Khuyên bảo, uốn nắn thêm
Chương 63
Khuyên bảo, uốn nắn thêm
KHI còn ở trong nhà tại Ca-bê-na-um, Giê-su và môn đồ bàn luận về một chuyện khác ngoài việc các môn đồ đã tranh cãi xem ai là lớn nhất. Chuyện này cũng có thể đã xảy ra trên đường về Ca-bê-na-um, vào lúc Giê-su không có mặt. Sứ đồ Giăng thưa: “Lạy thầy, chúng tôi từng thấy có người lấy danh thầy mà trừ quỉ, thì chúng tôi đã cấm, vì họ không theo chúng ta”.
Hiển nhiên Giăng nghĩ rằng chỉ có các sứ đồ mới có quyền chữa bệnh. Ông cảm thấy người đó không có quyền làm phép lạ vì không thuộc nhóm các sứ đồ.
Tuy nhiên, Giê-su khuyên: “Đừng cấm làm chi; vì chẳng có ai cùng trong một lúc, vừa nhơn danh ta làm phép lạ vừa nói xấu ta được. Hễ ai không nghịch cùng ta là thuộc về ta. Còn ai nhơn danh ta mà cho các ngươi một chén nước, vì các ngươi thuộc về Đấng Christ, quả thật, ta nói cùng các ngươi, người ấy sẽ không mất phần thưởng mình đâu”.
Người đó không nhất thiết phải đích thân đi theo Giê-su để đứng cùng phía với ngài. Hội thánh đấng Christ chưa được thành lập, vì thế việc người đó không ở cùng nhóm với họ không có nghĩa là người đó thuộc một hội thánh riêng rẽ nào khác. Người ấy thực sự có đức tin nơi danh của Giê-su, nên đã thành công đuổi được quỉ. Người đó làm điều mà nếu đem so sánh với những gì Giê-su nói thì đáng được thưởng. Giê-su cho thấy rằng nhờ làm vậy, người đó sẽ không mất phần thưởng mình đâu.
Nhưng nếu các sứ đồ có lời nói hay hành động làm cho người đó bị vấp phạm thì sao? Đây sẽ là một việc rất nghiêm trọng! Giê-su nói: “Hễ ai làm cho một đứa trong những đứa nhỏ nầy đã tin, phải sa vào tội-lỗi, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà bỏ xuống biển còn hơn”.
Giê-su nói rằng môn đồ ngài phải vất bỏ khỏi đời sống họ tất cả những gì khả dĩ làm họ sa ngã, dù cho những thứ đó có quí giá như tay, chân hay mắt. Thà rằng không có những thứ mà mình quí chuộng nhưng vào được Nước Trời, còn hơn là cố giữ những thứ đó để rồi bị quăng vào Ghê-hen-na (bãi đốt rác gần Giê-ru-sa-lem), là nơi tượng trưng cho sự hủy diệt đời đời.
Giê-su cũng cảnh giác: “Hãy giữ mình đừng khinh-dể một đứa nào trong những đứa trẻ nầy; vì ta bảo các ngươi, các thiên-sứ của chúng nó trên trời thường thấy mặt Cha ta, là Đấng ở trên trời”. Đoạn, ngài cho thấy sự quí giá của những “đứa trẻ” khi kể chuyện một người nọ có 100 con chiên nhưng bị mất một con. Người đó sẽ để 99 con lại mà đi kiếm con bị lạc. Và khi tìm thấy, người ấy mừng về con đó hơn 99 con không đi lạc kia. Rồi Giê-su giải thích: “Cũng thể ấy, Cha các ngươi ở trên trời không muốn cho một đứa nào trong những đứa trẻ nầy phải hư-mất”.
Có lẽ nghĩ đến cuộc tranh cãi giữa các sứ đồ, Giê-su khuyên: “Các ngươi phải có muối trong lòng mình, lại phải hòa-thuận cùng nhau”. Những thức ăn lạt lẽo cần có muối để ăn ngon hơn. Như vậy, muối theo nghĩa bóng làm cho lời ăn tiếng nói dễ nghe hơn. Có chất muối như thế sẽ giúp cho họ được hòa thuận.
Nhưng con người bất toàn nên thỉnh thoảng sẽ có sự cãi vã xảy ra. Giê-su cũng đưa ra những nguyên tắc chỉ đạo để giúp giải quyết vấn đề: “Nếu anh em ngươi phạm tội cùng ngươi, thì hãy trách người khi chỉ có ngươi với một mình người; như người nghe lời, thì ngươi được anh em lại”. Còn nếu người không nghe, Giê-su khuyên: “Hãy mời một hai người đi với ngươi, hầu cứ lời hai ba người làm chứng mà mọi việc được chắc-chắn”.
Giê-su nói chỉ khi nào đã thử mọi cách rồi, thì mới đem sự thể ra trình trước “Hội-thánh”, tức là những giám thị có trách nhiệm trong hội thánh. Họ là những người có thể quyết định về mặt tư pháp. Giê-su kết luận rằng nếu kẻ phạm tội không chịu chấp nhận quyết định của họ thì “hãy coi như kẻ ngoại và kẻ thâu thuế vậy”.
Khi đi đến một quyết định như thế, các giám thị phải theo sát những sự chỉ dẫn trong Lời của Đức Giê-hô-va. Do đó, khi họ thấy người nào đáng bị phạt thì lời phán quyết ấy đã được “buộc ở trên trời”. Còn lúc các giám thị “mở ở dưới đất”, tức thấy người đó vô tội thì coi như đã “mở ở trên trời” rồi. Giê-su nói rằng trong những quyết định tư pháp như thế, “nơi nào có hai ba người nhơn danh ta nhóm nhau lại, thì ta ở giữa họ”. (Ma-thi-ơ 18:6-20; Mác 9:38-50; Lu-ca 9:49, 50).
▪ Trong thời Giê-su, tại sao không cần thiết phải đi cùng với ngài?
▪ Làm vấp phạm một đứa trẻ là một vấn đề nghiêm trọng thế nào, và Giê-su cho thấy những đứa trẻ này quan trọng như thế nào?
▪ Điều gì có lẽ đã thúc đẩy Giê-su khuyến khích các sứ đồ nên có muối với nhau?
▪ Việc ‘buộc’ và ‘mở’ có ý nghĩa gì?