GIỚI TRẺ THẮC MẮC
Mình có nên báp-têm không?—Phần 1: Ý nghĩa của phép báp-têm
Mỗi năm, nhiều người trẻ được nuôi dạy trong gia đình là Nhân Chứng Giê-hô-va đã chịu phép báp-têm. Bạn có đang nghĩ về việc thực hiện bước này không? Nếu có thì trước tiên bạn cần hiểu ý nghĩa của việc dâng mình và báp-têm.
Báp-têm là gì?
Theo Kinh Thánh, báp-têm là hoàn toàn trầm người trong nước, chứ không chỉ là rảy nước trên đầu, và điều này mang một ý nghĩa rất quan trọng.
Việc hoàn toàn trầm người dưới nước trong khi chịu phép báp-têm công khai cho thấy bạn sẽ không sống chỉ để làm theo ý muốn của bản thân mình nữa.
Việc ra khỏi nước cho thấy bạn đã bắt đầu một đời sống mới để làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời.
Khi làm báp-têm, bạn công khai nhìn nhận rằng Đức Giê-hô-va có quyền đặt ra tiêu chuẩn về điều đúng và điều sai, và bạn chính thức cho thấy lời hứa nguyện là bạn sẽ luôn làm theo những điều mà ngài đòi hỏi.
Hãy thử nghĩ: Tại sao bạn muốn công khai cho thấy rằng mình đã chọn theo lối sống vâng lời Đức Giê-hô-va? Hãy xem 1 Giăng 4:19 và Khải huyền 4:11.
Dâng mình là gì?
Trước khi làm báp-têm, bạn nên dâng mình cho Đức Giê-hô-va trong lời cầu nguyện riêng. Như thế nào?
Khi cầu nguyện riêng với Đức Giê-hô-va, hãy nói với ngài là bạn hứa nguyện phụng sự ngài mãi mãi và sẽ làm theo những điều mà ngài đòi hỏi bất kể chuyện gì xảy ra hay người khác có quyết định thế nào đi nữa.
Khi báp-têm, lời hứa nguyện riêng đó được công khai. Việc này cho người khác thấy bạn đã từ bỏ chính mình và giờ đây thuộc về Đức Giê-hô-va.—Ma-thi-ơ 16:24.
Hãy thử nghĩ: Tại sao đời sống của bạn trở nên tốt đẹp hơn khi thuộc về Đức Giê-hô-va? Hãy xem Ê-sai 48:17, 18 và Hê-bơ-rơ 11:6.
Tại sao làm báp-têm là quan trọng?
Chúa Giê-su cho biết phép báp-têm là một đòi hỏi dành cho các môn đồ của ngài (Ma-thi-ơ 28:19, 20). Vì vậy, phép báp-têm vẫn là một đòi hỏi dành cho tín đồ đạo Đấng Ki-tô. Thật vậy, Kinh Thánh nói rằng đây là điều cần thiết để được cứu rỗi.—1 Phi-e-rơ 3:21.
Tuy nhiên, động lực để bạn làm báp-têm nên là tình yêu thương và lòng biết ơn dành cho Đức Giê-hô-va. Thái độ của bạn nên giống với người viết Thi thiên: “Tôi sẽ lấy gì đền đáp Đức Giê-hô-va vì mọi điều lành ngài làm cho tôi? Tôi sẽ... kêu cầu danh Đức Giê-hô-va. Tôi sẽ làm trọn lời hứa nguyện với Đức Giê-hô-va”.—Thi thiên 116:12-14.
Hãy thử nghĩ: Đức Giê-hô-va đã làm những điều tốt lành nào cho bạn và bạn có thể báo đáp ngài ra sao? Hãy xem Phục truyền luật lệ 10:12, 13 và Rô-ma 12:1.