Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Bạn có quyền lựa chọn

Bạn có quyền lựa chọn

Bạn có quyền lựa chọn

Chiều hướng y khoa hiện đại (gọi là phân tích rủi ro/lợi ích) giúp cho bác sĩ và bệnh nhân dễ dàng hợp tác trong việc tránh dùng máu. Bác sĩ cân nhắc các yếu tố như những rủi ro nguy hiểm của một loại thuốc hoặc phẫu thuật nào đó, và những lợi ích có thể có. Bệnh nhân cũng được dự phần trong một cuộc phân tích như vậy.

Hãy dùng một thí dụ mà nhiều người ở nhiều nơi có thể hiểu—viêm amyđan kinh niên. Nếu bạn có vấn đề này, có lẽ bạn sẽ đi khám bác sĩ. Trên thực tế, bạn có thể đi khám người thứ hai, vì các chuyên gia y tế thường khuyên nên có hai ý kiến. Một bác sĩ có thể đề nghị giải phẫu. Ông nêu ra những điều liên quan như: nằm nhà thương bao lâu, đau bao nhiêu, và tổn phí. Về rủi ro, ông nói rằng mất máu nhiều ít xảy ra và chết vì giải phẫu như vậy rất là hiếm. Nhưng bác sĩ cho ý kiến thứ nhì lại đề nghị bạn nên dùng liệu pháp trụ sinh. Ông giải thích loại thuốc, khả năng thành công, và tổn phí. Về rủi ro, ông nói rất ít bệnh nhân bị phản ứng nguy hiểm đến tính mạng vì thuốc.

Mỗi bác sĩ giỏi thường xem xét rủi ro và lợi ích, nhưng bây giờ bạn phải cân nhắc những rủi ro và lợi ích có thể có, cùng những yếu tố khác mà bạn biết rõ. (Bạn ở vị trí tốt nhất để xem xét các khía cạnh như sức mạnh tình cảm và thiêng liêng của bạn, tài chánh gia đình, ảnh hưởng đối với gia đình và giá trị đạo đức của bạn). Rồi bạn chọn. Có lẽ bạn đồng ý một phương pháp nhưng từ chối phương pháp khác.

Điều này có lẽ cũng sẽ như vậy nếu con của bạn bị viêm amyđan kinh niên. Các cách chữa trị, lợi ích, rủi ro, được nêu ra cho bạn, là cha mẹ yêu thương, người chịu ảnh hưởng trực tiếp nhất và là người sẽ phải đối phó dù kết quả thế nào. Sau khi xem xét hết các khía cạnh, bạn có thể đi đến một quyết định về vấn đề có liên quan tới sức khỏe con bạn và ngay cả sự sống của nó nữa. Có thể bạn chọn giải phẫu, với những rủi ro của nó. Các bậc cha mẹ khác có thể chọn trụ sinh, với những rủi ro của nó. Giống như bác sĩ khác nhau khi cho ý kiến, bệnh nhân hoặc cha mẹ cũng khác nhau về cảm nghĩ về điều nào là tốt nhất. Đây là một đặc điểm tất nhiên của việc chọn lựa có hiểu biết (rủi ro/lợi ích).

Còn việc dùng máu thì sao? Không ai khi xem xét một cách khách quan các sự kiện có thể phủ nhận việc truyền máu có nhiều nguy hiểm. Bác Sĩ Charles Huggins, giám đốc ban truyền máu tại Massachusetts General Hospital, đã nói rất rõ: “Máu chưa bao giờ an toàn hơn. Nhưng nó phải được xem là không an toàn một cách không tránh được. Nó là chất nguy hiểm nhất chúng ta dùng trong y khoa”.—The Boston Globe Magazine, ngày 4-2-1990.

Với lý do chính đáng, các nhân viên y tế được khuyên rằng: “Cần nên xác định lại phần rủi ro của tương quan lợi ích/rủi ro cho việc truyền máu và tìm phương pháp thay thế”. (Chúng tôi viết nghiêng).—Perioperative Red Cell Transfusion, hội nghị của Viện Y Tế Quốc Gia, ngày 27-29 tháng 6 năm 1988.

