Đi đến nội dung

GIỚI TRẺ THẮC MẮC

Những điều nên biết về nạn xâm hại tình dục—Phần 2: Vực dậy

Những điều nên biết về nạn xâm hại tình dục—Phần 2: Vực dậy

 Đối phó với mặc cảm tội lỗi

 Sau khi bị xâm hại tình dục, nhiều nạn nhân cảm thấy vô cùng xấu hổ về những gì đã xảy ra. Thậm chí họ còn mang mặc cảm tội lỗi. Chẳng hạn như trường hợp của Karen hiện nay 19 tuổi, bạn ấy bị lạm dụng tình dục từ năm lên 6 đến năm 13 tuổi. Karen bộc bạch: “Điều khó đương đầu nhất chính là mặc cảm tội lỗi. Mình cứ tự dằn vặt: ‘Sao mình lại có thể để chuyện đó diễn ra lâu như thế?’”.

 Nếu bạn cũng có cảm xúc như vậy, hãy suy nghĩ những điều sau:

  •   Trẻ em chưa phát triển đầy đủ về thể chất lẫn tinh thần để quan hệ tình dục. Chúng chưa hiểu điều đó bao hàm những gì nên không thể nào đồng tình một cách có ý thức. Điều này có nghĩa là trẻ em hoàn toàn không có lỗi khi bị xâm hại tình dục.

  •   Trẻ em thường tin cậy người lớn và ngây thơ trước thủ đoạn tinh vi của những kẻ đồi bại. Do đó, các em rất dễ trở thành nạn nhân. Sách The Right to Innocence viết: “Những kẻ quấy rối là những tên dụ dỗ siêu hạng, trẻ em không thể nhận ra thủ đoạn xảo quyệt của chúng”.

  •   Một đứa trẻ có thể có khoái cảm tình dục khi bị xâm hại. Nếu từng ở trong trường hợp này, bạn hãy yên tâm rằng đây chỉ là phản ứng tự nhiên của cơ thể khi bị kích thích. Điều đó không có nghĩa là bạn đồng lõa hay có lỗi về chuyện ấy.

 Gợi ý: Hãy nghĩ đến một đứa trẻ mà bạn quen đang ở độ tuổi khi bạn bị xâm hại, rồi tự hỏi: “Có công bằng không khi đổ lỗi cho đứa trẻ đó nếu em bị xâm hại tình dục?”.

 Karen đã lập luận như thế khi trông giữ ba đứa trẻ, trong đó có một em gần sáu tuổi, tầm tuổi khi Karen bắt đầu bị lạm dụng. Karen tâm sự: “Mình nhận ra trẻ em ở tuổi này thật non nớt, chính mình hồi ấy cũng như thế”.

 Sự thật: Thủ phạm mới chính là kẻ phải chịu trách nhiệm về tội ác này. Kinh Thánh nói: “Sự gian ác của kẻ ác chỉ quy cho kẻ ấy mà thôi”.​—Ê-xê-chi-ên 18:20, NW.

 Lợi ích của việc thổ lộ với người khác

 Giãi bày sự việc với một người lớn đáng tin cậy có thể giúp bạn nhẹ nhõm hơn. Kinh Thánh viết: “Bằng-hữu thương-mến nhau luôn luôn; và anh em sanh ra để giúp-đỡ trong lúc hoạn-nạn”.​—Châm-ngôn 17:17.

 Đành rằng bạn có thể cảm thấy an toàn hơn khi giữ kín sự việc. Có lẽ bạn đã dùng sự im lặng làm bức tường để bảo vệ mình khỏi bị tổn thương thêm nữa. Tuy nhiên, bức tường đó cũng có thể ngăn cản bạn nhận sự giúp đỡ.

Bức tường im lặng bảo vệ bạn khỏi bị tổn thương cũng có thể ngăn cản bạn nhận sự giúp đỡ

 Một chị trẻ tên Janet đã cảm nhận lợi ích của việc nói ra. Chị kể: “Tôi bị một người mà mình quen biết và tin tưởng quấy rối khi còn rất nhỏ, và tôi đã chôn chặt điều đó trong suốt nhiều năm. Nhưng khi thổ lộ mọi chuyện với mẹ, tôi cảm thấy như thể trút được một gánh nặng khổng lồ”.

