Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

CHƯƠNG 97

Minh họa về những người làm việc trong vườn nho

Minh họa về những người làm việc trong vườn nho

MA-THI-Ơ 20:1-16

  • NGƯỜI LÀM VIỆC “CUỐI” TRONG VƯỜN NHO TRỞ THÀNH NGƯỜI “ĐẦU”

Chúa Giê-su vừa nói với người nghe ở Pê-rê rằng “nhiều người đầu sẽ thành người cuối và người cuối sẽ thành người đầu” (Ma-thi-ơ 19:30). Ngài nhấn mạnh điều này bằng minh họa về những người làm việc trong vườn nho:

“Nước Trời giống như một chủ nhà vừa sáng sớm đi ra ngoài thuê người đến làm việc trong vườn nho của mình. Sau khi thỏa thuận với họ một đơ-na-ri-on một ngày, ông sai họ vào vườn nho làm việc. Khoảng 9 giờ sáng, ông lại ra chợ và thấy những người không có việc làm.Ông nói với họ: ‘Các anh cũng hãy vào vườn nho làm việc, tôi sẽ trả công xứng đáng’. Họ liền đi làm. Khoảng 12 giờ trưa và 3 giờ chiều, ông cũng đi ra và làm như vậy. Cuối cùng, khoảng 5 giờ chiều, ông đi ra và gặp những người khác đang quanh quẩn ở đó thì hỏi: ‘Sao các anh đứng không ở đây cả ngày?’. Họ đáp: ‘Vì không có ai thuê chúng tôi’. Ông bảo họ: ‘Các anh cũng hãy vào vườn nho làm việc cho tôi’”.—Ma-thi-ơ 20:1-7.

Có thể người ta liên tưởng đến Đức Giê-hô-va khi nghe Chúa Giê-su đề cập tới “Nước Trời” và “chủ nhà”. Kinh Thánh cho biết Đức Giê-hô-va giống như người chủ vườn nho, còn vườn nho thì tượng trưng cho nước Y-sơ-ra-ên (Thi thiên 80:8, 9; Ê-sai 5:3, 4). Những người ở trong giao ước Luật pháp được ví như những người làm việc trong vườn nho. Nhưng Chúa Giê-su không phải đang minh họa về quá khứ. Ngài đang miêu tả về thực trạng vào thời của ngài.

Trách nhiệm của những nhà lãnh đạo tôn giáo và người Pha-ri-si là dành trọn thời gian cho việc phụng sự Đức Chúa Trời. Họ giống như những người làm việc cả ngày trong vườn nho và mong nhận được đầy đủ tiền công là một đơ-na-ri-on.

Các thầy tế lễ và những nhà lãnh đạo tôn giáo khác xem những thường dân Do Thái là người phụng sự Đức Chúa Trời ít hơn, giống như những người không làm trọn ngày trong vườn nho. Trong minh họa của Chúa Giê-su, họ là những người được thuê vào “khoảng 9 giờ sáng” hoặc muộn hơn, là lúc 12 giờ trưa, 3 giờ chiều và cuối cùng là lúc 5 giờ chiều.

Những người nam và nữ theo Chúa Giê-su bị xem là “đáng rủa” (Giăng 7:49). Cả đời họ chỉ làm nghề đánh cá hoặc công việc chân tay khác. Rồi đến mùa thu năm 29 CN, “chủ vườn nho” đã phái Chúa Giê-su đến để gọi những người thấp hèn ấy làm việc cho Đức Chúa Trời với tư cách là môn đồ Đấng Ki-tô. Họ là những “người cuối” mà Chúa Giê-su đề cập, tức là những người làm việc lúc 5 giờ chiều.

Chúa Giê-su kết thúc minh họa bằng cách miêu tả những gì xảy ra vào cuối ngày: “Đến chiều tối, chủ vườn nho bảo người quản lý: ‘Hãy gọi những người làm đến và trả công cho họ, bắt đầu từ những người được thuê cuối cùng tới những người đầu tiên’. Những người được thuê lúc 5 giờ chiều đến và mỗi người nhận một đơ-na-ri-on. Khi đến lượt những người đầu tiên, họ nghĩ sẽ được lãnh nhiều hơn, nhưng mỗi người cũng chỉ được một đơ-na-ri-on. Lúc nhận tiền, họ phàn nàn với chủ nhà: ‘Những người cuối chỉ làm việc có một tiếng mà ông xem họ ngang bằng với chúng tôi, trong khi chúng tôi đã làm việc cực nhọc cả ngày dưới cái nắng như thiêu như đốt!’. Nhưng ông nói với một người trong số họ: ‘Anh bạn, tôi đâu có bất công với anh. Chẳng phải anh đã thỏa thuận với tôi một đơ-na-ri-on sao? Hãy lấy tiền của anh và về đi. Tôi muốn trả cho người đến cuối bằng với anh. Tôi không có quyền dùng tiền của tôi theo ý mình sao? Hay là mắt anh đố kỵ vì tôi có lòng tốt?’. Như thế, người cuối sẽ thành người đầu và người đầu sẽ thành người cuối”.—Ma-thi-ơ 20:8-16.

Có lẽ các môn đồ thắc mắc về phần cuối trong minh họa của Chúa Giê-su. Các nhà lãnh đạo Do Thái giáo, là những người nghĩ mình là người “đầu”, sẽ trở thành “cuối” như thế nào? Và các môn đồ của Chúa Giê-su sẽ trở thành “đầu” ra sao?

Các môn đồ của Chúa Giê-su bị người Pha-ri-si và người khác xem là “cuối”, nhưng giờ đây họ có triển vọng trở thành người “đầu”, tức nhận được tiền công trọn ngày. Khi Chúa Giê-su chết, dân Y-sơ-ra-ên theo huyết thống bị từ bỏ. Đức Chúa Trời sẽ chọn một dân mới, là “dân Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời” (Ga-la-ti 6:16; Ma-thi-ơ 23:38). Giăng Báp-tít đã nói đến dân này khi đề cập về việc báp-têm bằng thần khí thánh trong tương lai. Những người “cuối” này sẽ trở thành người đầu tiên nhận phép báp-têm ấy và được ban đặc ân làm chứng về Chúa Giê-su “cho đến tận cùng trái đất” (Công vụ 1:5, 8; Ma-thi-ơ 3:11). Với những gì các môn đồ hiểu được về sự thay đổi lớn mà Chúa Giê-su đang đề cập, họ có thể thấy trước việc phải đối mặt với sự tức giận của các nhà lãnh đạo tôn giáo, là người sẽ trở thành “cuối”.