Vấn đề chia gia tài
Chương 77
Vấn đề chia gia tài
HIỂN nhiên mọi người đều biết rằng Giê-su đang dùng bữa tại nhà người Pha-ri-si. Vì thế hàng ngàn người tụ tập bên ngoài để chờ ngài ra. Khác với người Pha-ri-si chống đối Giê-su và rình rập mong ngài ăn nói sơ hở, dân chúng quí trọng và sốt sắng nghe ngài.
Giê-su quay về phía môn đồ và nói: “Hãy giữ mình về men của người Pha-ri-si, là sự giả-hình”. Như vừa thấy trong bữa ăn, toàn bộ hệ thống tôn giáo của người Pha-ri-si có đầy sự đạo đức giả. Nhưng dù việc ác của người Pha-ri-si được che đậy dưới vẻ bề ngoài thành kính, nhưng rốt cuộc rồi cũng lộ ra. Giê-su nói: “Chẳng có sự gì giấu mà không phải tiết lộ ra, chẳng có sự gì kín mà không được biết”.
Kế đến Giê-su nhắc lại lời khích lệ mà ngài đã nói với 12 sứ đồ khi phái họ đi một chuyến rao giảng tại Ga-li-lê: “Đừng sợ kẻ giết xác rồi sau không làm gì được nữa”. Giê-su quả quyết với môn đồ ngài rằng bởi vì Đức Chúa Trời không quên một con chim sẻ nào, thì Ngài sẽ không quên họ đâu. Giê-su tuyên bố: “Khi người ta đem các ngươi đến nhà hội, trước mặt quan án và quan cai-trị,... Chính giờ đó Đức Thánh-Linh sẽ dạy các ngươi những lời phải nói”.
Bấy giờ, giữa đám đông có một người lên tiếng: “Thưa thầy, xin biểu anh tôi chia gia-tài cho tôi”. Luật pháp Môi-se quy định rằng con trưởng nam phải được hưởng hai phần, nên lẽ ra không có gì để tranh cãi cả. Song, có lẽ người này muốn đòi nhiều hơn phần mình được hưởng.
Vì vậy, Giê-su không muốn dính líu gì vào vụ này và ngài hỏi: “Hỡi người kia, ai đặt ta làm quan xử kiện hay là chia của cho các ngươi?” Đoạn, ngài cho dân chúng một lời cảnh cáo rất quan trọng: “Hãy giữ cẩn-thận chớ hà-tiện [tham lam, NW ] gì hết; vì sự sống của người ta không phải cốt tại của-cải mình dư-dật đâu”. Thật thế, dù một người có nhiều của cải đến đâu đi nữa thì rốt cuộc người đó cũng chết và bỏ lại tất cả. Giê-su dùng một chuyện ví dụ để nhấn mạnh sự kiện này cũng như cho thấy người không tạo tiếng tăm tốt với Đức Chúa Trời là người dại dột. Ngài giải thích:
“Ruộng của một người giàu kia sinh lợi nhiều lắm, người bèn tự nghĩ rằng: Ta phải làm thể nào? Vì không có đủ chỗ chứa hết sản-vật. Lại nói: Nầy, việc ta sẽ làm: ta phá cả kho-tàng và cất cái khác lớn hơn, thâu-trữ sản-vật và gia-tài vào đó; rồi sẽ nói với linh-hồn ta rằng: Linh-hồn ơi, mầy đã được nhiều của để dành dùng lâu năm; thôi, hãy nghỉ, ăn uống, và vui-vẻ. Song Đức Chúa Trời phán cùng người rằng: Hỡi kẻ dại! Chính đêm nay linh-hồn ngươi sẽ bị đòi lại; vậy những của-cải ngươi đã sắm-sẵn sẽ thuộc về ai?”
Và Giê-su kết luận: “Hễ ai thâu-trữ của cho mình mà không giàu-có nơi Đức Chúa Trời thì cũng như vậy”. Mặc dầu các môn đồ có thể không ham muốn của cải, nhưng vì sự lo lắng hằng ngày, họ có thể dễ bị xao lãng trong việc phụng sự Đức Giê-hô-va hết lòng. Giê-su nhân cơ hội này nhắc lại lời khuyên rất tốt mà ngài đã nói khoảng một năm rưỡi trước đây trong Bài Giảng trên Núi. Ngài quay sang môn đồ và nói:
“Ấy vậy, ta nói cùng các ngươi, đừng vì sự sống mà lo đồ mình ăn, cũng đừng vì thân-thể mà lo đồ mình mặc... Hãy xem con quạ: nó không gieo, không gặt, cũng không có hầm-vựa kho-tàng chi, mà Đức Chúa Trời còn nuôi nó... Hãy xem hoa huệ mọc lên thể nào: nó chẳng làm khó-nhọc, cũng không kéo chỉ; song ta phán cùng các ngươi, dầu vua Sa-lô-môn sang-trọng đến đâu, cũng không được mặc áo như một hoa nào trong giống ấy...”
“Vậy các ngươi đừng kiếm đồ-ăn đồ-uống, cũng đừng có lòng lo-lắng. Vì mọi sự đó, các dân ngoại ở thế-gian vẫn thường tìm, và Cha các ngươi biết các ngươi cần dùng mọi sự đó rồi. Nhưng thà các ngươi hãy tìm-kiếm nước Đức Chúa Trời, rồi mọi sự đó sẽ được cho thêm”.
Những lời dạy trên của Giê-su xứng đáng được mọi người lưu tâm, đặc biệt vào thời buổi kinh tế khó khăn. Ai lo lắng quá độ về các nhu cầu vật chất và bắt đầu giảm những hoạt động về thiêng liêng thì người đó thật ra cho thấy mình thiếu đức tin nơi khả năng của Đức Chúa Trời trong việc cung cấp cho tôi tớ Ngài. (Lu-ca 12:1-31; Phục-truyền Luật-lệ Ký 21:17).
▪ Có lẽ tại sao người đàn ông nọ đã hỏi về việc chia gia tài, và Giê-su cho lời khuyên nào?
▪ Giê-su dùng lời ví dụ nào, và lời ví dụ này có mục đích gì?
▪ Giê-su lặp lại lời khuyên nào, và tại sao điều này là thích hợp?