CHƯƠNG 21
Chúa Giê-su tiết lộ “sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời”
1-3. Những người từng là hàng xóm của Chúa Giê-su phản ứng thế nào trước sự dạy dỗ của ngài, và tại sao?
Khi Chúa Giê-su dạy dỗ trong nhà hội, người ta vô cùng kinh ngạc. Đối với họ, Chúa Giê-su không phải là người xa lạ. Ngài lớn lên và làm nghề mộc trong thành của họ nhiều năm. Có lẽ một số người đang sống trong căn nhà mà Chúa Giê-su từng giúp xây lên, hoặc họ làm công việc đồng áng bằng cày và ách do chính tay ngài làm ra. a Nhưng họ sẽ phản ứng thế nào trước sự dạy dỗ của người từng làm thợ mộc này?
2 Hầu hết những người nghe đều ngạc nhiên hỏi: “Nhờ đâu mà người này có sự khôn ngoan?”. Nhưng họ cũng nói: ‘Đây chẳng phải là người thợ mộc, con của bà Ma-ri sao?’ (Ma-thi-ơ 13:54-58; Mác 6:1-3). Đáng buồn là những người từng là hàng xóm của Chúa Giê-su đã lý luận: “Người thợ mộc này cũng chỉ là người địa phương như chúng ta thôi. Anh ta chẳng có gì đặc biệt”. Dù những lời của ngài chứa đựng sự khôn ngoan, họ vẫn chối bỏ ngài. Họ không nhận ra sự khôn ngoan của ngài đến từ đâu.
3 Nhờ đâu Chúa Giê-su có được sự khôn ngoan này? Ngài nói: “Những gì tôi dạy không phải của tôi mà của đấng phái tôi đến” (Giăng 7:16). Sứ đồ Phao-lô giải thích rằng Chúa Giê-su “tỏ cho chúng ta sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời” (1 Cô-rinh-tô 1:30). Sự khôn ngoan của Đức Giê-hô-va được tiết lộ qua Con ngài là Chúa Giê-su. Quả thật, Chúa Giê-su phản ánh sự khôn ngoan của Đức Giê-hô-va trọn vẹn đến mức ngài có thể nói: “Tôi với Cha là một” (Giăng 10:30). Hãy xem ba lĩnh vực mà Chúa Giê-su thể hiện “sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời”.
Những điều ngài dạy
4. (a) Chủ đề của thông điệp mà Chúa Giê-su rao truyền là gì, và tại sao chủ đề này rất quan trọng? (b) Tại sao lời khuyên của Chúa Giê-su luôn thực tế và mang lại lợi ích tốt nhất cho người nghe?
4 Trước hết, hãy xem xét những điều Chúa Giê-su dạy. Chủ đề của thông điệp mà ngài rao truyền là “tin mừng về Nước Đức Chúa Trời” (Lu-ca 4:43). Đây là thông điệp rất quan trọng vì qua Nước Trời, Đức Giê-hô-va sẽ khôi phục danh tiếng của ngài, chứng tỏ ngài là Đấng Cai Trị tốt nhất và mang lại ân phước vĩnh cửu cho nhân loại. Khi dạy dỗ, Chúa Giê-su cũng đưa ra lời khuyên khôn ngoan cho đời sống hằng ngày. Ngài chứng tỏ là “Mưu Sĩ Tuyệt Vời” mà Ê-sai báo trước (Ê-sai 9:6). Tại sao Chúa Giê-su là “Mưu Sĩ Tuyệt Vời”, hay thầy dạy xuất chúng, như thế? Vì ngài hiểu rõ Lời Đức Chúa Trời và ý muốn của Cha. Ngài cũng hiểu rõ suy nghĩ và cảm xúc của con người cũng như yêu thương họ rất nhiều. Do đó, lời khuyên của ngài luôn thực tế và mang lại lợi ích tốt nhất cho người nghe. Chúa Giê-su nói “những lời mang lại sự sống vĩnh cửu”. Thật vậy, lời khuyên của ngài mang lại sự cứu rỗi cho những ai làm theo.—Giăng 6:68.
