Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Chính phủ Đức Chúa Trời bắt đầu trị vì

Chính phủ Đức Chúa Trời bắt đầu trị vì

Chương 16

Chính phủ Đức Chúa Trời bắt đầu trị vì

1. a) Từ lâu rồi những người có đức tin đã từng mong mỏi điều gì? b) Tại sao Nước Đức Chúa Trời được gọi là một “thành”?

TỪ HÀNG NGÀN năm nay những người có đức tin nơi chính phủ của Đức Chúa Trời đã mong mỏi đến ngày chính phủ đó sẽ bắt đầu cai trị. Chẳng hạn như Kinh-thánh nói rằng người trung thành Áp-ra-ham đã “chờ-đợi một thành có nền vững-chắc, mà Đức Chúa Trời đã xây-cất và sáng-lập” (Hê-bơ-rơ 11:10). “Thành” ấy là Nước của Đức Chúa Trời. Nhưng tại sao ở đây Nước Trời được gọi là một “thành”? Ấy là vì thời xưa một ông vua thường cai trị trên một thành. Do đó người ta đã thường nghĩ đến một thành như là một vương quốc.

2. a) Điều gì chứng tỏ Nước Trời là điều có thật đối với những môn đồ của đấng Christ trong thế kỷ thứ nhứt? b) Họ đã muốn biết điều gì về nước đó?

2 Đối với những môn đồ của đấng Christ trong thế kỷ thứ nhứt, Nước Đức Chúa Trời là điều có thật, bằng cớ là họ nhiệt thành chú trọng đến sự cai trị của nước đó (Ma-thi-ơ 20:20-23). Một câu hỏi trong tâm trí họ là: Bao giờ đấng Christ và các môn đồ của ngài sẽ bắt đầu cai trị? Nhân dịp nọ, khi Giê-su hiện ra cùng các môn đồ ngài sau khi ngài sống lại, họ hỏi ngài: “Lạy Chúa, có phải trong lúc nầy Chúa sẽ lập lại nước Y-sơ-ra-ên chăng?” (Công-vụ các Sứ-đồ 1:6). Còn bạn thì sao, bạn có nóng lòng muốn biết khi nào đấng Christ bắt đầu cai trị với tư cách là Vua của chính phủ Đức Chúa Trời, giống như những môn đồ đấng Christ khi xưa không?

CHÍNH PHỦ MÀ TÍN ĐỒ ĐẤNG CHRIST CẦU NGUYỆN

3, 4. a) Điều gì cho thấy rằng Đức Chúa Trời đã luôn luôn làm Vua? b) Thế tại sao đấng Christ đã dạy các môn đồ ngài cầu nguyện cho Nước Đức Chúa Trời được đến?

3 Đấng Christ đã dạy các môn đồ ngài cầu nguyện Đức Chúa Trời như sau: “Nước Cha được đến; ý Cha được nên, ở đất như trời” (Ma-thi-ơ 6:9, 10). Nhưng có người có lẽ sẽ hỏi: “Giê-hô-va Đức Chúa Trời há đã không luôn luôn làm Vua hay sao? Và nếu Ngài đã từng làm Vua, tại sao ta phải cầu nguyện cho Nước Ngài được đến?”

4 Quả thật Kinh-thánh có gọi Đức Giê-hô-va là “Vua muôn đời” (I Ti-mô-thê 1:17). Và Kinh-thánh có nói: “Đức Giê-hô-va đã lập ngôi Ngài trên các từng trời, nước Ngài cai-trị trên muôn vật” (Thi-thiên 103:19). Như thế Đức Giê-hô-va luôn luôn là Đấng Cai trị Tối cao trên hết thảy mọi sự sáng tạo của Ngài (Giê-rê-mi 10:10). Tuy nhiên, vì có sự phản nghịch chống lại quyền cai trị của Ngài trong vườn Ê-đen, Đức Chúa Trời đã sắp đặt một chính phủ đặc biệt. Sau đó Giê-su Christ đã dạy các môn đồ ngài cầu nguyện cho chính phủ đó được đến. Mục tiêu của chính phủ đó là để chấm dứt những vấn đề gây ra bởi Sa-tan Ma-quỉ và những kẻ đã xây bỏ sự cai trị của Đức Chúa Trời.

