Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

CHƯƠNG 18

Sự khôn ngoan trong “lời của Đức Chúa Trời”

Sự khôn ngoan trong “lời của Đức Chúa Trời”

1, 2. Đức Giê-hô-va đã viết “lá thư” nào cho chúng ta, và tại sao?

 Anh chị có nhớ lần gần đây nhất mình nhận được một lá thư từ người thân yêu sống ở nơi xa không? Ít có điều gì sánh bằng niềm vui khi nhận được lá thư chân thành từ người mà mình yêu quý. Chúng ta vui khi hay tin người ấy vẫn khỏe, nghe người ấy kể về những kinh nghiệm và dự định của họ. Việc liên lạc như thế giúp chúng ta gần gũi với người ấy hơn dù sống cách xa nhau.

2 Nhưng không điều gì có thể mang lại cho chúng ta nhiều niềm vui bằng việc nhận được một thông điệp thành văn đến từ Đức Chúa Trời mà chúng ta yêu mến. Theo một nghĩa nào đó, Đức Giê-hô-va đã viết cho chúng ta một “lá thư”, tức Lời ngài là Kinh Thánh. Trong đó, ngài cho chúng ta biết ngài là ai, ngài đã làm gì, ngài có ý định nào và nhiều điều khác nữa. Đức Giê-hô-va ban cho chúng ta Lời ngài vì muốn chúng ta đến gần ngài. Đức Chúa Trời khôn ngoan tột bậc đã chọn cách tốt nhất để liên lạc với chúng ta. Sự khôn ngoan tột bậc của ngài được thể hiện qua cách mà Kinh Thánh được viết ra và những gì được viết trong đó.

Tại sao cần viết thành văn?

 3. Đức Giê-hô-va truyền Luật pháp cho Môi-se qua cách nào?

3 Một số người có lẽ thắc mắc: “Tại sao Đức Giê-hô-va không liên lạc với loài người qua một cách ấn tượng hơn, chẳng hạn như phán từ trời?”. Thật ra, Đức Giê-hô-va đã vài lần phán từ trời qua trung gian là các thiên sứ. Ví dụ, ngài đã làm thế khi ban Luật pháp cho dân Y-sơ-ra-ên (Ga-la-ti 3:19). Khi dân Y-sơ-ra-ên nghe tiếng phán mạnh mẽ từ trời, họ vô cùng sợ hãi. Họ đã cầu xin để Đức Giê-hô-va đừng phán với họ qua cách đó mà hãy phán qua Môi-se (Xuất Ai Cập 20:18-20). Vì thế, Đức Giê-hô-va đã phán với Môi-se và truyền cho ông Luật pháp gồm hơn 600 điều luật, từng chữ một.

 4. Tại sao việc truyền miệng không phải là phương pháp đáng tin cậy để lưu truyền luật pháp của Đức Chúa Trời?

4 Nhưng nói sao nếu Luật pháp ấy không được viết ra? Liệu Môi-se có thể nhớ và truyền lại cho dân Y-sơ-ra-ên chính xác từng từ trong bộ luật chi tiết ấy không? Và liệu dân chúng có nhớ hết mọi điều Môi-se đã nói và truyền lại cho con cháu mình, rồi những con cháu này sẽ truyền lại cho thế hệ sau không? Chắc chắn đó không phải là phương pháp đáng tin cậy để lưu truyền luật pháp của Đức Chúa Trời. Hãy tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra nếu anh chị muốn kể một câu chuyện cho một nhóm người đang đứng xếp hàng dài. Anh chị kể cho người đầu tiên rồi người ấy thuật lại cho người đằng sau và cứ thế tiếp tục cho đến người đứng cuối hàng. Hẳn những gì mà người cuối cùng nghe được sẽ rất khác so với những gì anh chị kể ban đầu. Nhưng điều này không bao giờ xảy ra với những gì được viết trong Luật pháp của Đức Chúa Trời. Tại sao?

5, 6. Đức Giê-hô-va bảo Môi-se làm gì với những lời của ngài, và tại sao Kinh Thánh là một món quà quý giá?

