Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Bạn hãy đặt mục tiêu phụng sự Đức Chúa Trời đời đời

Bạn hãy đặt mục tiêu phụng sự Đức Chúa Trời đời đời

Chương 18

Bạn hãy đặt mục tiêu phụng sự Đức Chúa Trời đời đời

1, 2. Mình cần phải có gì nữa ngoài sự hiểu biết về Đức Chúa Trời?

HÃY TƯỞNG TƯỢNG bạn đang đứng trước cửa một căn phòng chứa nhiều ngọc ngà châu báu. Giả sử một người có thẩm quyền đã cho bạn chìa khóa và bảo bạn cứ tự tiện lấy các vật quí giá. Cái chìa khóa đó sẽ không có lợi cho bạn nếu bạn không dùng đến. Tương tự như thế, bạn phải dùng sự hiểu biết nếu muốn nó giúp ích cho bạn.

2 Điều này đặc biệt là đúng khi nói đến sự hiểu biết về Đức Chúa Trời. Quả thật, sự hiểu biết chính xác về Giê-hô-va Đức Chúa Trời và Giê-su Christ mang lại sự sống đời đời (Giăng 17:3). Tuy nhiên, bạn không đạt tới triển vọng đó được nếu chỉ có sự hiểu biết mà thôi. Bạn cần phải áp dụng sự hiểu biết về Đức Chúa Trời trong đời sống giống như cách bạn dùng một chìa khóa quí giá vậy. Giê-su nói rằng những người làm theo ý muốn Đức Chúa Trời sẽ “vào nước thiên đàng”. Những người như thế sẽ có đặc ân phụng sự Đức Chúa Trời đời đời (Ma-thi-ơ 7:21; I Giăng 2:17).

3. Ý muốn của Đức Chúa Trời đối với chúng ta là gì?

3 Sau khi biết ý muốn của Đức Chúa Trời là gì, điều quan trọng là làm theo ý đó. Bạn nghĩ ý muốn của Đức Chúa Trời đối với bạn là gì? Ý đó có thể được tóm tắt thích hợp bằng những lời này: Hãy noi theo Giê-su. I Phi-e-rơ 2:21 nói với chúng ta: “Anh em đã được kêu-gọi đến sự đó, vì Đấng Christ cũng đã chịu khổ cho anh em, để lại cho anh em một gương, hầu cho anh em noi dấu chơn Ngài”. Thế thì để làm theo ý muốn Đức Chúa Trời, chúng ta cần theo sát gương mẫu của Giê-su càng nhiều càng tốt. Đó là cách mà bạn áp dụng sự hiểu biết về Đức Chúa Trời.

GIÊ-SU DÙNG SỰ HIỂU BIẾT VỀ ĐỨC CHÚA TRỜI NHƯ THẾ NÀO

4. Tại sao Giê-su biết rõ về Đức Giê-hô-va, và Ngài dùng sự hiểu biết này như thế nào?

4 Giê-su Christ biết rõ về Đức Chúa Trời nhiều hơn bất cứ người nào khác. Ngài sống và làm việc với Giê-hô-va Đức Chúa Trời ở trên trời biết bao nhiêu năm trước khi xuống trái đất (Cô-lô-se 1:15, 16). Và Giê-su làm gì với tất cả sự hiểu biết đó? Ngài không thỏa mãn với sự kiện chỉ có sự hiểu biết mà thôi, Giê-su sống theo sự hiểu biết đó. Vì vậy ngài rất tử tế, kiên nhẫn và yêu thương trong cách đối xử với những người đồng loại. Do đó, Giê-su đã noi gương Cha trên trời của ngài và hành động phù hợp với sự hiểu biết của ngài về đường lối và cá tính của Đức Giê-hô-va (Giăng 8:23, 28, 29, 38; I Giăng 4:8).

