Bị lột mặt nạ qua lời ví dụ về vườn nho
Chương 106
Bị lột mặt nạ qua lời ví dụ về vườn nho
GIÊ-SU bấy giờ đang ở trong đền thờ. Ngài vừa mới làm các nhà lãnh đạo tôn giáo bị bối rối khi họ hỏi bởi quyền phép nào ngài đã hành động. Họ chưa hết rối trí thì Giê-su lại lên tiếng hỏi: “Các ngươi nghĩ làm sao?” Rồi ngài cho một ví dụ để chỉ rõ thật sự họ thuộc loại người nào.
Ngài kể: “Một người kia có hai đứa con trai; nói cùng đứa thứ nhứt, mà rằng: Con ơi, bữa nay con hãy ra làm vườn nho. Đứa ấy thưa rằng: Vâng; rồi không đi. Đoạn, người cha đi đến đứa thứ hai, cũng bảo như vậy. Đứa nầy thưa rằng: Tôi không muốn đi. Nhưng sau ăn-năn, rồi đi. Trong hai con trai đó, đứa nào làm theo ý-muốn của cha?”
Họ đáp rằng: “Đứa thứ hai”.
Giê-su bèn giải thích: “Quả thật ta nói cùng các ngươi, những kẻ thâu thuế và phường đĩ-điếm sẽ được vào nước Đức Chúa Trời trước các ngươi”. Trên thực tế, những người thâu thuế và gái mãi dâm thoạt đầu không chịu phụng sự Đức Chúa Trời. Nhưng rồi giống như người con thứ hai, họ ăn năn và phụng sự ngài. Ngược lại, các nhà lãnh đạo tôn giáo, giống như đứa con thứ nhất, cho rằng mình phụng sự Đức Chúa Trời, nhưng như Giê-su nói: “Vì Giăng [Báp-tít] đã theo đường công-bình đến cùng các ngươi, nhưng các ngươi không tin, còn những kẻ thâu thuế và phường đĩ-điếm đã tin người; và các ngươi, khi đã thấy điều ấy, sau cũng không ăn-năn đặng tin người”.
Đoạn, Giê-su cho thấy lỗi lầm của các nhà lãnh đạo tôn giáo ấy không phải chỉ vì họ lơ là phụng sự Đức Chúa Trời, nhưng tệ hại hơn nhiều, họ là những kẻ xấu xa, độc ác. Ngài kể tiếp: “Có người chủ nhà kia, trồng một vườn nho, rào chung-quanh, ở trong đào một cái hầm ép rượu, và cất một cái tháp; rồi cho những kẻ trồng nho mướn, và đi qua xứ khác. Đến mùa hái trái, người chủ sai đầy-tớ đến cùng bọn trồng nho, đặng thâu hoa-lợi. Bọn trồng nho bắt các đầy-tớ, đánh người nầy, giết người kia, và ném đá người nọ. Người chủ lại sai đầy-tớ khác đông hơn khi trước; thì họ cũng đối-đãi một cách”.
“Các đầy-tớ” là các nhà tiên tri đã được “người chủ nhà” là Giê-hô-va Đức Chúa Trời sai đến gặp “kẻ trồng nho mướn” trong “vườn nho” của Ngài. Các kẻ trồng nho mướn này là những người đại diện cao cấp của dân Y-sơ-ra-ên, dân mà Kinh-thánh gọi là “vườn nho” của Đức Chúa Trời.
Bởi vì “bọn trồng nho” đã ngược đãi và giết “các đầy-tớ”, Giê-su giảng tiếp: “Sau hết, người chủ sai chính con trai mình đến cùng họ, vì nói rằng: Chúng nó sẽ kính-trọng con ta. Nhưng khi bọn trồng nho thấy con đó, thì nói với nhau rằng: Người nầy là kẻ kế-tự đây; hè! hãy giết nó đi, và chiếm lấy phần gia-tài nó. Họ bèn bắt con ấy, quăng ra ngoài vườn nho, và giết đi”.
Bấy giờ Giê-su hỏi các nhà lãnh đạo tôn giáo: “Vậy, khi người chủ vườn nho đến, thì sẽ xử với bọn làm vườn ấy thể nào?”
Họ trả lời: “Người chủ sẽ diệt đồ hung-ác ấy cách khổ-sở, và cho bọn trồng nho khác mướn vườn ấy, là kẻ sẽ nộp hoa-lợi lúc đến mùa”.
Như vậy, chính họ không ngờ đã vô tình tự tuyên án mình, bởi vì họ ở trong số “bọn trồng nho” của “vườn nho”, tức dân Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời. Hoa lợi mà Đức Giê-hô-va muốn họ sản xuất ra là đức tin nơi Con Ngài, đấng Mê-si thực thụ. Vì họ đã không sản xuất được hoa lợi như thế nên Giê-su báo trước: “Các ngươi há chưa hề đọc lời trong Kinh-thánh [nơi Thi-thiên 118:22, 23] : Hòn đá đã bị người xây nhà bỏ ra, trở nên đá đầu góc nhà; ấy là việc Chúa làm, và là một sự lạ trước mắt chúng ta, hay sao? Bởi vậy, ta phán cùng các ngươi, nước Đức Chúa Trời sẽ cất khỏi các ngươi, và cho một dân khác là dân sẽ có kết-quả của nước đó. Kẻ nào rơi trên hòn đá ấy sẽ bị giập-nát, còn kẻ nào bị đá ấy rớt nhằm thì sẽ tan-tành như bụi”.
Các thầy thông giáo và thầy tế lễ cả bấy giờ mới hiểu rằng Giê-su đang nói về họ, nên họ muốn giết ngài, tức “kẻ kế-tự” chính đáng. Vì vậy dân Do Thái nói chung đã bị tước mất đặc ân trị vì trong Nước Trời, và Đức Chúa Trời sẽ dựng nên một dân tộc mới gồm ‘những người trồng nho’, một dân tộc biết sản xuất bông trái tốt lành.
Vì sợ dân chúng vốn xem Giê-su như một nhà tiên tri, nên các nhà lãnh đạo tôn giáo chưa dám giết ngài trong dịp này. (Ma-thi-ơ 21:28-46; Mác 12:1-12; Lu-ca 20:9-19; Ê-sai 5:1-7).
▪ Hai đứa con trai trong lời ví dụ thứ nhất của Giê-su tượng trưng cho ai?
▪ Trong lời ví dụ thứ nhì, “chủ nhà”, “vườn nho”, “kẻ trồng nho mướn”, “đầy-tớ”, và “kẻ kế-tự” tượng trưng cho ai?
▪ Điều gì sẽ xảy ra cho ‘bọn trồng nho’, và ai sẽ thay thế họ?