“Tận-thế” gần đến rồi!
Chương 18
“Tận-thế” gần đến rồi!
1. Làm thế nào các môn đồ trên đất của đấng Christ có thể biết được khi nào ngài đã bắt đầu cai trị ở trên trời?
KHI GIÊ-SU CHRIST đuổi Sa-tan cùng các quỉ sứ của hắn khỏi các từng trời và bắt đầu cai trị trong Nước Trời, điều đó có nghĩa là sự cuối cùng của Sa-tan và hệ thống gian ác của hắn đã gần kề (Khải-huyền 12:7-12). Nhưng làm thế nào các môn đồ của Giê-su ở trên đất có thể biết được là biến cố đó đã xảy ra ở trên trời trong khi mắt phàm không thể nào thấy được? Làm thế nào họ có thể biết được là đấng Christ đang có mặt một cách không thấy được, với quyền hành Nước Trời trong tay và “tận-thế” gần đến? Họ có thể biết được điều ấy nhờ kiểm chứng xem cái “điềm” mà Giê-su ban cho được ứng nghiệm hay chưa.
2. Các môn đồ của đấng Christ đã hỏi ngài điều gì?
2 Ít lâu trước khi Giê-su chết, khi ngài đang ngồi trên Núi Ô-li-ve, bốn người trong số các sứ đồ của ngài đã lại gần ngài để xin ngài cho một “điềm”. Câu hỏi được đặt ra như sau: “Xin Chúa phán cho chúng tôi biết lúc nào những sự đó sẽ xảy ra? và có điềm gì chỉ về sự Chúa đến và tận-thế?” (Ma-thi-ơ 24:3). Nhưng những chữ “Chúa đến” và “tận-thế” thật ra có nghĩa gì?
3. a) Thật ra thì những chữ “sự Chúa đến” và “tận-thế” có nghĩa gì? b) Như thế thì đúng ra câu hỏi của các môn đồ của đấng Christ phải được dịch ra như thế nào?
3 Chữ parousia trong tiếng Hy-lạp được dịch ra là “sự đến”, và chữ này có nghĩa là “sự hiện diện”. Vậy thì khi ta thấy cái “điềm”, ta sẽ biết là đấng Christ đang có mặt mặc dầu không thấy được, và đã đến rồi để cầm quyền trong Nước Trời. Chữ “tận-thế” cũng dễ bị hiểu lầm. Chữ này không có nghĩa là trái đất sẽ bị hủy diệt, nhưng đúng hơn đó là sự cuối cùng của hệ thống mọi sự của Sa-tan (II Cô-rinh-tô 4:4). Bởi lẽ đó, câu hỏi của các sứ đồ phải được dịch ra một cách chính xác như sau: “Xin Chúa phán cho chúng tôi biết lúc nào những sự đó sẽ xảy ra và có điềm gì chỉ về sự hiện diện của Chúa và sự cuối cùng của hệ thống mọi sự?” (Ma-thi-ơ 24:3, NW).
4. a) Những điều gì hợp thành cái “điềm” mà Giê-su đã cho? b) Cái “điềm” đó có thể được ví với dấu tay như thế nào?
II Ti-mô-thê 3:1-5; II Phi-e-rơ 3:3, 4). Những biến cố này giống như những đường chỉ tay tạo thành dấu tay của một người, không giống với dấu tay của một người nào khác cả. Những “ngày sau-rốt” có những đặc điểm riêng biệt hoặc những biến cố hợp thành một “dấu tay” rõ rệt không trùng với bất cứ một thời kỳ nào khác cả.
4 Cái điềm mà Giê-su đã cho không phải chỉ vỏn vẹn gồm có một biến cố mà thôi. Ngài đã nói đến nhiều biến cố và nhiều tình thế. Ngoài Ma-thi-ơ ra, còn có những người khác viết Kinh-thánh đã ghi thêm những biến cố khác đánh dấu “ngày sau-rốt”. Tất cả những sự việc đã được báo trước này phải xảy ra trong thời kỳ mà những người viết Kinh-thánh gọi là “ngày sau-rốt” (5, 6. Khi xem xét 11 bằng chứng của những “ngày sau-rốt” qua những trang sau đây, bạn hiểu được điều gì về sự “cuối cùng của hệ thống mọi sự” hay là “tận-thế”?
