Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

PHỤ LỤC

Chúng ta có nên giữ các ngày lễ không?

Chúng ta có nên giữ các ngày lễ không?

CÁC ngày lễ tôn giáo và những lễ thế tục phổ thông ngày nay được cử hành tại nhiều nơi trên thế giới đều không bắt nguồn từ Kinh Thánh. Thế thì những ngày lễ đó bắt nguồn từ đâu? Nếu có thể đến thư viện để nghiên cứu, bạn sẽ tìm thấy trong các sách tham khảo nhiều điều rất đáng chú ý liên quan đến những ngày lễ lớn nơi vùng bạn ở. Hãy xem một vài thí dụ.

Lễ Phục Sinh. Một bách khoa tự điển (The Encyclopædia Britannica) ghi: “Không điều gì trong Tân Ước cho thấy người ta giữ Lễ Phục Sinh”. Vậy Lễ Phục Sinh bắt nguồn từ đâu? Lễ này bắt nguồn từ ngoại giáo. Dù ngày lễ này được xem là để ăn mừng sự sống lại của Chúa Giê-su, nhưng những phong tục có liên quan đến mùa Lễ Phục Sinh không thuộc đạo Đấng Christ. Thí dụ, nói về “Con thỏ Phục Sinh” thịnh hành trong một số nước tây phương, quyển bách khoa tự điển của Công Giáo (The Catholic Encyclopedia) cho biết: “Thỏ là một biểu tượng ngoại giáo và luôn được dùng tượng trưng cho sự sinh sản”.

Tết. Ngày Tết và phong tục liên quan đến Tết khác nhau tùy từng nước. Về nguồn gốc Tết dương lịch, một bách khoa tự điển (The World Book Encyclopedia) nói: “Hoàng đế La Mã Julius Caesar lập ngày 1 tháng Giêng là Tết dương lịch vào năm 46 TCN. Người La Mã dâng hiến ngày này cho Janus, thần cổng, cửa và sự khởi đầu. Tháng Giêng (January) được đặt tên theo thần Janus, một thần có hai mặt—một mặt nhìn phía trước và mặt kia nhìn phía sau”. Còn về Tết Nguyên Đán thì sách Việt Nam Phong Tục cho biết Tết này có liên quan đến việc cúng tế các thần, thờ cúng tổ tiên, đuổi tà ma và vận xui. Ngày nay vào những ngày tết, người ta vẫn còn giữ những phong tục mê tín mà họ tin rằng sẽ mang lại vận may và sự giàu có. Vì vậy, phong tục ngày Tết dựa vào truyền thống ngoại giáo.

Halloween. Một bách khoa tự điển (The Encyclopedia Americana) ghi: “Có thể tìm thấy dấu vết những đặc điểm của các phong tục liên quan đến Halloween trong nghi lễ của giới tu sĩ thuộc một tôn giáo cổ xưa ở Xen-tơ trước thời Đấng Christ. Người Xen-tơ có lễ hội cho hai thần chính—thần mặt trời và thần của người chết... Lễ hội cho thần của người chết diễn ra vào ngày 1 tháng 11, bắt đầu năm mới của người Xen-tơ. Lễ hội cho người chết dần dần hòa nhập với nghi lễ của Ky-tô Giáo”.

Những ngày lễ khác. Chúng ta không thể bàn hết mọi ngày lễ trên thế giới. Tuy nhiên, những ngày lễ nhằm tôn vinh loài người và tổ chức của loài người không được Đức Giê-hô-va chấp nhận. (Giê-rê-mi 17:5-7; Công-vụ 10:25, 26) Cũng hãy nhớ rằng nguồn gốc của các ngày lễ tôn giáo là yếu tố xác định các ngày lễ ấy có làm đẹp lòng Đức Chúa Trời hay không. (Ê-sai 52:11; Khải-huyền 18:4) Nguyên tắc Kinh Thánh đề cập trong Chương 16 của sách này sẽ giúp bạn biết quan điểm của Đức Chúa Trời về việc tham gia vào những ngày lễ thế tục.