Đức Chúa Trời có hiện hữu không?
Câu trả lời của Kinh Thánh
Có, Kinh Thánh cung cấp bằng chứng thuyết phục cho thấy Đức Chúa Trời hiện hữu. Sách này khuyến khích chúng ta xây dựng niềm tin nơi Đức Chúa Trời, không phải tin cách mù quáng vào giáo lý của các tôn giáo, nhưng bằng cách dùng “lý trí” và “nhận thức” (Rô-ma 12:1; 1 Giăng 5:20, chú thích). Hãy xem xét một số lập luận dựa trên Kinh Thánh:
Sự vận hành trật tự của vũ trụ và sự sống trong đó chứng minh có một Đấng Tạo Hóa. Kinh Thánh nói: “Hiển nhiên, ngôi nhà nào cũng có người dựng nên, còn đấng dựng nên muôn vật chính là Đức Chúa Trời” (Hê-bơ-rơ 3:4). Dù lập luận này đơn giản, nhưng nhiều người có học vấn cao cũng công nhận là rất chí lý. a
Loài người được tạo ra với ước muốn hiểu ý nghĩa và mục đích của đời sống. Dù được đáp ứng về nhu cầu thể chất, có thể một người vẫn chưa được thỏa mãn ước muốn trên. Theo Kinh Thánh, ước muốn đó chính là “nhu cầu tâm linh”, bao gồm mong muốn được biết và thờ phượng Đức Chúa Trời (Ma-thi-ơ 5:3; Khải huyền 4:11). Việc con người có nhu cầu tâm linh không chỉ là bằng chứng cho thấy Đức Chúa Trời hiện hữu mà còn chứng tỏ ngài là Đấng Tạo Hóa yêu thương, muốn chúng ta thỏa mãn nhu cầu ấy.—Ma-thi-ơ 4:4.
Những lời tiên tri chi tiết trong Kinh Thánh được viết ra hàng thế kỷ trước khi ứng nghiệm một cách chính xác. Sự chính xác và chi tiết ấy là bằng chứng mạnh mẽ cho thấy những lời tiên tri đó đến từ một nguồn cao siêu.—2 Phi-e-rơ 1:21.
Những người viết Kinh Thánh có các thông tin về khoa học vượt quá sự hiểu biết của người cùng thời. Chẳng hạn, thời xưa nhiều người tin rằng trái đất được chống đỡ bởi một con vật như voi, lợn lòi hoặc bò. Ngược lại, Kinh Thánh nói rằng Đức Chúa Trời “treo trái đất lơ lửng trong khoảng không” (Gióp 26:7). Kinh Thánh miêu tả chính xác hình dạng của trái đất là “khối cầu” (Ê-sai 40:22, chú thích). Nhiều người thấy cách giải thích hợp lý nhất là những người viết Kinh Thánh nhận các thông tin ấy từ Đức Chúa Trời.
Kinh Thánh trả lời nhiều câu hỏi hóc búa, những câu hỏi mà nếu không được giải đáp thỏa đáng thì một người có thể trở nên vô thần. Chẳng hạn: Nếu Đức Chúa Trời yêu thương và toàn năng, tại sao thế giới lại có đau khổ và tội ác? Tại sao tôn giáo thường ảnh hưởng xấu thay vì tác động tốt đến người ta?—Tít 1:16.
a Chẳng hạn, nhà thiên văn học Allan Sandage từng nói về vũ trụ: “Tôi thấy sự trật tự như thế [của vũ trụ] khó có thể đến từ sự hỗn loạn. Phải có một nguồn nào đó đã sắp xếp như vậy. Đối với tôi, Đức Chúa Trời là huyền bí, nhưng ngài chính là yếu tố giải thích cho sự hiện hữu kỳ diệu của muôn vật, lý do có một cái gì đó thay vì không có gì cả”.