CHƯƠNG 88
Sự thay đổi của người giàu và La-xa-rơ
-
MINH HỌA VỀ NGƯỜI GIÀU VÀ LA-XA-RƠ
Chúa Giê-su vừa cho các môn đồ lời khuyên hữu ích về việc dùng của cải vật chất. Nhưng các môn đồ không phải là những người duy nhất đang nghe lời khuyên. Người Pha-ri-si cũng có mặt ở đó, và họ cần ghi nhớ lời khuyên này của Chúa Giê-su. Tại sao? Vì họ là “những kẻ ham tiền”. Khi nghe những gì Chúa Giê-su nói, họ “cười khinh bỉ ngài”.—Lu-ca 15:2; 16:13, 14.
Nhưng điều đó không làm Chúa Giê-su e sợ. Ngài nói với họ: “Các ông làm ra vẻ công chính trước mặt người ta, nhưng Đức Chúa Trời biết lòng các ông. Vì điều loài người đề cao là điều gớm ghiếc trước mắt Đức Chúa Trời”.—Lu-ca 16:15.
Từ lâu, người Pha-ri-si đã được “loài người đề cao”, nhưng giờ đây tình thế đang đảo ngược. Những người được đề cao, là những người giàu sang, có quyền lực chính trị và ảnh hưởng về tôn giáo, sẽ bị hạ bệ. Còn dân thường, là những người ý thức nhu cầu tâm linh, sẽ được nâng lên. Chúa Giê-su cho thấy rõ sự thay đổi lớn này đang diễn ra khi nói:
“Luật pháp và sách của các nhà tiên tri được công bố cho đến thời Giăng. Kể từ đó, tin mừng về Nước Đức Chúa Trời được giảng ra, và mọi loại người đều gắng hết sức để vào Nước ấy. Thật vậy, cho dù trời đất có qua đi nhưng không một nét chữ nào trong Luật pháp sẽ không được ứng nghiệm” (Lu-ca 3:18; 16:16, 17). Vậy những lời này của Chúa Giê-su cho thấy sự thay đổi nào đang diễn ra?
Các nhà lãnh đạo Do Thái giáo hãnh diện cho rằng mình theo sát Luật pháp Môi-se. Hẳn chúng ta còn nhớ khi Chúa Giê-su làm cho một người mù sáng mắt tại Giê-ru-sa-lem, những người Pha-ri-si đã tự hào nói: “Chúng tôi là môn đồ của Môi-se. Chúng tôi biết Đức Chúa Trời đã phán với Môi-se” (Giăng 9:13, 28, 29). Một mục đích của Luật pháp được ban qua Môi-se là dẫn những người khiêm nhường đến với Đấng Mê-si, tức là Chúa Giê-su. Giăng Báp-tít đã nhìn nhận Chúa Giê-su là Chiên Con của Đức Chúa Trời (Giăng 1:29-34). Từ lúc Giăng bắt đầu làm thánh chức, những người Do Thái khiêm nhường, đặc biệt là những người nghèo, đã được nghe về “Nước Đức Chúa Trời”. Thật vậy, có “tin mừng” dành cho tất cả những ai muốn trở thành công dân Nước Trời và nhận được lợi ích từ Nước ấy.
Luật pháp Môi-se đã hoàn thành vai trò dẫn người ta đến với Đấng Mê-si. Luật pháp ấy sắp chấm dứt. Chẳng hạn, Luật pháp cho phép ly dị với nhiều lý do, nhưng bây giờ Chúa Giê-su cho biết: “Hễ ai ly dị vợ và cưới người khác là phạm tội ngoại tình, và ai cưới người nữ bị chồng ly dị thì cũng phạm tội ngoại tình” (Lu-ca 16:18). Điều này khiến người Pha-ri-si rất tức giận vì họ thích đặt ra luật lệ cho mọi việc.