5. Tại sao Giê-su làm báp têm, và ngài sống xứng đáng với ý nghĩa của phép báp têm như thế nào?

5 Sự hiểu biết mà Giê-su có cũng đã đưa ngài đến một bước quan trọng. Ngài đi từ Ga-li-lê đến sông Giô-đanh, nơi mà Giăng làm báp têm cho ngài (Ma-thi-ơ 3:13-15). Phép báp têm của Giê-su tiêu biểu cho điều gì? Là người Do Thái, ngài được sinh ra trong một dân tộc đã dâng mình cho Đức Chúa Trời. Vì vậy Giê-su đã được dâng mình từ khi mới sinh (Xuất Ê-díp-tô Ký 19:5, 6). Bằng cách làm báp têm, ngài đã trình diện với Đức Giê-hô-va để làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời đối với ngài vào lúc đó (Hê-bơ-rơ 10:5, 7). Và Giê-su sống xứng đáng với ý nghĩa của phép báp têm của ngài. Ngài gắng sức phụng sự Đức Giê-hô-va, chia sẻ sự hiểu biết về Đức Chúa Trời với dân chúng trong mọi cơ hội. Giê-su cảm thấy vui mừng khi làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời, thậm chí ngài nói rằng điều đó giống như đồ ăn cho ngài vậy (Giăng 4:34).

6. Giê-su tự quên mình bằng cách nào?

6 Giê-su nhận biết rõ là làm theo ý của Đức Giê-hô-va sẽ rất tốn kém, thậm chí ngài phải trả bằng mạng sống mình. Tuy nhiên, Giê-su tự quên mình, đặt nhu cầu riêng vào hàng thứ nhì. Đối với ngài, làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời luôn luôn đứng hàng đầu. Về phương diện này, làm sao chúng ta có thể theo gương mẫu hoàn toàn của Giê-su?

NHỮNG BƯỚC DẪN ĐẾN SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI

7. Một người phải qua những bước nào để hội đủ điều kiện làm báp têm?

7 Không giống như Giê-su, chúng ta đều bất toàn và có thể tiến đến bước quan trọng của phép báp têm chỉ sau khi chúng ta làm những bước cần thiết khác. Điều này bắt đầu bằng cách thu thập vào lòng sự hiểu biết chính xác về Giê-hô-va Đức Chúa Trời và Giê-su Christ. Làm điều này sẽ khiến chúng ta thực hành đức tin và có tình yêu thương sâu đậm đối với Đức Chúa Trời (Ma-thi-ơ 22:37-40; Rô-ma 10:17; Hê-bơ-rơ 11:6). Muốn tuân theo luật pháp, nguyên tắc và tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời, chúng ta phải bày tỏ sự buồn rầu theo ý Đức Chúa Trời, ăn năn về những tội lỗi mình đã phạm trong quá khứ. Điều này dẫn đến sự thay đổi, nghĩa là quay trở lại và từ bỏ đường lối sai lầm mà chúng ta đã theo trước khi có sự hiểu biết về Đức Chúa Trời (Công-vụ các Sứ-đồ 3:19). Nếu chúng ta vẫn lén lút thực hành tội lỗi nào đó thay vì làm những điều công bình, tất nhiên là chúng ta không thật sự thay đổi, và cũng không thể lừa dối Đức Chúa Trời. Đức Giê-hô-va thấy mọi sự giả hình (Lu-ca 12:2, 3).

8. Bạn nên làm gì khi bạn muốn tham gia vào hoạt động rao giảng về Nước Trời?

8 Giờ đây bạn đã thu thập được sự hiểu biết về Đức Chúa Trời, chẳng phải là thích hợp để suy nghĩ xem mình phải làm gì với những điều thiêng liêng này hay sao? Có lẽ bạn sốt sắng nói với bà con thân thuộc, bạn bè và người khác về những gì bạn đang học. Thật vậy, có lẽ bạn đã làm điều này rồi, cũng như Giê-su đã chia sẻ tin mừng với người khác trong mọi dịp tiện (Lu-ca 10:38, 39; Giăng 4:6-15). Bây giờ có lẽ bạn muốn làm nhiều hơn nữa. Các trưởng lão tín đồ đấng Christ sẽ vui mừng nói chuyện với bạn để xác định bạn có hội đủ điều kiện và có thể tham gia vào hoạt động rao giảng về Nước Trời của Nhân-chứng Giê-hô-va hay không. Nếu bạn hội đủ điều kiện, các trưởng lão sẽ sắp đặt để bạn đi rao giảng với một Nhân-chứng. Môn đồ của Giê-su theo sự chỉ dẫn của ngài để thi hành thánh chức của họ một cách có trật tự (Mác 6:7, 30; Lu-ca 10:1). Bạn sẽ có được sự giúp đỡ tương tự như thế khi bạn tham gia vào công việc truyền bá thông điệp Nước Trời từ nhà này sang nhà kia và trong những cách khác (Công-vụ các Sứ-đồ 20:20, 21).

