Bạn có thể vượt qua sự bi quan
Bạn có thể vượt qua sự bi quan
Bạn có quan điểm nào về những trở ngại mình gặp phải? Nhiều chuyên gia tin rằng lời giải đáp cho câu hỏi đó cho biết rõ bạn là người lạc quan hay bi quan. Ai trong chúng ta cũng trải qua những thử thách trong đời sống, dù ở mức độ khác nhau. Thế nhưng, tại sao một số người không chùn bước trước thử thách lớn, còn số khác thì bỏ cuộc ngay cả trước những thử thách tương đối nhỏ?
Chẳng hạn, hãy hình dung bạn đang tìm việc. Rồi bạn đi phỏng vấn và không đậu. Bạn sẽ có thái độ nào sau đó? Có thể bạn sẽ tự trách bản thân, cho rằng mình sẽ không bao giờ tìm được việc, và tự nhủ: “Chẳng ai sẽ tuyển dụng người như mình đâu. Mình sẽ luôn thất nghiệp”. Hay tệ hơn, có thể bạn còn để điều đó ảnh hưởng đến cái nhìn của mình về mọi khía cạnh trong đời sống và nghĩ: “Mình là kẻ thất bại. Mình chẳng hữu dụng với bất cứ ai”. Trong mỗi trường hợp, lối suy nghĩ như thế là biểu hiện của sự bi quan.
Đấu tranh với sự bi quan
Làm thế nào để đấu tranh chống lại thái độ bi quan? Bước quan trọng đầu tiên là tập nhìn nhận rằng suy nghĩ như thế là tiêu cực. Bước tiếp theo là đấu tranh chống lại những suy nghĩ tiêu cực ấy. Hãy tìm cách giải thích hợp lý hơn. Chẳng hạn, có đúng là bạn bị rớt phỏng vấn vì không ai muốn tuyển dụng bạn không? Hay đơn giản là vì người chủ đang tìm người có kỹ năng khác?
Khi nhìn một cách khách quan, bạn sẽ thấy rằng suy nghĩ bi quan như thế là phản ứng thái quá. Bị rớt phỏng vấn một lần không có nghĩa là bạn hoàn toàn thất bại. Chắc hẳn bạn đã thành công trong những khía cạnh khác của đời sống như việc thờ phượng, mối quan hệ gia đình hay bạn bè. Hãy tập xem những suy đoán ảm đạm chỉ thuộc về “trường phái tưởng tượng”. Suy cho cùng, bạn có thật sự biết mình sẽ không bao giờ tìm được việc không? Cũng có điều khác bạn có thể làm để gạt bỏ suy nghĩ tiêu cực.
Suy nghĩ tích cực và hướng đến mục tiêu
Trong những năm gần đây, các nhà nghiên cứu đã đưa ra định nghĩa thú vị về hy vọng, dù vẫn có phần hạn hẹp. Họ nói rằng hy vọng bao hàm niềm tin rằng bạn sẽ đạt được các mục tiêu. Như bài sau cho thấy, thật ra hy vọng bao hàm nhiều hơn thế, nhưng định nghĩa ấy có vẻ giúp ích trong một số cách. Khi tập trung vào khía cạnh này của hy vọng, chúng ta có thể có suy nghĩ tích cực hơn và hướng đến các mục tiêu.
Để tin rằng mình có thể đạt được các mục tiêu, chúng ta cần có những thành tích trong việc đặt ra và đạt được các mục tiêu. Nếu thấy mình chưa có thành tích như thế, việc suy nghĩ nghiêm túc về các mục tiêu là điều đáng công. Trước tiên, bạn có mục tiêu không? Rất dễ để làm theo chương trình đã định sẵn và cuốn vào cuộc sống hối hả mà không dừng lại để suy nghĩ về điều mình thật sự muốn trong đời sống, điều quan trọng nhất với mình. Từ lâu, Kinh Thánh đã đưa ra nguyên tắc sau về việc đặt thứ tự ưu tiên: “[Hãy] nhận biết những điều quan trọng hơn”.—Phi-líp 1:10.
Một khi đã đặt thứ tự ưu tiên, chúng ta sẽ dễ thấy một số mục tiêu chính yếu trong các khía cạnh như việc thờ phượng, gia đình và đời thường. Tuy nhiên, điều quan trọng là lúc đầu chúng ta không nên đặt quá nhiều mục tiêu, và nên đặt mục tiêu có thể dễ đạt được. Nếu đặt mục tiêu quá khó, có thể chúng ta sẽ nản lòng và bỏ cuộc. Vì thế, thường thì tốt nhất nên chia mục tiêu lớn và dài hạn thành những mục tiêu nhỏ và ngắn hạn.
Dân gian có câu: “Có chí thì nên”. Câu này cũng có phần đúng. Một khi đã có mục tiêu, chúng ta cần ý chí, tức là ước muốn và lòng quyết tâm, để cố gắng đạt được. Chúng ta có thể củng cố lòng quyết tâm ấy bằng cách nghĩ đến tầm quan trọng của mục tiêu và lợi ích khi đạt được mục tiêu. Dĩ nhiên, chúng ta sẽ gặp trở ngại nhưng hãy xem đó là rào cản có thể vượt qua chứ không phải đường cùng.
Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nghĩ đến những cách thực tế để đạt được mục tiêu. Tác giả C. R. Snyder, người đã thực hiện cuộc nghiên cứu chuyên sâu về giá trị của hy vọng, đã đề nghị là hãy nghĩ ra nhiều cách để đạt mục tiêu. Khi cách thứ nhất không thành công, chúng ta có thể tiến hành cách thứ hai, thứ ba, v.v.
Ông Snyder cũng đề nghị là cần nhận ra khi nào nên thay đổi mục tiêu. Nếu thật sự không thể đạt được một mục tiêu thì việc than thân trách phận chỉ khiến mình nản lòng. Ngược lại, việc thay mục tiêu đó bằng mục tiêu thực tế hơn sẽ cho chúng ta động lực để vươn tới phía trước.
Kinh Thánh ghi lại một gương sáng về khía cạnh này. Một vị vua là Đa-vít rất quý mục tiêu xây đền thờ cho Giê-hô-va Đức Chúa Trời của ông. Nhưng ngài phán với ông rằng con trai ông là Sa-lô-môn mới là người nhận được đặc ân ấy. Thay vì giận dỗi hoặc cố thực hiện bằng được, Đa-vít thay đổi mục tiêu. Ông dồn mọi nỗ lực vào việc thu quỹ đóng góp và các vật liệu mà con trai ông sẽ cần để hoàn tất dự án.—1 Các vua 8:17-19; 1 Sử ký 29:3-7.
Khi nỗ lực vượt qua sự bi quan, tập có cái nhìn tích cực và hướng đến mục tiêu, chúng ta có hy vọng ở một mức độ nào đó. Dù vậy, có thể chúng ta vẫn cảm thấy thất vọng. Tại sao? Nhiều điều khiến chúng ta thất vọng nằm ngoài tầm kiểm soát của mình. Đứng trước vô số vấn đề mà nhân loại gặp phải như sự nghèo đói, chiến tranh, bất công, bệnh tật và sự chết, làm thế nào chúng ta có thể giữ cái nhìn lạc quan?
[Hình]
Nếu bị rớt phỏng vấn, bạn có cho rằng mình sẽ không bao giờ tìm được việc không?
[Hình]
Vua Đa-vít đã linh động trong việc đặt mục tiêu