Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Thuyền Lightbearer mang ánh sáng thiêng liêng đến Đông Nam Á

Thuyền Lightbearer mang ánh sáng thiêng liêng đến Đông Nam Á

 Vào đầu thập niên 1930, Indonesia, Malaysia và nước mà nay là Papua New Guinea hầu như chưa được Nhân Chứng Giê-hô-va rao giảng. Làm sao tin mừng đến được với những nước này? Nhận ra nhu cầu đó, chi nhánh Úc (nay là chi nhánh Úc-Á) đã mua một con thuyền chạy bằng máy, dài 16m và có hai cột buồm. Con thuyền này được đặt tên là Lightbearer (Người mang ánh sáng), vì các thủy thủ, tất cả đều là tiên phong, a sẽ dùng thuyền này để mang ánh sáng thiêng liêng đến những xứ xa xôi.​—Ma-thi-ơ 5:14-16.

Rao giảng ở New Guinea

 Vào tháng 2 năm 1935, đoàn thủy thủ gồm bảy người giong buồm ra khơi. Từ Sydney, nằm trên bờ biển phía đông của Úc, họ đi về phía bắc để đến Port Moresby, New Guinea. Trên biển, họ bắt cá để ăn và dừng ở một số cảng để mua thêm nhiên liệu và thức ăn cũng như sửa chữa thuyền. Vào ngày 10-4-1935, từ Cooktown, Queensland, họ lại ra khơi. Họ nổ máy khi sắp đến chặng băng qua Vỉa san hô khổng lồ (Great Barrier Reef) đầy nguy hiểm. Nhưng máy bắt đầu phát ra tiếng bất thường nên họ phải tắt máy. Họ nên quay trở lại hay đi tiếp đến New Guinea? Thuyền trưởng là anh Eric Ewins cho biết: “Lúc đó chúng tôi không muốn quay đầu trở lại”. Vì thế, thuyền Lightbearer cứ đi tiếp và đến Port Moresby một cách an toàn vào ngày 28-4-1935.

Đoàn thủy thủ của thuyền Lightbearer, từ trái sang phải: William Hunter, Charles Harris, Alan Bucknell (ngồi ở dưới phía trước), Alfred Rowe, Frank Dewar, Eric Ewins, Richard Nutley

 Trong khi chờ thợ sửa máy, đoàn thủy thủ, ngoại trừ anh Frank Dewar, đi rao giảng tin mừng ở Port Moresby. Anh Frank, được một thủy thủ gọi là “tiên phong kiên cường”, kể lại: ‘Tôi mang một lô sách và đi bộ khoảng 32km hoặc hơn để rao giảng cho cư dân trong vùng nội địa’. Khi trở lại, anh đi đường khác và phải lội qua một con sông nhỏ có cá sấu. Nhưng anh đi rất cẩn thận và về đến nơi an toàn. Nỗ lực rao giảng của đoàn thủy thủ đã mang lại kết quả. Sau này, một số người nhận ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh vào lúc đó đã trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va.

Rao giảng ở Java

 Khi máy được sửa xong, thuyền Lightbearer rời Port Moresby và tiến đến đảo Java thuộc Đông Ấn Hà Lan (Dutch East Indies, phần lớn nay thuộc Indonesia). Sau khi dừng ở một vài nơi để mua thêm những thứ cần dùng, đoàn thủy thủ cập bến ở Batavia (nay là Jakarta) vào ngày 15-7-1935.

 Vào thời điểm này, anh Charles Harris chia tay thuyền Lightbearer và ở lại Java. Tại đây, anh tiếp tục rao giảng tin mừng một cách sốt sắng. b Anh cho biết: “Vào thời đó, công việc rao giảng của chúng ta chủ yếu là để lại ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh rồi đi đến thị trấn kế tiếp. Tôi mang theo ấn phẩm trong tiếng Ả Rập, tiếng Anh, tiếng Hà Lan, tiếng Hoa và tiếng Indonesia. Người ta sẵn lòng nhận nên tôi đã phân phát tới 17.000 ấn phẩm một năm”.