9. Làm sao một người dâng mình cho Đức Chúa Trời, và sự dâng mình ảnh hưởng đến đời sống người đó như thế nào?

9 Rao giảng tin mừng cho mọi hạng người trong khu vực của hội thánh là một cách để tìm kiếm những người ưa chuộng sự công bình và là một trong những việc lành cho thấy bạn có đức tin (Công-vụ các Sứ-đồ 10:34, 35; Gia-cơ 2:17, 18, 26). Sự tham dự đều đặn tại các buổi họp của tín đồ đấng Christ và dự phần vào công việc rao giảng cũng là những cách để bày tỏ rằng bạn đã ăn năn và thay đổi và giờ đây cương quyết để sống phù hợp với sự hiểu biết về Đức Chúa Trời. Vậy bạn nghĩ bước kế tiếp là gì? Đó là dâng mình cho Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Dâng mình có nghĩa là cầu nguyện tận đáy lòng, nói với Đức Chúa Trời rằng bạn sẵn sàng và hết lòng dâng sự sống bạn cho Ngài để làm ý muốn của Ngài. Đây là cách dâng mình cho Đức Giê-hô-va và gánh lấy ách dễ chịu của Giê-su Christ (Ma-thi-ơ 11:29, 30).

PHÉP BÁP TÊM—CÓ NGHĨA GÌ CHO BẠN

10. Tại sao bạn nên làm báp têm sau khi đã dâng mình cho Đức Giê-hô-va?

10 Theo Giê-su, tất cả những người trở thành môn đồ ngài phải làm báp têm (Ma-thi-ơ 28:19, 20). Tại sao cần phải làm điều này sau khi bạn đã dâng mình cho Đức Chúa Trời? Vì bạn đã dâng mình cho Đức Giê-hô-va, Ngài biết bạn yêu mến Ngài, nhưng chắc chắn bạn muốn làm hơn thế nữa để cho người khác biết về lòng yêu thương của bạn đối với Đức Chúa Trời. Thế thì phép báp têm cho bạn cơ hội để bày tỏ công khai là bạn đã dâng mình cho Giê-hô-va Đức Chúa Trời (Rô-ma 10:9, 10).

11. Ý nghĩa của phép báp têm là gì?

11 Phép báp têm mang nhiều ý nghĩa tượng trưng. Khi bạn trầm mình, hoặc “bị chôn” dưới nước, thì cũng giống như bạn đã chết về lối sống cũ. Khi bạn ra khỏi nước, thì cũng giống như bạn bước vào một cuộc sống mới, cuộc sống theo ý của Đức Chúa Trời chứ không phải theo ý riêng của bạn. Dĩ nhiên, điều đó không có nghĩa là bạn sẽ không phạm tội nữa, vì tất cả chúng ta là bất toàn, vì vậy mỗi ngày đều phạm tội. Tuy nhiên, với tư cách là một tôi tớ đã dâng mình và làm báp têm của Đức Giê-hô-va, bạn sẽ bước vào một mối liên lạc đặc biệt với Ngài. Bởi vì bạn ăn năn và khiêm nhường làm báp têm, Đức Giê-hô-va sẵn sàng tha thứ tội lỗi cho bạn qua căn bản của sự hy sinh làm giá chuộc của Giê-su. Vì vậy, phép báp têm cho bạn có một lương tâm trong sạch trước mặt Đức Chúa Trời (I Phi-e-rơ 3:21).

