Bữa ăn tại nhà người Pha-ri-si
Chương 83
Bữa ăn tại nhà người Pha-ri-si
GIÊ-SU vẫn còn ở trong nhà một người Pha-ri-si có quyền thế, và ngài vừa chữa lành cho một người bị bệnh phù thủng. Vì thấy những người được mời đều lựa những chỗ ăn trên ngồi trước, ngài bèn dạy một bài học về sự khiêm nhường.
Giê-su nói: “Khi người ta mời ngươi dự tiệc cưới, chớ ngồi chỗ cao nhứt, vì e rằng trong những khách mời có ai tôn-trọng hơn ngươi, người đứng mời sẽ đến nói cùng ngươi rằng: Hãy nhường chỗ cho người này ngồi, mà ngươi xấu-hổ vì phải xuống chỗ chót chăng”.
Vì thế Giê-su khuyên: “Khi ngươi được mời, hãy ngồi chỗ chót, người đứng mời sẽ đến nói cùng ngươi rằng: Hỡi bạn, xin ngồi lên cao hơn. Vậy thì điều đó sẽ làm cho ngươi được kính-trọng trước mặt những người đồng-bàn với mình”. Và để kết luận, Giê-su nói: “Bởi vì ai tự nhắc mình lên, sẽ phải hạ xuống, còn ai tự hạ mình xuống, sẽ được nhắc lên”.
Tiếp đó, Giê-su ngỏ lời cùng người Pha-ri-si đã mời ngài và miêu tả cách làm thế nào để đãi một bữa tiệc có giá trị thật sự trước mặt Đức Chúa Trời: “Khi ngươi đãi bữa trưa hoặc bữa tối, đừng mời bạn-hữu, anh em, bà-con và láng-giềng giàu, e rằng họ cũng mời lại, mà trả cho ngươi chăng. Song khi ngươi đãi tiệc, hãy mời những kẻ nghèo-khó, tàn-tật, què, đui, thì ngươi sẽ được phước, vì họ không có thể trả lại cho ngươi”.
Giê-su giải thích với người chủ rằng đãi những người bất hạnh một bữa tiệc như thế sẽ làm cho chủ nhà được vui sướng, bởi vì “đến kỳ kẻ công-bình sống lại, ngươi sẽ được trả”. Sự miêu tả một bữa tiệc có giá trị như thế gợi ý cho một người khách về một loại tiệc khác. Ông nói: “Phước cho kẻ sẽ được ăn bánh trong nước Đức Chúa Trời!” Tuy thế, không phải tất cả đều quí trọng triển vọng hân hoan ấy đâu, như Giê-su cho thấy qua một chuyện ví dụ sau đây:
“Có người kia dọn tiệc lớn, mời nhiều người ăn..., sai đầy-tớ mình đi nói với những kẻ được mời rằng: Hãy đến, mọi sự đã sẵn rồi. Song họ đồng-tình xin kiếu hết. Người thứ nhứt nói rằng: Tôi có mua một đám ruộng, cần phải đi coi; xin cho tôi kiếu. Kẻ khác rằng: Tôi có mua năm cặp bò, phải đi xem thử; xin cho tôi kiếu. Kẻ khác nữa rằng: Tôi mới cưới vợ, vậy tôi đi không được”.
Thật là những lời thoái thác đuối lý làm sao! Thông thường, người ta phải xem xét thửa ruộng hay thú vật trước rồi mới mua sau. Nếu đã mua rồi thì đâu cần phải đi xem gấp làm chi. Tương tự thế, việc cưới vợ cũng không phải là lý do để cản trở người đó nhận lời mời quan trọng như thế. Vì vậy, khi nghe các lời từ chối ấy, chủ nhà nổi giận và bảo người đầy tớ:
“Hãy đi mau ra ngoài chợ và các đường phố, đem những kẻ nghèo-khó, tàn-tật, đui, què vào đây. Sau lại đầy-tớ trình rằng: Thưa chủ, điều chủ dạy, đã làm rồi, mà hãy còn thừa chỗ. Chủ nhà lại biểu rằng: Hãy ra ngoài đường và dọc hàng rào, gặp ai thì ép mời vào, cho được đầy nhà ta.... Trong những kẻ đã mời trước, không có ai được nếm bữa tiệc của ta đâu”.
Chuyện ví dụ trên nói lên điều gì? Người “chủ” dọn tiệc lớn tượng trưng cho Giê-hô-va Đức Chúa Trời; người “đầy-tớ” chuyển lời mời tượng trưng cho Giê-su Christ; còn bữa “tiệc lớn” tượng trưng cho cơ hội được hưởng Nước Trời ở trên trời.
Những người đầu tiên được lời mời hưởng Nước Trời trước hết là những nhà lãnh đạo tôn giáo Do Thái, nhưng họ khước từ lời mời ấy. Vậy nên lời mời thứ hai, đặc biệt bắt đầu vào ngày Lễ Ngũ tuần năm 33 công nguyên, là cho những ai bị khinh khi và thấp hèn của nước Do Thái. Nhưng không đủ người nhận lời mời cho 144.000 chỗ trong Nước Đức Chúa Trời ở trên trời. Vì lẽ đó, vào năm 36 công nguyên, tức ba năm rưỡi sau, lời mời thứ ba và cũng là lời mời cuối cùng đã được gởi đến cho những người không cắt bì và không thuộc dân Do Thái, và việc nhóm những người đó lại đã tiếp diễn cho đến ngày nay. (Lu-ca 14:1-24).
▪ Giê-su dạy bài học nào về sự khiêm nhường?
▪ Làm sao một người có thể đãi một bữa tiệc có giá trị thật sự trước mặt Đức Chúa Trời, và tại sao điều này đem lại hạnh phúc cho người ấy?
▪ Vì sao những lời thoái thác của những người được mời là đuối lý?
▪ Chuyện ví dụ của Giê-su về bữa “tiệc lớn” có nghĩa gì?