Giăng Báp-tít là nhân vật có thật không?
Các lời tường thuật trong sách Phúc âm nhắc đến một người đàn ông gọi là Giăng Báp-tít. Ông rao giảng về Nước Đức Chúa Trời tại xứ Giu-đê. Lời Kinh Thánh tường thuật về người đàn ông này có chính xác không? Hãy cùng xem xét.
Kinh Thánh nói: “Giăng Báp-tít đến vùng hoang mạc của Giu-đê rao giảng rằng: ‘Hãy ăn năn, vì Nước Trời đã đến gần’” (Ma-thi-ơ 3:1, 2). Có tài liệu thế tục nào chứng thực những lời này không? Có.
Sử gia Flavius Josephus vào thế kỷ thứ nhất từng miêu tả về một người đàn ông tên là “Giăng, còn gọi là Báp-tít”. Sử gia này cho biết Giăng đã “khuyến giục người Do Thái sống công chính”, thể hiện “lòng sùng kính với Đức Chúa Trời” và “chịu phép báp-têm”.—Jewish Antiquities, Cuốn XVIII.
Kinh Thánh nói rằng Giăng đã khiển trách Hê-rốt An-ti-ba, vua chư hầu vùng Ga-li-lê và Pê-rê. Hê-rốt là người Do Thái trên danh nghĩa và tự xưng là vâng theo Luật pháp. Giăng trách Hê-rốt vì đã lấy Hê-rô-đia, là vợ của anh cùng cha khác mẹ với ông (Mác 6:18). Chi tiết này cũng được tìm thấy trong các tài liệu ngoài Kinh Thánh.
Sử gia Josephus cho biết Hê-rốt An-ti-ba “say mê Hê-rô-đia” và “trơ trẽn hỏi cưới bà”. Hê-rô-đia đã đồng ý và bỏ chồng để cưới Hê-rốt An-ti-ba.
Kinh Thánh tường thuật rằng “dân chúng ở Giê-ru-sa-lem, khắp xứ Giu-đê và vùng xung quanh sông Giô-đanh đều đến với [Giăng]; họ... được ông làm phép báp-têm ở sông Giô-đanh”.—Ma-thi-ơ 3:5, 6.
Ông Josephus cũng ủng hộ chi tiết này khi nói rằng có những “đám đông” đến để thấy Giăng và “họ được kích động [tức phấn khích] mạnh mẽ khi nghe ông thuyết giảng”.
Rõ ràng, sử gia Josephus vào thế kỷ thứ nhất tin rằng Giăng Báp-tít là nhân vật có thật. Chúng ta cũng có thể tin như thế.