5 Đức Giê-hô-va đã khôn ngoan quyết định để cho lời ngài được viết ra. Ngài bảo Môi-se: “Hãy ghi lại những lời ấy vì ta sẽ lập một giao ước với con và dân Y-sơ-ra-ên dựa trên những lời đã ghi” (Xuất Ai Cập 34:27). Như vậy, vào 1513 TCN, Môi-se đã trở thành người viết Kinh Thánh đầu tiên. Trong 1.610 năm tiếp theo, Đức Giê-hô-va “đã phán… nhiều lần và theo nhiều cách” với khoảng 40 người, rồi họ viết ra Kinh Thánh (Hê-bơ-rơ 1:1). Trong thời gian đó, những người nam trung thành khác đã cẩn thận sao chép chính xác những văn bản ấy để bảo tồn Kinh Thánh.—Ê-xơ-ra 7:6; Thi thiên 45:1.

6 Kinh Thánh thật sự là một món quà quý giá đến từ Đức Giê-hô-va. Đã bao giờ anh chị nhận một lá thư mà anh chị quý đến mức muốn giữ lại và đọc lại nhiều lần có lẽ vì nó mang lại sự an ủi cần thiết chưa? Kinh Thánh cũng giống như một “lá thư” như thế đến từ Đức Giê-hô-va. Vì Đức Giê-hô-va cho ghi lại lời ngài nên chúng ta có thể đều đặn đọc và suy ngẫm lời ấy (Thi thiên 1:2). Chúng ta có thể nhận được “sự an ủi đến từ Kinh Thánh” bất cứ khi nào mình cần.—Rô-ma 15:4.

Tại sao dùng con người để viết?

 7. Sự khôn ngoan của Đức Giê-hô-va được thấy rõ như thế nào qua việc ngài dùng con người để viết Kinh Thánh?

7 Sự khôn ngoan của Đức Giê-hô-va được thấy qua việc ngài dùng con người để viết Kinh Thánh. Hãy thử suy nghĩ điều này: Nếu Đức Giê-hô-va dùng các thiên sứ để ghi lại Kinh Thánh thì liệu những lời ấy có thu hút chúng ta như ngày nay không? Đành rằng các thiên sứ có thể miêu tả Đức Giê-hô-va theo quan điểm siêu việt của họ, giải thích tại sao họ yêu thương và phụng sự ngài, cũng như kể cho chúng ta nghe về những người đã trung thành phụng sự ngài. Nhưng các thiên sứ cao siêu hơn chúng ta rất nhiều. Họ hoàn hảo, có nhiều sự hiểu biết, nhiều kinh nghiệm và quyền năng hơn chúng ta. Liệu chúng ta có thể hiểu những điều họ muốn nói với mình không?—Hê-bơ-rơ 2:6, 7.

 8. Đức Giê-hô-va cho phép những người viết Kinh Thánh làm gì? (Cũng xem chú thích).

8 Qua việc dùng con người để viết Kinh Thánh, Đức Giê-hô-va ban cho chúng ta điều mình cần, đó là cuốn sách được ngài soi dẫn và thu hút chúng ta (2 Ti-mô-thê 3:16). Ngài thực hiện điều này như thế nào? Trong nhiều trường hợp, rõ ràng ngài đã cho phép người viết dùng khả năng suy nghĩ để chọn “lời lẽ thanh tao” và “những lời chân thật” nhằm diễn đạt lối suy nghĩ của ngài (Truyền đạo 12:10, 11). Điều này lý giải tại sao Kinh Thánh có văn phong đa dạng. Những gì người viết đề cập đến phản ánh gốc gác và tính cách của họ. a Tuy nhiên, những người này “nói những điều đến từ Đức Chúa Trời khi được thần khí thánh thúc đẩy” (2 Phi-e-rơ 1:21). Do đó, Kinh Thánh thật sự là “lời của Đức Chúa Trời”.—1 Tê-sa-lô-ni-ca 2:13.

“Cả Kinh Thánh đều được Đức Chúa Trời soi dẫn”

9, 10. Tại sao việc dùng con người để viết Kinh Thánh giúp sách này trở nên thu hút?