 Khi nhìn lại, chị Janet hiểu được lý do một số người có lẽ ngại nói ra. Chị chia sẻ: “Chuyện bị lạm dụng là một đề tài rất khó nói. Dù vậy, như kinh nghiệm của tôi, nỗi đau khi âm thầm sống chung với nó rất có hại. Theo tôi, nói ra càng sớm chừng nào càng tốt chừng nấy”.

 “Có kỳ chữa lành”

 Sau khi bị lạm dụng, có lẽ bạn bị ám ảnh bởi những suy nghĩ sai lầm về bản thân. Chẳng hạn, bạn cho rằng mình bị mất phẩm giá và vô giá trị hoặc bạn tồn tại chỉ để thỏa mãn nhu cầu sinh lý của người khác. Nhưng bạn có thể vượt qua những suy nghĩ tiêu cực ấy và được “chữa lành” (Truyền-đạo 3:3). Điều gì có thể giúp bạn?

 Học Kinh Thánh. Kinh Thánh chứa đựng ý tưởng của Đức Chúa Trời, “có sức mạnh... để phá đổ các thành lũy”​—trong đó có những suy nghĩ sai lầm của bạn về giá trị bản thân (2 Cô-rinh-tô 10:4, 5). Ví dụ, hãy đọc và suy ngẫm những câu Kinh Thánh sau: Ê-sai 41:10; Giê-rê-mi 31:3; Ma-la-chi 3:16, 17; Lu-ca 12:6, 7; 1 Giăng 3:19, 20.

 Cầu nguyện. Khi cảm thấy mình vô giá trị hoặc mang nặng mặc cảm tội lỗi, hãy ‘trao gánh-nặng cho Đức Giê-hô-va’ qua lời cầu nguyện (Thi-thiên 55:22). Bạn không bao giờ đơn độc!

 Trưởng lão hội thánh. Họ là những nam tín đồ đạo Đấng Ki-tô được huấn luyện để trở nên “nơi núp gió và chỗ che bão-táp” (Ê-sai 32:2). Họ có thể giúp bạn lấy lại quan điểm thăng bằng về bản thân và tiếp tục bước đi trên đường đời.

 Những mối giao tiếp tốt. Hãy quan sát những người nam và nữ theo sát nguyên tắc Kinh Thánh trong đời sống. Để ý đến cách họ đối xử với nhau. Với thời gian, bạn sẽ nhận ra không phải ai cũng lợi dụng mối quan hệ để xâm hại người mà họ tỏ ra thương yêu.

 Tanya đang cảm nghiệm điều quan trọng này. Từ khi còn rất nhỏ, Tanya bị nhiều người đàn ông lạm dụng. Bạn ấy thổ lộ: “Tất cả những người mà mình thân quen đều làm nhục mình”. Nhưng với thời gian, Tanya nhận ra là trên đời này có những người đàn ông thể hiện tình yêu chân thật. Nhờ đâu bạn ấy nhận ra điều đó?

 Khi quen biết một cặp vợ chồng tín đồ đạo Đấng Ki-tô mẫu mực, quan điểm của Tanya đã thay đổi. Bạn ấy cho biết: “Qua cử chỉ của người chồng, mình thấy không phải người đàn ông nào cũng đồi bại. Anh ấy bảo vệ vợ mình, và đó là cách Đức Chúa Trời muốn người chồng đối xử với vợ”. a​—Ê-phê-sô 5:28, 29.

a Nếu gặp phải những vấn đề như trầm cảm kinh niên, rối loạn ăn uống, tự gây thương tích, lạm dụng chất kích thích, rối loạn giấc ngủ hay có ý nghĩ tự tử, điều khôn ngoan là bạn nên tìm sự giúp đỡ của những bác sĩ chuyên môn.