5. Nếu nước đó là nước Đức Chúa Trời, thì tại sao cũng được gọi là nước của đấng Christ và nước của 144.000 người?

5 Chính phủ mới của Nước Trời nhận được quyền lực và quyền cai trị từ nơi Vị Vua Lớn, Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Ấy là Nước của Ngài. Rất nhiều lần Kinh-thánh gọi nước đó là “Nước Đức Chúa Trời” (Lu-ca 9:2, 11, 60, 62; I Cô-rinh-tô 6:9, 10; 15:50). Tuy nhiên, vì lẽ Đức Giê-hô-va đã phong cho Con Ngài làm Đấng Cai trị Chính trong nước đó, người ta cũng gọi nước đó là nước của đấng Christ (II Phi-e-rơ 1:11). Như chúng ta đã học qua trong một chương trước đây, 144.000 người trong vòng nhân loại sẽ được cai trị cùng với đấng Christ trong nước này (Khải-huyền 14:1-4; 20:6). Do đó Kinh-thánh cũng gọi nước đó là “nước của họ” (Đa-ni-ên 7:27, NW).

6. Theo ý kiến của một số người, khi nào nước Đức Chúa Trời đã bắt đầu cai trị?

6 Một số người nói rằng Nước Trời đã bắt đầu cai trị ngay từ năm mà Giê-su đã trở về trời. Họ nói rằng đấng Christ đã bắt đầu cai trị khi ngài đổ thánh linh trên các môn đồ ngài vào ngày lễ Ngũ-tuần của dân Giu-đa năm 33 kỷ nguyên chung (Công-vụ các Sứ-đồ 2:1-4). Nhưng chính phủ Nước Trời mà Đức Giê-hô-va đã sắp đặt để chấm dứt mọi vấn đề gây ra bởi sự phản nghịch của Sa-tan đã không bắt đầu cai trị ngay từ lúc đó. Không có điều gì cho thấy rằng “con trai”, tức là chính phủ của Đức Chúa Trời do đấng Christ cai trị, đã ra đời lúc đó và đã bắt đầu cai trị cả (Khải-huyền 12:1-10). Liệu Giê-su, dưới một hình thức nào đó, đã có một nước vào năm 33 kỷ nguyên chung không?

7. Kể từ năm 33 kỷ nguyên chung, đấng Christ đã cai trị trên ai?

7 Có, lúc bấy giờ Giê-su đã bắt đầu cai trị trên hội-thánh gồm có các môn đồ của ngài, những người này khi đến lúc sẽ được lên trời để sum hợp với ngài. Vì vậy Kinh-thánh nói về họ, lúc họ còn ở trên đất, như là đã được “dời qua nước của Con rất yêu-dấu Ngài (Đức Chúa Trời)” (Cô-lô-se 1:13). Nhưng sự cai trị này, hay “nước”, trên những tín đồ đấng Christ có hy vọng sẽ được sống ở trên trời, không phải là chính phủ Nước Trời mà Giê-su đã dạy các môn đồ của ngài cầu nguyện cho được đến. Nước này chỉ cai trị trên 144.000 người sau này sẽ cùng trị vì với ngài ở trên trời. Trải qua nhiều thế kỷ chỉ có những tín đồ đấng Christ này là công dân của nước đó. Như thế thì sự cai trị này, hay là “nước của Con rất yêu-dấu của Đức Chúa Trời”, sẽ kết thúc khi người dân cuối cùng có hy vọng lên trời sẽ chết đi và được sum hợp với đấng Christ ở trên trời. Bấy giờ họ sẽ không còn là dân của đấng Christ nữa, nhưng họ sẽ làm vua cùng với ngài trong chính phủ Nước Trời đã được Đức Chúa Trời hứa từ bấy lâu nay.

BẮT ĐẦU CAI TRỊ GIỮA NHỮNG KẺ THÙ NGHỊCH

8. a) Điều gì cho thấy rằng sau khi được sống lại đấng Christ đã phải chờ đợi một thời gian trước khi bắt đầu cai trị? b) Đức Chúa Trời nói gì với đấng Christ khi đã đến lúc để ngài bắt đầu cai trị?