9 Vì Đức Giê-hô-va dùng con người để viết Kinh Thánh nên sách này rất thu hút. Những người viết Kinh Thánh có cảm xúc giống như chúng ta. Là người bất toàn, họ cũng đối mặt với những thử thách và áp lực tương tự với chúng ta. Trong một số trường hợp, thần khí của Đức Giê-hô-va soi dẫn họ viết về cảm xúc và sự tranh đấu của chính họ (2 Cô-rinh-tô 12:7-10). Vì thế, họ diễn đạt những vấn đề của mình bằng lời lẽ riêng, là những lời mà không thiên sứ nào có thể diễn đạt được.

10 Chẳng hạn, hãy xem trường hợp của Đa-vít, vua nước Y-sơ-ra-ên. Sau khi phạm một số tội trọng, Đa-vít đã sáng tác một bài Thi thiên, trong đó ông dốc đổ lòng mình và nài xin Đức Chúa Trời tha thứ. Ông viết: “Xin… tẩy sạch con khỏi tội lỗi. Thật, con biết rõ sai phạm mình, tội lỗi của con luôn trước mặt. Kìa! Con mang lỗi lầm khi chào đời; mẹ con thụ thai con trong tội lỗi. Xin đừng đuổi con cách xa mặt ngài; thần khí thánh ngài, xin đừng cất đi. Vật tế lễ đẹp lòng Đức Chúa Trời chính là tâm thần tan nát; Đức Chúa Trời ôi, tấm lòng tan nát giày vò, ngài chẳng khinh bỏ” (Thi thiên 51:2, 3, 5, 11, 17). Khi đọc những lời này, hẳn chúng ta hiểu được nỗi khổ tâm của Đa-vít. Quả thật, chỉ con người bất toàn mới có thể diễn đạt được những cảm xúc như thế!

Tại sao là sách viết về con người?

11. Tại sao Đức Giê-hô-va cho ghi lại trong Kinh Thánh nhiều câu chuyện về con người?

11 Một lý do khác mà Kinh Thánh thu hút chúng ta là vì sách này chứa đựng nhiều câu chuyện về con người. Một số người thì thờ phượng Đức Giê-hô-va, số khác thì không. Chúng ta đọc về những điều họ trải qua, khó khăn và niềm vui của họ. Chúng ta thấy được kết cuộc của những quyết định mà họ đưa ra trong đời sống. Những câu chuyện như vậy được ghi lại “để chỉ dạy chúng ta” (Rô-ma 15:4). Đức Giê-hô-va đã dùng câu chuyện của những người ấy để dạy dỗ và động đến lòng chúng ta. Hãy xem một số ví dụ.

12. Câu chuyện về những người bất trung giúp chúng ta như thế nào?

12 Kinh Thánh kể về những người bất trung, thậm chí gian ác, và điều xảy đến với họ. Câu chuyện của những người này giúp chúng ta hiểu rõ tại sao những tính mà họ thể hiện là rất xấu xa. Chẳng hạn, Kinh Thánh có thể chỉ đơn giản nói rằng phản bội bạn bè là sai. Nhưng câu chuyện nói về cách Giu-đa phản bội Chúa Giê-su khiến anh chị cảm thấy thế nào? (Ma-thi-ơ 26:14-16, 46-50; 27:3-10). Những câu chuyện như thế khơi dậy trong chúng ta cảm xúc mạnh mẽ cũng như giúp chúng ta nhận ra những tính xấu và nỗ lực kháng cự chúng.

