hai người.

 Nói chuyện với một người bạn đáng tin cậy. Chỉ riêng việc có ai đó lắng nghe bạn cũng có thể mang lại sự an ủi lớn. Kinh Thánh nói: “Người bạn chân thật yêu thương luôn luôn và là anh em sinh ra cho lúc khốn khổ”.​—Châm ngôn 17:17.

 Nói chuyện với Đấng Tạo Hóa. “Đấng Nghe Lời Cầu Nguyện”, Giê-hô-va Đức Chúa Trời, luôn sẵn sàng lắng nghe bạn (Thi thiên 65:2). Kinh Thánh nói rằng bạn có thể “trút hết mọi lo lắng cho ngài, vì ngài quan tâm đến [bạn]”.​—1 Phi-e-rơ 5:7.

  •   Bạn có thể nói chuyện một cách bình tĩnh và tự chủ với ai, cha hay mẹ?

  •   Ai là người bạn đáng tin cậy có thể hỗ trợ bạn (có thể bạn đồng trang lứa hoặc người lớn)?

  •   Bạn có thể cầu nguyện về những vấn đề cụ thể nào?

 2. Thích nghi với sự thay đổi

 Việc cha mẹ ly dị có thể đòi hỏi bạn thích nghi với nhà mới, trường học mới, mức thu nhập mới của gia đình và thậm chí là bạn mới. Dễ hiểu là điều này có thể khiến bạn bực bội và căng thẳng, có lẽ còn cảm thấy cuộc sống của mình hoàn toàn đảo lộn. Điều gì có thể khiến bạn dễ thích nghi hơn với sự thay đổi ấy? Hãy cố gắng tập trung vào cách để thích nghi với hoàn cảnh mới.

  •   Khi cha mẹ ly dị, sự thay đổi lớn nhất mà bạn phải đối mặt là gì?

  •   Bạn có thể làm những bước nào để thích nghi với sự thay đổi đó?

 “Tôi đã học cách tự túc, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào”.​—Phi-líp 4:11, chú thích.

 3. Nhận biết điểm mạnh của mình

 Dù việc cha mẹ ly dị có thể gây ra nhiều nỗi lo lắng, nhưng cũng có thể giúp bạn quý những điểm mạnh của mình, thậm chí có thêm những điểm mạnh mới. Jeremy, có cha mẹ ly dị khi bạn ấy 13 tuổi, chia sẻ: “Việc cha mẹ ly dị buộc mình phải có trách nhiệm hơn. Vì là con trai cả nên mình phải giúp mẹ nhiều hơn, cũng như hỗ trợ em trai mình”.

Cuộc ly dị của cha mẹ có thể thúc đẩy bạn trở thành người có trách nhiệm hơn

  •   Việc cha mẹ ly dị khiến bạn nhận ra mình có những điểm mạnh nào?

  •   Bạn muốn cải thiện những phẩm chất nào?

 “Cả Kinh Thánh đều được Đức Chúa Trời soi dẫn, hữu ích cho việc… chỉnh sửa”.​—2 Ti-mô-thê 3:16.

a Để biết thêm, hãy xem bài “Làm sao có thể kiểm soát cơn giận?”.