Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Sống nữa để làm gì?

Sống nữa để làm gì?

CHƯƠNG 14

Sống nữa để làm gì?

“Về phần tôi, chết còn hơn sống!”. Ai đã thốt lên như thế? Một người không tin Đức Chúa Trời? Người đã rời bỏ ngài? Hay người bị ngài từ bỏ? Không ai trong số họ. Người nói ra những lời ấy chính là Giô-na, một nhà tiên tri trung thành nhưng đang hết sức phiền não.—Giô-na 4:3.

Kinh Thánh không nói rằng Giô-na định tìm đến cái chết. Dù vậy, lời khẩn cầu tuyệt vọng của ông hé lộ một thực trạng đáng lưu ý: ngay cả tôi tớ của Đức Chúa Trời đôi khi cũng bị chìm đắm trong sầu não.—Thi-thiên 34:19.

Một số bạn trẻ cũng rơi vào tình cảnh tương tự, họ thấy mình chẳng còn lý do gì để tiếp tục sống. Hẳn họ có cùng tâm trạng như cô bạn 16 tuổi tên Laura: “Nhiều năm qua mình đã phải chiến đấu với căn bệnh trầm cảm. Mình hay nghĩ tới cái chết lắm”. Nếu biết một người nói là chẳng thiết sống nữa, hay chính bạn đang nghĩ thế, bạn có thể làm gì? Hãy xem điều gì dẫn đến ý nghĩ ấy.

Vì đâu nên nỗi?

Tại sao một người lại nghĩ đến chuyện kết thúc đời mình? Có thể do một số yếu tố. Thứ nhất, vì sống trong “thời kỳ đặc biệt và rất khó đương đầu”, nhiều thanh thiếu niên cảm thấy áp lực cuộc sống đè nặng trên vai (2 Ti-mô-thê 3:1). Ngoài ra, sự bất toàn khiến một số người chất chứa suy nghĩ tiêu cực về bản thân và thế giới xung quanh (Rô-ma 7:22-24). Có những trường hợp là do bị ngược đãi. Số khác là vì vấn đề sức khỏe. Điều đáng nói là tại một quốc gia, theo ước tính thì hơn 90 phần trăm những người tự tử mắc một chứng bệnh tâm lý nào đó. *

Dĩ nhiên không ai có thể tránh khỏi nghịch cảnh. Như lời Kinh Thánh nói: “Mọi tạo vật vẫn cùng nhau than thở và chịu đau đớn cho đến nay” (Rô-ma 8:22). Các bạn trẻ cũng không ngoại lệ. Những chuyện ngoài ý muốn có thể ảnh hưởng nặng nề đến họ, chẳng hạn như:

Mất người thân hay bạn bè

Xung đột trong gia đình

Thất bại trong học tập

Tình yêu tan vỡ

Bị ngược đãi (bao gồm bạo hành về thể chất hoặc lạm dụng tình dục)

Thực tế, sớm muộn gì thì hầu hết bạn trẻ cũng phải đối mặt với ít nhất một trong những tình huống trên. Vậy tại sao một số có thể vượt qua giông bão cuộc đời còn số khác thì khó hơn? Các chuyên gia cho biết những bạn muốn buông xuôi tất cả cảm thấy vô vọng và không còn nơi bấu víu. Nói cách khác, các bạn ấy không thấy có chút ánh sáng nào le lói nơi cuối con đường. Không phải họ thật sự muốn chết, chỉ là họ muốn chấm dứt đau khổ mà thôi.

Đã tới bước đường cùng?

Có lẽ bạn biết một người muốn chấm dứt đau khổ đến mức nói là chẳng thiết sống nữa. Nếu vậy, bạn có thể làm gì?

Nếu biết một người bạn buồn khổ đến mức muốn chết, hãy cố gắng thuyết phục bạn ấy tìm sự giúp đỡ. Sau đó, dù bạn ấy có chịu hay không, hãy nói với một người lớn đáng tin cậy. Đừng lo là sẽ đánh mất tình bạn. Khi nói ra sự việc, có thể bạn sẽ cứu mạng bạn mình!

