Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

CHƯƠNG 30

“Hãy tiếp tục bước đi trong tình yêu thương”

“Hãy tiếp tục bước đi trong tình yêu thương”

1-3. Chúng ta nhận được lợi ích nào khi noi gương Đức Giê-hô-va trong việc thể hiện tình yêu thương?

 “Cho thì hạnh phúc hơn nhận” (Công vụ 20:35). Những lời này của Chúa Giê-su nhấn mạnh một sự thật quan trọng: Đó là tình yêu thương bất vị kỷ mang lại lợi ích cho chúng ta. Dù chúng ta thấy hạnh phúc khi nhận được tình yêu thương nhưng chúng ta sẽ hạnh phúc hơn khi ban cho, hoặc thể hiện, tình yêu thương với người khác.

2 Không ai hiểu rõ điều này hơn Cha trên trời của chúng ta. Như đã học trong các chương trước của phần này, Đức Giê-hô-va nêu gương xuất sắc nhất về tình yêu thương. Không ai thể hiện tình yêu thương lớn hơn hoặc trong thời gian dài hơn ngài. Vậy, không ngạc nhiên gì khi Đức Giê-hô-va được gọi là “Đức Chúa Trời hạnh phúc”.—1 Ti-mô-thê 1:11.

3 Đức Giê-hô-va muốn chúng ta cố gắng hết sức để noi gương ngài, nhất là trong việc thể hiện tình yêu thương. Ê-phê-sô 5:1, 2 nói: “Là con cái yêu dấu của Đức Chúa Trời, anh em hãy bắt chước ngài. Hãy tiếp tục bước đi trong tình yêu thương”. Khi noi gương Đức Giê-hô-va trong việc thể hiện tình yêu thương, chúng ta sẽ cảm nghiệm được niềm vui lớn hơn đến từ việc cho đi. Chúng ta cũng thỏa nguyện khi biết rằng mình đang làm đẹp lòng Đức Giê-hô-va, vì Lời ngài khuyến giục chúng ta “yêu thương lẫn nhau” (Rô-ma 13:8). Nhưng chúng ta phải “tiếp tục bước đi trong tình yêu thương” vì những lý do khác nữa.

Tại sao tình yêu thương là điều thiết yếu?

Tình yêu thương thôi thúc chúng ta bày tỏ sự tin tưởng anh em mình

4, 5. Tại sao việc thể hiện tình yêu thương quên mình với anh em đồng đạo là điều quan trọng?

4 Tại sao việc thể hiện tình yêu thương với anh em đồng đạo là điều quan trọng? Vì tình yêu thương là phẩm chất quan trọng nhất của tín đồ đạo Đấng Ki-tô chân chính. Nếu không có tình yêu thương thì chúng ta không thể có mối quan hệ gắn bó với anh em đồng đạo, và quan trọng hơn, chúng ta không có giá trị trước mắt Đức Giê-hô-va. Hãy xem Lời Đức Chúa Trời nhấn mạnh những sự thật quan trọng này như thế nào.

5 Vào đêm cuối cùng ở trên đất, Chúa Giê-su nói với các môn đồ: “Tôi ban cho anh em một điều răn mới, đó là anh em hãy yêu thương nhau; tôi đã yêu thương anh em thể nào thì anh em cũng hãy yêu thương nhau thể ấy. Bởi điều này mà mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đồ tôi: Đó là có tình yêu thương giữa anh em” (Giăng 13:34, 35). Khi nói “tôi đã yêu thương anh em thể nào”, Chúa Giê-su đang lệnh cho chúng ta thể hiện loại tình yêu thương mà ngài đã thể hiện. Trong chương 29, chúng ta đã thấy Chúa Giê-su nêu gương tuyệt vời trong việc thể hiện tình yêu thương quên mình bằng cách đặt nhu cầu và lợi ích của người khác lên trên của bản thân. Chúng ta cũng phải thể hiện tình yêu thương bất vị kỷ. Và chúng ta nên làm thế theo cách mà ngay cả những người không thờ phượng Đức Giê-hô-va cũng có thể dễ nhận ra là chúng ta thật lòng yêu thương nhau. Khi thể tình yêu thương quên mình vì anh em, chúng ta cho thấy mình là tín đồ đạo Đấng Ki-tô chân chính.

