CHƯƠNG 28
Tại sao môn đồ Chúa Giê-su không kiêng ăn?
MA-THI-Ơ 9:14-17 MÁC 2:18-22 LU-CA 5:33-39
-
MÔN ĐỒ CỦA GIĂNG HỎI CHÚA GIÊ-SU VỀ VIỆC KIÊNG ĂN
Một thời gian ngắn sau khi Chúa Giê-su dự Lễ Vượt Qua năm 30 CN, Giăng Báp-tít bị bỏ tù. Giăng muốn môn đồ của ông trở thành môn đồ Chúa Giê-su, nhưng không phải ai cũng làm thế trong mấy tháng kể từ khi ông bị bỏ tù.
Giờ đây, Lễ Vượt Qua năm 31 CN gần đến, một số môn đồ của Giăng tới gặp Chúa Giê-su và hỏi: “Tại sao chúng tôi và người Pha-ri-si theo tục kiêng ăn còn môn đồ ngài thì không?” (Ma-thi-ơ 9:14). Người Pha-ri-si giữ tục kiêng ăn như một nghi thức tôn giáo. Sau này, Chúa Giê-su còn dùng minh họa về một người Pha-ri-si tự cho mình là công chính đã cầu nguyện: “Lạy Đức Chúa Trời, con tạ ơn ngài vì con không như người khác... Con kiêng ăn một tuần hai lần” (Lu-ca 18:11, 12). Có lẽ môn đồ của Giăng cũng xem kiêng ăn là tục lệ hoặc họ làm thế để bày tỏ sự đau buồn về việc Giăng bị bỏ tù. Những người quan sát cũng thắc mắc tại sao môn đồ Chúa Giê-su không kiêng ăn, có lẽ để cùng thể hiện sự đau buồn về điều xảy ra cho Giăng.
Chúa Giê-su trả lời bằng một ví dụ: “Các bạn của chú rể không có lý do để than khóc trong khi chú rể vẫn còn ở với họ, phải vậy không? Nhưng sẽ có ngày chú rể bị đem đi, lúc đó họ sẽ kiêng ăn”.—Ma-thi-ơ 9:15.
Chính Giăng đã ví Chúa Giê-su như chú rể (Giăng 3:28, 29). Vì thế, trong lúc Chúa Giê-su còn ở đó, môn đồ của ngài không cần phải kiêng ăn. Sau này, khi ngài chết, họ sẽ than khóc và không màng đến chuyện ăn uống. Nhưng khi ngài sống lại thì mọi việc sẽ khác hẳn! Khi đó, họ không còn lý do gì để than khóc hay kiêng ăn.
Tiếp theo, Chúa Giê-su nêu lên hai minh họa: “Không ai vá miếng vải mới vào cái áo cũ, vì miếng vải mới sẽ co lại và kéo căng áo, khiến chỗ rách càng rách thêm. Cũng không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ. Nếu làm thế, bầu da sẽ nứt, rượu chảy ra và bầu cũng hư. Nhưng người ta đổ rượu mới vào bầu da mới” (Ma-thi-ơ 9:16, 17). Ý của ngài là gì?
Chúa Giê-su muốn giúp các môn đồ của Giăng Báp-tít hiểu rằng không ai nên đòi hỏi môn đồ ngài phải giữ những tục lệ cũ của Do Thái giáo, chẳng hạn tục kiêng ăn. Ngài không đến để chắp vá hay kéo dài một hình thức thờ phượng cũ kỹ và rách nát, một hệ thống thờ phượng đã đến lúc phải loại bỏ. Sự thờ phượng mà Chúa Giê-su dạy không rập khuôn theo Do Thái giáo thời đó, vốn đầy những truyền thống do con người đặt ra. Ngài không cố vá miếng vải mới vào cái áo cũ hay đổ rượu mới vào bầu da cũ và cứng.