Giờ đây, Chúa Giê-su kể một minh họa để cho thấy sự thay đổi này lớn đến mức nào. Minh họa này nói về hai người có địa vị, hay tình cảnh, khác nhau nhưng cuối cùng thay đổi hoàn toàn. Khi xem xét minh họa này, hãy nhớ rằng trong số những người đang lắng nghe có cả người Pha-ri-si ham tiền và được loài người đề cao.
Chúa Giê-su kể: “Có một người giàu thường mặc áo vải lanh màu tía, hằng ngày sống sung sướng xa hoa. Cũng có người ăn mày tên La-xa-rơ, mình đầy ghẻ lở, thường được người ta mang đến đặt trước cổng nhà người giàu đó. Ông thèm được ăn những thứ rơi từ bàn của người giàu, lại có chó đến liếm vết lở trên mình ông”.—Lu-ca 16:19-21.
Người Pha-ri-si là những kẻ ham tiền, vì thế chẳng phải “người giàu” trong minh họa này ám chỉ về họ sao? Những nhà lãnh đạo Do Thái giáo cũng thích mặc các trang phục lộng lẫy và đắt tiền. Ngoài việc giàu có về của cải vật chất, dường như họ còn có những lợi thế và đặc ân về thiêng liêng. Chúa Giê-su nói rằng người giàu trong minh họa mặc áo vải lanh màu tía; điều này tượng trưng cho địa vị cao sang của người Pha-ri-si và việc họ tự cho mình là công chính.—Đa-ni-ên 5:7.
Giới lãnh đạo giàu có và kiêu ngạo xem dân thường như thế nào? Họ khinh miệt và xem dân chúng là ‛am ha·’aʹrets, hay dân của xứ (đất), là những người không biết Luật pháp và không Giăng 7:49). Điều này giống như tình cảnh của “người ăn mày tên La-xa-rơ”, là người thèm được ăn ngay cả “những thứ rơi từ bàn của người giàu”. Giống như La-xa-rơ có đầy vết lở trên mình, những người dân thường bị khinh bỉ như thể là họ bệnh hoạn về thiêng liêng.
đáng được dạy Luật ấy (Tình trạng đáng buồn này đã tồn tại một thời gian, nhưng Chúa Giê-su biết tình thế của những người được ví như người giàu và những người được ví như La-xa-rơ đang thay đổi.
SỰ THAY ĐỔI CỦA NGƯỜI GIÀU VÀ LA-XA-RƠ
Chúa Giê-su tiếp tục nói về sự thay đổi lớn này. Ngài cho biết: “Về sau, người ăn mày chết và được thiên sứ mang đến đặt bên cạnh Áp-ra-ham. Người giàu cũng chết và được chôn. Trong mồ, người giàu đang chịu đau đớn, nhướng mắt lên thấy Áp-ra-ham từ đằng xa và La-xa-rơ ở bên cạnh người”.—Lu-ca 16:22, 23.
Những người đang nghe Chúa Giê-su biết rằng Áp-ra-ham đã qua đời từ lâu và hiện ở trong mồ. Kinh Thánh cho biết rõ những người ở trong mồ, hay Sê-ôn, không thể thấy hoặc nghe, và Áp-ra-ham cũng thế (Truyền đạo 9:5, 10). Vậy các nhà lãnh đạo tôn giáo nghĩ minh họa của Chúa Giê-su có nghĩa gì? Ngài đang cho biết điều gì về những người dân thường và giới lãnh đạo tôn giáo ham tiền?
Chúa Giê-su cho thấy có sự thay đổi bằng cách nói: ‘Luật pháp và sách của các nhà tiên tri được công bố cho đến thời Giăng. Nhưng kể từ đó, tin mừng về Nước Đức Chúa Trời được giảng ra’. Qua công việc rao giảng của Giăng và Chúa Giê-su, đời sống của La-xa-rơ lẫn người giàu, tức tình thế của họ trước mắt Đức Chúa Trời, đều thay đổi.
