Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Mình có nên báp-têm không?

Mình có nên báp-têm không?

CHƯƠNG 37

Mình có nên báp-têm không?

Đánh dấu đúng hoặc sai.

Phép báp-têm là một đòi hỏi dành cho tín đồ đạo Đấng Ki-tô.

□ Đúng

□ Sai

Phép báp-têm chủ yếu là để ngăn bạn phạm tội.

□ Đúng

□ Sai

Bạn sẽ có triển vọng được cứu rỗi nếu báp-têm.

□ Đúng

□ Sai

Nếu không báp-têm, bạn không phải chịu trách nhiệm với Đức Chúa Trời về những hành động của mình.

□ Đúng

□ Sai

Nếu bạn của bạn báp-têm thì có nghĩa là bạn cũng sẵn sàng báp-têm.

□ Đúng

□ Sai

Nếu đang sống theo tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời, xây đắp tình bạn với ngài và nói với người khác về đức tin của mình thì lẽ đương nhiên là bạn muốn báp-têm. Nhưng làm sao bạn biết mình đã sẵn sàng? Để trả lời, hãy xem đáp án cho những câu trên.

Phép báp-têm là một đòi hỏi dành cho tín đồ đạo Đấng Ki-tô.

Đúng. Chúa Giê-su lệnh cho các môn đồ phải báp-têm (Ma-thi-ơ 28:19, 20). Chính Chúa Giê-su cũng đã báp-têm. Để trở thành môn đồ ngài, bạn cần báp-têm khi đã đủ chín chắn để quyết định và thật sự muốn làm thế.

Phép báp-têm chủ yếu là để ngăn bạn phạm tội.

Sai. Phép báp-têm là biểu trưng công khai của sự dâng mình cho Đức Giê-hô-va. Sự dâng mình không phải là một hợp đồng chiếu lệ để ngăn bạn làm những điều mà mình muốn lén lút làm. Thay vì thế, bạn dâng đời sống mình cho Đức Giê-hô-va vì muốn sống theo tiêu chuẩn của ngài.

Bạn sẽ có triển vọng được cứu rỗi nếu báp-têm.

Đúng. Kinh Thánh nói phép báp-têm là một bước quan trọng để được cứu rỗi (1 Phi-e-rơ 3:21). Nhưng phép báp-têm không bảo đảm cho sự cứu rỗi của bạn. Bạn báp-têm không phải vì muốn được cứu rỗi mà vì bạn yêu thương Đức Giê-hô-va và muốn phụng sự ngài hết lòng.—Mác 12:29, 30.

Nếu không báp-têm, bạn không phải chịu trách nhiệm với Đức Chúa Trời về những hành động của mình.

Sai. Gia-cơ 4:17 nói: “Ai biết làm điều đúng mà không làm là phạm tội”, dù người đó đã báp-têm hay chưa. Thế nên, nếu biết điều gì là đúng và đã đủ chín chắn để xem xét đời sống mình một cách nghiêm túc, bạn nên nói chuyện này với cha mẹ hoặc một anh chị thành thục. Khi làm thế, bạn sẽ biết làm sao để tiến bộ tới bước báp-têm.

Nếu bạn của bạn báp-têm thì có nghĩa là bạn cũng sẵn sàng báp-têm.

Sai. Quyết định báp-têm phải xuất phát từ lòng (Thi thiên 110:3). Bạn chỉ nên làm thế khi đã nhận thức rõ việc trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va bao hàm điều gì, và khi bạn chắc chắn mình đã sẵn sàng mang trách nhiệm này.—Truyền đạo 5:4, 5.

Một bước ngoặt cuộc đời

Phép báp-têm là bước ngoặt cuộc đời dẫn đến nhiều ân phước. Nhưng nó cũng đi kèm với trách nhiệm là sống đúng theo sự dâng mình cho Đức Giê-hô-va.

Bạn đã sẵn sàng dâng mình cho Đức Giê-hô-va chưa? Nếu rồi, hãy vui vì điều đó. Đặc ân quý giá nhất đang chờ đón bạn, đó là: Thờ phượng Đức Giê-hô-va hết lòng và có lối sống cho thấy bạn thật sự dâng mình cho ngài.—Ma-thi-ơ 22:36, 37.

TRONG CHƯƠNG TỚI

Hãy học cách đặt ra những mục tiêu giúp bạn tận dụng đời sống của mình.

CÂU KINH THÁNH THEN CHỐT

Dâng thân thể mình làm vật tế lễ sống, thánh và đẹp lòng Đức Chúa Trời, đó chính là phụng sự ngài với lý trí”.​Rô-ma 12:1.

MẸO

Với sự giúp đỡ của cha mẹ, hãy tìm một người trong hội thánh có thể giúp bạn tiến bộ về thiêng liêng.—Công vụ 16:1-3.

BẠN CÓ BIẾT...?

Phép báp-têm là một phần quan trọng của “dấu” xác nhận bạn được cứu rỗi.—Ê-xê-chi-ên 9:4-6.

KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG!

Để tiến bộ tới bước báp-têm, mình sẽ nghiên cứu thêm về những sự dạy dỗ sau trong Kinh Thánh: ․․․․․

Về đề tài này, điều mình muốn hỏi cha mẹ là: ․․․․․

BẠN NGHĨ SAO?

● Tại sao báp-têm là một bước quan trọng?