13. Qua cách nào Kinh Thánh giúp chúng ta hiểu được những phẩm chất tốt?

13 Kinh Thánh cũng kể về nhiều tôi tớ trung thành của Đức Chúa Trời. Nhờ thế, chúng ta được đọc những lời tường thuật về sự thành tín và lòng sùng kính của họ. Chúng ta thấy cách họ thể hiện những phẩm chất tốt, là những phẩm chất mà chúng ta cũng cần vun trồng để đến gần Đức Chúa Trời. Một trong những phẩm chất đó là đức tin. Kinh Thánh cho biết đức tin là gì và tại sao chúng ta cần có đức tin để làm vui lòng Đức Chúa Trời (Hê-bơ-rơ 11:1, 6). Nhưng không chỉ có thế. Kinh Thánh còn cho thấy rõ những người ấy đã thể hiện đức tin nổi bật như thế nào. Chẳng hạn, hãy nghĩ về đức tin mà Áp-ra-ham đã thể hiện khi ông định dâng Y-sác (Sáng thế, chương 22; Hê-bơ-rơ 11:17-19). Những lời tường thuật như thế giúp chúng ta hiểu rõ hơn ý nghĩa của đức tin. Như vậy, Đức Giê-hô-va không chỉ nói rằng chúng ta phải vun trồng những phẩm chất tốt mà ngài còn cho chúng ta biết cách để làm thế qua những gương ấy. Điều này chứng tỏ sự khôn ngoan tột bậc của Đức Giê-hô-va!

14, 15. Kinh Thánh kể lại điều gì về người phụ nữ đến đền thờ, và chúng ta học được gì về Đức Giê-hô-va qua câu chuyện này?

14 Những câu chuyện có thật trong Kinh Thánh thường dạy chúng ta điều gì đó về Đức Giê-hô-va. Hãy xem trường hợp của người phụ nữ mà Chúa Giê-su thấy trong đền thờ. Chúa Giê-su đang ngồi gần các rương đóng góp và quan sát người ta bỏ tiền vào đó. Ngài thấy nhiều người giàu đóng góp “của dư”. Nhưng ánh mắt của ngài tập trung vào một bà góa nghèo. Bà đã dâng “hai đồng xu chẳng đáng là bao”. b Đó là tất cả số tiền bà có. Những điều Chúa Giê-su nói sau đó phản ánh hoàn hảo cảm xúc của Đức Giê-hô-va về người phụ nữ ấy. Chúa Giê-su nói: “Bà góa nghèo này đã bỏ vào rương nhiều hơn tất cả những người khác”. Như vậy, theo quan điểm của Đức Giê-hô-va, bà đã bỏ vào rương nhiều hơn số tiền của tất cả những người khác cộng lại.—Mác 12:41-44; Lu-ca 21:1-4; Giăng 8:28.

15 Điều đáng chú ý là trong số tất cả những người đến đền thờ vào hôm đó, Chúa Giê-su đã cẩn thận quan sát bà góa này và gương của bà được Đức Giê-hô-va cho ghi lại trong Kinh Thánh. Qua trường hợp này, Đức Giê-hô-va muốn chúng ta hiểu rằng ngài quý trọng những gì chúng ta làm cho ngài. Ngài vui lòng chấp nhận những điều tốt nhất mà chúng ta dâng cho ngài, ngay cả khi điều ấy không bằng những gì người khác dâng. Chẳng phải đây là cách tốt nhất để Đức Giê-hô-va dạy chúng ta sự thật ấm lòng này sao?

Những điều không có trong Kinh Thánh

16, 17. Ngay cả những điều mà Đức Giê-hô-va chọn không cho ghi lại cũng chứng tỏ ngài là đấng khôn ngoan như thế nào?

16 Khi viết thư cho người thân yêu, anh chị không thể viết hết mọi điều. Vì thế, anh chị phải cân nhắc để chỉ viết những điều cần thiết. Tương tự, Đức Giê-hô-va đã chọn đề cập trong Lời ngài những cá nhân và sự kiện mà ngài muốn. Nhưng trong những lời tường thuật ấy, Kinh Thánh không phải lúc nào cũng ghi lại mọi chi tiết (Giăng 21:25). Chẳng hạn, khi Kinh Thánh nói về sự phán xét của Đức Chúa Trời, sách này có lẽ không cung cấp mọi thông tin để giải đáp hết thắc mắc của chúng ta. Nhưng ngay cả những điều mà Đức Giê-hô-va chọn không cho ghi lại cũng chứng tỏ ngài là đấng vô cùng khôn ngoan. Như thế nào?