Nhưng nói sao nếu chính bạn đang muốn kết liễu cuộc đời? Đừng chống chọi với cảm giác ấy một mình. Hãy thổ lộ với ai đó, có thể là cha, mẹ, bạn bè hay bất cứ ai quan tâm và lắng nghe nỗi lòng của bạn cũng như xem trọng bạn. Nói ra vấn đề chẳng những không mất mát gì mà còn có lợi cho bạn. *

Đành rằng vấn đề sẽ không biến mất chỉ vì bạn nói ra, nhưng có lẽ sự trợ giúp của một người bạn tâm tình đáng tin cậy chính là những gì bạn cần để có cái nhìn khách quan hơn về hoàn cảnh của mình. Thậm chí điều đó còn giúp bạn tìm ra những giải pháp thiết thực.

Sau cơn mưa trời lại sáng

Khi lòng phiền muộn, hãy nhớ rằng: Dẫu hoàn cảnh có bế tắc đến đâu đi nữa thì rồi cũng sẽ thay đổi. Sau khi trải qua không biết bao nhiêu gian truân, vua Đa-vít có thể nói với Đức Chúa Trời qua lời cầu nguyện: “Ngài đã đổi lời than khóc của tôi ra nhảy múa”.—Thi-thiên 30:11, BDM.

Dĩ nhiên Đa-vít không nghĩ mình sẽ nhảy múa mãi. Ông học được rằng những vấn đề trong đời sống cứ đến rồi đi. Bạn có thấy những vấn đề của mình cũng giống vậy không? Một số dường như quá sức chịu đựng, ít nhất là vào lúc này. Nhưng hãy kiên nhẫn. Thường thì sau cơn mưa trời lại sáng. Trong một số trường hợp, có thể vấn đề sẽ giảm bớt theo cách mà bạn không ngờ. Với những trường hợp khác, có lẽ bạn sẽ tìm ra cách mà trước giờ chưa hề nghĩ tới để đối phó với vấn đề. Cần nhớ rằng những chuyện ưu phiền sẽ không mãi như vậy.—2 Cô-rinh-tô 4:17.

Sức mạnh của lời cầu nguyện

Trên hết, hãy trò chuyện với Đức Chúa Trời qua lời cầu nguyện. Bạn có thể cầu xin như Đa-vít: “Đức Chúa Trời ơi, xin hãy tra-xét tôi, và biết lòng tôi; hãy thử-thách tôi, và biết tư-tưởng tôi; xin xem thử tôi có lối ác nào chăng, xin dắt tôi vào con đường đời đời”.—Thi-thiên 139:23, 24.

Cầu nguyện không phải chỉ là liệu pháp tinh thần. Đó thật sự là cách để trò chuyện với Cha trên trời, đấng muốn bạn dốc đổ nỗi lòng với ngài (Thi-thiên 62:8). Hãy xem xét những sự thật cơ bản sau về Đức Chúa Trời:

Ngài biết rõ những chuyện làm bạn ưu phiền.—Thi-thiên 103:14.

Ngài hiểu bạn hơn chính bạn.—1 Giăng 3:20.

Ngài quan tâm đến bạn.—1 Phi-e-rơ 5:7.

Trong thế giới mới, ngài sẽ “lau hết nước mắt” trên mắt bạn.—Khải huyền 21:4.

Nếu liên quan đến sức khỏe

Như đã nói ở trên, cảm giác muốn tự tử thường xuất phát từ một căn bệnh nào đó. Nếu nghĩ mình cũng ở trong trường hợp ấy, bạn đừng ngại tìm sự giúp đỡ. Chúa Giê-su biết rằng người bệnh cần thầy thuốc (Ma-thi-ơ 9:12). Đáng mừng là nhiều căn bệnh có thể chữa được. Có lẽ bạn sẽ thấy khá hơn nếu được điều trị! *

Kinh Thánh hứa một điều đầy an ủi là trong thế giới mới của Đức Chúa Trời, “dân-cư sẽ không nói rằng: Tôi đau” (Ê-sai 33:24). Đức Chúa Trời hứa rằng vào lúc đó, “những việc trước sẽ chẳng nhớ nữa, chẳng còn nhắc đến nữa” (Ê-sai 65:17). Từ giờ cho đến lúc ấy, bạn hãy cố gắng hết sức để đương đầu với những khó khăn trong đời sống, tin chắc rằng vào đúng thời điểm Đức Chúa Trời đã định, đau buồn sẽ chỉ còn là dĩ vãng.—Khải huyền 21:1-4.