5. Chúa Giê-su nói về một số đề tài nào trong Bài giảng trên núi?
5 Bài giảng trên núi là một ví dụ nổi bật về sự khôn ngoan vô song trong những lời dạy dỗ của Chúa Giê-su. Bài giảng này được ghi nơi Ma-thi-ơ 5:3–7:27 và có lẽ chỉ mất khoảng 20 phút để trình bày. Tuy nhiên, lời khuyên trong đó là bất hủ. Chúa Giê-su đề cập đến nhiều đề tài khác nhau, trong đó có cách cải thiện mối quan hệ với người khác (5:23-26, 38-42; 7:1-5, 12), cách giữ thanh sạch về đạo đức (5:27-32) và cách để có một đời sống ý nghĩa (6:19-24; 7:24-27). Nhưng Chúa Giê-su không chỉ nói cho người nghe biết thế nào là hành động khôn ngoan, mà ngài còn cho thấy điều đó qua việc giải thích, lý luận và đưa ra bằng chứng.
6-8. (a) Chúa Giê-su đưa ra những lý do thuyết phục nào về việc tránh lo lắng? (b) Điều gì cho thấy lời khuyên của Chúa Giê-su phản ánh sự khôn ngoan từ trên?
6 Chẳng hạn, hãy xem xét lời khuyên khôn ngoan của Chúa Giê-su về cách đối phó với sự lo lắng về vật chất, như được nói nơi Ma-thi-ơ chương 6. Chúa Giê-su khuyên chúng ta: “Đừng lo lắng về sự sống là sẽ ăn gì, uống gì; cũng đừng lo lắng về thân thể là sẽ mặc gì” (câu 25). Thức ăn và áo mặc là những thứ thiết yếu trong đời sống, nên không lạ gì khi người ta nghĩ nhiều về cách để có được những thứ đó. Nhưng Chúa Giê-su bảo chúng ta “đừng lo lắng” về những thứ như thế. b Tại sao?
7 Chúa Giê-su đưa ra những lý do thuyết phục để người nghe không cần lo lắng. Đức Giê-hô-va ban cho chúng ta thân thể và sự sống, nên chắc chắn ngài có thể ban những thứ chúng ta cần để sống, chẳng hạn như thức ăn và áo mặc (câu 25). Nếu Đức Chúa Trời cung cấp thức ăn cho chim trời và mặc đẹp cho những bông hoa thì chắc chắn ngài sẽ chăm sóc cho những người thờ phượng ngài! (Câu 26, 28-30). Lo lắng không mang lại lợi ích gì và cũng không làm cho đời chúng ta dài thêm c (câu 27). Vậy làm thế nào để tránh lo lắng? Chúa Giê-su khuyên chúng ta: Hãy tiếp tục đặt việc thờ phượng Đức Chúa Trời lên hàng đầu trong đời sống. Những ai làm thế có thể tin chắc Cha trên trời sẽ chăm lo cho họ mọi nhu cầu hằng ngày (câu 33). Ngoài ra, Chúa Giê-su cũng khuyên chúng ta nên đối phó với vấn đề của ngày hôm nay và không nên lo lắng về vấn đề của ngày mai (câu 34). Có lẽ những lo lắng của ngày mai sẽ không bao giờ xảy ra! Áp dụng lời khuyên khôn ngoan ấy có thể giúp chúng ta tránh được nhiều điều đau lòng trong thế gian đầy căng thẳng này.
8 Rõ ràng, ngày nay lời khuyên của Chúa Giê-su vẫn có giá trị thiết thực như gần 2.000 năm về trước. Chẳng phải đó là bằng chứng của sự khôn ngoan từ trên sao? Ngay cả lời khuyên tốt nhất của con người cũng trở nên lỗi thời và nhanh chóng được sửa đổi hoặc thay thế. Tuy nhiên, sự dạy dỗ của Chúa Giê-su thì không bị lỗi thời. Nhưng điều đó không làm chúng ta ngạc nhiên, vì Mưu Sĩ Tuyệt Vời này đã nói “những lời của Đức Chúa Trời”.—Giăng 3:34.