● Điều gì có thể khiến một bạn trẻ báp-têm quá sớm?

● Điều gì có thể khiến một bạn trẻ do dự dâng mình và báp-têm?

[Câu nổi bật nơi trang 306]

“Nhờ ý thức là mình đã báp-têm, mình có thể quyết định khôn ngoan và không làm những điều có thể gây ra hậu quả đau đớn”.—Hoa

[Khung/Hình nơi trang 307]

Câu hỏi thường gặp về phép báp-têm

Phép báp-têm biểu trưng cho điều gì? Trầm mình và ra khỏi nước tượng trưng cho việc bạn chết đi, tức là chấm dứt lối sống ích kỷ trước đây, và được làm cho sống lại, tức là giờ đây bạn sống để làm theo ý muốn của Đức Giê-hô-va.

Dâng đời sống cho Đức Giê-hô-va có nghĩa là gì? Có nghĩa là bạn không còn thuộc về chính mình nữa. Bạn hứa với Đức Giê-hô-va rằng bạn sẽ đặt việc làm theo ý muốn ngài lên trên bất cứ điều gì khác trong đời sống (Ma-thi-ơ 16:24). Thật hợp lý để bạn dâng mình cho Đức Giê-hô-va qua lời cầu nguyện trước khi báp-têm.

Bạn nên làm gì trước khi báp-têm? Bạn nên sống phù hợp với Lời Đức Chúa Trời và nói cho người khác biết về đức tin của mình. Bạn cũng nên xây đắp tình bạn với Đức Chúa Trời qua việc học Kinh Thánh và cầu nguyện. Bạn nên thờ phượng Đức Giê-hô-va vì tự nguyện chứ không phải vì áp lực của người khác.

Có một độ tuổi nhất định để báp-têm không? Tuổi tác không phải là yếu tố quyết định. Nhưng bạn nên đủ lớn và đủ chín chắn để hiểu ý nghĩa của sự dâng mình.

Nói sao nếu bạn muốn báp-têm nhưng cha mẹ nói bạn nên chờ đợi? Có lẽ cha mẹ muốn bạn có thêm kinh nghiệm về đời sống của tín đồ đạo Đấng Ki-tô. Hãy quý trọng lời khuyên của họ và tận dụng cơ hội này để xây đắp tình bạn với Đức Giê-hô-va.​—1 Sa-mu-ên 2:26.

[Khung nơi trang 308, 309]

Trắc nghiệm

Bạn có dự định báp-têm không?

Hãy kiểm tra sự tiến bộ của bạn qua việc xem xét những câu hỏi sau. Trước khi trả lời, hãy đọc những câu Kinh Thánh được trích dẫn.

Bạn đang làm gì để cho thấy mình tin cậy Đức Giê-hô-va?Thi thiên 71:5. ․․․․․

Bạn đã chứng tỏ mình dùng khả năng nhận thức để phân biệt điều đúng và điều sai như thế nào?Hê-bơ-rơ 5:14. ․․․․․

Bạn cầu nguyện thường xuyên đến mức nào? ․․․․․

Lời cầu nguyện của bạn cụ thể ra sao và nó cho thấy gì về tình yêu thương bạn dành cho Đức Giê-hô-va?Thi thiên 17:6. ․․․․․

Bạn muốn đặt những mục tiêu nào cho việc cầu nguyện? ․․․․․

Bạn học hỏi cá nhân thường xuyên đến mức nào?​Giô-suê 1:8. ․․․․․

Việc học hỏi cá nhân của bạn bao gồm những gì? ․․․․․

Bạn muốn đặt những mục tiêu nào cho việc học hỏi cá nhân? ․․․․․

Thánh chức của bạn có hữu hiệu không? (Ví dụ: Bạn có thể giải thích những dạy dỗ cơ bản trong Kinh Thánh cho người khác không? Bạn có thăm lại người chú ý không? Bạn có đang cố gắng tìm được một học hỏi Kinh Thánh không?)

□ Có □ Không

Bạn có tham gia thánh chức ngay cả khi cha mẹ không làm thế không?Công vụ 5:42.

□ Có □ Không

Bạn muốn đặt những mục tiêu nào cho thánh chức?​2 Ti-mô-thê 2:15. ․․․․․

Bạn tham dự nhóm họp đều đặn hay chỉ thỉnh thoảng?Hê-bơ-rơ 10:25. ․․․․․

Bạn góp phần vào các buổi nhóm họp như thế nào? ․․․․․

Nếu cha mẹ không thể đi nhóm họp được, bạn có đi không (nếu bạn được họ cho phép)?

□ Có □ Không

Bạn có thật sự vui mừng làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời không?Thi thiên 40:8.

□ Có □ Không

Bạn có thể liệt kê những lần mà bạn đã kháng cự áp lực bạn bè không?Rô-ma 12:2. ․․․․․

Bạn có kế hoạch gì để giữ cho tình yêu thương đối với Đức Giê-hô-va được vững mạnh?Giu-đe 20, 21. ․․․․․

Bạn sẽ thờ phượng Đức Giê-hô-va ngay cả khi cha mẹ và bạn bè ngưng làm thế không?Ma-thi-ơ 10:36, 37.

□ Có □ Không

[Hình nơi trang 310]

Giống như hôn nhân, phép báp-têm là một bước ngoặt cuộc đời mà bạn không nên xem nhẹ