Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

TỪ KHO TÀNG TƯ LIỆU

Nhân Chứng Giê-hô-va ở New Zealand thật sự là những tín đồ tin kính và hiếu hòa

Nhân Chứng Giê-hô-va ở New Zealand thật sự là những tín đồ tin kính và hiếu hòa

 Vào ngày 21-10-1940, New Zealand tuyên bố Nhân Chứng Giê-hô-va là tổ chức chống chính quyền và mối nguy hiểm cho cộng đồng. Dù lệnh tuyên bố ấy gây ra nhiều khó khăn cho Nhân Chứng Giê-hô-va nhưng họ không nhụt chí. Chẳng hạn, họ tiếp tục nhóm lại thờ phượng cho dù có nguy cơ bị chính quyền đột kích và bắt giữ.

 Anh Andy Clarke là chồng của một Nhân Chứng tên là Mary. Dù không cùng đức tin nhưng anh thấy vợ mình quyết tâm không bỏ nhóm họp bất kể sự đe dọa. Vì sợ là vợ sẽ bị bắt khi tham dự nhóm họp nên anh bắt đầu đi cùng chị dù trước đó anh không thường làm thế. Và anh nói với vợ: “Nếu họ bắt em thì họ cũng phải bắt anh!”. Kể từ đó, anh Andy tham dự mỗi buổi nhóm họp cùng vợ. Với thời gian, anh cũng báp-têm trở thành Nhân Chứng. Chị Mary là một trong nhiều Nhân Chứng ở New Zealand có lòng quyết tâm như thế khi đứng trước sự bắt bớ trong Thế Chiến II.

Tiến tới về thiêng liêng dù bị cầm tù

 Một ngày nọ, cảnh sát bắt anh John Murray 78 tuổi khi anh đang chia sẻ Kinh Thánh từng nhà. Tòa án kết tội anh là tham gia các hoạt động của tổ chức chống chính quyền. Cũng có hàng chục Nhân Chứng khác phải hầu tòa. Một số bị phạt tiền, số khác bị cầm tù có khi đến ba tháng trong một lần.

 Các Nhân Chứng từ chối nhập ngũ vì cớ lương tâm được Kinh Thánh rèn luyện (Ê-sai 2:4). Vì thế, trong thời chiến, nhiều Nhân Chứng chịu thử thách cam go khi bị gọi nhập ngũ. Thay vì bị huấn luyện trong quân đội, khoảng 80 Nhân Chứng bị giam giữ suốt thời chiến. Ở đó, ngay cả khi bị đối xử khắc nghiệt và chịu cái lạnh thấu xương của mùa đông, những Nhân Chứng ấy vẫn tiếp tục vui mừng thờ phượng Đức Giê-hô-va.

 Nhân Chứng trong trại nhanh chóng tổ chức các hoạt động thiêng liêng đều đặn. Họ sinh hoạt giống như hội thánh, có các buổi nhóm họp đều đặn và những sắp đặt để rao giảng cho tù nhân khác. Các Nhân Chứng thậm chí được phép tổ chức hội nghị ở một số trại giam với sự giám sát của một lính canh. Một số tù nhân học Kinh Thánh trong trại và báp-têm.

Các Nhân Chứng ở trong trại tổ chức Trường thánh chức

 Anh Bruce, con út của chị Mary và anh Andy được đề cập ở trên, xem thời gian ở trong trại là cơ hội để tiến bộ về thiêng liêng. Anh nhớ lại: “Với tôi, thời gian đó giống như đi học vì tôi có thể học hỏi từ những anh giàu kinh nghiệm hơn và hấp thu tất cả sự hiểu biết mình nhận được”.

 Vào năm 1944, chính phủ xem xét việc thả một số tù nhân. Tuy nhiên, giới chức quân sự phản đối vì họ tin rằng nếu được thả thì các Nhân Chứng sẽ tiếp tục chia sẻ niềm tin cho người khác. Trong báo cáo, họ nói: “Dù việc tiếp tục cầm tù có thể giúp kiểm soát được phần nào bọn cuồng tín này nhưng không bao giờ khiến họ thay đổi”.

Không phải là mối nguy hiểm cho cộng đồng

 Vì cộng đồng biết đến sự cấm đoán nên một số người tò mò về Nhân Chứng Giê-hô-va. Với thời gian, nhiều người nhận ra Nhân Chứng Giê-hô-va không hề là mối nguy hiểm cho cộng đồng. Họ hiểu rằng các Nhân Chứng là những tín đồ hiếu hòa và không gây hại. Kết quả là số Nhân Chứng ở New Zealand tăng từ 320 người vào năm 1939 lên 536 người vào năm 1945!

 Có một số viên chức không thiên vị đã công nhận rằng việc cấm đoán Nhân Chứng Giê-hô-va là bất công. Sau khi nghe lời cáo buộc chống lại một anh đi rao giảng, một thẩm phán đã bãi bỏ vụ kiện. Ông nói: “Theo quan điểm của tôi và sự hiểu biết của tôi về pháp luật thì việc kết tội một người vì người ấy phân phát Kinh Thánh là chuyện không thể chấp nhận được”.

 Khi lệnh cấm đoán được bãi bỏ vào cuối thế chiến, các Nhân Chứng càng quyết tâm hơn bao giờ hết để giúp người khác học về Nước Đức Chúa Trời. Vào năm 1945, một lá thư của văn phòng chi nhánh gửi cho tất cả các hội thánh ở New Zealand có viết: “Mỗi anh chị hãy tế nhị, thân thiện và tử tế với mọi người. Hãy tránh tranh cãi và xung đột. Hãy nhớ rằng những người chúng ta gặp thì hết lòng với đạo của họ... Nhiều người trong số đó là ‘chiên’ của Chúa và chúng ta phải dẫn họ đến với Đức Giê-hô-va và nước của ngài”.

 Hiện nay, Nhân Chứng Giê-hô-va ở New Zealand tiếp tục chia sẻ thông điệp Kinh Thánh với người địa phương và du khách. Ngày nọ, chỉ trong vài tiếng, một nhóm gồm bốn Nhân Chứng ở Turangi đã rao giảng cho 67 du khách từ 17 nước!

 Rõ ràng, người dân ở New Zealand nhận ra rằng Nhân Chứng Giê-hô-va là những tín đồ tin kính, hiếu hòa và quý trọng Kinh Thánh. Mỗi năm có hàng trăm người báp-têm trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va. Đến năm 2019, có hơn 14.000 Nhân Chứng vui mừng phụng sự Đức Giê-hô-va tại vùng đất phía nam này.

Một buổi nhóm họp được tổ chức sau khi có lệnh cấm đoán vào năm 1940

Những phòng giam đơn tại trại giam ở North Island, New Zealand

Trại giam Hautu ở North Island, New Zealand

Năm 1949, một nhóm Nhân Chứng từng bị giam vì lập trường trung lập