5 Ở chương 16 của sách này chúng ta đã xem xét các bằng chứng của Kinh-thánh cho thấy là đấng Christ đã trở lại và đã bắt đầu cai trị giữa những kẻ thù nghịch của ngài vào năm 1914. Giờ đây bạn hãy xem xét kỹ lưỡng nhiều chi tiết khác nhau của cái “điềm” biểu hiệu sự có mặt của đấng Christ cùng với những bằng chứng khác cho thấy là hệ thống mọi sự gian ác của Sa-tan đang ở vào những “ngày sau-rốt”. Trong bốn trang kế tiếp đây bạn sẽ xem xét những điều đã được báo trước, và bạn hãy lưu ý thế nào các điều này được ứng nghiệm kể từ năm 1914.
“DÂN NẦY SẼ DẤY LÊN NGHỊCH CÙNG DÂN KHÁC, NƯỚC NỌ NGHỊCH CÙNG NƯỚC KIA”—Chắc chắn bạn đã thấy phần này của “điềm” được ứng nghiệm rồi từ năm 1914! Thế chiến thứ nhứt đã bùng nổ vào năm đó. Trong lịch sử chưa từng có một cuộc chiến tranh khủng khiếp như vậy. Ấy là một cuộc chiến tranh toàn diện. Trận Thế chiến thứ nhứt lớn hơn gấp bội phần tất cả các cuộc chiến tranh lớn đã xảy ra trong vòng 2.400 năm trước năm 1914. Tuy nhiên chỉ có 21 năm sau khi cuộc chiến đó chấm dứt thì trận Thế chiến thứ hai lại bùng nổ, với mức tàn phá gấp bốn lần trận Thế chiến thứ nhứt.
Chiến tranh tàn khốc hãy còn tiếp diễn. Kể từ khi trận Thế chiến thứ hai đã chấm dứt vào năm 1945, đã có hơn 25 triệu người chết trong khoảng 150 cuộc chiến xảy ra quanh trái đất. Ngày nào cũng có trung bình 12 cuộc chiến đang diễn ra trên thế giới. Và lúc nào cũng có sự đe dọa là sẽ có một trận thế chiến khác nữa. Chỉ một mình Hoa-kỳ cũng có đủ vũ khí hạch tâm để giết hết số đàn ông, đàn bà và trẻ con trên đất đến 12 lần!
“SẼ CÓ ĐÓI KÉM”—Ma-thi-ơ 24:7.
Trận đói kém tàn khốc nhứt trong lịch sử đã xảy ra sau Thế chiến thứ nhứt. Chỉ ở miền Bắc nước Trung-hoa mà thôi, mỗi ngày đã có tới 15.000 người bị chết đói. Nhưng sau trận Thế chiến thứ hai, nạn đói kém lại càng trầm trọng hơn nữa. Một phần tư dân số thế giới lúc đó đã bị đói. Và từ dạo đó nhiều người trên trái đất không có đủ ăn.
Theo báo New York Times năm 1967 thì “tại các nước kém mở mang, cứ mỗi 8,6 giây là có một người chết vì bệnh do sự thiếu ăn gây ra”. Hàng triệu người cứ tiếp tục chết đói, khoảng 50 triệu người mỗi năm! Vào năm 1980, độ một phần tư dân cư trên trái đất (tức 1 tỷ người) đã bị đói vì họ không thể nào có đủ đồ ăn. Ngay cả tại những nơi mà đồ ăn dư dật, nhiều người lại quá nghèo không có tiền để mua đồ ăn.
“DỊCH-LỆ TRONG NHIỀU NƠI” —Liền sau trận Thế chiến thứ nhứt bệnh cúm Y-pha-nho đã tàn sát nhiều nạn nhân hơn là bất cứ bệnh dịch nào khác trong lịch sử nhân loại. Khoảng 21 triệu người đã thiệt mạng! Dù vậy dịch lệ và bệnh tật vẫn tiếp tục hoành hành. Mỗi năm có đến hàng triệu người chết vì đau tim và bị ung thư. Bệnh hoa liễu đang lan tràn một cách nhanh chóng. Những bệnh kinh khủng khác như là bệnh sốt rét, sốt ốc (Bilharziasis), bệnh mù mắt do nước sông (Onchocerciasis) lan tràn ra hết nước này sang nước khác, nhứt là ở Á-châu, Phi-châu, Trung và Nam-Mỹ.
“NHIỀU CHỖ SẼ CÓ...ĐỘNG ĐẤT”—Ma-thi-ơ 24:7.