Các bác sĩ có thể bất đồng ý kiến về lợi ích hoặc rủi ro khi dùng máu. Người thì có thể dùng máu nhiều và tin chắc là nó đáng. Người khác có thể nghĩ là không đáng, vì ông đạt được nhiều kết quả tốt trong sự chữa trị không dùng máu. Tuy nhiên, cuối cùng thì chính bạn, bệnh nhân hoặc cha mẹ, phải quyết định. Tại sao là bạn? Vì nó liên quan đến thân thể, sự sống, đạo đức và mối quan hệ hết sức quan trọng của bạn (hoặc con bạn) đối với Đức Chúa Trời.

QUYỀN CỦA BẠN ĐƯỢC NHÌN NHẬN

Ngày nay ở nhiều nơi, bệnh nhân có quyền bất khả xâm phạm là chọn cách chữa trị nào họ muốn. “Luật về sự ưng thuận có ý thức dựa trên hai tiên đề: thứ nhất, bệnh nhân có quyền nhận đủ thông tin để đi đến một quyết định có ý thức về cách chữa trị được đề ra; và thứ hai, bệnh nhân có thể chọn chấp nhận hay từ chối đề nghị của bác sĩ... Trừ phi bệnh nhân được nhìn nhận là có quyền từ chối, hoặc ưng thuận, ngay cả ưng thuận với điều kiện, phần lớn lý do căn bản cho sự ưng thuận có ý thức biến mất”.—Informed Consent—Legal Theory and Clinical Practice, 1987. *

Một số bệnh nhân gặp chống đối khi họ tìm cách sử dụng quyền của họ. Sự chống đối đó có thể đến từ một người bạn tin mạnh mẽ về việc cắt amyđan hoặc về trụ sinh. Hoặc một bác sĩ tin chắc rằng lời khuyên của ông là đúng. Một viên chức bệnh viện có thể không đồng ý, dựa trên quyền lợi pháp lý hoặc tài chánh.

Bác Sĩ Carl L. Nelson nói: “Nhiều bác sĩ chuyên khoa chỉnh hình từ chối giải phẫu bệnh nhân [Nhân Chứng]. Chúng tôi tin rằng bệnh nhân có quyền từ chối bất cứ liệu pháp y khoa nào. Nếu kỹ thuật có thể cung cấp phương pháp giải phẫu an toàn dầu phải loại một cách điều trị đặc biệt, như truyền máu, thì phải có phương pháp đó để bệnh nhân có thể chọn”.—The Journal of Bone and Joint Surgery, tháng 3-1986.

Một bệnh nhân thận trọng sẽ không ép một bác sĩ dùng liệu pháp mà ông không rành. Nhưng như Bác Sĩ Nelson có nói, nhiều bác sĩ tận tâm có thể chiều theo sự tin tưởng của bệnh nhân. Một viên chức người Đức khuyên: “Bác sĩ không thể từ chối giúp đỡ... lý luận rằng với một Nhân Chứng Giê-hô-va, ông ta không rành về các phương pháp thay thế. Ông vẫn có bổn phận phải giúp đỡ ngay cả khi các phương tiện bị hạn chế cho ông”. (Der Frauenarzt, tháng 5-tháng 6-1983) Cũng vậy, các bệnh viện không phải chỉ để làm tiền nhưng để phục vụ tất cả mọi người mà không kỳ thị. Nhà thần học Công Giáo Richard J. Devine nói: “Mặc dầu bệnh viện phải làm mọi cố gắng y khoa khác để bảo tồn sức khỏe và sự sống của bệnh nhân, nó phải bảo đảm là sự chữa trị y khoa đó không xúc phạm lương tâm [của người bệnh]. Hơn nữa, nó phải tránh mọi hình thức cưỡng ép, từ dỗ ngọt đến tìm lệnh tòa án để ép một cuộc truyền máu”.—Health Progress, tháng 6-1989.