Cách dạy dỗ của ngài
9. Một số binh lính nói gì về sự dạy dỗ của Chúa Giê-su, và tại sao đó không phải là những lời phóng đại?
9 Lĩnh vực thứ hai mà Chúa Giê-su phản ánh sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời là trong cách ngài dạy dỗ. Dịp nọ, một số binh lính được sai đi bắt Chúa Giê-su, nhưng họ đã trở về tay không và nói rằng: “Chưa từng có người nào giảng dạy như người này” (Giăng 7:45, 46). Đây không phải là những lời phóng đại. Chúa Giê-su đã sống ở trên trời rất lâu trước khi xuống thế, nên ngài có sự hiểu biết và kinh nghiệm nhiều hơn bất cứ người nào từng sống trên đất (Giăng 8:23). Không người nào có thể dạy dỗ như Chúa Giê-su. Hãy xem hai trong nhiều phương pháp của bậc Thầy khôn ngoan này.
“Đoàn dân kinh ngạc về cách giảng dạy của ngài”
10, 11. (a) Tại sao những minh họa của Chúa Giê-su rất hữu hiệu? (b) Ngụ ngôn là gì, và ví dụ nào cho thấy những ngụ ngôn của Chúa Giê-su rất hữu hiệu trong việc dạy dỗ?
10 Dùng minh họa hữu hiệu. Kinh Thánh nói: “Chúa Giê-su dùng minh họa để nói với dân chúng tất cả những điều ấy. Thật vậy, ngài chẳng nói điều gì với họ mà không dùng minh họa” (Ma-thi-ơ 13:34). Chúng ta không khỏi ngạc nhiên trước việc ngài dùng những ví dụ đơn giản trong đời sống thường ngày để dạy những sự thật quan trọng. Ngài nói về người nông dân gieo giống, người phụ nữ chuẩn bị để nướng bánh, trẻ con chơi trong phố chợ, ngư dân kéo lưới và người chăn đi tìm con cừu bị lạc. Đây là những điều mà người nghe đã thấy nhiều lần. Khi những sự thật quan trọng được liên kết với điều quen thuộc thì những sự thật ấy sẽ dễ hiểu, dễ nhớ và dễ áp dụng hơn nhiều.—Ma-thi-ơ 11:16-19; 13:3-8, 33, 47-50; 18:12-14.
11 Chúa Giê-su thường dùng ngụ ngôn, tức các câu chuyện ngắn, để dạy những bài học quan trọng. Vì những câu chuyện thường giúp người nghe dễ nhớ và dễ hiểu hơn những ý tưởng trừu tượng, nên đây là cách rất hữu hiệu để Chúa Giê-su khắc ghi những bài học vào tâm trí họ. Trong nhiều ngụ ngôn, Chúa Giê-su miêu tả Cha ngài bằng những hình ảnh sống động khó quên. Chẳng hạn, rất dễ để hiểu câu chuyện người con lầm lạc dạy chúng ta điều gì về Đức Giê-hô-va. Câu chuyện đó cho thấy khi một người thật lòng ăn năn về điều sai trái mình đã làm, Đức Giê-hô-va sẽ tha thứ và yêu thương nhận lại người ấy.—Lu-ca 15:11-32.
12. (a) Chúa Giê-su dùng câu hỏi để giúp người nghe làm gì? (b) Chúa Giê-su đã khiến cho những người chất vấn về thẩm quyền của ngài phải im tiếng như thế nào?
12 Dùng câu hỏi hữu hiệu. Chúa Giê-su dùng câu hỏi để giúp người nghe tự đi đến kết luận, tra xét động cơ của mình hoặc đưa ra quyết định (Ma-thi-ơ 12:24-30; 17:24-27; 22:41-46). Khi những nhà lãnh đạo tôn giáo chất vấn Chúa Giê-su về thẩm quyền mà ngài được Cha ban, Chúa Giê-su đáp: “Giăng nhận được quyền làm phép báp-têm từ trời hay từ loài người?”. Vô cùng sửng sốt trước câu hỏi ấy, họ bàn luận với nhau: “Nếu chúng ta trả lời: ‘Từ trời’ thì ông ta sẽ nói: ‘Vậy sao các ông không tin người?’. Nhưng chúng ta có dám nói: ‘Từ loài người’ không?”. Tuy nhiên, “họ sợ dân chúng vì mọi người đều cho rằng Giăng thật sự là một nhà tiên tri”. Cuối cùng họ trả lời: “Chúng tôi không biết” (Mác 11:27-33; Ma-thi-ơ 21:23-27). Với một câu hỏi đơn giản, Chúa Giê-su đã khiến họ im tiếng và cho thấy họ có động cơ xấu xa.