17 Kinh Thánh được viết theo cách giúp chúng ta biết được con người bề trong của mình. Hê-bơ-rơ 4:12 nói: “Lời [hay thông điệp] Đức Chúa Trời là lời sống, có quyền lực, sắc hơn bất cứ thanh gươm hai lưỡi nào, đâm sâu đến nỗi phân tách con người bề ngoài với con người bề trong,… có khả năng nhận biết được tư tưởng và ý định trong lòng”. Thông điệp của Kinh Thánh có thể đâm sâu vào trong lòng, giúp chúng ta nhận biết tư tưởng và động cơ thật của mình. Những người đọc Kinh Thánh với thái độ chỉ trích thường bị vấp ngã khi thấy một lời tường thuật không có đủ thông tin như họ mong muốn. Những người như thế thậm chí có lẽ còn nghi ngờ không biết Đức Giê-hô-va có thật sự yêu thương, công bằng và khôn ngoan hay không.

18, 19. (a) Khi có những thắc mắc chưa được giải đáp ngay về một lời tường thuật, tại sao chúng ta không nên hoang mang? (b) Chúng ta cần có thái độ nào để hiểu Kinh Thánh, và tại sao điều này chứng tỏ Đức Giê-hô-va là đấng rất khôn ngoan?

18 Ngược lại, khi học hỏi Kinh Thánh với thái độ đúng, chúng ta sẽ không cảm thấy hoang mang nếu chưa tìm được câu trả lời ngay lập tức cho những thắc mắc mà mình nêu lên về một lời tường thuật nào đó. Tại sao? Hãy xem một minh họa: Khi ghép một bức tranh lớn, có lẽ lúc đầu anh chị không thể tìm thấy mảnh ghép mình cần hoặc không biết một mảnh ghép nào đó liên quan ra sao đến bức tranh. Tuy nhiên, chúng ta có thể đã ráp đủ các mảnh khác để thấy được bức tranh hoàn chỉnh trông ra sao. Tương tự, khi học hỏi Kinh Thánh, chúng ta sẽ dần dần hiểu được Đức Giê-hô-va là đấng như thế nào và có một hình ảnh rõ nét về ngài. Dù ban đầu chúng ta không hiểu một lời tường thuật nào đó hoặc thấy nó dường như không phù hợp với các phẩm chất của Đức Chúa Trời, nhưng những gì mình đã học từ Kinh Thánh cũng đủ giúp mình hiểu ngài là một Đức Chúa Trời yêu thương và luôn làm điều đúng.

19 Vậy để hiểu Kinh Thánh, chúng ta cần đọc và học sách này với thái độ đúng. Chẳng phải điều này cho thấy Đức Giê-hô-va là đấng rất khôn ngoan sao? Những người thông minh có thể viết các cuốn sách mà chỉ “người khôn ngoan và trí thức” mới hiểu được. Nhưng để viết một cuốn sách mà chỉ những người có thái độ đúng mới hiểu được thì chỉ có Đức Chúa Trời khôn ngoan mới có thể làm được điều này!—Ma-thi-ơ 11:25.

Quyển sách chứa đựng “sự khôn ngoan thiết thực”

20. Tại sao chỉ có Đức Giê-hô-va mới có thể cho chúng ta biết lối sống nào là tốt nhất, và Kinh Thánh chứa đựng điều gì để giúp chúng ta đạt được điều đó?

20 Trong Lời ngài, Đức Giê-hô-va cho chúng ta biết lối sống nào là tốt nhất. Là Đấng Tạo Hóa, ngài biết rõ nhu cầu của chúng ta hơn cả chính chúng ta. Kể từ khi Kinh Thánh được viết ra thì những nhu cầu cơ bản của con người vẫn không thay đổi, đó là họ muốn được yêu thương, có niềm vui, gia đình hạnh phúc và những tình bạn tốt. Kinh Thánh chứa đựng một kho tàng “sự khôn ngoan thiết thực” có thể giúp chúng ta có một đời sống ý nghĩa (Châm ngôn 2:7). Chương cuối của mỗi phần trong sách này giúp chúng ta biết cách áp dụng lời khuyên khôn ngoan trong Kinh Thánh. Nhưng ở đây chúng ta hãy xem xét chỉ một ví dụ.