6, 7. (a) Làm thế nào Kinh Thánh cho thấy Đức Giê-hô-va muốn chúng ta thể hiện tình yêu thương? (b) Những lời của Phao-lô nơi 1 Cô-rinh-tô 13:4-8 tập trung vào khía cạnh nào của tình yêu thương?

6 Nói sao nếu chúng ta không có tình yêu thương? Sứ đồ Phao-lô nói: “Nếu tôi… không có tình yêu thương thì tôi như cồng chiêng khua tiếng hoặc chập chỏa inh ỏi” (1 Cô-rinh-tô 13:1). Chập chỏa và cồng chiêng phát ra tiếng rất to và chói tai. Đây quả là hình ảnh thích hợp! Người không có tình yêu thương thì giống như một loại nhạc cụ phát ra âm thanh inh ỏi và chói tai, khiến người ta lánh xa thay vì đến gần. Một người như thế thì rất khó có mối quan hệ mật thiết với người khác. Phao-lô cũng nói: “Nếu có đức tin mạnh đến nỗi dời được cả núi, nhưng không có tình yêu thương thì tôi chẳng là gì” (1 Cô-rinh-tô 13:2). Vậy nếu một người không có tình yêu thương thì Đức Giê-hô-va không thể dùng người ấy, dù người ấy có làm điều tốt nào đi nữa. Rõ ràng, Kinh Thánh cho thấy Đức Giê-hô-va muốn chúng ta thể hiện tình yêu thương.

7 Tuy nhiên, chúng ta có thể thể hiện phẩm chất này như thế nào trong cách đối xử với người khác? Để trả lời câu hỏi này, hãy xem xét những lời của Phao-lô nơi 1 Cô-rinh-tô 13:4-8. Những câu này không tập trung vào tình yêu thương của Đức Chúa Trời dành cho chúng ta hoặc tình yêu thương của chúng ta dành cho ngài. Thay vì thế, Phao-lô tập trung vào cách chúng ta nên thể hiện tình yêu thương với nhau. Ông miêu tả thế nào là tình yêu thương và thế nào không phải là tình yêu thương.

Thế nào là tình yêu thương?

 8. Tính kiên nhẫn có thể giúp chúng ta thế nào trong việc đối xử với người khác?

8 “Tình yêu thương kiên nhẫn”. Vậy yêu thương có nghĩa là kiên nhẫn chịu đựng người khác (Cô-lô-se 3:13). Hẳn anh chị đồng ý là chúng ta cần kiên nhẫn. Tất cả chúng ta đều bất toàn, nên khi kề vai sát cánh phụng sự Đức Giê-hô-va, đôi khi chúng ta sẽ làm anh em đồng đạo khó chịu và ngược lại. Nhưng tính kiên nhẫn giúp chúng ta chịu đựng khi có những va chạm ấy và giữ sự hòa thuận trong hội thánh.

 9. Chúng ta có thể biểu lộ sự nhân từ với người khác qua những cách nào?

9 “Tình yêu thương… nhân từ”. Chúng ta thể hiện sự nhân từ qua việc giúp đỡ người khác và nói những lời tử tế. Tình yêu thương thúc đẩy chúng ta tìm cách để thể hiện sự nhân từ, đặc biệt với những người cần được giúp đỡ. Chẳng hạn, một anh chị lớn tuổi có lẽ cảm thấy cô đơn cần được đến thăm và khích lệ. Một người mẹ đơn thân hay một chị sống trong gia đình không cùng niềm tin có thể cần được hỗ trợ. Một người đau yếu hoặc đang đương đầu với nghịch cảnh cần nghe những lời khích lệ từ một người bạn trung thành (Châm ngôn 12:25; 17:17). Khi chủ động biểu lộ sự nhân từ với người khác qua những cách như thế, chúng ta cho thấy mình yêu thương họ một cách chân thật.—2 Cô-rinh-tô 8:8.

