Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Làm cách nào để quản lý thời gian?

Làm cách nào để quản lý thời gian?

CHƯƠNG 21

Làm cách nào để quản lý thời gian?

Bạn muốn mỗi ngày có thêm bao nhiêu giờ? ․․․․․

Bạn sẽ dùng khoảng thời gian ấy để làm gì?

□ Gặp gỡ bạn bè

□ Ngủ

□ Học

□ Khác ․․․․․

Thời gian giống như một chiến mã thần tốc, để làm chủ nó thì bạn phải học cách kiểm soát. Nếu kiểm soát được thời gian, hẳn bạn sẽ bớt căng thẳng, cải thiện điểm số và tạo thêm lòng tin nơi cha mẹ. Có lẽ bạn nghĩ: “Nghe có vẻ hay đấy, nhưng nói thì dễ mà làm thì khó!”. Đành rằng bạn sẽ gặp khó khăn, nhưng không phải là không thể vượt qua. Hãy xem một số ví dụ.

Thử thách #1: Lập thời gian biểu

Điều có thể cản trở bạn: Chỉ nghĩ đến lập thời gian biểu thôi đã khiến bạn cảm thấy gò bó! Bạn thích làm theo ngẫu hứng thay vì bị trói buộc bởi những kế hoạch.

Lý do không nên bỏ cuộc: Vua Sa-lô-môn viết: “Kế hoạch người siêng năng hẳn tạo ra lợi nhuận” (Châm-ngôn 21:5, GKPV). Sa-lô-môn rất bận rộn. Ông là người chồng, người cha, đồng thời là một vị vua. Và rất có thể với thời gian, ông càng bận rộn hơn. Tương tự, bạn đang có một đời sống bận rộn. Nhưng hẳn bạn sẽ còn tất bật hơn nữa khi trưởng thành. Vì vậy, hãy học cách tổ chức công việc ngay từ bây giờ!

Ý kiến của vài bạn trẻ: “Mình bắt đầu có thói quen lập thời gian biểu từ sáu tháng nay. Xem ra đây là bí quyết để mình làm mọi việc suôn sẻ hơn!”.—Khoa.

“Lên danh sách những gì phải làm giúp mình theo sát kế hoạch đã đặt ra. Khi có việc phát sinh ngoài dự kiến, mình và mẹ cùng ghi ra để tìm cách giúp nhau đạt được mục tiêu”.—Mallory.

Điều giúp ích cho bạn: Giả sử bạn cùng gia đình sắp lên đường đi chơi xa. Ai cũng quăng đại túi của mình vào cốp xe ô-tô nên không có đủ chỗ cho tất cả hành lý. Bạn có thể làm gì? Có lẽ bạn xếp lại từ đầu, cho túi to vào trước rồi mới cho các túi nhỏ vào những chỗ còn trống.

Bạn cũng có thể dùng cách tương tự để quản lý thời gian. Nếu tiêu tốn thời gian vào những việc lặt vặt trước, bạn có nguy cơ không còn đủ thời gian cho những việc quan trọng. Vậy hãy ưu tiên cho những việc quan trọng, bạn sẽ bất ngờ trước lượng thời gian mình còn lại sau đó!—Phi-líp 1:10.

Những việc quan trọng nhất mà bạn cần làm là gì?

․․․․․

Giờ hãy đánh số những việc trên theo thứ tự ưu tiên. Nếu hoàn thành những việc quan trọng trước, có lẽ bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy mình còn biết bao nhiêu thời gian để làm những việc kém quan trọng hơn.

Điều bạn có thể làm: Sắm một sổ kế hoạch bỏ túi, rồi lập thứ tự ưu tiên cho những việc cần làm. Hoặc một trong số những công cụ sau có thể hữu ích cho bạn:

․․․․․ Lịch trên điện thoại di động

․․․․․ Lịch để bàn

․․․․․ Lịch trên máy tính

Thử thách #2: Theo sát thời gian biểu

Điều có thể cản trở bạn: Đi học về bạn chỉ muốn được nghỉ xả hơi và xem ti-vi một chút. Hoặc bạn định ôn thi nhưng lại nhận được tin nhắn rủ đi xem phim. Bạn nghĩ: “Cứ đi coi đã, tối về học cũng được mà! Hơn nữa, mình thường học tốt hơn khi có áp lực”.

Lý do không nên bỏ cuộc: Có thể bạn sẽ được điểm cao hơn nếu học lúc còn tỉnh táo. Bên cạnh đó, chẳng lẽ bạn còn chưa có đủ áp lực sao? Sao còn tự tạo thêm áp lực bằng cách thức khuya và cố nhồi nhét kiến thức vào đầu? Sáng hôm sau sẽ thế nào? Có thể bạn sẽ ngủ quên, căng thẳng hơn, ba chân bốn cẳng tới trường và thậm chí đến trễ.—Châm-ngôn 6:10, 11.

Ý kiến của vài bạn trẻ: “Mình rất thích xem ti-vi, chơi ghi-ta và gặp gỡ bạn bè. Những việc này không có gì sai nhưng đôi khi chúng khiến mình trì hoãn làm những việc quan trọng hơn để rồi phải vắt chân lên cổ mà chạy”.—Duy.