THAY VÌ TÒA ÁN

Nhiều người đồng ý tòa án không phải là nơi để giải quyết vấn đề sức khỏe cá nhân. Bạn nghĩ sao nếu bạn chọn liệu pháp trụ sinh nhưng một người nào đó lại ra tòa để ép bạn phải cắt amyđan? Một bác sĩ có thể muốn chữa trị cách mà ông ta nghĩ là tốt nhất, nhưng ông ta không có phận sự phải mượn pháp lý để chà đạp quyền căn bản của bạn. Và vì Kinh Thánh đặt việc kiêng máu ngang tầm luân lý với việc tránh tà dâm, ép một tín đồ Đấng Christ nhận máu cũng giống như là cưỡng dâm.—Công-vụ 15:28, 29.

Tuy thế, cuốn Informed Consent for Blood Transfusion (1989) báo cáo rằng khi một bệnh nhân bằng lòng chấp nhận một rủi ro nào đó vì quyền tín ngưỡng của họ thì một số tòa án bối rối đến độ “đặt ra những ngoại lệ pháp lý—giả định pháp lý, nếu bạn muốn gọi là thế—để ép truyền máu”. Họ có thể cố bào chữa bằng cách nói rằng có liên quan đến bào thai hoặc có con trẻ cần nuôi dưỡng. Cuốn sách này nói: “Đó là những giả định pháp lý. Những người trưởng thành có năng lực có quyền từ chối cách chữa trị”.

Một số người nhất quyết đòi truyền máu lờ đi sự kiện không phải Nhân Chứng phản đối mọi liệu pháp. Họ chỉ từ chối một liệu pháp, mà ngay cả các chuyên gia cũng nói là đầy nguy hiểm. Thường một căn bệnh có thể được chữa bằng nhiều cách. Cách này có rủi ro nguy hiểm này, cách kia có rủi ro khác. Có thể nào một tòa án hay một bác sĩ theo chính sách gia trưởng biết được rủi ro nào là “tốt nhất cho bạn” không? Chính bạn mới là người phải xét đoán điều đó. Nhân Chứng Giê-hô-va kiên quyết không muốn ai khác quyết định giùm cho họ; vì đó là trách nhiệm riêng của họ đối với Đức Chúa Trời.

Nếu một tòa án ép bạn phải nhận một liệu pháp ghê tởm, điều này có thể ảnh hưởng đến lương tâm và yếu tố trọng yếu của ý nguyện sống của bạn như thế nào? Bác Sĩ Konrad Drebinger viết: “Đây chắc chắn là một hình thức lệch lạc của tham vọng y khoa ép một bệnh nhân nhận một liệu pháp quy định, gạt bỏ lương tâm của người đó, đặng điều trị thể xác người đó nhưng lại giáng vào tinh thần một đòn chí tử”.—Der Praktische Arzt, tháng 7-1978.

CHỮA TRỊ YÊU THƯƠNG CHO TRẺ EM

Những vụ kiện về máu thường liên quan đến trẻ em. Đôi khi các bậc cha mẹ yêu thương lịch sự yêu cầu không dùng máu, thì một số viên chức y tế đã nhờ tòa án can thiệp để ép dùng máu. Dĩ nhiên, tín đồ Đấng Christ đồng ý với luật pháp hay tòa án trong việc ngăn ngừa trẻ em bị ngược đãi hay bỏ bê. Có lẽ bạn có đọc về những trường hợp mà cha mẹ đánh đập một đứa con hoặc từ chối mọi chữa trị cho nó. Thật bi thảm thay! Rõ ràng, Nhà Nước có thể và phải can thiệp để bảo vệ một đứa trẻ bị hất hủi. Tuy nhiên, rất dễ thấy sự khác biệt lớn khi một bậc cha mẹ yêu thương yêu cầu liệu pháp hữu hiệu không dùng máu.

Những vụ kiện này thường chú trọng đến một đứa trẻ ở trong bệnh viện. Đứa trẻ đến đó bằng cách nào, và tại sao? Hầu hết mọi trường hợp là do chính cha mẹ chu đáo đã đem con họ đến đó để được chữa trị tốt. Giống như Chúa Giê-su đã chú tâm đến trẻ con, các bậc cha mẹ tín đồ Đấng Christ chăm lo cho con của họ. Kinh Thánh nói đến “một người vú săn-sóc chính con mình cách dịu-dàng”. Nhân Chứng Giê-hô-va cũng yêu thương con cái một cách sâu đậm như thế.—1 Tê-sa-lô-ni-ca 2:7; Ma-thi-ơ 7:11; 19:13-15.