10. Làm thế nào tình yêu thương giúp chúng ta ủng hộ sự thật và nói sự thật, ngay cả khi không dễ để làm thế?

10 “Tình yêu thương… vui mừng trước sự thật”. Một bản dịch khác dịch là: “Tình yêu thương... vui mừng đứng về phía sự thật”. Tình yêu thương thúc đẩy chúng ta ủng hộ sự thật và “nói sự thật với nhau” (Xa-cha-ri 8:16). Chẳng hạn, nếu một người mà chúng ta yêu thương phạm tội trọng, tình yêu thương với Đức Giê-hô-va cũng như với người ấy sẽ giúp chúng ta làm theo tiêu chuẩn công chính của ngài. Chúng ta sẽ không cố giấu giếm, bào chữa hoặc thậm chí nói dối về những điều người đó làm. Dĩ nhiên, có lẽ không dễ khi đối diện với sự thật là người mình yêu thương đã làm điều sai trái. Nhưng vì yêu thương họ và muốn điều tốt nhất cho họ, chúng ta muốn họ nhận được và hưởng ứng sự sửa dạy đầy yêu thương đến từ Đức Chúa Trời (Châm ngôn 3:11, 12). Thể hiện tình yêu thương qua việc ủng hộ sự thật cũng có nghĩa là chúng ta “sống lương thiện trong mọi việc”.—Hê-bơ-rơ 13:18.

11. Vì tình yêu thương “nhẫn nhịn mọi điều”, chúng ta nên làm gì trước những thiếu sót của anh em đồng đạo?

11 “Tình yêu thương nhẫn nhịn mọi điều”. Câu này có nghĩa đen là “tình yêu thương che lấp mọi điều” (bản Kingdom Interlinear). Nơi 1 Phi-e-rơ 4:8, sứ đồ Phi-e-rơ nói: “Tình yêu thương che lấp vô số tội lỗi”. Khi thật sự yêu thương anh em đồng đạo, chúng ta sẽ không vạch ra những bất toàn và thiếu sót của họ. Thường thì những lỗi lầm của anh em không quá nghiêm trọng và có thể được che lấp bởi tình yêu thương.—Châm ngôn 10:12; 17:9.

12. Sứ đồ Phao-lô cho thấy ông tin điều tốt nhất nơi Phi-lê-môn như thế nào, và chúng ta học được gì từ gương của Phao-lô?

12 “Tình yêu thương… tin mọi điều”. Một bản dịch khác nói rằng tình yêu thương “luôn sốt sắng tin điều tốt nhất”. Chúng ta không muốn nghi ngờ anh em hoặc động cơ của họ. Tình yêu thương giúp chúng ta “tin điều tốt nhất” về anh em và tin tưởng họ. a Hãy xem một ví dụ được nói trong lá thư của Phao-lô gửi cho Phi-lê-môn. Phao-lô viết để khuyến khích Phi-lê-môn tiếp đón người nô lệ bỏ trốn là Ô-nê-sim, người đã trở thành tín đồ đạo Đấng Ki-tô. Thay vì ép buộc Phi-lê-môn, Phao-lô đã nài xin ông dựa trên tình yêu thương. Phao-lô đã bày tỏ lòng tin chắc rằng Phi-lê-môn sẽ hành động nhân từ khi nói: “Tôi tin chắc anh sẽ làm theo nên viết thư này cho anh, biết là anh sẽ làm hơn những gì tôi nói” (câu 21). Khi tình yêu thương thúc đẩy chúng ta bày tỏ lòng tin chắc như thế nơi anh em, chúng ta đang giúp họ bộc lộ những đức tính tốt.

