GIỚI TRẺ THẮC MẮC
Kinh Thánh có thể giúp mình thế nào?—Phần 3: Nhận lợi ích tối đa từ việc đọc Kinh Thánh
Khi nhìn vào bên trong quyển Kinh Thánh, bạn sẽ thấy có rất nhiều chữ. Đừng để điều đó khiến bạn choáng ngợp! Thay vào đó, hãy nghĩ Kinh Thánh giống như một bữa tiệc có đầy những món tùy chọn. Bạn không thể ăn mọi thứ mình thấy. Nhưng bạn có thể chọn đủ thức ăn để có một bữa ăn ngon lành.
Để nhận được lợi ích tối đa từ “bữa tiệc” Kinh Thánh, bạn cần tập trung vào những gì mình đọc. Bài này sẽ giúp bạn làm thế.
Trong bài này
Tại sao cần tập trung vào những gì mình đọc trong Kinh Thánh?
Càng nỗ lực đọc Kinh Thánh, bạn sẽ càng nhận được nhiều lợi ích. Điều này được so sánh như sau: Bạn có thể nhúng một túi trà vào nước nóng trong thời gian ngắn để có được một chút hương vị. Nhưng bạn sẽ thấy hương vị đậm đà hơn nếu ngâm túi trà lâu hơn.
Điều này tương tự với việc đọc Kinh Thánh. Thay vì đọc lướt qua một cách nhanh chóng thì hãy dành thời gian suy ngẫm những gì bạn đọc. Đó là điều mà người viết Thi thiên bài 119 đã làm. Khi nhắc đến luật pháp của Đức Chúa Trời, ông nói: “Suốt ngày con ngẫm nghĩ luật pháp ấy”.—Thi thiên 119:97.
Dĩ nhiên điều này không có nghĩa là bạn cần dành cả ngày để đọc và suy ngẫm Kinh Thánh. Điểm chính là: Người viết Thi thiên dành thời gian để ngẫm nghĩ Lời Đức Chúa Trời. Nhờ làm vậy mà ông có thể đưa ra những quyết định khôn ngoan.—Thi thiên 119:98-100.
“Mẹ thường nói với mình rằng: ‘Con có bảy ngày trong một tuần và con làm nhiều việc cá nhân trong thời gian đó. Vậy tại sao không dành một khoảng thời gian nào đó cho Đức Giê-hô-va? Như thế mới công bằng!’”.—Melanie.
Khi suy ngẫm về các nguyên tắc Kinh Thánh, bạn sẽ có thể đưa ra được những quyết định tốt, chẳng hạn như khi chọn bạn hoặc đối phó với cám dỗ làm điều sai trái.
Làm thế nào để nhận lợi ích tối đa từ việc đọc Kinh Thánh?
Lên kế hoạch. Một em trẻ tên Julia gợi ý: “Hãy lập một thời gian biểu cho việc đọc Kinh Thánh. Bạn cần biết mình sẽ đọc gì, khi nào đọc và đọc ở đâu”.
Tạo hoàn cảnh thuận lợi. Một chị trẻ tên Gianna nói: “Hãy tìm một nơi yên tĩnh. Ngoài ra, hãy cho những người khác trong gia đình bạn biết về lịch đọc Kinh Thánh của mình để họ không làm bạn bị gián đoạn”.
Nếu bạn đang dùng thiết bị điện tử, hãy tắt tất cả các thông báo. Bạn có thể thử dùng Kinh Thánh bản in. Thật ra, nghiên cứu cho thấy rằng việc đọc từ bản in có thể nâng cao khả năng đọc hiểu của bạn. Ngược lại, việc đọc từ màn hình điện tử sẽ khó để bạn tập trung cao độ hơn.
“Mình thấy việc đọc trên máy dễ khiến mình bị phân tâm. Thiết bị của mình thường nhận thông báo, hoặc pin bị yếu hoặc mạng bị ngắt kết nối. Nhưng khi đọc bản in, mình không cần lo về những điều đó mà chỉ cần đảm bảo là có đủ ánh sáng”.—Elena.
Cầu nguyện trước. Hãy cầu xin Đức Giê-hô-va giúp bạn hiểu, nhớ và nhận được lợi ích từ phần Kinh Thánh mà bạn định đọc.—Gia-cơ 1:5.
Để hành động phù hợp với lời cầu nguyện, hãy đào sâu lời tường thuật mà bạn đang đọc. Bạn làm thế bằng cách nào? Nếu đang dùng ứng dụng JW Library hay đọc Kinh Thánh trực tuyến, bạn có thể nhấp vào một câu Kinh Thánh để tìm thêm thông tin tham khảo và các bài liên quan.
Đặt câu hỏi. Chẳng hạn: “Lời tường thuật này cho mình biết gì về Đức Giê-hô-va? Phần này có làm nổi bật một đức tính của ngài mà mình có thể noi theo không?” (Ê-phê-sô 5:1). “Mình áp dụng được bài học nào từ lời tường thuật này vào đời sống?” (Thi thiên 119:105). “Mình có thể dùng những gì mình đọc để giúp người khác theo cách nào đó không?”.—Rô-ma 1:11.
Cũng hãy tự hỏi: “Những gì mình đọc liên quan thế nào đến chủ đề của Kinh Thánh?”. Câu hỏi này đặc biệt quan trọng. Tại sao? Vì mọi điều trong Kinh Thánh, từ Sáng thế đến Khải huyền, đều phần nào liên quan đến chủ đề chính, đó là việc Đức Giê-hô-va sẽ làm thánh danh ngài qua Nước Trời và chứng tỏ rằng ngài có quyền chính đáng để cai trị cũng như đường lối cai trị của ngài là tốt nhất.