Dĩ nhiên, tất cả các bậc cha mẹ có những quyết định ảnh hưởng đến đời sống và sự an toàn của con họ: Gia đình sẽ dùng ga hay dầu để sưởi ấm nhà? Họ sẽ đem con theo trong một chuyến đi xa bằng xe hay không? Nó có được đi bơi hay không? Những điều này dính líu đến những rủi ro, ngay cả những rủi ro sống chết. Nhưng xã hội nhìn nhận quyền tự do quyết định của cha mẹ, nên cha mẹ có quyền nhất trong hầu hết mọi quyết định ảnh hưởng đến con của họ.

Năm 1979 Tòa Án Tối Cao của Hoa Kỳ nói rõ: “Quan niệm của luật pháp về gia đình dựa trên giả định là cha mẹ có sự thành thục, kinh nghiệm, và khả năng suy xét cần thiết mà một đứa trẻ chưa có để làm những quyết định khó khăn trong đời sống... Không chỉ vì quyết định của cha mẹ (về một vấn đề sức khỏe) liên quan đến những rủi ro mà quyền quyết định bị tự động chuyển từ cha mẹ sang một cơ quan hay quan chức nào đó của nhà nước”.—Parham v. J.R.

Cùng năm đó Tòa Chống Án New York phán quyết: “Yếu tố quan trọng nhất để xác định xem một đứa trẻ có bị tước quyền được chữa trị thích đáng hay không... là sự kiện cha mẹ có cung cấp cho con họ một sự chữa trị thích hợp khi xét đến mọi hoàn cảnh xung quanh không. Không thể đưa ra cuộc điều tra này dựa trên việc cha mẹ đã quyết định ‘đúng’ hay ‘sai’, vì tình trạng hiện thời của thực hành y khoa tuy rất tiến bộ nhưng ít khi nào cho phép những kết luận dứt khoát như vậy. Và tòa án cũng không thể lãnh vai trò đại diện cha mẹ”.—In re Hofbauer.

Hãy nhớ lại thí dụ về cha mẹ chọn giữa trụ sinh và giải phẫu. Mỗi cách chữa trị đều có những rủi ro nguy hiểm của nó. Các bậc cha mẹ yêu thương có trách nhiệm cân nhắc lợi, hại, và các yếu tố khác rồi quyết định. Trong việc này, Bác Sĩ Jon Samuels (Anesthesiology News, tháng 10-1989) đề nghị xem lại bài Guides to the Judge in Medical Orders Affecting Children, có quan điểm này:

“Sự hiểu biết y khoa chưa tiến bộ đủ để cho phép một bác sĩ tiên đoán một cách khá chắc chắn là bệnh nhân sẽ sống hay chết... Nếu có sự chọn lựa phương pháp—nếu, ví dụ, bác sĩ đề nghị một phương pháp có 80 phần trăm khả năng thành công nhưng cha mẹ không đồng ý, họ lại đồng ý một phương pháp chỉ có 40 phần trăm khả năng thành công—bác sĩ phải chấp nhận phương pháp nhiều rủi ro hơn mà cha mẹ đồng ý”.

Đứng trước nhiều nguy hiểm chết người trong việc dùng máu chữa bệnh và vì có các phương pháp thay thế hữu hiệu, chẳng phải việc tránh dùng máu còn có ít rủi ro hơn hay sao?

Tất nhiên, tín đồ Đấng Christ cân nhắc nhiều yếu tố nếu con họ cần giải phẫu. Mọi phẫu thuật, dùng máu hay không, đều có những rủi ro. Bác sĩ phẫu thuật nào dám bảo đảm? Cha mẹ có thể biết là các bác sĩ giỏi đã có nhiều thành công trong phẫu thuật không dùng máu nơi trẻ em Nhân Chứng. Vậy dù cho một bác sĩ hay một nhân viên bệnh viện muốn dùng phương pháp khác, nhưng thay vì gây ra một cuộc tranh chấp pháp lý mất thì giờ và phiền hà, chẳng phải điều hợp lý là hợp tác với các bậc cha mẹ yêu thương hay sao? Hoặc cha mẹ có thể chuyển con sang bệnh viện khác nơi các nhân viên có kinh nghiệm xử lý những trường hợp này và bằng lòng làm như vậy. Thật ra, sự chữa trị không dùng máu sẽ là sự chữa trị tốt, vì nó có thể giúp cho gia đình “đạt được mục đích chính đáng về y khoa và không y khoa” như chúng ta đã đề cập.

