Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

CHƯƠNG 71

Người Pha-ri-si tra hỏi người từng bị mù

Người Pha-ri-si tra hỏi người từng bị mù

GIĂNG 9:19-41

  • NGƯỜI PHA-RI-SI TRA HỎI NGƯỜI TỪNG BỊ MÙ

  • CÁC NHÀ LÃNH ĐẠO TÔN GIÁO BỊ “MÙ“

Người Pha-ri-si không chịu nhìn nhận là Chúa Giê-su làm cho người đàn ông bị mù bẩm sinh được sáng mắt, nên họ gọi cha mẹ anh ta đến. Cha mẹ anh ta biết rằng họ sẽ có nguy cơ “bị đuổi khỏi nhà hội” (Giăng 9:22). Việc bị tẩy chay khỏi cộng đồng Do Thái sẽ khiến gia đình họ chịu hậu quả nặng nề về kinh tế và ảnh hưởng đến các mối quan hệ xã hội.

Người Pha-ri-si hỏi: “Đây có phải đứa con mà ông bà nói là bị mù từ lúc mới sinh không? Thế sao bây giờ anh ta lại thấy được?”. Cha mẹ anh trả lời: “Chúng tôi biết đó là con chúng tôi và nó bị mù từ lúc mới sinh. Nhưng làm sao bây giờ nó thấy được thì chúng tôi không biết, hay ai làm nó sáng mắt chúng tôi cũng không biết”. Dù con trai họ có nói cho họ biết chuyện đã xảy ra nhưng họ thận trọng đáp lại: “Các ông hãy hỏi nó. Nó đủ tuổi rồi và phải tự nói”.—Giăng 9:19-21.

Vì thế, người Pha-ri-si gọi người ăn xin trở lại và đe dọa anh bằng cách nói rằng họ có bằng chứng để buộc tội Chúa Giê-su. Họ ra lệnh: “Hãy tôn vinh Đức Chúa Trời. Chúng tôi biết ông ta là kẻ tội lỗi”. Thay vì tranh cãi trước lời buộc tội ấy, người đàn ông từng bị mù nói: “Ông ấy có tội hay không thì tôi không biết. Nhưng tôi biết chắc một điều là trước đây tôi mù, bây giờ thì thấy được”.—Giăng 9:24, 25.

Không chịu bỏ cuộc, người Pha-ri-si hỏi tiếp: “Ông ta đã làm gì cho anh? Ông ta làm anh sáng mắt như thế nào?”. Người đàn ông can đảm đáp lại: “Tôi đã nói rồi mà các ông không chịu nghe. Tại sao các ông muốn nghe lần nữa? Chẳng lẽ các ông cũng muốn làm môn đồ của ông ấy sao?”. Người Pha-ri-si vô cùng tức tối và nói: “Anh mới là môn đồ của hắn, còn chúng tôi là môn đồ của Môi-se. Chúng tôi biết Đức Chúa Trời đã phán với Môi-se, còn hắn thì chúng tôi không biết từ đâu ra”.—Giăng 9:26-29.

Người ăn xin ấy ngạc nhiên nói: “Lạ thật, các ông không biết ông ấy từ đâu ra, thế mà ông ấy đã làm tôi sáng mắt”. Sau đó, anh đưa ra lập luận hợp lý sau về việc Đức Chúa Trời lắng nghe và chấp nhận ai: “Chúng ta biết Đức Chúa Trời không nghe người có tội, nhưng hễ ai kính sợ và làm theo ý muốn ngài thì ngài nghe người đó. Xưa nay chưa từng nghe có ai làm cho người mù từ lúc mới sinh được sáng mắt”. Rồi anh kết luận: “Nếu không đến từ Đức Chúa Trời, ông ấy không làm được gì cả”.—Giăng 9:30-33.

Không thể bác bỏ lập luận của người ăn xin, người Pha-ri-si mắng nhiếc anh: “Toàn thân anh sinh ra trong tội lỗi mà đòi dạy chúng tôi sao?”. Rồi họ đuổi anh ra.—Giăng 9:34.

Khi Chúa Giê-su nghe về chuyện đã xảy ra, ngài tìm gặp người đàn ông ấy và hỏi: “Anh có đặt đức tin nơi Con Người không?”. Ông đáp: “Thưa ngài, đấng đó là ai, để tôi đặt đức tin nơi người?”. Chúa Giê-su trả lời một cách rõ ràng: “Anh đã thấy đấng ấy. Thật vậy, đấng ấy là người đang nói chuyện với anh”.—Giăng 9:35-37.

Người đàn ông thưa: “Lạy Chúa, tôi đặt đức tin nơi người”. Với đức tin và lòng kính trọng, người đàn ông sấp mình trước mặt Chúa Giê-su. Rồi ngài nói một câu đáng chú ý: “Tôi đến thế gian để lập nền tảng cho sự phán xét, hầu cho người mù được sáng mắt và người sáng mắt trở nên mù”.—Giăng 9:38, 39.

Người Pha-ri-si có mặt ở đó biết rằng họ không bị mù. Nghĩ rằng mình là những người hướng dẫn dân chúng về thiêng liêng, họ chống chế: “Chẳng lẽ chúng tôi cũng mù?”. Chúa Giê-su nói: “Nếu các ông mù, các ông không có tội. Nhưng nay các ông nói: ‘Chúng tôi thấy được’, nên tội các ông vẫn còn” (Giăng 9:40, 41). Nếu họ không phải là thầy dạy trong Y-sơ-ra-ên thì việc bác bỏ Chúa Giê-su là Đấng Mê-si là điều có thể châm chước. Nhưng vì họ có sự hiểu biết về Luật pháp nên hành vi đó là một tội nghiêm trọng.