Điều giúp ích cho bạn: Đừng chỉ lên lịch cho những việc phải làm nhưng cả những việc bạn thích làm. Duy chia sẻ: “Khi lên kế hoạch, mình biết có những việc thích thú đang đón đợi phía trước, nhờ đó mình dễ hoàn thành những việc phải làm hơn”. Cách khác là: Nhắm một đích đến nào đó rồi đặt ra những mục tiêu nhỏ để từng bước tiến tới.

Điều bạn có thể làm: Bạn có thể đạt được một hoặc hai mục tiêu thực tế nào trong sáu tháng tới?

․․․․․

Bạn có thể đạt được mục tiêu thực tế nào trong hai năm tới, và bạn cần làm gì ngay bây giờ để thành công? *

․․․․․

Thử thách #3: Gọn gàng và ngăn nắp

Điều có thể cản trở bạn: Bạn thầm nghĩ: “Gọn gàng và ngăn nắp thì liên quan gì đến việc quản lý thời gian hiệu quả? Với lại bừa bộn có vẻ thoải mái hơn nhiều. Dọn dẹp phòng thì hôm sau làm cũng được, hoặc khỏi luôn! Bừa bộn thì đã sao, có gì to tát chứ?”. Nhưng có thật là như thế không?

Lý do không nên bỏ cuộc: Gọn gàng và ngăn nắp sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian khi muốn tìm một món đồ nào đó. Nếu có tính này, bạn cũng sẽ bớt căng thẳng hơn.—1 Cô-rinh-tô 14:40.

Ý kiến của vài bạn trẻ: “Đôi lúc mình không có thời gian để cất quần áo, nên đến khi cần tìm đồ thì chúng cứ lẩn đi đâu hết giữa đống bề bộn!”.—Mandy.

“Mình kiếm cả tuần không thấy chiếc ví đâu nên lo lắm. Cuối cùng mình tìm thấy nó khi dọn lại phòng”.—Phú.

Điều giúp ích cho bạn: Sau khi dùng, hãy cố gắng cất đồ vào đúng chỗ càng sớm càng tốt. Thường xuyên làm thế thay vì đợi đến khi mọi thứ trở thành bãi chiến trường.

Điều bạn có thể làm: Hãy tập thói quen gọn gàng và xem có đúng là làm thế giúp bạn thư thả hơn không.

Thời gian là vốn quý mà bạn, cha mẹ và bạn bè đều có như nhau mỗi ngày. Nếu phí phạm, bạn sẽ gánh chịu hậu quả. Còn nếu biết cách quản lý khôn ngoan, bạn sẽ gặt hái thành quả. Quyền quyết định nằm trong tay bạn.

TRONG CHƯƠNG TỚI

Cha mẹ bạn là người nhập cư? Bạn cảm thấy mình không sao hòa nhập được dù là tại trường hay ở nhà? Hãy học cách biến hoàn cảnh của mình thành lợi thế.

[Chú thích]

^ đ. 31 Để biết thêm thông tin, xin xem Chương 39 của sách này.

CÂU KINH THÁNH THEN CHỐT

“Nhận rõ những điều quan trọng hơn”.—Phi-líp 1:10.

MẸO

Bạn không cần áp dụng tất cả các đề nghị trong chương này cùng một lúc. Thay vì thế, trong tháng tới, chỉ áp dụng một điểm. Sau khi làm tốt điểm ấy, bạn có thể chuyển sang điểm khác.

BẠN CÓ BIẾT...?

Nếu lập thời gian biểu kín mít trong một ngày, bạn có thể bị căng thẳng. Vì thế, xem xét thứ tự ưu tiên sẽ giúp bạn biết việc nào cần làm, việc nào không.

KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG!

Hoạt động mà mình có thể giảm bớt thời gian là: ․․․․․

Mình sẽ dùng thời gian ấy để ․․․․․

Về đề tài này, điều mình muốn hỏi cha mẹ là: ․․․․․

BẠN NGHĨ SAO?

● Tại sao tập sắp xếp thời gian ngay từ bây giờ sẽ giúp bạn biết cách quán xuyến nhà cửa trong tương lai?

● Về cách quản lý thời gian, bạn có thể học được gì từ cha mẹ?

● Nếu đã có thời gian biểu, bạn có thể điều chỉnh nó ra sao để hiệu quả hơn?

[Câu nổi bật nơi trang 154]

“Mình tình cờ nghe một người khác nói đùa về mình. Người ấy nói nếu muốn mình có mặt lúc bốn giờ thì phải hẹn là ba giờ. Nghe vậy, mình nhận ra rằng cần quản lý thời gian tốt hơn!”.—Ricky

[Khung nơi trang 155]

Thời gian đi đâu?

Số giờ trung bình mà người trẻ từ 8 đến 18 tuổi dùng trong một tuần:

17

ở bên cha mẹ

30

đi học

44

xem ti-vi, chơi điện tử, nhắn tin và nghe nhạc

Tính thời lượng bạn dùng mỗi tuần để

xem ti-vi ․․․․․

chơi điện tử ․․․․․

lướt mạng ․․․․․

nghe nhạc ․․․․․

Tổng: ․․․․․

Số giờ mình có thể cắt giảm để dùng cho việc quan trọng hơn:

[Hình nơi trang 153]

Thời gian giống như một chiến mã thần tốc, bạn phải học cách kiểm soát nó