13. Làm thế nào chúng ta có thể cho thấy mình hy vọng điều tốt nhất cho anh em?

13 “Tình yêu thương… hy vọng mọi điều”. Giống như tình yêu thương thúc đẩy chúng ta tin cậy anh em thì tình yêu thương cũng thúc đẩy chúng ta hy vọng điều tốt nhất cho anh em. Chẳng hạn, nếu một anh “lạc lối mà chưa nhận ra”, chúng ta hy vọng là anh ấy sẽ lắng nghe những người yêu thương anh và đang cố gắng giúp anh thay đổi (Ga-la-ti 6:1). Chúng ta cũng hy vọng rằng những ai yếu đức tin sẽ vững mạnh trở lại. Chúng ta cũng kiên nhẫn với những người như thế và làm những gì có thể để giúp họ vững mạnh về thiêng liêng (Rô-ma 15:1; 1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:14). Ngay cả nếu người thân của chúng ta lạc lối, chúng ta cũng tiếp tục hy vọng rằng một ngày nào đó họ sẽ tỉnh ngộ và quay về với Đức Giê-hô-va, giống như người con lạc lối trong minh họa của Chúa Giê-su.—Lu-ca 15:17, 18.

14. Sự chịu đựng của chúng ta có thể bị thử thách như thế nào trong hội thánh, và tình yêu thương sẽ giúp chúng ta phản ứng ra sao?

14 “Tình yêu thương… chịu đựng mọi điều”. Tính chịu đựng giúp chúng ta đứng vững khi đối mặt với khó khăn hoặc nỗi thất vọng. Những thử thách về sự chịu đựng không chỉ đến từ ngoài hội thánh. Đôi khi, chúng ta có thể bị thử thách ngay trong hội thánh. Vì bất toàn, có lúc anh em làm chúng ta thất vọng. Có lẽ họ nói những lời thiếu suy nghĩ khiến mình tổn thương (Châm ngôn 12:18). Một vấn đề trong hội thánh có lẽ không được giải quyết theo cách mà mình mong muốn. Hoặc cách cư xử của một anh được tôn trọng trong hội thánh có lẽ khiến chúng ta khó chịu và thắc mắc: “Làm sao một tín đồ đạo Đấng Ki-tô lại có thể hành động như thế?”. Khi những điều ấy xảy ra, liệu chúng ta sẽ bỏ hội thánh và ngưng phụng sự Đức Giê-hô-va không? Nếu có tình yêu thương, chúng ta sẽ không làm thế! Thật vậy, tình yêu thương sẽ giúp chúng ta không tức giận trước thiếu sót của một người đến nỗi không còn thấy bất cứ điểm tốt nào của người ấy hoặc của những anh em khác trong hội thánh. Tình yêu thương giúp chúng ta giữ trung thành với Đức Chúa Trời và làm vững mạnh hội thánh, bất kể lời nói hoặc hành động của một người bất toàn khác.—Thi thiên 119:165.

Thế nào không phải là tình yêu thương?

15. Ghen tị là gì, và làm thế nào tình yêu thương giúp chúng ta kháng cự cảm xúc tai hại này?

15 “Tình yêu thương không ghen tị”. Tính ghen tị có thể khiến chúng ta đố kỵ về những gì người khác có, chẳng hạn như tài sản, đặc ân hoặc khả năng của họ. Ghen tị là một cảm xúc ích kỷ, tai hại và nếu không chế ngự thì nó có thể phá vỡ sự hòa thuận của hội thánh. Điều gì sẽ giúp chúng ta kháng cự khuynh hướng đố kỵ? (Gia-cơ 4:5). Đó chính là tình yêu thương. Phẩm chất quý báu này có thể giúp chúng ta vui với người dường như có những điều tốt mà mình không có (Rô-ma 12:15). Tình yêu thương cũng giúp chúng ta không cảm thấy đố kỵ khi ai đó được khen vì có khả năng vượt trội hoặc thành quả nổi bật.

16. Nếu thật sự yêu thương anh em, tại sao chúng ta không nên khoe khoang về những gì mình đạt được trong việc phụng sự Đức Giê-hô-va?

16 “Tình yêu thương… không khoe khoang, không lên mặt tự cao”. Tình yêu thương giúp chúng ta không khoe khoang về khả năng hoặc những thành quả của mình. Nếu thật sự yêu thương anh em, chúng ta sẽ không khoe khoang về thành quả của mình trong thánh chức và đặc ân mình có trong hội thánh. Việc khoe khoang như thế có thể khiến người khác bị nản lòng và cảm thấy không hữu dụng với Đức Giê-hô-va giống như chúng ta. Tình yêu thương không cho phép chúng ta khoe khoang về những đặc ân mà Đức Chúa Trời ban cho mình trong việc phụng sự (1 Cô-rinh-tô 3:5-9). Suy cho cùng, tình yêu thương “không lên mặt tự cao”, hay như một bản dịch khác nói, tình yêu thương không khiến một người nghĩ quá cao về tầm quan trọng của bản thân. Vậy khi có tình yêu thương, chúng ta không nghĩ mình tốt hơn người khác.—Rô-ma 12:3.