Từ lâu, lớp người nghèo và khiêm nhường bị thiếu thốn về mặt thiêng liêng. Nhưng họ được giúp bởi thông điệp về Nước Trời do Giăng Báp-tít và Chúa Giê-su rao giảng, và họ đang hưởng ứng thông điệp ấy. Trước đây, họ phải sống chật vật nhờ đồ ăn ít ỏi ‘rơi từ bàn thiêng liêng’ của giới lãnh đạo tôn giáo. Nhưng nay họ được nuôi dưỡng bởi những sự thật thiết yếu từ Kinh Thánh, đặc biệt là những điều tuyệt diệu mà Chúa Giê-su đang giải thích. Điều này như thể họ nhận được vị thế tốt trước mắt Đức Giê-hô-va.
Ngược lại, lớp người lãnh đạo tôn giáo giàu có và quyền thế thì từ chối thông điệp Nước Trời mà Giăng và Chúa Giê-su rao giảng (Ma-thi-ơ 3:1, 2; 4:17). Họ tức giận, hay bị giày vò, bởi thông điệp nói về sự phán xét bằng lửa từ Đức Chúa Trời (Ma-thi-ơ 3:7-12). Giới lãnh đạo tôn giáo ham tiền sẽ cảm thấy nhẹ nhõm nếu Chúa Giê-su và các môn đồ ngưng công bố thông điệp của Đức Chúa Trời. Những nhà lãnh đạo này giống như người giàu trong minh họa, là người đã nói: “Tổ phụ Áp-ra-ham ơi, xin thương xót con, hãy sai La-xa-rơ nhúng đầu ngón tay vào nước để thấm mát lưỡi con, vì con đang khốn khổ trong ngọn lửa hừng này”.—Lu-ca 16:24.
Nhưng điều ấy sẽ không xảy ra. Phần lớn các nhà lãnh đạo tôn giáo sẽ không thay đổi. Họ từ chối “nghe lời dạy trong sách của Môi-se và sách của các nhà tiên tri”, là điều có thể giúp họ chấp nhận Chúa Giê-su là Vua và là Đấng Mê-si của Đức Chúa Trời (Lu-ca 16:29, 31; Ga-la-ti 3:24). Họ cũng không khiêm nhường và vẫn cứng lòng, dù thấy những người nghèo chấp nhận Chúa Giê-su và nhận được ân huệ của Đức Chúa Trời. Về phần các môn đồ, họ không thể thỏa hiệp hoặc giảm nhẹ sự thật để làm cho giới lãnh đạo tôn giáo hài lòng hoặc nhẹ nhõm. Trong minh họa, Chúa Giê-su cho thấy điều này qua lời mà “tổ phụ Áp-ra-ham” nói với người giàu:
“Con ơi, hãy nhớ là khi còn sống, con đã hưởng nhiều điều tốt lành, còn La-xa-rơ lại chịu những điều tồi tệ. Bây giờ, La-xa-rơ được an ủi tại đây, nhưng con thì chịu khốn khổ. Ngoài ra, có một vực sâu ở giữa chúng ta và con, cho nên ai muốn đi từ đây sang đó cũng không được, và người ta cũng không thể đi từ đó sang đây”.—Lu-ca 16:25, 26.
Sự thay đổi ấy thật công bằng và chính đáng biết bao! Tình thế đã đảo ngược giữa những nhà lãnh đạo tôn giáo cao ngạo và những người khiêm nhường chấp nhận ách của Chúa Giê-su để được tươi tỉnh cũng như được nuôi dưỡng về thiêng liêng (Ma-thi-ơ 11:28-30). Sự thay đổi này sẽ được thấy rõ hơn vài tháng sau, khi giao ước Luật pháp được thay thế bằng giao ước mới (Giê-rê-mi 31:31-33; Cô-lô-se 2:14; Hê-bơ-rơ 8:7-13). Sự kiện Đức Chúa Trời đổ thần khí thánh vào Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN cho thấy chính các môn đồ của Chúa Giê-su nhận được ân huệ của Đức Chúa Trời, chứ không phải những người Pha-ri-si và đồng minh của họ.