Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

CHƯƠNG 13

‘Nảy sinh sự bất đồng dữ dội’

‘Nảy sinh sự bất đồng dữ dội’

Vấn đề cắt bì được đưa lên hội đồng lãnh đạo

Dựa trên Công vụ 15:1-12

1-3. (a) Những diễn biến nào dẫn đến việc hội thánh đạo Đấng Ki-tô thời ban đầu có nguy cơ bị chia rẽ? (b) Chúng ta được lợi ích thế nào khi xem xét lời tường thuật này trong sách Công vụ?

 Lòng đầy vui mừng, Phao-lô và Ba-na-ba vừa trở về thành An-ti-ốt xứ Sy-ri, sau chuyến hành trình truyền giáo thứ nhất. Họ hào hứng vì Đức Giê-hô-va đã “mở cho dân ngoại cánh cửa đến với đức tin” (Công 14:26, 27). Ngoài ra, ngay tại thành An-ti-ốt, tin mừng cũng đang được lan truyền khắp nơi và có “rất nhiều người” thuộc dân ngoại gia nhập hội thánh.—Công 11:20-26.

2 Tin tức phấn khởi về sự gia tăng này nhanh chóng lan đến xứ Giu-đê. Nhưng thay vì mang lại niềm vui cho mọi người, sự phát triển này lại khiến cho vấn đề tranh cãi về phép cắt bì lên đến đỉnh điểm. Các tín đồ gốc Do Thái nên có mối quan hệ nào với các tín đồ gốc dân ngoại? Và các tín đồ gốc dân ngoại nên có quan điểm gì về Luật pháp Môi-se? Vấn đề gây bất đồng ấy trở nên nghiêm trọng đến độ hội thánh đạo Đấng Ki-tô có nguy cơ chia bè phái. Vấn đề ấy sẽ được giải quyết thế nào?

3 Khi xem xét lời tường thuật này trong sách Công vụ, chúng ta sẽ rút ra nhiều bài học quý giá. Chúng sẽ giúp chúng ta hành động khôn ngoan khi xảy ra những vấn đề có khả năng gây chia rẽ vào thời nay.

“Nếu không cắt bì” (Công vụ 15:1)

4. Một số tín đồ đã cổ vũ quan điểm sai lầm nào, và điều đó dẫn đến câu hỏi gì?

4 Môn đồ Lu-ca viết: “Có một số người từ xứ Giu-đê xuống [An-ti-ốt], và họ bắt đầu dạy các anh em rằng: ‘Nếu không cắt bì theo tục lệ của Môi-se thì anh em không thể được cứu’” (Công 15:1). Nhóm “người từ xứ Giu-đê” ấy có từng thuộc phái Pha-ri-si trước khi cải sang đạo Đấng Ki-tô hay không thì chúng ta không biết. Nhưng ít ra, họ dường như đã bị ảnh hưởng bởi tư tưởng theo sát luật pháp của giáo phái đó. Hơn nữa, họ có lẽ cũng tự nhận một cách sai lầm rằng mình nói thay cho các sứ đồ và trưởng lão ở thành Giê-ru-sa-lem (Công 15:23, 24). Nhưng tại sao các tín đồ gốc Do Thái vẫn cổ vũ việc cắt bì, trong khi sứ đồ Phi-e-rơ đã theo sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời mà tiếp nhận những người ngoại không cắt bì vào hội thánh đạo Đấng Ki-tô từ 13 năm nay? aCông 10:24-29, 44-48.

5, 6. (a) Tại sao một số tín đồ gốc Do Thái có lẽ vẫn muốn giữ phép cắt bì? (b) Giao ước qua phép cắt bì có thuộc về giao ước Áp-ra-ham không? Hãy giải thích. (Xem chú thích).