[Chú thích]

^ đ. 10 Xin xem bài y khoa “Máu: Chọn lựa của ai và lương tâm của ai?” in lại trong phần Phụ Lục, nơi trang 30, 31.

[Khung nơi trang 18]

GIẢI TRỪ NHỮNG LO ÂU PHÁP LÝ

Bạn có lẽ tự hỏi: ‘Tại sao một số bác sĩ và bệnh viện lại nhanh chóng tìm lệnh tòa án để truyền máu?’ Ở một số nơi một lý do thông thường là sợ trách nhiệm pháp lý.

Không có lý do gì để phải lo âu như thế khi Nhân Chứng Giê-hô-va chọn chữa trị không dùng máu. Một bác sĩ tại Trường Y Khoa Albert Einstein (Hoa Kỳ) viết: “Hầu hết [các Nhân Chứng] sẵn sàng ký tên vào văn mẫu của Hiệp Hội Y Khoa Hoa Kỳ để giải trừ trách nhiệm cho bác sĩ và bệnh viện, và nhiều người mang [thẻ] Y Tế. Một văn mẫu ‘Không nhận sản phẩm máu’ được ký tên và đề ngày đàng hoàng là một sự thỏa thuận bằng khế ước và có sự ràng buộc về pháp lý.—Anesthesiology News, tháng 10-1989.

Vâng, Nhân Chứng Giê-hô-va sẵn lòng đưa ra sự bảo đảm pháp lý là một bác sĩ hoặc bệnh viện sẽ không phải chịu trách nhiệm khi chữa trị bằng phương pháp không dùng máu như được yêu cầu. Theo lời đề nghị của các chuyên gia y tế, mỗi Nhân Chứng mang theo một thẻ Y Tế. Thẻ này được thay mới mỗi năm và được ký tên bởi người mang nó và các người chứng, thường là bà con gần của người đó.

Vào tháng 3 năm 1990, Tối Cao Pháp Viện của Ontario, Canada, xác nhận một quyết định tán thành một văn kiện như thế: “Thẻ này là lời tuyên bố trên giấy tờ về một lập trường vững chắc mà người mang thẻ có thể chọn một cách hợp pháp khi viết ra một hạn chế đối với sự thỏa thuận cùng bác sĩ”. Trong sách Medicinsk Etik (1985), Giáo Sư Daniel Anderson viết: “Nếu có giấy tờ ghi rõ lời tuyên bố của bệnh nhân nói rằng người này là một Nhân Chứng Giê-hô-va và không muốn nhận máu trong bất cứ trường hợp nào, thì sự tôn trọng quyền tự chủ của bệnh nhân đòi hỏi nguyện vọng này phải được tôn trọng, cũng y như trường hợp nó được phát biểu bằng lời”.

Các Nhân Chứng cũng sẽ ký tên vào những văn mẫu ưng thuận của bệnh viện. Một mẫu được dùng ở bệnh viện tại Freiburg, Đức, có chỗ để bác sĩ có thể miêu tả những điều ông cho bệnh nhân biết về cách điều trị. Và, bên trên chữ ký của bác sĩ và bệnh nhân, mẫu này nói thêm: “Là một thành viên của đoàn thể tôn giáo Nhân Chứng Giê-hô-va, tôi dứt khoát từ chối việc dùng máu lạ hoặc thành phần máu trong việc giải phẫu cho tôi. Tôi biết rằng phương pháp dự tính và cần thiết sẽ có nguy cơ cao hơn do biến chứng chảy máu. Sau khi được giải thích kỹ về điều đó, tôi yêu cầu là cuộc giải phẫu cần thiết được thực hiện không dùng máu lạ hoặc thành phần máu”.—Herz Kreislauf, tháng 8-1987.