12. Làm báp têm a) “nhơn danh Cha” nghĩa là gì? b) ‘nhơn danh Con’ nghĩa là gì? c) ‘nhơn danh thánh linh’ nghĩa là gì?

12 Giê-su bảo môn đồ ngài làm báp têm cho các môn đồ mới “nhân danh Cha, Con và thánh linh” (Ma-thi-ơ 28:19, NW). Giê-su có ý nói gì? Phép báp têm “nhân danh Cha” cho biết người làm báp têm hết lòng chấp nhận Giê-hô-va Đức Chúa Trời là Đấng Tạo hóa và Đấng có quyền Thống trị hoàn vũ (Thi-thiên 36:9; 83:18; Truyền-đạo 12:1). Làm báp têm ‘nhân danh Con’ có nghĩa là người đó nhận biết Giê-su Christ—và đặc biệt là sự hy sinh làm giá chuộc của ngài—là cách duy nhất mà Đức Chúa Trời dùng để ban cho sự cứu rỗi (Công-vụ các Sứ-đồ 4:12). Phép báp têm ‘nhân danh thánh linh’ có nghĩa là ứng viên báp têm nhìn nhận thánh linh hoặc sinh hoạt lực của Đức Giê-hô-va là công cụ Đức Chúa Trời dùng để thực hiện ý định của Ngài và thêm sức cho các tôi tớ Ngài hầu họ làm ý muốn công bình liên quan đến tổ chức được hướng dẫn bằng thánh linh của Ngài (Sáng-thế Ký 1:2; Thi-thiên 104:30; Giăng 14:26; II Phi-e-rơ 1:21).

BẠN CÓ SẴN SÀNG LÀM BÁP TÊM KHÔNG?

13, 14. Tại sao chúng ta không nên sợ khi chọn phụng sự Giê-hô-va Đức Chúa Trời?

13 Vì phép báp têm có nhiều ý nghĩa và là một vấn đề quan trọng nhất trong đời sống của một người, bạn có nên sợ việc làm báp têm không? Chắc chắn không. Chúng ta không nên xem nhẹ quyết định làm báp têm, vì rõ ràng đây là quyết định khôn ngoan nhất mà bạn có thể lấy.

14 Báp têm là bằng chứng của việc bạn chọn phụng sự Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Hãy nghĩ đến những người mà bạn quen biết. Bằng cách này hay cách khác, chẳng phải mỗi người hầu một chủ sao? Một số người làm nô lệ cho sự giàu có (Ma-thi-ơ 6:24). Những người khác thì hết lòng theo đuổi sự nghiệp của họ hoặc tự phục vụ bằng cách làm tròn những ước muốn quan trọng riêng của họ trong đời sống. Còn những người khác nữa thì phụng sự các thần giả. Nhưng bạn đã chọn phụng sự Đức Chúa Trời thật, Đức Giê-hô-va. Không ai khác bày tỏ lòng nhân từ, trắc ẩn và yêu thương nhiều như Ngài cả. Đức Chúa Trời nâng cao phẩm giá của người ta bằng cách cho họ một công việc đầy ý nghĩa để hướng họ đến sự cứu rỗi. Ngài thưởng cho tôi tớ Ngài sự sống đời đời. Chắc chắn, việc bạn theo gương mẫu của Giê-su và dâng đời sống mình cho Đức Giê-hô-va không phải là một đường lối đáng sợ. Thật ra, đó là một đường lối duy nhất làm hài lòng Đức Chúa Trời và hoàn toàn hợp lý (I Các Vua 18:21).

15. Thường có một số vấn đề nào cản trở việc báp têm?

15 Tuy nhiên, chúng ta không làm báp têm chỉ vì áp lực của người khác. Đó là một vấn đề riêng giữa bạn và Đức Giê-hô-va (Ga-la-ti 6:4). Khi bạn có sự tiến bộ về thiêng liêng, có lẽ bạn tự hỏi: “Có sự gì ngăn-cấm tôi chịu phép báp-têm chăng?” (Công-vụ các Sứ-đồ 8:35, 36). Bạn có thể tự hỏi: ‘Sự chống đối của gia đình có ngăn cản tôi không? Tôi còn dính líu vào cảnh ngộ nào đó trái với Kinh-thánh hoặc còn thực hành tội lỗi không? Có phải là tôi sợ những người trong cộng đồng không thích tôi không?’ Đây là một vài yếu tố để xem xét, nhưng hãy cân nhắc một cách thực tế.