21-23. Lời khuyên khôn ngoan nào có thể giúp chúng ta tránh nuôi lòng oán giận?

21 Anh chị có nhận thấy những người nuôi lòng oán giận thường tự làm tổn thương chính mình không? Việc nuôi lòng oán giận khiến cuộc sống của chúng ta trở nên mệt mỏi. Chúng ta khó có thể tập trung vào những điều khác, bị mất đi niềm vui và sự bình an. Các nghiên cứu khoa học cho biết việc cưu mang oán giận có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và một loạt các bệnh mãn tính khác. Rất lâu trước khi có những nghiên cứu đó, Kinh Thánh đã nói: “Hãy thôi giận và dẹp cơn thịnh nộ” (Thi thiên 37:8). Nhưng chúng ta có thể làm thế bằng cách nào?

22 Lời Đức Chúa Trời đưa ra lời khuyên khôn ngoan sau: “Nhờ sáng suốt, một người chậm nóng giận; điều tốt đẹp nơi người là bỏ qua sự xúc phạm” (Châm ngôn 19:11). Sáng suốt là khả năng nhìn sâu vào bản chất của sự việc, chứ không chỉ vẻ bề ngoài. Người sáng suốt có thể hiểu được tại sao một người nói hoặc làm điều gì đó. Việc cố gắng hiểu động cơ, cảm xúc và hoàn cảnh của người ấy sẽ giúp chúng ta không bị tổn thương hoặc nghĩ xấu về họ.

23 Kinh Thánh cũng khuyên chúng ta: “Hãy tiếp tục chịu đựng nhau và rộng lòng tha thứ nhau” (Cô-lô-se 3:13). Cụm từ “tiếp tục chịu đựng nhau” muốn nói đến việc kiên nhẫn với người khác, chịu đựng những tính cách mà có lẽ chúng ta cảm thấy khó chịu. Điều này giúp chúng ta tránh hành động thiếu tử tế với người ấy. Từ “tha thứ” muốn nói đến ý tưởng bỏ đi sự oán giận. Đức Chúa Trời khôn ngoan biết rằng chúng ta cần tha thứ cho người khác khi có cơ sở, vì làm thế không chỉ mang lại lợi ích cho họ mà còn giúp mình có bình an tâm trí (Lu-ca 17:3, 4). Sự khôn ngoan trong Lời Đức Chúa Trời quả rất ưu việt!

24. Việc áp dụng lời khuyên khôn ngoan của Đức Chúa Trời vào đời sống mang lại kết quả nào?

24 Tình yêu thương bao la đã thôi thúc Đức Giê-hô-va muốn liên lạc với chúng ta. Ngài đã chọn cách tốt nhất để làm thế là dùng con người để viết thông điệp của ngài trong Kinh Thánh dưới sự hướng dẫn của thần khí thánh. Vì thế, các trang Kinh Thánh chứa đựng sự khôn ngoan của ngài. Sự khôn ngoan này “vô cùng đáng tin cậy” (Thi thiên 93:5). Khi áp dụng lời khuyên khôn ngoan ấy vào đời sống và chia sẻ với người khác, chúng ta sẽ đến gần Đức Chúa Trời khôn ngoan. Trong chương tiếp theo, chúng ta sẽ thảo luận một ví dụ đáng kinh ngạc khác cho thấy sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời, đó là khả năng báo trước về tương lai và hoàn thành ý định của ngài.

a Chẳng hạn, là người chăn cừu, Đa-vít dùng những hình ảnh được rút ra từ đời sống chăn cừu (Thi thiên 23). Là người thu thuế, Ma-thi-ơ thường nói đến những con số và số tiền (Ma-thi-ơ 17:27; 26:15; 27:3). Là thầy thuốc, Lu-ca dùng những từ cho thấy ông có kiến thức về y khoa.—Lu-ca 4:38; 14:2; 16:20.

b Vào thời đó, một người làm công sẽ kiếm được hai đồng xu, hay hai lép-ton, trong chỉ 15 phút làm việc. Hai đồng xu này thậm chí còn không đủ mua một con chim sẻ, là loại chim rẻ nhất mà người nghèo mua làm thức ăn.