GIỚI TRẺ THẮC MẮC
Mình có nên báp-têm không?—Phần 3: Điều gì cản trở mình báp-têm?
Bạn có lo sợ khi nghĩ đến việc dâng mình cho Đức Giê-hô-va và báp-têm không? Nếu có, bài này sẽ giúp bạn vượt qua nỗi sợ ấy.
Trong bài này
Nói sao nếu mình phạm tội trọng sau khi báp-têm?
Điều có thể khiến bạn lo lắng: Có lẽ bạn biết ai đó đã phạm tội trọng và rồi bị khai trừ khỏi hội thánh (1 Cô-rinh-tô 5:11-13). Có thể bạn lo là điều đó cũng sẽ xảy ra cho mình.
“Mình sợ là sau khi báp-têm, mình sẽ phạm lỗi lớn. Không thể tưởng tượng nổi điều đó sẽ khiến cha mẹ mình xấu hổ đến mức nào”.—Rebekah.
Câu Kinh Thánh then chốt: “Kẻ ác hãy bỏ đường lối mình… Kẻ ấy hãy trở về với Đức Giê-hô-va, đấng sẽ thương xót mình, về với Đức Chúa Trời chúng ta vì ngài rộng lòng thứ tha”.—Ê-sai 55:7.
Hãy suy nghĩ: Dù những người phạm tội trọng mà không ăn năn bị khai trừ khỏi hội thánh, nhưng Đức Giê-hô-va tỏ lòng thương xót với những ai biết ăn năn và khiêm nhường chấp nhận sự sửa dạy.—Thi thiên 103:13, 14; 2 Cô-rinh-tô 7:11.
Ngoài ra, dù là người bất toàn, nhưng với sự trợ giúp của Đức Giê-hô-va, bạn có thể kháng cự được cám dỗ (1 Cô-rinh-tô 10:13). Suy cho cùng, ai quyết định bạn sẽ hành động thế nào? Bạn hay ai khác?
“Mình sợ là mình sẽ phạm tội trọng sau khi báp-têm, nhưng rồi mình nhận ra rằng nếu không báp-têm, thì đó cũng là một tội. Mình học được là không nên để nỗi sợ điều có thể xảy ra trong tương lai ngăn mình làm việc nên làm”.—Karen.
Kết luận: Quyền lựa chọn là của bạn. Bạn có thể tránh phạm tội trọng, như hầu hết tôi tớ của Đức Giê-hô-va.—Phi-líp 2:12.
Tìm hiểu thêm: Xin xem “Làm sao nói ‘không’ với cám dỗ?”.
Nói sao nếu mình sợ nhận trách nhiệm sau khi báp-têm?
Điều có thể khiến bạn lo lắng: Chẳng hạn, bạn có thể nghe nói đến những người trẻ đã rời xa gia đình và bạn bè để mở rộng việc phụng sự Đức Giê-hô-va. Bạn lo là người khác cũng sẽ kỳ vọng bạn làm thế.
“Việc báp-têm mở ra cơ hội cho một tín đồ nhận thêm những đặc ân khác, nhưng một số người có thể chưa sẵn sàng để nhận đặc ân hoặc hoàn cảnh không cho phép họ làm thế”.—Marie.
Câu Kinh Thánh then chốt: “Mỗi người hãy tra xét hành động của chính mình, rồi sẽ có cớ để tự hào về mình mà không so sánh với người khác”.—Ga-la-ti 6:4.
Hãy suy nghĩ: Thay vì so sánh mình với người khác, hãy tập trung vào những lời nơi Mác 12:30: “Ngươi phải yêu thương Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi hết lòng”.
Hãy để ý rằng bạn nên phụng sự Đức Giê-hô-va hết lòng. Dĩ nhiên, điều này tùy thuộc vào những gì bạn có thể làm, chứ không phải những gì người khác có thể làm. Nếu thật sự yêu mến Đức Giê-hô-va, bạn sẽ cố gắng phụng sự ngài với hết khả năng của mình.
“Dù báp-têm là một bước nghiêm túc, nhưng không phải là gánh nặng. Nếu bạn kết hợp với những người bạn tốt, họ sẽ sẵn sàng giúp đỡ bạn. Thật ra, việc dần dần nhận thêm trách nhiệm sẽ khiến bạn hạnh phúc hơn. Khi né tránh việc báp-têm, bạn chỉ tự gây hại cho mình”.—Julia.
Kết luận: Hãy vun trồng lòng biết ơn Đức Giê-hô-va về tình yêu thương ngài dành cho bạn. Điều này sẽ thúc đẩy bạn dâng cho ngài điều tốt nhất mình có.—1 Giăng 4:19.
Tìm hiểu thêm: Xin xem “Tôi có phải là người có trách nhiệm?”.
Nói sao nếu mình thấy không xứng đáng để phụng sự Đức Giê-hô-va?
Điều có thể khiến bạn lo lắng: Đức Giê-hô-va là Đấng Cai Trị Hoàn Vũ. So với ngài, loài người thật nhỏ bé! Có lẽ bạn thắc mắc liệu Đức Giê-hô-va có để ý đến mình không.
“Vì cha mẹ mình là Nhân Chứng Giê-hô-va nên mình lo rằng mình chỉ ‘thừa hưởng’ tình bạn với Đức Giê-hô-va từ họ, chứ không phải ngài kéo mình đến với ngài”.—Natalie.
Câu Kinh Thánh then chốt: “Không ai có thể đến với tôi trừ khi Cha, là đấng phái tôi, kéo người ấy đến”.—Giăng 6:44.
Hãy suy nghĩ: Việc bạn nghĩ đến việc báp-têm cho thấy Đức Giê-hô-va đang kéo bạn đến để có tình bạn mật thiết hơn với ngài. Chẳng phải bạn nên đáp lại lời mời ấy sao?
Cũng hãy nhớ rằng Đức Giê-hô-va, chứ không phải bạn hay ai khác, chọn người mà ngài sẽ kéo đến. Ngoài ra, Lời ngài đảm bảo rằng nếu bạn “đến gần Đức Chúa Trời thì ngài sẽ đến gần [bạn]”.—Gia-cơ 4:8.
“Việc bạn biết về Đức Giê-hô-va và được ngài kéo đến là bằng chứng cho thấy ngài yêu thương bạn. Vì thế, khi nghĩ mình không xứng đáng để phụng sự ngài, hãy tự nhắc bản thân rằng ngài không nghĩ như thế. Và Đức Giê-hô-va luôn đúng”.—Selina.
Kết luận: Nếu đã đáp ứng những đòi hỏi của Kinh Thánh để báp-têm, bạn hội đủ điều kiện để thờ phượng Đức Giê-hô-va. Cũng hãy nhớ rằng ngài xứng đáng được bạn thờ phượng.—Khải huyền 4:11.
Tìm hiểu thêm: Xin xem “Tại sao mình nên cầu nguyện?”.