5 Có lẽ có nhiều lý do. Một lý do là chính Đức Giê-hô-va đã đặt ra phép cắt bì, và đó là dấu hiệu cho mối quan hệ đặc biệt với ngài. Phép này bắt đầu được áp dụng với Áp-ra-ham cùng người nhà ông và được thiết lập trước thời giao ước Luật pháp, nhưng về sau trở thành một phần của Luật pháp b (Lê 12:2, 3). Dưới thời Luật pháp Môi-se, ngay cả người ngoại quốc cũng phải chịu phép cắt bì trước khi được tham gia một số ngày lễ nào đó, chẳng hạn như ăn Lễ Vượt Qua (Xuất 12:43, 44, 48, 49). Thật thế, trong tâm trí của người Do Thái, người đàn ông không cắt bì là người ô uế và đáng khinh.—Ê-sai 52:1.

6 Vì thế, tín đồ gốc Do Thái cần có đức tin và sự khiêm nhường để điều chỉnh quan điểm trước sự thật được tiết lộ. Giao ước Luật pháp đã được thay bằng giao ước mới, vì vậy người Do Thái sinh ra không còn tự động thuộc về dân Đức Chúa Trời nữa. Tín đồ gốc Do Thái sống trong các cộng đồng Do Thái, chẳng hạn như tín đồ ở xứ Giu-đê, cần phải có lòng can đảm để tuyên bố niềm tin nơi Đấng Ki-tô và chấp nhận những anh em đồng đạo thuộc dân ngoại chưa cắt bì.—Giê 31:31-33; Lu 22:20.

7. “Người từ xứ Giu-đê” đã không hiểu sự thật nào?

7 Dĩ nhiên, tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời không thay đổi. Điều này được chứng minh qua việc giao ước mới vẫn giữ tinh thần của Luật pháp Môi-se (Mat 22:36-40). Chẳng hạn, sau này Phao-lô có viết về phép cắt bì: “Người Do Thái thật là dựa vào bề trong, phép cắt bì thật là phép cắt bì trong lòng bởi thần khí chứ chẳng phải bởi một bộ luật thành văn” (Rô 2:29; Phục 10:16). Nhóm “người từ xứ Giu-đê” đã không hiểu sự thật ấy, nhưng nhất quyết cho rằng Đức Chúa Trời chưa hề bãi bỏ điều luật về phép cắt bì. Họ có chịu nghe theo lý lẽ không?

“Sự bất đồng và tranh cãi” (Công vụ 15:2)

8. Tại sao vấn đề cắt bì được đưa lên hội đồng lãnh đạo ở Giê-ru-sa-lem?

8 Lu-ca kể tiếp: “Vì thế nảy sinh sự bất đồng và tranh cãi dữ dội giữa Phao-lô và Ba-na-ba với những người đó [“người từ xứ Giu-đê xuống”]. Các anh em bèn sắp xếp cho Phao-lô, Ba-na-ba cùng một số người lên Giê-ru-sa-lem gặp các sứ đồ và trưởng lão để trình bày vấn đề này” c (Công 15:2). “Sự bất đồng và tranh cãi” cho thấy cảm xúc mạnh mẽ cũng như lập trường vững chắc của cả hai bên, và hội thánh ở An-ti-ốt không thể giải quyết mâu thuẫn này. Để giữ sự bình an và hợp nhất, hội thánh đã khôn ngoan đưa vấn đề này lên “các sứ đồ và trưởng lão” ở Giê-ru-sa-lem, tức hội đồng lãnh đạo. Chúng ta học được gì từ các trưởng lão ở An-ti-ốt?

Một số người khăng khăng nói: “Cần... bảo họ [dân ngoại] phải vâng giữ Luật pháp Môi-se”

9, 10. Anh em ở thành An-ti-ốt cũng như Phao-lô và Ba-na-ba đã nêu gương mẫu nào cho chúng ta ngày nay?

9 Chúng ta rút ra một bài học quý giá là cần phải tin cậy tổ chức của Đức Chúa Trời. Hãy nghĩ xem: Anh em ở An-ti-ốt biết rằng tất cả các thành viên hội đồng lãnh đạo đều là tín đồ gốc Do Thái. Tuy nhiên, họ tin chắc hội đồng ấy sẽ giải quyết vấn đề cắt bì theo cách phù hợp với Kinh Thánh. Tại sao? Vì hội thánh tin chắc Đức Giê-hô-va sẽ hướng dẫn mọi việc qua thần khí thánh của ngài và qua đấng làm đầu hội thánh là Chúa Giê-su Ki-tô (Mat 28:18, 20; Ê-phê 1:22, 23). Khi có những vấn đề nghiêm trọng xảy ra vào thời nay, chúng ta hãy noi gương các tín đồ ở An-ti-ốt bằng cách tin cậy tổ chức của Đức Chúa Trời và Hội đồng Lãnh đạo gồm các tín đồ được xức dầu.