17. Tình yêu thương thúc đẩy chúng ta quan tâm đến người khác ra sao, và chúng ta nên tránh điều gì?

17 “Tình yêu thương... không cư xử khiếm nhã”. Một người cư xử khiếm nhã là người có hành động không đứng đắn hoặc thiếu tôn trọng người khác. Cách cư xử như thế là thiếu yêu thương vì điều đó cho thấy người ấy không quan tâm đến cảm xúc và lợi ích của người khác. Trái lại, khi có tình yêu thương, chúng ta sẽ đối xử tử tế với người khác và cho họ thấy mình quan tâm đến họ. Chúng ta sẽ lịch sự, cư xử theo cách làm đẹp lòng Đức Giê-hô-va và tôn trọng anh em đồng đạo. Nếu có tình yêu thương, chúng ta sẽ tránh làm bất cứ điều gì khiến họ khó chịu hoặc buồn lòng.—Ê-phê-sô 5:3, 4.

18. Tại sao một người có tình yêu thương thì sẽ không đòi hỏi mọi việc phải theo cách của mình?

18 “Tình yêu thương... không tìm lợi riêng”. Một bản dịch khác nói: “Tình yêu thương không khăng khăng theo ý mình”. Người có tình yêu thương thì sẽ không đòi hỏi mọi việc phải theo cách của mình, như thể ý kiến của mình luôn đúng. Người ấy sẽ không cố ép những người có quan điểm khác với mình phải đồng ý hoặc làm mọi việc theo ý mình. Tính cố chấp như thế cho thấy người đó kiêu ngạo, và Kinh Thánh nói: “Sự kiêu ngạo đi trước sự sụp đổ” (Châm ngôn 16:18). Nếu thật sự yêu thương anh em, chúng ta sẽ tôn trọng quan điểm của họ và sẵn sàng nhường nhịn nếu có thể được. Khi nhường nhịn, chúng ta đang làm theo những gì Phao-lô nói: “Mỗi người chớ mưu cầu lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy mưu cầu lợi ích cho người khác”.—1 Cô-rinh-tô 10:24.

19. Tình yêu thương giúp chúng ta phản ứng thế nào khi người khác làm mình khó chịu?

19 “Tình yêu thương... không dễ nổi giận, không ghi nhớ điều gây tổn thương”. Người có tình yêu thương thì không dễ nổi giận bởi những gì người khác nói hoặc làm. Dĩ nhiên, điều dễ hiểu là chúng ta thấy khó chịu khi người khác nói hoặc làm điều khiến mình tổn thương. Nhưng ngay cả khi chúng ta tức giận một cách chính đáng thì tình yêu thương sẽ giúp chúng ta không tiếp tục tức giận (Ê-phê-sô 4:26, 27). Chúng ta sẽ không ghi nhớ những gì người khác đã nói hoặc làm khiến chúng ta buồn, như thể chúng ta viết điều đó vào một cuốn sổ để không bị quên. Thay vì thế, tình yêu thương thúc đẩy chúng ta noi gương Đức Giê-hô-va. Như chúng ta đã xem trong chương 26, Đức Giê-hô-va tha thứ khi có lý do chính đáng. Khi tha thứ, ngài quên đi. Điều này có nghĩa là ngài không nhắc lại lỗi lầm của chúng ta và trừng phạt chúng ta trong tương lai. Chẳng phải chúng ta biết ơn vì Đức Giê-hô-va không ghi nhớ điều gây tổn thương sao?