Thật ra, cách điều trị không dùng máu có lẽ ít nguy hiểm hơn. Nhưng điểm ở đây là bệnh nhân Nhân Chứng vui lòng giải tỏa mọi lo âu không cần thiết để nhân viên y tế có thể tiến hành những gì họ được giao phó để làm, giúp người ta lành bệnh. Sự hợp tác này có lợi cho cả đôi bên, như bác sĩ Angelos A. Kambouris trình bày trong bài “Những phẫu thuật bụng nghiêm trọng nơi Nhân Chứng Giê-hô-va”:

“Bác sĩ phẫu thuật phải coi sự thỏa thuận trước khi mổ là ràng buộc và phải triệt để tôn trọng bất chấp các biến cố xảy ra trong và sau khi mổ. [Điều này] hướng các bệnh nhân một cách tích cực tới sự điều trị phẫu thuật của họ, và chuyển sự chú ý của bác sĩ về vấn đề pháp lý và triết học sang phẫu thuật và kỹ thuật, như vậy, giúp ông điều trị hiệu quả nhất và đáp ứng lợi ích tốt nhất của bệnh nhân”.—The American Surgeon, tháng 6-1987.

[Khung nơi trang 19]

Lạm dụng kỹ thuật y khoa là yếu tố chánh trong sự gia tăng phí tổn y tế hiện thời... Đặc biệt là truyền máu vì nó tốn kém và có khả năng rủi ro cao. Vì vậy, hội đồng American Joint Commission on Accreditation of Hospitals đã xếp truyền máu vào loại có ‘dung lượng cao, rủi ro cao và dễ gây sai lầm’ ”.—“Transfusion”, tháng 7- tháng 8 năm 1989.

[Khung nơi trang 20]

Hoa Kỳ: “Cơ sở cho việc cần có sự đồng ý của bệnh nhân là khái niệm đạo đức về quyền tự chủ cá nhân, tức là những quyết định về vận mạng của một người phải do chính người đó làm. Lý do pháp lý cho việc đòi hỏi sự đồng ý là khi một hành động y khoa được thực hiện mà không có sự đồng ý của bệnh nhân tức là bạo hành”.—“Informed Consent for Blood Transfusion”, 1989.

Pháp: “Niềm tin riêng của bệnh nhân phải được tôn trọng. Ví dụ, không thể ép một bệnh nhân đi đến quyết định phá một bào thai chỉ vì chúng ta nghĩ điều đó “tốt” cho gia đình và cộng đồng”.—La Croix, ngày 17-3-1988.

Nhật Bản: “Không có ‘cái tuyệt đối’ trong thế giới y khoa. Bác sĩ tin rằng nền y khoa hiện đại là tốt nhất và theo đuổi nó, nhưng họ không nên ép bệnh nhân nhận mọi chi tiết của nó như là một ‘điều tuyệt đối’. Người bệnh cũng phải có quyền tự do chọn lựa”.—“Minami Nihon Shimbun”, ngày 28-6-1985.

[Khung nơi trang 21]

Bác Sĩ Law­rence S. Frankel báo cáo: “Tôi nhận thấy các gia đình [của Nhân Chứng Giê-hô-va] gắn bó và yêu thương. Các trẻ em được dạy dỗ, có lòng quan tâm và lễ phép... Hình như họ còn tuân theo các chỉ dẫn y khoa sát hơn, điều đó có thể biểu lộ một cố gắng để cho thấy họ chấp nhận sự chữa trị y khoa đến mức nào niềm tin họ cho phép”.—Department of Pediatrics, M. D. Anderson Hospital and Tumor Institute, Houston, Hoa Kỳ, 1985.

[Khung nơi trang 22]

Bác Sĩ James L. Fletcher, Jr., bình luận: “Tôi e rằng niềm kiêu ngạo nghề nghiệp đánh đổ phán xét y khoa đúng đắn là điều thường xảy ra. Cách chữa trị được coi là ‘tốt nhất ngày nay’ có thể thay đổi hoặc bị loại bỏ ngày mai. Điều nào nguy hiểm hơn, một bậc ‘cha mẹ ngoan đạo’ hay một bác sĩ kiêu ngạo tin chắc là sự chữa trị của mình tuyệt đối cần thiết?”—“Pediatrics”, tháng 10-1988.