10 Chúng ta cũng được nhắc nhở về giá trị của tính khiêm nhường và kiên nhẫn. Phao-lô và Ba-na-ba được chính thần khí thánh phái riêng đến dân ngoại, nhưng họ không dựa vào uy quyền ấy để lập tức giải quyết vấn đề cắt bì ngay tại An-ti-ốt (Công 13:2, 3). Ngoài ra, về sau Phao-lô viết: “Do được mạc khải mà tôi đi lên [Giê-ru-sa-lem]”, cho thấy có sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời trong vấn đề này (Ga 2:2). Các trưởng lão ngày nay cố gắng có thái độ khiêm nhường và kiên nhẫn như thế khi xảy ra những vấn đề có khả năng gây chia rẽ. Thay vì tranh cãi, họ tìm đến Đức Giê-hô-va bằng cách tham khảo Kinh Thánh cũng như những chỉ thị và sự hướng dẫn từ đầy tớ trung tín.—Phi-líp 2:2, 3.

11, 12. Tại sao chờ đợi Đức Giê-hô-va là điều quan trọng?

11 Trong một số trường hợp, có lẽ chúng ta phải chờ Đức Giê-hô-va làm sáng tỏ vấn đề nào đó. Hãy nhớ rằng các anh em thời Phao-lô phải chờ đến năm 49 CN, khoảng 13 năm kể từ khi Cọt-nây được xức dầu vào năm 36 CN, thì Đức Giê-hô-va mới làm sáng tỏ vấn đề dân ngoại có phải cắt bì hay không. Tại sao lâu đến thế? Có lẽ Đức Chúa Trời muốn cho những người Do Thái thành thật có đủ thời gian để điều chỉnh quan điểm về một sự thay đổi lớn như vậy. Suy cho cùng, việc hủy bỏ giao ước qua phép cắt bì kéo dài 1.900 năm, được thiết lập với tổ phụ Áp-ra-ham yêu quý của họ, thì không phải là một vấn đề nhỏ!—Giăng 16:12.

12 Quả là đặc ân khi được Cha trên trời kiên nhẫn, nhân từ hướng dẫn và uốn nắn. Kết quả luôn luôn tốt đẹp và ích lợi cho chúng ta (Ê-sai 48:17, 18; 64:8). Thế nên, đừng bao giờ ngoan cố làm theo ý riêng hoặc phản ứng tiêu cực trước các thay đổi về mặt tổ chức hay những điều chỉnh về cách giải nghĩa một số câu Kinh Thánh (Truyền 7:8). Nếu nhận thấy trong mình có dấu hiệu của khuynh hướng ấy, sao anh chị không cầu nguyện và suy ngẫm về những nguyên tắc thích hợp nơi chương 15 của sách Công vụ? d

13. Khi thi hành thánh chức, làm sao chúng ta noi gương kiên nhẫn của Đức Giê-hô-va?

13 Chúng ta cần kiên nhẫn khi học Kinh Thánh với những người cảm thấy khó từ bỏ các niềm tin sai lầm hoặc phong tục trái với Kinh Thánh mà họ yêu thích. Trong trường hợp ấy, có lẽ chúng ta cần chờ một khoảng thời gian để thần khí Đức Chúa Trời tác động đến lòng học viên (1 Cô 3:6, 7). Chúng ta cũng cần cầu nguyện về điều đó. Đến đúng thời điểm, bằng cách nào đó Đức Chúa Trời sẽ giúp chúng ta biết cách hành động khôn ngoan.—1 Giăng 5:14.

Họ “tường thuật chi tiết” những kinh nghiệm khích lệ (Công vụ 15:3-5)

14, 15. Hội thánh ở An-ti-ốt đã thể hiện lòng tôn trọng Phao-lô, Ba-na-ba và những người đi cùng như thế nào, và sự hiện diện của họ chứng tỏ là một ân phước cho anh em đồng đạo ra sao?