XEM THÊM VỀ ĐỀ TÀI NÀY TRONG TẬP 2, CHƯƠNG 9

TRONG CHƯƠNG TỚI

Cha mẹ muốn biết mọi chuyện về đời tư của bạn, kể cả những chuyện bạn muốn giữ cho riêng mình. Làm sao “đấu tranh” để giữ lại được một chút riêng tư?

[Chú thích]

^ đ. 7 Tuy nhiên, cần nhớ rằng phần lớn những bạn trẻ mắc bệnh tâm lý thì không tự tử.

^ đ. 18 Nếu một tín đồ đạo Đấng Ki-tô đang đau buồn, họ có thêm sự hỗ trợ khác là các trưởng lão.—Gia-cơ 5:14, 15.

^ đ. 31 Để biết thêm thông tin, xin xem Chương 13.

CÂU KINH THÁNH THEN CHỐT

‘Hãy trình lời thỉnh cầu của anh em cho Đức Chúa Trời; rồi sự bình an của Đức Chúa Trời, là điều không ai hiểu thấu, sẽ bảo vệ lòng và trí của anh em’.—Phi-líp 4:6, 7.

MẸO

Khi buồn bã, hãy đi bộ nhanh. Ra khỏi nhà và tập thể thao sẽ làm bạn khuây khỏa và vui vẻ hơn.

BẠN CÓ BIẾT...?

Khi tự tử, một người không chỉ làm hại mình mà hại cả những người thân yêu bị bỏ lại.

KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG!

Nếu cảm thấy bản thân vô dụng và không được yêu thương, mình sẽ tâm sự với (ghi ra tên một người mà bạn tin tưởng) ․․․․․

Một ân phước trong đời mà mình có thể nghĩ đến với lòng biết ơn là: ․․․․․

Về đề tài này, điều mình muốn hỏi cha mẹ là: ․․․․․

BẠN NGHĨ SAO?

● “Ngay cả những vấn đề nghiêm trọng cũng chỉ là tạm thời”. Tại sao lý luận như thế có thể giúp ích cho bạn?

● Tại sao khi một người tự tử là để lại vấn đề cho người khác?

[Câu nổi bật nơi trang 104]

“Có những lần mình bị trầm cảm nặng đến mức chỉ muốn chết đi cho rồi. Nhưng nhờ kiên trì cầu nguyện và được điều trị, giờ mình đã trở lại với cuộc sống bình thường”.—Heidi

[Khung nơi trang 100]

Nếu muốn buông xuôi

Ngay cả một số người nam và nữ trung thành được nói đến trong Kinh Thánh cũng có khi muốn gục ngã trước những lo phiền của cuộc sống. Hãy xem vài trường hợp.

Rê-bê-ca: Nếu thế này, thì tôi sống mà làm gì?’.—Sáng-thế Ký 25:22, NTT.

Môi-se: “Xin thà giết tôi đi, để tôi không thấy sự khốn-nạn tôi!”.—Dân-số Ký 11:15.

Ê-li: “Ôi Đức Giê-hô-va!... Hãy cất lấy mạng-sống tôi, vì tôi không hơn gì các tổ-phụ tôi”.—1 Các Vua 19:4.

Gióp: “Ôi! Chớ gì Chúa giấu tôi nơi âm-phủ,... định cho tôi một kỳ hẹn, đoạn nhớ lại tôi!”.—Gióp 14:13.

Trong mỗi trường hợp trên, cuối cùng hoàn cảnh cũng khả quan hơn, theo cách mà họ không thể đoán trước khi đang đau khổ. Chắc chắn bạn cũng sẽ như thế!

[Hình nơi trang 102]

Nỗi tuyệt vọng tựa như những cơn mưa giông, rồi sẽ qua đi theo thời gian