TỪ KHO TÀNG TƯ LIỆU
Đẩy mạnh việc xóa mù chữ
Anh Agostinho ở Brazil kể: “Tôi lớn lên tại một trang trại miền quê. Chúng tôi rất nghèo. Tôi phải nghỉ học để làm việc và giúp chu cấp cho gia đình”. Anh Agostinho bị mù chữ cho đến năm 33 tuổi. Anh cho biết: “Biết đọc và biết viết đã giúp tôi có thêm lòng tự trọng”.
Trong 70 năm qua, hơn 250.000 người đã được Nhân Chứng Giê-hô-va dạy đọc và viết, và anh Agostinho là một trong số đó. Tại sao các Nhân Chứng tổ chức những lớp học ấy? Người học nhận được lợi ích nào?
Mù chữ cản trở việc học hỏi
Đến giữa thập niên 1930, Nhân Chứng Giê-hô-va thi hành công việc rao giảng trên 115 quốc gia và vùng lãnh thổ. Để mang tin mừng đến cho những người nói các ngôn ngữ khác nhau, các giáo sĩ mở những bản thu âm bài giảng về Kinh Thánh đã được dịch sẵn, và trong một số trường hợp, họ có thể mời nhận ấn phẩm trong ngôn ngữ địa phương. Dù người ta chú ý đến Kinh Thánh nhưng việc mù chữ cản trở khá nhiều người trong số đó tìm hiểu sách này.
Vì không thể tự đọc Kinh Thánh, nên người ta khó biết cách áp dụng các nguyên tắc trong đó (Giô-suê 1:8; Thi thiên 1:2, 3). Họ cũng gặp khó khăn trong việc thực hiện các trách nhiệm của người tín đồ. Chẳng hạn, các bậc cha mẹ không biết đọc sẽ dạy dỗ con vất vả hơn (Phục truyền luật lệ 6:6, 7). Nếu không biết đọc, những người mới trở thành Nhân Chứng bị giới hạn trong việc dùng Kinh Thánh để dạy người khác.
Phát động chiến dịch xóa mù chữ
Trong thập niên 1940 và 1950, anh Nathan Knorr và anh Milton Henschel, hai trong số các anh dẫn đầu hoạt động của Nhân Chứng Giê-hô-va, đã đi đến nhiều nước để giúp tổ chức công việc rao giảng. Tại những nước mà nạn mù chữ phổ biến, các anh khuyến khích văn phòng chi nhánh địa phương mở lớp xóa mù chữ trong các hội thánh.
Văn phòng chi nhánh gửi chỉ dẫn đến các hội thánh về cách tổ chức lớp học. Tại một số nước, chính quyền địa phương đã có sẵn chương trình dạy chữ mà các anh có thể dùng. Chẳng hạn, ở Brazil, văn phòng chi nhánh nhận công cụ dạy học và sách giáo khoa từ chính phủ, rồi gửi cho hội thánh. Tại một số nước khác, các Nhân Chứng phải tự lên chương trình để dạy.
Ai cũng có thể tham gia lớp học chữ, cả nam lẫn nữ, người trẻ tuổi lẫn người lớn tuổi. Mục tiêu là dạy chữ trong ngôn ngữ mẹ đẻ, cho dù điều này đòi hỏi một hội thánh phải mở vài lớp dạy ngôn ngữ khác nhau.
Một chương trình hữu ích
Người học nhận được lợi ích nào từ chương trình xóa mù chữ? Một Nhân Chứng ở Mexico kể: “Bây giờ tôi có thể hiểu sự dạy dỗ trong Kinh Thánh, nhờ thế Lời Đức Chúa Trời động đến lòng tôi. Việc biết đọc đã giúp tôi tự tin chia sẻ Kinh Thánh cho người khác, và tôi có thể mang thông điệp Kinh Thánh đến cho nhiều người hơn”.
Chương trình xóa mù chữ không chỉ giúp người ta hiểu Kinh Thánh. Anh Isaac từ Burundi cho biết: “Nhờ biết đọc và biết viết, tôi học được các kỹ năng xây cất. Tôi theo nghề xây dựng và hiện nay tôi giám sát những dự án xây cất lớn”.
Chị Jesusa từ Peru bắt đầu tham dự lớp xóa mù chữ khi 49 tuổi. Chị cho biết: “Là người nội trợ, tôi cần xem giá cả và tên của những món hàng ở chợ. Trước đây điều này là thách đố với tôi. Nhờ lớp học xóa mù chữ, tôi tự tin hơn khi đi mua sắm cho gia đình”.
Trong những năm qua, các viên chức chính quyền ở nhiều nước đã khen ngợi Nhân Chứng Giê-hô-va về nỗ lực của họ nhằm đẩy mạnh việc xóa mù chữ. Hiện nay, Nhân Chứng Giê-hô-va vẫn tổ chức các lớp xóa mù chữ. Họ dùng chương trình và công cụ được cải tiến qua các năm. Họ cũng biên soạn và in gần 224 triệu sách mỏng trong 720 ngôn ngữ để giúp những người mù chữ hoặc những người ít học. a
a Ví dụ, sách mỏng Gắng công tập đọc và tập viết (Apply Yourself to Reading and Writing) có trong 123 ngôn ngữ, và sách mỏng Lắng nghe Đức Chúa Trời có trong 610 ngôn ngữ.