Từ năm 1914 đến nay, đã có nhiều trận động đất lớn hơn là trong bất cứ thời kỳ nào khác trong lịch sử. Trong hơn 1.000 năm kể từ năm 856 cho đến năm 1914, chỉ có 24 trận động đất lớn làm thiệt mạng 1.973.000 người. Nhưng trong vòng 63 năm kể từ năm 1915 cho đến năm 1978 đã có tới 1.600.000 người chết trong 43 trận động đất lớn.
“TỘI-ÁC SẼ THÊM NHIỀU” —Ma-thi-ơ 24:12.
Tin từ khắp nơi trên thế giới cho thấy tội ác gia tăng. Những tội bạo hành như là tội giết người, hiếp dâm và cướp bóc đang leo thang dữ dội. Chỉ tại Hoa-kỳ, trung bình có một tội trọng xảy ra cứ khoảng mỗi giây đồng hồ. Tại nhiều nơi khác, người ta không cảm thấy an ninh trên đường phố, kể cả ban ngày nữa. Ban đêm thì người ta khóa chặt cửa, gài then sắt, không dám đi ra đường.
“CÓ NHỮNG ĐIỀM LẠ KINH KHIẾP”—Có lẽ sự sợ hãi là cảm giác lớn nhứt trong đời sống của người ta ngày nay. Chẳng bao lâu sau khi các quả bom nguyên tử đầu tiên đã được tung ra, nhà bác học về nguyên tử Harold C. Urey có nói: “Chúng ta sẽ ăn trong sợ hãi, ngủ trong sợ hãi, sống trong sợ hãi và chết trong sợ hãi”. Đây là điều đang xảy ra cho nhiều người. Và lý do không phải chỉ vì mối đe dọa thường xuyên của một trận chiến nguyên tử. Thiên hạ cũng sợ tội ác, sự ô nhiễm, bệnh tật, sự lạm phát và nhiều điều khác đe dọa sự an toàn và ngay cả tính mạng của họ nữa.
“NGHỊCH CHA MẸ”—II Ti-mô-thê 3:2.
Ngày nay các bậc cha mẹ thường ít kiểm soát nổi con cái của họ. Thanh thiếu niên chống đối mọi uy quyền. Do đó mọi quốc gia trên thế giới đều bị nạn tội ác do giới trẻ hoành hành. Hơn phân nửa những tội trọng xảy ra trong vài nước là do trẻ con từ 10 đến 17 tuổi gây ra. Thiếu niên phạm tội giết người, hiếp dâm, hành hung cướp bóc, ăn trộm, trộm xe hơi. Chưa bao giờ trong lịch sử con cái ngỗ nghịch lại cha mẹ nhiều đến thế.
“THAM TIỀN”—II Ti-mô-thê 3:2.
Ngày nay bất cứ nơi nào, bạn cũng có thể thấy những hành động tham lam. Nhiều kẻ sẽ làm bất cứ điều gì để có tiền. Họ sẵn sàng trộm cướp hoặc đi đến chỗ giết người. Lắm khi những người tham lam sản xuất và bán những đồ vật mà người ta biết là có thể làm cho người tiêu thụ mang bệnh hay chết đi. Người ta chứng tỏ một cách công khai hay qua lối sống của họ rằng tiền bạc là một thần thánh mà họ tôn thờ.
“ƯA-THÍCH SỰ VUI CHƠI HƠN LÀ YÊU-MẾN ĐỨC CHÚA TRỜI”—Ngày nay phần đông người ta chỉ nghĩ đến việc làm thỏa lòng họ hoặc gia đình họ chứ không phải làm đẹp lòng Đức Chúa Trời. Nhiều kẻ lại đặc biệt ưa thích những điều mà Đức Chúa Trời lên án như tà dâm, ngoại tình, say sưa, nghiện ma túy, cùng những thứ khác gọi là lạc thú. Họ đặt cả đến những thú vui dù lành mạnh lên trên mọi cố gắng để học hỏi về Đức Chúa Trời và phụng sự Ngài.
“BỀ NGOÀI GIỮ ĐIỀU NHƠN-ĐỨC, NHƯNG CHỐI-BỎ QUYỀN-PHÉP CỦA NHƠN-ĐỨC ĐÓ”—II Ti-mô-thê 3:5.
Thường thì các nhà lãnh tụ thế giới và những người thường dân đều muốn ra vẻ là người đạo đức. Có lẽ họ đi dự lễ trong các nhà thờ và cho tiền để ủng hộ các việc từ thiện. Những nhân viên trong chính phủ khi nhậm chức có lẽ đặt tay trên Kinh-thánh để tuyên thệ. Nhưng thường thì đó chỉ là việc “bề ngoài giữ điều nhơn-đức”. Đúng như Kinh-thánh có báo trước, sự thờ phượng chân thật của Đức Chúa Trời không phải thật sự là một động lực thúc đẩy phần đông người ta làm điều thiện.