13-15. Ngụ ngôn về người Sa-ma-ri nhân lành cho chúng ta biết gì về sự khôn ngoan của Chúa Giê-su?
13 Đôi khi Chúa Giê-su kết hợp cả hai phương pháp trong việc dạy dỗ. Ngài dùng câu hỏi để khiến người nghe suy nghĩ về những câu chuyện mà ngài kể. Khi một thầy dạy luật người Do Thái hỏi Chúa Giê-su về điều kiện để nhận được sự sống vĩnh cửu, ngài hướng ông đến Luật pháp Môi-se, trong đó có mệnh lệnh phải yêu thương Đức Chúa Trời và người lân cận. Vì muốn chứng tỏ mình là công chính, ông ấy hỏi: “Ai thật sự là người lân cận tôi?”. Chúa Giê-su trả lời bằng cách kể một câu chuyện. Một người Do Thái đi đường một mình, bị bọn cướp tấn công và bị bỏ mặc cho dở sống dở chết. Có hai người Do Thái đi ngang qua, trước hết là thầy tế lễ, sau đó là người Lê-vi. Cả hai đều làm ngơ. Nhưng rồi một người Sa-ma-ri đi ngang qua. Động lòng trắc ẩn, người Sa-ma-ri ấy đã nhẹ nhàng băng bó vết thương cho nạn nhân và mang đến quán trọ an toàn để nạn nhân được hồi phục. Kết thúc câu chuyện, Chúa Giê-su hỏi: “Theo anh, trong ba người ấy, ai đã cư xử như người lân cận với người sa vào tay bọn cướp?”. Thầy dạy luật buộc phải trả lời: “Là người đã thể hiện lòng thương xót với người bị nạn”.—Lu-ca 10:25-37.
14 Câu chuyện này cho chúng ta biết gì về sự khôn ngoan của Chúa Giê-su? Vào thời Chúa Giê-su, người Do Thái cho rằng “người lân cận” chỉ là những người giữ truyền thống của họ, chắc chắn không phải là người Sa-ma-ri (Giăng 4:9). Nếu Chúa Giê-su kể câu chuyện về một người Sa-ma-ri bị nạn và được một người Do Thái giúp đỡ thì hẳn không thể phá đổ thành kiến ấy. Vì thế, Chúa Giê-su đã khôn ngoan kể câu chuyện về một người Sa-ma-ri chăm sóc chu đáo cho một người Do Thái. Cũng hãy lưu ý đến điều Chúa Giê-su hỏi khi kết thúc câu chuyện để giúp thầy dạy luật hiểu rõ hơn yêu thương “người lân cận” có nghĩa gì. Câu hỏi của thầy dạy luật ấy như thể muốn nói: “Ai là người xứng đáng để tôi bày tỏ tình yêu thương như người lân cận?”. Nhưng Chúa Giê-su hỏi: “Trong ba người ấy, ai đã cư xử như người lân cận?”. Chúa Giê-su đã tập trung vào người biểu lộ lòng nhân từ, là người Sa-ma-ri, chứ không phải vào người nhận được lòng nhân từ, tức người gặp nạn. Người lân cận thật là người chủ động biểu lộ tình yêu thương với người khác, bất kể gốc gác của người ấy là gì. Rõ ràng, Chúa Giê-su đã dạy bài học này một cách rất hữu hiệu.
15 Không lạ gì khi người ta kinh ngạc trước “cách giảng dạy” của Chúa Giê-su và muốn lắng nghe ngài (Ma-thi-ơ ). Lần nọ, “một đoàn dân đông” ở lại cùng với Chúa Giê-su trong ba ngày, thậm chí họ không muốn rời nơi đó để đi ăn!— 7:28, 29Mác 8:1, 2.