Thuyền Lightbearer căng buồm ra hết

 Lòng sốt sắng của anh Charles đã khiến các bậc cầm quyền Hà Lan chú ý. Có lần, viên cảnh sát hỏi một Nhân Chứng khác đang rao giảng ở Java là có bao nhiêu Nhân Chứng đang hoạt động ở Đông Java, nơi anh Charles rao giảng. Anh Nhân Chứng đáp: “Chỉ có một người thôi”. Viên cảnh sát quát: “Anh nghĩ tôi tin điều đó sao? Chắc chắn phải có một đội quân của các anh đang hoạt động ở đó, vì ấn phẩm của các anh nhan nhản khắp nơi”.

Rao giảng ở Singapore và Malaysia

 Từ Indonesia, thuyền Lightbearer nhổ neo để đến Singapore, và tới nơi vào ngày 7 tháng 8. Tại mỗi chạm dừng chân, các anh mở những bài giảng thu âm, dùng bộ khuếch đại âm thanh và loa của thuyền. Cách thức rao truyền tin mừng này thường thu hút nhiều sự chú ý. Tờ Singapore Free Press đăng tin là “có một giọng lớn vang vọng trên biển... vào đêm thứ tư”. Bài nói thêm: “Đó là một bài thuyết giảng rất đặc biệt... được phát từ con thuyền ‘Lightbearer’ đến từ Úc. Từ khi vào Singapore, con thuyền này đã phát các chương trình của Hội Tháp Canh”. Bài này cũng cho biết: “Trong thời tiết thuận lợi, người ta có thể nghe rõ những chương trình đó dù ở cách xa 3 đến 4km”.

 Khi thuyền Lightbearer ở Singapore, anh Frank Dewar chia tay đoàn để bắt đầu nhiệm sở mới. Anh kể lại: “Chúng tôi làm tiên phong ở Singapore nhưng vẫn sống trên thuyền. Đến lúc thuyền Lightbearer rời đi, anh Eric Ewins làm tôi sốc khi nói: ‘Anh Frank, anh nói rằng anh chọn nước Xiêm (nay là Thái Lan) làm khu vực rao giảng. Chúng tôi chỉ đưa anh đến đây thôi. Bây giờ anh hãy tự đi nhé!’. Tôi há hốc miệng và nói lắp bắp: ‘Tôi còn không biết nước đó ở đâu mà!’”. Anh Eric cho anh Frank biết là anh có thể đến đó bằng xe lửa từ Kuala Lumpur, hiện nay thuộc Malaysia. Anh Frank nghe theo và đến Kuala Lumpur, rồi tới Thái Lan vài tháng sau đó. c

 Khi tiến lên bờ biển phía tây của Malaysia, thuyền Lightbearer dừng ở Johore Bahru, Muar, Malacca, Klang, Port Swettenham (nay là Port Klang) và Penang. Tại mỗi cảng, đoàn thủy thủ mở các bài giảng thu âm về Kinh Thánh và dùng loa của thuyền. Chị Jean Deschamp, lúc đó đang phụng sự ở Indonesia, kể lại: “Ngay cả đĩa bay cũng không thu hút sự chú ý bằng các bài giảng ấy”. Sau khi mở các bài thu âm đó, đoàn thủy thủ lên bờ và mời người chú ý nhận ấn phẩm.

Rao giảng ở Sumatra

 Từ Penang, họ băng qua eo biển Malacca để đến Medan, Sumatra (nay thuộc Indonesia). Anh Eric Ewins kể: “Chúng tôi có thời gian rất vui và thú vị ở vùng Medan, và nhiều người sẵn lòng nghe tin mừng”. Các anh đã phân phát khoảng 3.000 ấn phẩm ở đó.