8 Khi đấng Christ trở về trời sau sự sống lại của ngài, ngài đã không bắt đầu cai trị với tư cách là Vua trong chính phủ của Đức Chúa Trời ngay lúc đó. Trái lại, ngài đã phải chờ đợi một thời gian, như sứ đồ Phao-lô có giải thích: “Đấng nầy (Giê-su Christ), đã vì tội-lỗi dâng chỉ một của-lễ, rồi ngồi đời đời bên hữu Đức Chúa Trời, từ rày về sau đương đợi những kẻ thù-nghịch ngài bị để làm bệ dưới chơn ngài vậy” (Hê-bơ-rơ 10:12, 13). Khi đã đến lúc để đấng Christ bắt đầu cai trị, Đức Giê-hô-va nói với ngài rằng: “Hãy cai-trị giữa các thù-nghịch ngươi” (Thi-thiên 110:1, 2, 5, 6).

9. a) Tại sao không phải mọi người đều muốn nước Đức Chúa Trời? b) Khi chính phủ của Đức Chúa Trời bắt đầu cai trị, các nước thế gian làm gì?

9 Bạn có lấy làm lạ là chính phủ của Đức Chúa Trời lại có kẻ thù nghịch chăng? Dầu vậy không phải mọi người đều muốn sống dưới một chính phủ đòi hỏi những công dân phải làm điều ngay thẳng. Do đó sau khi cho biết làm thế nào Đức Giê-hô-va và Con Ngài sẽ lấy lại quyền cai trị thế giới, Kinh-thánh nói rằng “các dân-tộc vốn giận-dữ” (Khải-huyền 11:15, 17, 18). Các nước thế gian không hoan nghinh nước Đức Chúa Trời bởi vì Sa-tan lừa dối họ khiến cho họ nghịch lại nước đó.

10, 11. a) Điều gì xảy ra ở trên trời khi chính phủ của Đức Chúa Trời bắt đầu cai trị? b) Điều gì xảy ra ở trên đất? c) Như vậy chúng ta muốn ghi nhớ điểm quan trọng nào?

10 Khi chính phủ của Đức Chúa Trời bắt đầu cai trị, Sa-tan và những quỉ sứ của hắn hãy còn sống ở trên trời. Vì cớ chúng nó chống lại sự cai trị của Nước Trời cho nên lập tức có chiến tranh xảy ra. Hậu quả là Sa-tan cùng các quỉ sứ của hắn bị quăng ra khỏi các từng trời. Khi đó có một tiếng lớn nói rằng: “Bây giờ sự cứu-rỗi, quyền-năng, và nước Đức Chúa Trời chúng ta đã đến cùng quyền-phép của Đấng Christ Ngài nữa”. Đúng vậy, chính phủ của Đức Chúa Trời bắt đầu cai trị! Và sau khi Sa-tan cùng các quỉ sứ của hắn bị trục xuất khỏi các từng trời, ở trên đó ai nấy đều mừng rỡ. Kinh-thánh nói: “Bởi vậy, hỡi các từng trời và các đấng ở đó, hãy vui-mừng đi!” (Khải-huyền 12:7-12).

11 Đối với trái đất có phải đây cũng là lúc để vui mừng không? Không đâu! Trái lại, đây là thời kỳ xáo trộn nhứt chưa hề có ở trên đất. Kinh-thánh nói với chúng ta: “Khốn-nạn cho đất và biển! vì Ma-quỉ biết thì-giờ mình còn chẳng bao nhiêu, nên giận hoảng mà đến cùng các ngươi” (Khải-huyền 12:12). Do đó điều quan trọng nên ghi nhớ là: Hòa bình và an ninh không có ngay khi nước Đức Chúa Trời bắt đầu cai trị. Hòa bình thật sự sẽ đến sau khi nước Đức Chúa Trời hoàn toàn kiểm soát cả trái đất. Điều đó sẽ xảy ra sau khi số “thì-giờ còn chẳng bao nhiêu” chấm dứt, khi Sa-tan và các quỉ sứ của hắn sẽ bị loại ra để chúng không còn gây rối cho một ai nữa cả.