Lối sống của ngài
16. Chúa Giê-su cho thấy ngài áp dụng sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời qua điều gì?
16 Lĩnh vực thứ ba mà Chúa Giê-su phản ánh sự khôn ngoan của Đức Giê-hô-va là qua lối sống của ngài. Sự khôn ngoan có tính thiết thực và mang lại kết quả tốt. Môn đồ Gia-cơ hỏi: “Ai trong anh em là người khôn ngoan?”. Rồi ông tự trả lời: “Qua hạnh kiểm tốt, người ấy hãy chứng tỏ” điều đó (Gia-cơ 3:13). Mọi điều Chúa Giê-su làm đều cho thấy ngài áp dụng sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời. Hãy xem điều này được thấy rõ thế nào qua cách ngài sống và cách ngài đối xử với người khác.
17. Điều gì cho thấy Chúa Giê-su luôn thăng bằng?
17 Có lẽ anh chị từng thấy người thiếu khôn ngoan thì thường quá khắt khe hoặc dễ dãi, nên người ấy nói hoặc làm những điều dại dột. Vì Chúa Giê-su phản ánh sự khôn ngoan của Đức Giê-hô-va nên ngài luôn thăng bằng. Quan trọng nhất, Chúa Giê-su đặt việc phụng sự Đức Giê-hô-va lên hàng đầu. Ngài rất bận rộn trong công việc rao truyền tin mừng. Ngài phán: “Tôi đến để làm việc ấy” (Mác 1:38). Điều này giải thích tại sao của cải vật chất không phải là điều quá quan trọng với ngài, và dường như ngài có rất ít của cải (Ma-thi-ơ 8:20). Tuy nhiên, ngài không phải là người khổ hạnh. Giống như Cha ngài là “Đức Chúa Trời hạnh phúc”, Chúa Giê-su là người hạnh phúc và mang lại niềm vui cho người khác (1 Ti-mô-thê 1:11; 6:15). Có lần, khi dự một tiệc cưới, là dịp thường có âm nhạc, ca hát và tiếng cười, ngài đã không khiến cho tiệc cưới mất vui. Trái lại, khi tiệc cưới hết rượu, ngài đã biến nước thành rượu ngon, là loại đồ uống “làm lòng người hớn hở” (Thi thiên 104:15; Giăng 2:1-11). Chúa Giê-su cũng nhận nhiều lời mời dùng bữa, và ngài thường dùng những cơ hội ấy để dạy dỗ.—Lu-ca 10:38-42; 14:1-6.
18. Chúa Giê-su đã biểu lộ sự khôn ngoan tột bậc như thế nào trong cách đối xử với các môn đồ?
18 Chúa Giê-su cũng biểu lộ sự khôn ngoan tột bậc trong cách đối xử với người khác. Việc thấu hiểu bản chất của con người giúp ngài có cái nhìn sáng suốt về các môn đồ. Ngài biết rõ họ là người bất toàn. Tuy nhiên, ngài để ý đến những phẩm chất tốt của họ. Ngài thấy tiềm năng nơi những người nam này, là những người được Đức Giê-hô-va kéo đến (Giăng 6:44). Dù họ có những thiếu sót nhưng Chúa Giê-su sẵn lòng tin cậy họ. Ngài cho thấy điều này qua việc giao cho họ một trọng trách, đó là rao truyền tin mừng, và ngài tin chắc họ có thể chu toàn nhiệm vụ đó (Ma-thi-ơ 28:19, 20). Khi đọc sách Công vụ, chúng ta thấy các môn đồ đã trung thành làm công việc mà họ được giao (Công vụ 2:41,42; 4:33; 5:27-32). Rõ ràng, Chúa Giê-su đã khôn ngoan khi tin cậy họ.
