MỘT SỰ THIẾT KẾ?
Chất nhờn của cá mút đá
Từ lâu, các nhà khoa học đã rất hiếu kỳ về chất nhờn sền sệt, hay gel nước, do cá mút đá tiết ra. Tại sao? Chất nhờn của cá mút đá được miêu tả là “vật liệu sinh học có tính đàn hồi và mềm dẻo nhất được biết đến”.
Hãy suy nghĩ điều này: Cá mút đá là sinh vật giống như lươn, sống ở đáy đại dương. Khi cảm thấy mình sắp bị tấn công, cá mút đá tiết ra một chất nhờn từ những tuyến đặc biệt. Chất mà nó tiết ra chứa nhiều protein tạo chất nhầy và hàng ngàn sợi protein dài khác. Khi kết hợp với nhau, những protein này làm cho nước ở xung quanh con cá keo lại. Chất nhờn ấy làm nghẹt mang của kẻ săn mồi, khiến kẻ săn mồi phải nhả nó ra và tẩu thoát.
Chất nhờn của cá mút đá rất độc đáo. Mỗi sợi protein của nó chỉ mỏng bằng 1% sợi tóc của con người và dai gấp mười lần ni-lông. Khi được tiết vào nước biển, hỗn hợp chất nhầy và các sợi tạo nên một cấu trúc tương tự cái rây mỏng ba chiều. Cấu trúc này có thể giữ nước gấp 26.000 lần khối lượng của chính nó. Thật ra, gần 100% của chất nhờn ấy là nước!
Các nhà khoa học không thể tạo ra sản phẩm giống hệt chất nhờn của cá mút đá. Một nhà nghiên cứu cho biết: “Quá trình tạo thành chất nhờn tự nhiên ấy quá phức tạp”. Tuy nhiên, các nhà khoa học muốn bắt chước chất nhờn ấy để sản xuất sợi protein bằng cách dùng gen của vi khuẩn. Mục tiêu của họ là tạo ra một sản phẩm vừa nhẹ vừa dai, có tính đàn hồi và tự phân hủy. Sợi protein nhân tạo có thể được dùng để tạo ra những vật liệu bền cho ngành dệt và y khoa. Thật vậy, khả năng ứng dụng chất nhờn của cá mút đá dường như là vô tận.
Bạn nghĩ sao? Cấu trúc vô cùng phức tạp của chất nhờn cá mút đá là do tiến hóa? Hay là một sự thiết kế?