Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Làm sao để đối phó với vấn đề sức khỏe bất ngờ xảy đến?

Làm sao để đối phó với vấn đề sức khỏe bất ngờ xảy đến?

 Sức khỏe của bạn có đang bị xuống dốc bất ngờ không? Nếu thế, hẳn bạn hiểu vấn đề sức khỏe có thể khiến một người bị kiệt quệ về tinh thần, cảm xúc và tài chính. Điều gì có thể giúp bạn đối phó? Làm thế nào để trợ giúp một thành viên trong gia đình hoặc một người bạn đang gặp vấn đề sức khỏe? Dù Kinh Thánh không phải là sách y học, nhưng sách này chứa đựng những nguyên tắc thực tế có thể giúp bạn đương đầu tốt nhất với thử thách đó.

Gợi ý giúp bạn đương đầu với vấn đề sức khỏe

  •   Tìm phương pháp điều trị

     Điều Kinh Thánh nói: “Người khỏe không cần thầy thuốc, chỉ người bệnh mới cần”.—Ma-thi-ơ 9:12.

     Áp dụng thế nào? Tìm sự trợ giúp từ các y bác sĩ khi cần.

     Hãy thử cách này: Cố gắng tìm phương pháp điều trị tốt nhất có thể. Đôi khi điều khôn ngoan là tham khảo ý kiến của bác sĩ thứ hai (Châm ngôn 14:15). Khi nói chuyện với các y bác sĩ, hãy đảm bảo rằng bạn hiểu những gì họ nói và họ hiểu rõ triệu chứng của bạn (Châm ngôn 15:22). Tìm hiểu về bệnh tình của mình, bao gồm những phương pháp điều trị mà mình có thể chọn. Khi biết trước điều gì có thể xảy ra, bạn sẽ chuẩn bị tinh thần tốt hơn để đối phó với vấn đề và đưa ra quyết định khôn ngoan về việc điều trị.

  •   Duy trì thói quen có lợi cho sức khỏe

     Điều Kinh Thánh nói: “Việc rèn luyện thân thể có ích”.​—1 Ti-mô-thê 4:8.

     Áp dụng thế nào? Bạn sẽ được lợi ích khi duy trì thói quen có lợi cho sức khỏe, chẳng hạn như thường xuyên tập thể dục.

     Hãy thử cách này: Có thói quen tập thể dục đều đặn, ăn uống lành mạnh và ngủ đủ giấc. Dù bạn phải thích nghi với tình trạng sức khỏe hiện tại, các chuyên gia cho biết việc đầu tư thời gian và sức lực cho những thói quen như thế sẽ đáng công. Dĩ nhiên, cần đảm bảo rằng những lựa chọn của bạn phù hợp với tình trạng sức khỏe và không làm mất tác dụng của phương pháp điều trị hiện tại.

  •   Tìm sự hỗ trợ của người khác

     Điều Kinh Thánh nói: “Người bạn chân thật yêu thương luôn luôn và là anh em sinh ra cho lúc khốn khổ”.​—Châm ngôn 17:17.

     Áp dụng thế nào? Bạn bè có thể giúp bạn vượt qua những thời điểm khó khăn.

     Hãy thử cách này: Hãy nói chuyện với một người bạn mà mình tin cậy và có thể thoải mái bày tỏ nỗi lòng. Làm thế có thể giúp bạn chịu đựng sự căng thẳng về mặt tinh thần và cảm xúc mà vấn đề sức khỏe gây ra. Hẳn bạn bè và gia đình muốn giúp bạn theo những cách khác nhưng có lẽ họ không biết phải làm gì. Hãy nói rõ những điều họ có thể làm để giúp bạn. Hãy có mong đợi phải lẽ và luôn biết ơn sự hỗ trợ của họ. Đồng thời, hãy nhớ rằng dù bạn bè muốn giúp nhưng đôi khi họ có thể làm những điều khiến mình choáng ngợp. Vì vậy, có lẽ bạn cần đặt vài hạn chế, như giới hạn số lần và thời gian mà người khác đến thăm.

  •   Giữ thái độ tích cực

     Điều Kinh Thánh nói: “Tấm lòng vui mừng là phương thuốc hay, tinh thần suy sụp làm sức hao mòn”.​—Châm ngôn 17:22.

     Áp dụng thế nào? Một thái độ tích cực và lạc quan có thể giúp bạn giữ thăng bằng về cảm xúc và đối phó với vấn đề căng thẳng về sức khỏe.

     Hãy thử cách này: Trong khi thích nghi với hoàn cảnh mới, hãy tập trung vào những điều mình có thể làm thay vì những điều vượt quá tầm kiểm soát của bản thân. Tránh so sánh mình với người khác hoặc với chính mình lúc chưa bị bệnh (Ga-la-ti 6:4). Đặt những mục tiêu hợp lý và nằm trong tầm tay, làm thế có thể giúp bạn lạc quan hướng đến tương lai (Châm ngôn 24:10). Làm điều tốt cho người khác trong hoàn cảnh cho phép. Niềm hạnh phúc đến từ việc cho đi có thể giúp bạn tránh suy nghĩ tiêu cực.​—Công vụ 20:35.

Đức Chúa Trời có giúp bạn đối phó với vấn đề sức khỏe không?

 Kinh Thánh cho biết Giê-hô-va Đức Chúa Trời a có thể giúp một người đối phó với vấn đề sức khỏe. Dù chúng ta không mong đợi được khỏi bệnh bằng phép lạ, nhưng những người thờ phượng Đức Chúa Trời có thể được ngài trợ giúp qua những cách sau:

 Sự bình an. Đức Giê-hô-va có thể ban “sự bình an của [ngài], là điều vượt quá mọi sự hiểu biết” (Phi-líp 4:6, 7). Sự bình an nội tâm này có thể giúp một người tránh lo lắng thái quá. Đức Chúa Trời ban sự bình an ấy cho những ai cầu nguyện và bày tỏ mối lo lắng với ngài.​—1 Phi-e-rơ 5:7.

 Sự khôn ngoan. Đức Giê-hô-va có thể ban cho một người sự khôn ngoan để đưa ra quyết định đúng đắn (Gia-cơ 1:5). Để có sự khôn ngoan ấy, một người cần học và áp dụng những nguyên tắc bất hủ trong Kinh Thánh.

 Hy vọng tuyệt vời về tương lai. Đức Giê-hô-va hứa trong tương lai, “không cư dân nào sẽ nói: ‘Tôi đau ốm’” (Ê-sai 33:24). Hy vọng này giúp nhiều người giữ được thái độ tích cực ngay cả khi phải đối mặt với căn bệnh hiểm nghèo.​—Giê-rê-mi 29:11, 12.

a Giê-hô-va là tên của Đức Chúa Trời được tiết lộ trong Kinh Thánh.​—Thi thiên 83:18.