16. Bạn sẽ có lợi ích như thế nào trong việc phụng sự Đức Giê-hô-va?

16 Cân nhắc những yếu tố tiêu cực mà không xem xét đến những lợi ích của việc phụng sự Đức Giê-hô-va thì không phải là điều thực tế. Chẳng hạn, hãy xem xét về vấn đề gia đình chống đối. Giê-su hứa là cho dù các môn đồ ngài mất những người thân bởi vì đi theo ngài, họ sẽ có được một gia đình thiêng liêng lớn hơn (Mác 10:29, 30). Những anh em đồng đức tin này sẽ bày tỏ lòng yêu thương anh em đối với bạn, giúp bạn chịu đựng sự thử thách, và ủng hộ bạn trên con đường dẫn đến sự sống (I Phi-e-rơ 5:9). Nhất là các trưởng lão trong hội thánh có thể giúp bạn để đương đầu với những vấn đề và vượt qua tình thế khó khăn một cách thành công (Gia-cơ 5:14-16). Nói về vấn đề sợ người thế gian xung quanh không ưa thích mình, bạn nên tự hỏi: ‘Có gì có thể so sánh với việc được Đấng Tạo hóa của vũ trụ chấp nhận, và làm cho Ngài vui lòng vì tôi đã chọn lối sống này không?’ (Châm-ngôn 27:11).

SỐNG XỨNG ĐÁNG VỚI SỰ DÂNG MÌNH VÀ BÁP TÊM CỦA BẠN

17. Tại sao bạn nên xem phép báp têm là bước đầu thay vì bước cuối?

17 Điều quan trọng mà bạn nên nhớ là phép báp têm không phải là kết thúc sự tiến bộ thiêng liêng của bạn. Nó đánh dấu bước đầu của việc phụng sự Đức Chúa Trời trọn đời với tư cách là một người truyền giáo được bổ nhiệm và một Nhân-chứng Giê-hô-va. Mặc dù phép báp têm rất là quan trọng, nhưng nó không bảo đảm sự cứu rỗi. Giê-su không nói: ‘Ai làm báp têm sẽ được cứu’. Thay vì vậy, ngài nói: “Kẻ nào bền chí cho đến cuối-cùng, thì sẽ được cứu” (Ma-thi-ơ 24:13). Vì vậy, điều quan trọng là bạn tìm kiếm Nước Đức Chúa Trời trước hết bằng cách xem Nước Trời là tối quan trọng trong đời sống bạn (Ma-thi-ơ 6:25-34).

18. Sau khi làm báp têm, bạn nên theo đuổi một số mục tiêu nào?

18 Để bền chí trong việc phụng sự Đức Giê-hô-va, bạn cần đặt các mục tiêu thiêng liêng cho chính mình. Một mục tiêu thích hợp là gia tăng sự hiểu biết của bạn về Đức Chúa Trời qua việc đều đặn học hỏi Lời của Ngài. Hãy sắp đặt để đọc Kinh-thánh mỗi ngày (Thi-thiên 1:1, 2). Tham dự buổi họp tín đồ đấng Christ một cách đều đặn, vì sự kết hợp mà bạn tìm thấy tại đó sẽ giúp cho bạn có sức mạnh thiêng liêng. Về phần bạn, tại sao không đặt mục tiêu bình luận tại các buổi họp hội thánh và như thế bạn sẽ ca ngợi Đức Giê-hô-va và tìm cách để xây dựng người khác? (Rô-ma 1:11, 12). Một mục tiêu khác là trau giồi phẩm chất lời cầu nguyện của bạn (Lu-ca 11:2-4).

19. Thánh linh có thể giúp bạn bày tỏ những đức tính nào?

19 Nếu bạn muốn sống xứng đáng với ý nghĩa của phép báp têm, bạn cần luôn chú ý đến những gì bạn làm, hãy để thánh linh Đức Chúa Trời giúp bạn sinh ra những đức tính như lòng yêu thương, sự vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, đức tin, mềm mại, tự chủ (Ga-la-ti 5:22, 23, NW; II Phi-e-rơ 3:11). Hãy nhớ rằng Đức Giê-hô-va ban thánh linh của Ngài cho tất cả những ai xin Ngài và vâng lời Ngài như các tôi tớ trung thành của Ngài (Lu-ca 11:13; Công-vụ các Sứ-đồ 5:32). Vậy, hãy cầu nguyện Đức Chúa Trời để xin thánh linh và xin Ngài giúp bạn bày tỏ những đức tính làm vui lòng Ngài. Những đức tính như thế sẽ trở nên rõ rệt hơn trong lời nói và hạnh kiểm của bạn khi bạn để cho thánh linh Đức Chúa Trời hướng dẫn. Dĩ nhiên, mỗi người trong hội thánh tín đồ đấng Christ cố gắng phát triển “nhân cách mới” để trở nên giống đấng Christ hơn (Cô-lô-se 3:9-14, NW). Mỗi người chúng ta đương đầu với những thử thách khác nhau khi làm điều này bởi vì chúng ta có sự tiến bộ về thiêng liêng khác nhau. Vì bạn bất toàn, bạn phải cố gắng rất nhiều để có được nhân cách giống như đấng Christ. Nhưng chớ bao giờ chán nản về phương diện này, vì bạn có thể làm được với sự giúp đỡ của Đức Chúa Trời.