12. Tại sao chúng ta có thể trông đợi Kinh-thánh có nói cho chúng ta biết khi nào nước Đức Chúa Trời sẽ bắt đầu cai trị?

12 Nhưng khi nào Sa-tan bị quăng ra khỏi các từng trời, để rồi gây rối cho cả trái đất trong một khoảng “thì-giờ còn chẳng bao nhiêu”? Khi nào chính phủ của Đức Chúa Trời bắt đầu cai trị? Kinh-thánh có cho câu trả lời không? Chúng ta nên trông đợi Kinh-thánh có giải đáp thắc mắc đó. Tại sao? Ấy là bởi vì cách đây lâu lắm rồi Kinh-thánh đã tiên tri lúc nào Con của Đức Chúa Trời sẽ xuất hiện trước nhứt như là một người ở trên đất để trở thành đấng Mê-si. Thật thế, Kinh-thánh đã chỉ rõ ngay cả năm mà ngài trở thành đấng Mê-si. Vậy thì nói sao đây về một việc quan trọng hơn thế nữa, tức là việc đấng Mê-si, hay đấng Christ, đến để bắt đầu cai trị trong Nước Trời? Chắc chắn chúng ta có thể trông đợi là Kinh-thánh cũng nói cho chúng ta biết chừng nào điều đó sẽ xảy ra!

13. Kinh-thánh báo trước ngay cả năm mà đấng Mê-si xuất hiện trên đất như thế nào?

13 Nhưng có lẽ có người sẽ hỏi: “Chỗ nào trong Kinh-thánh có báo trước ngay cả năm mà đấng Mê-si xuất hiện trên đất?” Sách Đa-ni-ên trong Kinh-thánh có nói: “Từ khi ra lịnh tu-bổ và xây lại Giê-ru-sa-lem, cho đến Đấng chịu xức dầu, tức là vua, thì được bảy tuần-lễ, và sáu mươi hai tuần-lễ”, tổng cộng 69 tuần lễ (Đa-ni-ên 9:25). Tuy nhiên, đây không phải là 69 tuần lễ hiểu theo nghĩa đen, tức là 483 ngày, hay chỉ hơn một năm chút ít thôi. Thật ra đó là 69 tuần lễ năm, tức là 483 năm (So sánh Dân-số Ký 14:34). Lệnh tu bổ và xây lại tường thành Giê-ru-sa-lem đã được ban ra năm 455 trước tây lịch * (Nê-hê-mi 2:1-8). Như vậy 69 tuần lễ năm này đã chấm dứt 483 năm sau đó, tức năm 29 tây lịch. Vả, chính vào năm đó Giê-su đã đi đến cùng Giăng để chịu phép báp têm! Vào dịp ấy ngài đã được xức dầu bằng thánh linh và trở thành đấng Mê-si, tức là đấng Christ (Lu-ca 3:1, 2, 21-23).

KHI NÀO CHÍNH PHỦ CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI BẮT ĐẦU CAI TRỊ?

14. Cái “cây” trong sách Đa-ni-ên đoạn 4 biểu hiệu cho cái gì?

14 Thế thì nơi nào trong Kinh-thánh cho biết trước năm nào đấng Christ bắt đầu cai trị với tư cách là vua trong chính phủ của Đức Chúa Trời? Cũng chính nơi sách Đa-ni-ên trong Kinh-thánh (Đa-ni-ên 4:10-37). Ở đó vua Nê-bu-cát-nết-sa của xứ Ba-by-lôn đã được tượng trưng bằng một cây to lớn cao ngất đến tận trời. Vào thời đó ông là một người cai trị cao cả nhứt. Dầu vậy, Vua Nê-bu-cát-nết-sa đã bị buộc lòng phải nhìn nhận là có một đấng cao hơn ông đang cai trị. Đấng đó là “Đấng Rất Cao”, hay là “Vua trên trời”, Giê-hô-va Đức Chúa Trời (Đa-ni-ên 4:34, 37). Do đó, cái cây cao ngót trời tượng trưng một cách còn quan trọng hơn nữa quyền cai trị tối thượng của Đức Chúa Trời, đặc biệt đối với trái đất chúng ta. Quyền cai trị của Đức Giê-hô-va đã được biểu hiệu trong một thời gian qua nước mà Ngài đã thành lập cho dân Y-sơ-ra-ên. Bởi lẽ đó những vua thuộc chi phái Giu-đa cai trị trên dân Y-sơ-ra-ên đã được coi như là “ngồi lên trên ngôi của Đức Giê-hô-va” (I Sử-ký 29:23).

