Đi đến nội dung

GIỚI TRẺ THẮC MẮC

Tôi nên biết gì về thể thao?

Tôi nên biết gì về thể thao?

 Thể thao vừa có lợi vừa có hại vì còn tùy thuộc vào môn thể thao, cách thức chơi và thời lượng chơi.

 Lợi ích

 Chơi thể thao có lợi cho sức khỏe. Kinh Thánh cho biết “sự rèn luyện thân thể lợi ích” (1 Ti-mô-thê 4:8). Một thanh niên tên Ryan cho biết: “Chơi thể thao là cách rất tốt để giúp mình năng động. Còn hơn là ngồi ở nhà bấm trò chơi điện tử”.

 Chơi thể thao phát huy tinh thần đồng đội và tính tự chủ. Kinh Thánh dùng minh họa về thể thao để dạy một bài học hữu ích: “Tất cả những người tham dự cuộc đua đều chạy, nhưng chỉ một người đạt giải thưởng... Mỗi người tham dự cuộc thi đấu phải tự chủ trong mọi lĩnh vực” (1 Cô-rinh-tô 9:​24, 25). Ý ở đây là gì? Đó là cần có tính tự chủ và hợp tác nhau để chơi theo luật của một môn thể thao. Một thanh niên tên Abigail cũng nghĩ như thế: “Chơi thể thao dạy tôi biết cách hợp tác và giao tiếp với người khác”.

 Chơi thể thao giúp vun đắp tình bạn. Thể thao kéo mọi người đến gần nhau hơn. Một thanh niên tên Jordan nhận xét: “Phần lớn các môn thể thao đều mang tính cạnh tranh, nhưng nếu bạn nhớ rằng chơi chủ yếu là để vui, thì thể thao là nhịp cầu kết nối tình bạn”.

 Cạm bẫy

 Môn thể thao. Kinh Thánh nói: “Đức Giê-hô-va thử người công-bình; nhưng lòng Ngài ghét người ác và kẻ ưa sự hung-bạo”.​—Thi-thiên 11:5.

 Một số môn thể thao rất bạo lực. Chẳng hạn, một thiếu nữ tên Lauren cho biết: “Môn quyền Anh chỉ toàn là đánh đấm nhau. Là tín đồ đạo Đấng Ki-tô, chúng ta không đánh nhau, vậy xem người ta đánh nhau để làm chi?”.

 Hãy thử nghĩ: Bạn có bào chữa rằng mình chỉ xem hoặc chơi thôi, chứ mình đâu có bạo lực đâu mà sợ? Nếu vậy, hãy nhớ câu Kinh Thánh nơi Thi-thiên 11:5. Ở đây nói Đức Giê-hô-va không chấp nhận người “ưa sự hung bạo”, chứ không chỉ người có hành động bạo lực.

 Cách thức chơi. Kinh Thánh nói: “Đừng làm việc gì vì ưa tranh cãi hay vì tự cao, nhưng hãy khiêm nhường xem người khác cao hơn mình”.​—Phi-líp 2:3.

 Dĩ nhiên, bất cứ hoạt động nào có đội đối phương đều mang mức độ cạnh tranh nào đó. Nhưng thái độ hơn thua sẽ làm cuộc chơi mất hứng thú. Một em trẻ tên Brian nói: “Bạn dễ bị ám ảnh bởi tinh thần hơn thua. Nếu chơi càng giỏi, bạn càng phải khiêm nhường hơn”.

 Hãy thử nghĩ: Một thanh niên tên Chris kể lại: “Hằng tuần, chúng tôi chơi đá banh, có khi cũng bị thương”. Nếu bạn cũng như thế, hãy tự hỏi: “Đâu là nguyên do khiến mình bị thương như vậy? Mình có thể làm gì để bớt bị thương?”.

 Thời lượng chơi. Kinh Thánh nói: “Nhận biết những điều quan trọng hơn”.​—Phi-líp 1:​10.

 Bạn nên đặt thứ tự ưu tiên; những điều thiêng liêng nên đặt lên hàng đầu. Hầu hết các môn thể thao đều kéo dài hàng giờ, dù chơi hoặc chỉ xem thôi. Một thiếu nữ tên Daria bộc bạch: “Tôi cãi qua cãi lại với mẹ chuyện tôi dành nhiều thời gian để xem các chương trình thể thao trên ti vi, mà lẽ ra nên để thời gian ấy làm chuyện khác thì tốt hơn”.

Chú tâm quá nhiều vào thể thao cũng giống như nêm quá nhiều muối vào thức ăn

 Hãy thử nghĩ: Bạn có lắng nghe khi cha mẹ cho lời khuyên về thứ tự ưu tiên của bạn không? Một thiếu nữ tên Trina kể lại: “Mỗi khi anh em tôi xem chương trình thể thao và lơ là những việc khác, thì mẹ luôn nhắc tôi nhớ rằng các vận động viên ấy được thưởng công dù mình có xem họ thi đấu hay không. Rồi mẹ hỏi: ‘Nhưng ai sẽ trả công cho con?’. Mẹ muốn nói là: Thể thao chính là cái nghề của họ. Nhưng nếu chúng tôi chểnh mảng việc làm bài tập ở nhà và những trách nhiệm khác, thì làm sao có thể lo nổi cho mình sau này. Ý của mẹ là việc chơi hoặc xem thể thao không phải là điều quan trọng nhất trên đời”.