Tha thứ là gì?
Câu trả lời của Kinh Thánh
Tha thứ là hành động bỏ qua lỗi lầm của một người. Trong Kinh Thánh, từ Hy Lạp được dịch là “tha thứ” có nghĩa đen là “buông ra”, giống như khi một người không đòi lại số tiền mình đã cho mượn. Chúa Giê-su đã dùng cách so sánh này khi ngài dạy các môn đồ cầu nguyện: “Xin tha tội chúng con, vì chúng con cũng tha thứ mọi người có lỗi [người mắc nợ] với mình” (Lu-ca 11:4, chú thích). Tương tự, trong dụ ngôn về người đầy tớ không thương xót, Chúa Giê-su ví sự tha thứ với việc xóa nợ.—Ma-thi-ơ 18:23-35.
Chúng ta tha thứ cho người khác khi buông sự thù oán ra và không đòi hỏi bất cứ bồi thường nào cho những mất mát và tổn thương mà mình đã gánh chịu. Kinh Thánh dạy rằng tình yêu thương bất vị kỷ là nền tảng cho lòng tha thứ chân thành, vì tình yêu thương “không ghi nhớ điều gây tổn thương”.—1 Cô-rinh-tô 13:4, 5.
Tha thứ không có nghĩa:
Dung túng tội lỗi. Thật ra, Kinh Thánh lên án những ai nói rằng hành động xấu là vô hại và có thể được chấp nhận.—Ê-sai 5:20.
Giả vờ như chưa hề có lỗi lầm. Đức Chúa Trời đã tha thứ cho vua Đa-vít dù ông phạm tội trọng, nhưng ngài không che chở Đa-vít khỏi hậu quả của những việc ông làm. Đức Chúa Trời thậm chí còn cho ghi lại tội lỗi của Đa-vít để ngày nay chúng ta rút ra bài học.—2 Sa-mu-ên 12:9-13.
Để người khác lợi dụng mình. Giả sử bạn cho ai đó mượn tiền, nhưng người đó lãng phí số tiền và không thể trả lại cho bạn như đã hứa. Người đó rất lấy làm tiếc và xin lỗi bạn. Bạn có thể quyết định tha thứ cho anh ta bằng cách không nuôi lòng thù oán, không nhắc đi nhắc lại việc này, và có lẽ thậm chí còn xóa hẳn số nợ đó. Tuy nhiên, có thể bạn sẽ không cho anh ta mượn tiền nữa.—Thi-thiên 37:21; Châm-ngôn 14:15; 22:3; Ga-la-ti 6:7.
Bỏ qua mà không có lý do chính đáng. Đức Chúa Trời không tha thứ những người cố tình hoặc phạm tội một cách ác ý và không chịu thừa nhận lỗi lầm, thay đổi lối sống và xin lỗi những người mà họ đã làm tổn thương (Châm-ngôn 28:13; Công vụ 26:20; Hê-bơ-rơ 10:26). Những ai không biết ăn năn sẽ trở thành kẻ thù của Đức Chúa Trời, và ngài không bắt buộc chúng ta phải tha thứ cho những người mà ngài không tha thứ.—Thi-thiên 139:21, 22.
Còn nếu bạn bị ai đó đối xử tệ và người đó không chịu xin lỗi hoặc thậm chí không thừa nhận điều họ đã làm thì sao? Kinh Thánh khuyên: “Hãy dẹp sự giận, và bỏ sự giận-hoảng” (Thi-thiên 37:8). Dù không làm ngơ trước lỗi lầm của người đó, bạn không nên để cho sự oán giận choán hết tâm trí. Hãy tin chắc rằng Đức Chúa Trời sẽ buộc người đó phải chịu trách nhiệm (Hê-bơ-rơ 10:30, 31). Bạn cũng có thể được an ủi khi biết Đức Chúa Trời sẽ đem lại một thời kỳ không còn những nỗi đau tột cùng đang đè nặng chúng ta ngày nay.—Ê-sai 65:17; Khải huyền 21:4.
“Tha thứ” những điều mình cho là lỗi lầm. Thỉnh thoảng, thay vì bỏ qua cho người mà mình xem là có lỗi, có lẽ chúng ta cần phải thừa nhận rằng ngay từ đầu, mình không có lý do gì để cảm thấy bị xúc phạm. Kinh Thánh nói: “Chớ vội giận; vì sự giận ở trong lòng kẻ ngu-muội”.—Truyền-đạo 7:9.
Cách tha thứ một người
Nhớ rằng sự tha thứ bao gồm điều gì. Bạn không dung túng cho những điều sai trái hay cư xử như thể những điều đó chưa từng xảy ra, mà đơn giản là bạn buông những điều đó ra.
Ý thức được những lợi ích của việc tha thứ. Buông ra sự giận dữ và thù oán có thể giúp bạn bình tĩnh, cải thiện sức khỏe và hạnh phúc hơn (Châm-ngôn 14:30; Ma-thi-ơ 5:9). Quan trọng hơn, việc tha thứ người khác là bí quyết để được Đức Chúa Trời tha thứ cho những tội lỗi của chính mình.—Ma-thi-ơ 6:14, 15.
Đồng cảm. Tất cả chúng ta đều bất toàn (Gia-cơ 3:2). Chúng ta biết ơn khi được tha thứ, nên chúng ta cũng muốn tha thứ người khác.—Ma-thi-ơ 7:12.
Phải lẽ. Nếu có điều nhỏ nhặt nào đó để phàn nàn, chúng ta có thể áp dụng lời khuyên của Kinh Thánh: ‘Hãy tiếp tục chịu đựng nhau’.—Cô-lô-se 3:13.
Nhanh chóng hành động. Hãy cố gắng tha thứ càng sớm càng tốt thay vì để cho sự oán giận ngày càng gia tăng.—Ê-phê-sô 4:26, 27.