15. Khi cái “cây” ấy bị đốn đi, tại sao lại bị buộc bằng dây xích?

15 Theo lời tường thuật của Kinh-thánh trong sách Đa-ni-ên đoạn 4, cái cây cao ngót trời đó đã bị đốn đi. Tuy nhiên gốc rễ được để lại và bị buộc bằng một dây xích bằng sắt và đồng, nhằm không cho rễ ấy nẩy mầm và lớn lên cho đến kỳ mà Đức Chúa Trời định để gỡ dây xích, hầu cho gốc rễ đó lại nẩy mầm lớn lên một lần nữa. Nhưng sự cai trị của Đức Chúa Trời đã bị gián đoạn như thế nào và vào lúc nào?

16. a) Sự cai trị của Đức Chúa Trời bị gián đoạn như thế nào và từ khi nào? b) Vua cuối cùng của nước Giu-đa ngồi trên “ngôi của Đức Giê-hô-va” đã nghe lời phán nào?

16 Dần dần nước của dân Giu-đa mà Đức Giê-hô-va đã lập lên trở nên thối nát đến đỗi Ngài cho phép Vua Nê-bu-cát-nết-sa hủy diệt nó đi, hạ bệ nó xuống. Điều đó đã xảy ra vào năm 607 trước tây lịch. Vào thời đó Sê-đê-kia, vua cuối cùng của nước Giu-đa được ngồi trên ngôi của Đức Giê-hô-va, đã nghe lời phán như sau: “Hãy lột mão triều-thiên nầy...sự nầy cũng sẽ không còn nữa, cho đến chừng nào Đấng đáng được sẽ đến, thì ta sẽ giao cho” (Ê-xê-chi-ên 21:30-32).

17. Thời kỳ nào đã bắt đầu vào năm 607 trước tây lịch?

17 Vậy sự cai trị của Đức Chúa Trời, tượng trưng bởi cái “cây”, đã bị gián đoạn vào năm 607 trước tây lịch. Từ đó không có chính phủ nào tượng trưng cho quyền cai trị của Đức Chúa Trời trên trái đất nữa. Như vậy vào năm 607 trước tây lịch đã bắt đầu thời kỳ mà Giê-su Christ sau này gọi là “các kỳ dân ngoại” (Lu-ca 21:24). Trong suốt các “kỳ” này Đức Chúa Trời không có một chính phủ nào biểu hiệu cho quyền cai trị của Ngài ở trên đất cả.

18. Điều gì phải xảy ra khi “các kỳ dân ngoại” chấm dứt?

18 Điều gì phải xảy ra khi “các kỳ dân ngoại” chấm dứt? Đức Giê-hô-va sẽ giao quyền cai trị cho đấng “đáng được”. Đấng đó là Giê-su Christ. Như thế nếu chúng ta có thể tìm ra được chừng nào “các kỳ dân ngoại” chấm dứt, thì chúng ta sẽ biết được chừng nào đấng Christ bắt đầu cai trị.

19. Quyền cai trị của Đức Chúa Trời phải bị gián đoạn trong bao nhiêu “kỳ”?

19 Theo sách Đa-ni-ên đoạn 4, “các kỳ” này là “bảy kỳ”. Đa-ni-ên cho thấy là sẽ có “bảy kỳ” trong đó quyền cai trị của Đức Chúa Trời tượng trưng bởi cái “cây” sẽ không được thi hành trên đất (Đa-ni-ên 4:16, 23). “Bảy kỳ” này kéo dài bao lâu?