19. Chúa Giê-su cho thấy ngài “là người ôn hòa và có lòng khiêm nhường” như thế nào?
19 Như đã được nói trong chương 20, Kinh Thánh liên kết sự khiêm nhường và ôn hòa với sự khôn ngoan. Dĩ nhiên, Đức Giê-hô-va là đấng nêu gương tuyệt hảo về phương diện này. Còn Chúa Giê-su thì sao? Ngài cũng rất khiêm nhường. Thật ấm lòng khi thấy sự khiêm nhường của Chúa Giê-su được thể hiện trong cách ngài đối xử với các môn đồ. Là người hoàn hảo, Chúa Giê-su vượt trội hơn họ. Tuy nhiên, ngài không xem thường các môn đồ và không bao giờ khiến họ cảm thấy kém cỏi hoặc thiếu khả năng. Trái lại, ngài cảm thông với những giới hạn và kiên nhẫn trước thiếu sót của họ (Mác 14:34-38; Giăng 16:12). Ngay cả trẻ em cũng cảm thấy thoải mái và muốn đến với Chúa Giê-su! Tại sao? Hẳn là vì các em cảm nhận được ngài “là người ôn hòa và có lòng khiêm nhường”.—Ma-thi-ơ 11:29; Mác 10:13-16.
20. Chúa Giê-su thể hiện sự phải lẽ như thế nào đối với người phụ nữ dân ngoại có con gái bị quỷ ám?
20 Chúa Giê-su cũng phản ánh sự khiêm nhường của Đức Giê-hô-va qua một cách quan trọng khác. Ngài phải lẽ, hay nhân nhượng, khi có lý do chính đáng để thể hiện lòng thương xót. Chẳng hạn, hãy nhớ lại trường hợp của người phụ nữ dân ngoại đến nài xin ngài chữa bệnh cho con gái của bà bị quỷ ám. Lúc đầu, qua ba cách, Chúa Giê-su cho thấy ngài sẽ không giúp bà. Đầu tiên, ngài không đáp lời bà. Sau đó, Chúa Giê-su nói rằng ngài được phái đến để giúp người Do Thái, chứ không phải dân ngoại. Cuối cùng, Chúa Giê-su đã dùng một minh họa để nhân từ cho bà biết tại sao ngài không giúp bà. Nhưng người phụ nữ có đức tin mạnh ấy cứ tiếp tục cầu xin ngài giúp đỡ. Vậy, Chúa Giê-su đã làm gì? Ngài đã làm điều mà trước đó ngài cho thấy mình sẽ không làm, đó là chữa lành cho con gái của người phụ nữ ấy (Ma-thi-ơ 15:21-28). Chẳng phải Chúa Giê-su đã thể hiện tính khiêm nhường nổi bật sao? Cũng hãy nhớ rằng chỉ người khiêm nhường mới có sự khôn ngoan thật.
21. Tại sao chúng ta nên cố gắng bắt chước những phẩm chất của Chúa Giê-su cũng như những gì ngài nói và làm?
21 Chúng ta vô cùng biết ơn Đức Giê-hô-va vì Kinh Thánh tiết lộ về những điều mà người khôn ngoan nhất từng sống là Chúa Giê-su đã nói và làm! Hãy nhớ rằng Chúa Giê-su phản ánh hoàn hảo Cha ngài. Vậy khi cố gắng bắt chước những phẩm chất của Chúa Giê-su cũng như những gì ngài nói và làm, chúng ta đang học cách thể hiện sự khôn ngoan từ trên. Trong chương tiếp theo, chúng ta sẽ xem làm thế nào để áp dụng sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời vào đời sống.
a Vào thời Kinh Thánh, thợ mộc thường xây nhà, đóng đồ đạc và làm dụng cụ nhà nông. Một người sống vào thế kỷ thứ hai CN là ông Justin Martyr viết về Chúa Giê-su: “Khi sống trên đất, ngài là một thợ mộc và làm ra cày cũng như ách”.
b Động từ Hy Lạp được dịch là “lo lắng” có nghĩa là “bị phân tâm”. Như được dùng nơi Ma-thi-ơ 6:25, từ này nói đến nỗi sợ khiến cho một người bị phân tâm và mất niềm vui trong đời sống.
c Các bác sĩ nhận thấy rằng việc lo lắng và căng thẳng quá mức có thể dẫn đến nguy cơ mắc bệnh tim mạch và nhiều chứng bệnh khác làm giảm tuổi thọ.