Trung tâm cuộc tranh luận
Chương 41
Trung tâm cuộc tranh luận
CHẲNG bao lâu sau khi đến ăn tại nhà Si-môn, Giê-su bắt đầu chuyến đi rao giảng thứ nhì trong vùng Ga-li-lê. Trong chuyến đi lần thứ nhất, ngài cùng đi với các môn đồ đầu tiên là Phi-e-rơ, Anh-rê, Gia-cơ và Giăng. Nhưng lần này có 12 sứ đồ và mấy phụ nữ đi theo nữa. Những người này gồm có Ma-ri Ma-đơ-len, Su-xan-nơ và Gian-nơ, là vợ một quan chức của vua Hê-rốt.
Việc rao giảng của Giê-su càng tăng mạnh thì những vụ tranh luận về hoạt động của ngài càng sôi nổi. Người ta đem đến ngài một người bị quỉ ám, vừa mù lại vừa câm. Khi Giê-su chữa lành cho người khỏi ách quỉ, và người đó có thể nói và thấy được, thì đám đông xúc động vô cùng và bảo nhau: “Có phải người đó là con cháu vua Đa-vít chăng?”
Quần chúng tụ lại quanh ngôi nhà Giê-su trú ngụ đông đến nỗi ngài và môn đồ không thể dùng bữa được. Ngoài những người nghĩ rằng ngài có thể là “con cháu của vua Đa-vít” mà Đức Chúa Trời đã hứa, còn có những thầy thông giáo và người Pha-ri-si đi suốt từ Giê-ru-sa-lem đến đây để cố hạ uy tín ngài. Khi họ hàng của Giê-su nghe biết về sự xáo động tập trung vào Giê-su, họ cũng đến với ý định đem ngài về. Vì lý do gì?
Bởi vì ngay cả các em của Giê-su cũng chưa tin ngài là Con Đức Chúa Trời. Hơn nữa, việc Giê-su gây nên những sự xáo động và tranh cãi là điều hoàn toàn khác với đặc tính của Giê-su mà họ biết khi ngài lớn lên tại Na-xa-rét. Thành thử họ tưởng rằng Giê-su bị loạn trí. Họ kết luận: “[Người, NW ] đã mất trí-khôn”, và muốn bắt ngài đem về nhà.
Tuy vậy, chứng cớ rõ ràng là Giê-su đã chữa lành người bị quỉ ám. Các thầy thông giáo và người Pha-ri-si biết không thể nào chối cãi điều đó được. Vậy nên họ xoay ra nói xấu ngài với dân chúng: “Người nầy chỉ nhờ Bê-ên-xê-bun là chúa quỉ mà trừ quỉ đó thôi”.
Biết rõ ý tưởng của họ, Giê-su bèn gọi họ đến và nói: “Một nước mà chia-xé nhau thì bị phá-hoang; một thành hay là một nhà mà chia-xé nhau thì không còn được. Nếu quỉ Sa-tan trừ quỉ Sa-tan, ấy là tự nó chia-xé nhau; thì nước nó làm sao còn được ư?”
Một lập luận vô cùng hữu lý! Vì người Pha-ri-si tự xưng rằng có những người trong hàng ngũ họ cũng đuổi quỉ được, nên Giê-su hỏi: “Nếu ta nhờ Bê-ên-xê-bun mà trừ quỉ, thì còn các ngươi nhờ ai mà trừ quỉ ư?” Nói cách khác, lời buộc tội của họ cũng có thể áp dụng cho chính họ như cho ngài. Đoạn Giê-su cảnh cáo: “Mà nếu ta cậy Thánh-Linh của Đức Chúa Trời để trừ quỉ, thì nước Đức Chúa Trời đã đến tận các ngươi”.
Để minh họa rằng việc ngài đuổi quỉ là bằng chứng ngài có quyền lực đối với Sa-tan, Giê-su nói: “Có lẽ nào, ai vào nhà một người mạnh-sức để cướp lấy của, mà trước không trói người mạnh-sức ấy được sao? Phải trói người rồi mới cướp của nhà người được. Ai không ở với ta, thì nghịch cùng ta; ai không thâu-hiệp với ta thì tan ra”. Người Pha-ri-si rõ ràng chống lại Giê-su và chứng tỏ họ là bộ hạ của Sa-tan. Họ cố làm cho dân Y-sơ-ra-ên rời xa ngài.
Cho nên Giê-su cảnh cáo bộ hạ của Sa-tan chống đối ngài rằng “lời phạm-thượng đến Đức Thánh-Linh, thì sẽ chẳng được tha đâu”. Ngài giải thích: “Nếu ai nói phạm đến Con người, thì sẽ được tha; song nếu ai nói phạm đến Đức Thánh-Linh, thì dầu đời nầy hay đời sau cũng sẽ chẳng được tha”. Các thầy thông giáo và người Pha-ri-si này đã phạm tội không thể tha thứ khi dám xấu bụng quy cho Sa-tan những phép lạ kỳ diệu rõ ràng là do thánh linh Đức Chúa Trời làm. (Ma-thi-ơ 12:22-32; Mác 3:19-30; Lu-ca 8:1-3; Giăng 7:5).
▪ Chuyến đi thứ nhì của Giê-su trong vùng Ga-li-lê khác với chuyến thứ nhất ra sao?
▪ Tại sao họ hàng của Giê-su cố bắt ngài?
▪ Những người Pha-ri-si cố bác bỏ các phép lạ của Giê-su như thế nào, và Giê-su đã đáp lại như thế nào?
▪ Những người Pha-ri-si ấy mắc tội gì, và tại sao?