“HỦY-PHÁ THẾ-GIAN”—Khải-huyền 11:18.
Không khí chúng ta thở, nước chúng ta uống và đất đai để trồng trọt thức ăn, hết thảy đều bị ô nhiễm. Tình thế trầm trọng đến nỗi nhà bác học Barry Commoner đã báo động: “Tôi tin rằng cứ theo đà này mà làm ô nhiễm trái đất như vậy, nếu không kiểm soát, thì có ngày hành tinh này sẽ không còn thích hợp để làm chỗ ở cho loài người!”
6 Sau khi đã xem xét những điều trên đây, bạn có thấy rõ ràng cái “điềm” mà đấng Christ đã cho, và những bằng chứng mà các môn đồ của ngài đã báo trước, giờ đây đang được ứng nghiệm không? Dẫu cho còn có nhiều bằng chứng khác nữa, những bằng chứng đã liệt kê ra đây tất đủ để chứng tỏ rằng chúng ta thật sự đang sống vào thời kỳ mà Kinh-thánh đã báo trước là những “ngày sau-rốt”.
7. a) Điều gì khiến những lời tiên tri trong Kinh-thánh chỉ về sự có mặt của đấng Christ và những “ngày sau-rốt” đặc sắc đến thế? b) Trái với những điều Kinh-thánh đã báo trước, những nhà lãnh tụ thế giới đã tiên đoán điều gì ít lâu trước năm 1914?
7 Nhưng có người có lẽ sẽ nói: “Trong suốt lịch sử đã thường có những chiến tranh, đói kém, dịch lệ và động đất. Cho nên đâu có gì khó khăn để tiên tri rằng những việc đó sẽ xảy ra nữa”. Tuy nhiên bạn thử nghĩ xem: Không những Kinh-thánh đã báo trước những việc này, mà còn chỉ cho thấy rằng các việc đó sẽ xảy ra trên toàn thế giới. Kinh-thánh cũng nói là tất cả những việc này sẽ xảy đến cho thế hệ đang sống vào năm 1914. Trái lại những lãnh tụ thế giới có tiếng tăm đã báo trước điều gì ít lâu trước năm 1914? Họ đã nói là những điều kiện thuận lợi cho một nền hòa bình thế giới chưa bao giờ đầy hứa hẹn như vậy. Song những hoạn nạn khủng khiếp bắt đầu diễn ra vào năm 1914, đúng như Kinh-thánh báo trước. Thật ra thì những nhà lãnh tụ thế giới nay lại nói rằng năm 1914 đã đánh dấu một khúc quanh trong lịch sử.
8. a) Thế hệ nào mà Giê-su đã nói sẽ nhìn thấy sự cuối cùng của hệ thống mọi sự này? b) Như thế chúng ta có thể chắc chắn về điều gì?
8 Sau khi lưu ý đến nhiều điều sẽ đánh dấu thời kỳ kể từ năm 1914 trở về sau, Giê-su có nói: “Dòng-dõi nầy chẳng qua trước khi mọi điều kia chưa xảy đến (kể cả sự cuối cùng của hệ thống này)” (Ma-thi-ơ 24:34, 14). Giê-su đã ám chỉ đến dòng dõi hay thế hệ nào vậy? Ngài muốn nói đến thế hệ đang sống vào năm 1914. Những người còn sót lại của thế hệ ấy giờ đây hẳn phải già lắm. Dù vậy, một số người trong họ sẽ còn sống để nhìn thấy sự cuối cùng của hệ thống gian ác này. Vì thế chúng ta có thể chắc chắn về điều này: Chẳng còn bao lâu nữa sự cuối cùng sẽ đột ngột xảy đến cho mọi sự gian ác và những người ác tại Ha-ma-ghê-đôn.
[Câu hỏi thảo luận]
[Hình nơi trang 149]
Giê-su cho các môn đồ biết những chứng cớ nhìn thấy được về sự hiện diện của ngài với quyền hành Nước Trời.
[Hình nơi trang 154]
1914—HA-MA-GHÊ-ĐÔN
Một số người thuộc thế hệ đang sống vào năm 1914, sẽ chứng kiến sự cuối cùng của hệ thống mọi sự này và sẽ sống sót qua khỏi đại nạn đó.