20. a) Một “thì” dài bao lâu? b) “Bảy thì” dài bao lâu? c) Tại sao chúng ta tính một ngày bằng một năm?

20 Trong Khải-huyền, đoạn 12, câu 6 và 14, chúng ta biết được là 1.260 ngày tương đương với “một thì, các thì (tức là 2 thì) và nửa thì”. Tổng cộng là ba thì rưỡi. Suy ra “một thì” tương đương với 360 ngày. Do đó, “bảy thì” tính ra là 7 lần 360, tức là 2.520 ngày. Bây giờ nếu chúng ta tính một ngày bằng một năm, thể theo một qui luật của Kinh-thánh, “bảy thì” (hay “bảy kỳ”) tương đương với 2.520 năm (Dân-số Ký 14:34; Ê-xê-chi-ên 4:6).

21. a) Khi nào “các kỳ dân ngoại” bắt đầu và chấm dứt? b) Khi nào chính phủ của Đức Chúa Trời bắt đầu cai trị? c) Tại sao vẫn còn thích hợp để chúng ta cầu nguyện cho nước Đức Chúa Trời được đến?

21 Chúng ta đã học biết rồi là “các kỳ dân ngoại” đã bắt đầu vào năm 607 trước tây lịch. Như thế thì tính 2.520 năm kể từ năm ấy, chúng ta sẽ đến năm 1914 kỷ nguyên chung. Đây là năm mà “các kỳ” này đã chấm dứt. Hàng triệu người hiện còn sống hãy còn nhớ đến những việc đã xảy ra vào năm 1914. Trong năm đó trận Thế chiến thứ nhứt đã mở màn cho một thời kỳ xáo trộn khủng khiếp vẫn còn kéo dài cho đến ngày nay. Điều này có nghĩa là Giê-su Christ đã bắt đầu cai trị với tư cách là vua trong chính phủ của Đức Chúa Trời ở trên trời vào năm 1914. Và chính vì Nước Trời đã bắt đầu cai trị rồi, thật là đúng lúc để chúng ta cầu nguyện cho nước đó được “đến” và dẹp tan hệ thống mọi sự gian ác của Sa-tan khỏi mặt đất! (Ma-thi-ơ 6:10; Đa-ni-ên 2:44).

22. Có người có lẽ sẽ đặt câu hỏi nào?

22 Tuy vậy, có người có lẽ sẽ hỏi: “Nếu đấng Christ đã trở lại rồi để cai trị trong nước của Cha ngài, tại sao chúng ta không thấy ngài?”

[Chú thích]

^ đ. 13 Bằng chứng lịch sử cho thấy rằng lệnh này đã được ban ra vào năm 455 trước tây lịch đã được giải thích trong cuốn Aid to Bible Understanding, do Hội Tháp Canh (Watchtower Bible and Tract Society of New York, Inc.) xuất bản, xin đọc dưới tiểu đề “Artaxerxes”.

[Câu hỏi thảo luận]

[Biểu đồ/​Bảng thống kê nơi trang 140, 141]

Năm 607 TCN nước Giu-đa đại diện cho Đức Chúa Trời đã sụp đổ.

Năm 1914 CN Giê-su Christ đã bắt đầu cai trị với tư cách là vua trong chính phủ của Đức Chúa Trời ở trên trời.

607 TCN—1914 CN

Tháng 10 Năm 607 TCN đến Tháng 10 Năm 1 TCN = 606 Năm

Tháng 10 Năm 1 TCN đến Tháng 10 Năm 1914 CN = 1.914 Năm

“BẢY KỲ DÂN NGOẠI” = 2.520 NĂM

[Hình nơi trang 134]

“Có phải trong lúc này Chúa sẽ lập lại nước Y-sơ-ra-ên không?”

[Hình nơi trang 139]

Cây cao lớn trong Đa-ni-ên đoạn 4 tượng trưng sự cai trị của Đức Chúa Trời, được biểu hiệu trong một thời gian qua vương quốc của Giu-đa.

[Hình nơi trang 140, 141]

Cây bị đốn đi khi nước Giu-đa bị hủy diệt.