20. Bạn có thể noi gương Giê-su trong thánh chức qua những cách nào?

20 Một trong những mục tiêu thiêng liêng mà bạn nên có là noi theo gương mẫu vui mừng của Giê-su nhiều hơn (Hê-bơ-rơ 12:1-3). Ngài yêu thích thánh chức. Nếu bạn có đặc ân chia sẻ trong hoạt động rao giảng về Nước Trời, thì chớ nên xem công việc này là tầm thường. Hãy tìm sự thỏa lòng trong việc dạy dỗ người khác về Nước Đức Chúa Trời như Giê-su đã làm. Hãy áp dụng những điều học hỏi trong hội thánh để giúp bạn trở thành người dạy dỗ tốt hơn. Và hãy tin chắc rằng Đức Giê-hô-va có thể ban cho bạn thêm sức mạnh để thi hành thánh chức của bạn (I Cô-rinh-tô 9:19-23).

21. a) Làm sao chúng ta biết Đức Giê-hô-va quí trọng những người đã báp têm và trung thành với Ngài? b) Điều gì cho thấy phép báp têm là quan trọng cho sự sống sót của chúng ta khi Đức Chúa Trời thi hành sự phán xét trên hệ thống mọi sự gian ác này?

21 Một người đã dâng mình, làm báp têm, cố gắng trung thành bước theo Giê-su, là người đặc biệt đối với Đức Chúa Trời. Đức Giê-hô-va xem xét lòng của hàng tỉ người và biết những người như thế rất là hiếm có. Ngài xem họ như châu báu quí giá, “những sự ao-ước” (A-ghê 2:7). Lời tiên tri của Kinh-thánh cũng cho thấy Đức Chúa Trời xem những người đó được ghi dấu để sống sót khi Ngài hành quyết hệ thống mọi sự gian ác này trong ngày phán xét sắp đến (Ê-xê-chi-ên 9:1-6; Ma-la-chi 3:16, 18). Bạn có phải là người “đã được định sẵn cho sự sống đời đời” không? (Công-vụ các Sứ-đồ 13:48). Có phải bạn hết lòng muốn được ghi dấu là người phụng sự Đức Chúa Trời không? Sự dâng mình và báp têm là một phần của dấu đó và cần thiết để được sống sót.

22. “Đám đông” có thể trông mong đến triển vọng nào?

22 Sau trận Nước lụt toàn cầu, Nô-ê và gia đình ông ra khỏi chiếc tàu để vào một trái đất được tẩy sạch. Ngày nay cũng tương tự như thế, “một đám đông” đang áp dụng sự hiểu biết về Đức Chúa Trời trong đời sống họ và được sự chấp nhận của Đức Giê-hô-va, họ có triển vọng sống sót qua sự cuối cùng của hệ thống mọi sự gian ác này và hưởng sự sống đời đời trên một trái đất được tẩy sạch mãi mãi (Khải-huyền 7:9, 14). Đời sống lúc đó sẽ ra sao?

TRẮC NGHIỆM SỰ HIỂU BIẾT CỦA BẠN

Đức Giê-hô-va muốn bạn dùng sự hiểu biết về Ngài như thế nào?

Có những bước nào dẫn đến phép báp têm?

Tại sao báp têm không phải là bước cuối nhưng là bước đầu?

Làm sao chúng ta có thể sống xứng đáng với sự dâng mình và báp têm của mình?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 172]

Bạn đã dâng mình cho Đức Chúa Trời qua lời cầu nguyện chưa?

[Các hình nơi trang 174]

Điều gì cản trở bạn làm báp têm?