20. Chúng ta nên phản ứng thế nào nếu một anh em đồng đạo phạm tội và gánh chịu hậu quả?

20 “Tình yêu thương không vui mừng trước sự không công chính”. Một bản dịch khác dịch là: “Tình yêu thương... không vui mừng khi người khác phạm tội”. Khi có tình yêu thương, chúng ta sẽ không bao giờ vui thích những điều sai trái, và do đó chúng ta không dung túng bất cứ hành vi vô luân nào. Chúng ta phản ứng ra sao nếu một anh em đồng đạo phạm tội và gánh chịu hậu quả? Chúng ta sẽ không vui mừng và nghĩ: “Bị như vậy là đáng lắm!” (Châm ngôn 17:5). Tuy nhiên, chúng ta vui mừng khi người phạm tội thực hiện những bước cần thiết để có lại tình bạn với Đức Giê-hô-va.

“Một đường lối vượt trội hơn”

21-23. (a) Ý của Phao-lô là gì khi nói “tình yêu thương tồn tại mãi”? (b) Chúng ta sẽ xem xét điều gì trong chương cuối?

21 “Tình yêu thương tồn tại mãi”. Phao-lô muốn nói gì qua những lời này? Bối cảnh của câu này cho thấy ông đang nói về những món quà của thần khí thánh mà những tín đồ thời ban đầu có. Những món quà đó là dấu hiệu cho thấy hội thánh mới thành lập này có ân huệ của Đức Chúa Trời. Nhưng không phải tất cả các tín đồ đều có khả năng chữa bệnh, nói tiên tri hoặc nói các thứ tiếng khác nhau. Tuy nhiên, việc họ có những khả năng này hay không thì không quan trọng, vì những món quà kỳ diệu ấy cuối cùng cũng sẽ không còn. Nhưng có một điều khác sẽ vẫn còn, là điều mà mọi tín đồ đạo Đấng Ki-tô có thể vun trồng. Điều này quan trọng hơn và lâu bền hơn bất cứ món quà kỳ diệu nào. Thực tế, Phao-lô gọi đó là “một đường lối vượt trội hơn” (1 Cô-rinh-tô 12:31). “Đường lối vượt trội hơn” này là gì? Đó là đường lối yêu thương.

22 Thật vậy, tình yêu thương của tín đồ đạo Đấng Ki-tô mà Phao-lô miêu tả là “tồn tại mãi”, tức sẽ không bao giờ chấm dứt. Cho đến nay, tình yêu thương bất vị kỷ là dấu hiệu để nhận diện tín đồ thật của Chúa Giê-su. Chúng ta thấy tình yêu thương này được thể hiện trong vòng Nhân Chứng Giê-hô-va trên khắp thế giới. Tình yêu thương đó sẽ tồn tại mãi, vì Đức Giê-hô-va hứa ban sự sống vĩnh cửu cho những tôi tớ trung thành của ngài (Thi thiên 37:9-11, 29). Mong sao chúng ta tiếp tục nỗ lực để “bước đi trong tình yêu thương”. Khi làm thế, chúng ta sẽ cảm nghiệm được niềm hạnh phúc lớn hơn đến từ việc cho đi. Hơn nữa, chúng ta có thể sống vĩnh cửu và thể hiện tình yêu thương mãi mãi giống như Đức Giê-hô-va.

Dân của Đức Giê-hô-va được nhận diện bởi tình yêu thương lẫn nhau

23 Trong sách này, chúng ta đã học rất nhiều về những phẩm chất nổi bật của Đức Giê-hô-va. Chúng ta đã thấy những lợi ích tuyệt vời mà mình nhận được từ quyền năng, công lý, sự khôn ngoan và đặc biệt là tình yêu thương của ngài. Vì thế, sau khi thảo luận về cách thể hiện tình yêu thương với nhau, điều thích hợp là chúng ta tự hỏi: “Làm thế nào mình cho Đức Giê-hô-va thấy mình thật sự yêu thương ngài?”. Câu hỏi này sẽ được xem xét trong chương cuối.

a Tình yêu thương “tin mọi điều” không có nghĩa là nhẹ dạ cả tin. Kinh Thánh khuyến giục chúng ta: “Hãy để mắt đến những kẻ gây chia rẽ và tạo cớ vấp ngã,... và hãy tránh họ đi”.—Rô-ma 16:17.