 Khi thuyền Lightbearer đi tiếp về phía nam, đoàn thủy thủ rao giảng ở những cảng lớn nằm trên bờ biển phía đông của Sumatra. Vào tháng 11 năm 1936, thuyền trở lại Singapore, và tại đó anh Eric Ewins đã chia tay đoàn. Vài tuần sau, anh kết hôn với một chị Nhân Chứng ở Singapore là Irene Struys. Vợ chồng họ tiếp tục làm tiên phong ở Sumatra. Dĩ nhiên, thuyền Lightbearer cần thuyền trưởng mới.

Rao giảng ở Borneo

 Thuyền trưởng mới là anh Norman Senior, từng học nghề lái thuyền. Anh đến từ Sydney vào tháng 1 năm 1937. Sau đó đoàn thủy thủ rời Singapore để đến Borneo và Celebes (nay là Sulawesi). Tại những nơi đó, họ làm chứng khắp một vùng rộng lớn, đi xa đến 480km trong vùng nội địa.

 Khi thuyền Lightbearer đến cảng Samarinda ở Borneo, trưởng cảng không cho phép đoàn thủy thủ rao giảng cho người địa phương. Tuy nhiên, khi anh Norman giải thích về công việc rao giảng của chúng ta, ông bắt đầu hợp tác và thậm chí nhận một số ấn phẩm.

 Vào dịp khác, một mục sư địa phương mời anh Norman đến nói bài giảng tại nhà thờ của ông. Thay vì nói bài giảng, anh Norman mở năm bài giảng thu âm về Kinh Thánh, và mục sư đã hưởng ứng tích cực. Ông còn nhận một số ấn phẩm để cho các bạn của mình. Nhưng ông là trường hợp ngoại lệ. Các chức sắc nói chung thì không vui với công việc của Nhân Chứng Giê-hô-va. Họ còn nổi giận khi thấy đoàn thủy thủ làm chứng dạn dĩ, thậm chí gây áp lực để các bậc cầm quyền cấm thuyền Lightbearer cập bến ở các cảng khác.

Bản đồ cho thấy các chuyến hành trình của thuyền Lightbearer, hiển thị những địa danh được dùng vào thời ấy

Trở về Úc

 Vào tháng 12 năm 1937, sau khi bị cấm đoán bởi áp lực của hàng giáo phẩm, thuyền Lightbearer trở về Úc. Đoàn thủy thủ thả neo ở cảng Sydney và kịp dự hội nghị của Nhân Chứng Giê-hô-va vào tháng 4 năm 1938. Hơn ba năm đã trôi qua kể từ khi thuyền này rời Sydney. Thuyền Lightbearer được bán đi vào đầu thập niên 1940, ít lâu sau khi công việc của các Nhân Chứng ở Úc bị cấm đoán. Anh Eric Ewins nói: “Thuyền Lightbearer đã đạt được mục đích của nó”. Với anh, những năm được đồng hành cùng thuyền ấy nằm trong số “những năm hạnh phúc nhất trong đời”.

Di sản lâu bền của thuyền Lightbearer

 Đoàn thủy thủ của thuyền Lightbearer gieo hạt giống Nước Trời trong vùng rộng lớn có dân số đông. Bất kể sự chống đối, công việc của họ dần sinh hoa kết quả (Lu-ca 8:11, 15). Thật vậy, ở những nước mà các tiên phong ấy từng rao giảng, hiện nay có hơn 40.000 người công bố về Nước Trời. Đó quả là di sản tuyệt vời của một nhóm anh can đảm và con thuyền có tên rất thích hợp!

a Tiên phong là Nhân Chứng Giê-hô-va phụng sự trọn thời gian.

b Kinh nghiệm của anh Charles Harris được đăng trong Tháp Canh ngày 1-6-1994 (Anh ngữ).

c Xem Niên giám của Nhân Chứng Giê-hô-va năm 1991 (Anh ngữ), trang 187.