14 Lời tường thuật của Lu-ca tiếp tục: “Sau khi được hội thánh tiễn một đoạn đường, họ đi tiếp qua Phê-ni-xi và Sa-ma-ri, tường thuật chi tiết về việc dân ngoại nhập đạo, khiến hết thảy anh em vui mừng khôn xiết” (Công 15:3). Việc hội thánh tiễn Phao-lô, Ba-na-ba và những người khác một đoạn đường là hành động thể hiện tình yêu thương giữa các tín đồ đạo Đấng Ki-tô. Điều đó khiến họ cảm thấy được tôn trọng và chứng tỏ hội thánh mong muốn họ được Đức Chúa Trời ban phước. Anh em ở thành An-ti-ốt đã nêu một gương mẫu khác cho chúng ta! Anh chị có biểu lộ lòng tôn trọng đối với các anh chị đồng đạo, “nhất là những người [các trưởng lão] siêng năng trong việc truyền giảng và dạy dỗ” không?—1 Ti 5:17.

15 Trên đường đi, phái đoàn ấy đã chứng tỏ là một ân phước đối với các tín đồ ở Phê-ni-xi và Sa-ma-ri qua việc “tường thuật chi tiết” những kinh nghiệm về công việc rao giảng trong cánh đồng dân ngoại. Số người nghe có lẽ cũng bao gồm các tín đồ người Do Thái đã chạy đến những vùng này sau khi Ê-tiên tử vì đạo. Ngày nay cũng thế, các báo cáo cho thấy ân phước của Đức Giê-hô-va trong công việc đào tạo môn đồ là một nguồn khích lệ đối với anh em chúng ta, nhất là với những người đang gặp thử thách. Anh chị có tham dự các buổi họp của hội thánh, chương trình hội nghị, cũng như đọc những kinh nghiệm và tự truyện trong các ấn phẩm của tổ chức, dù là trên bản in hoặc trên jw.org, để hưởng trọn vẹn lợi ích từ những báo cáo ấy không?

16. Điều gì chứng tỏ phép cắt bì đã trở thành một vấn đề lớn?

16 Sau chuyến hành trình khoảng 550km về hướng nam, phái đoàn từ An-ti-ốt cuối cùng đã đến nơi. Lu-ca viết: “Đến Giê-ru-sa-lem, họ được hội thánh, các sứ đồ và trưởng lão ân cần tiếp đón, rồi họ kể lại nhiều điều Đức Chúa Trời đã làm qua họ” (Công 15:4). Tuy nhiên, “một số người tin đạo, trước kia thuộc giáo phái Pha-ri-si, đứng lên nói: ‘Cần làm phép cắt bì cho người ngoại và bảo họ phải vâng giữ Luật pháp Môi-se’” (Công 15:5). Rõ ràng, câu hỏi về việc cắt bì cho các tín đồ gốc dân ngoại đã trở thành một vấn đề lớn cần phải giải quyết.

“Các sứ đồ cùng trưởng lão họp lại” (Công vụ 15:6-12)

17. Hội đồng lãnh đạo ở Giê-ru-sa-lem gồm những ai, và tại sao có “các trưởng lão” trong đó?

17 Châm ngôn 13:10 nói: “Sự khôn ngoan thuộc về những người tìm lời khuyên”. Làm theo nguyên tắc khôn ngoan đó, “các sứ đồ cùng trưởng lão họp lại để xem xét [vấn đề cắt bì]” (Công 15:6). “Các sứ đồ cùng trưởng lão” đã hành động thay mặt cho toàn thể hội thánh đạo Đấng Ki-tô, y như Hội đồng Lãnh đạo ngày nay. Tại sao có “các trưởng lão” cùng làm việc với các sứ đồ? Chúng ta nhớ rằng sứ đồ Gia-cơ đã bị xử tử, và sứ đồ Phi-e-rơ bị bỏ tù ít nhất một thời gian. Biết đâu các sứ đồ khác cũng rơi vào tình huống tương tự thì sao? Sự hiện diện của những anh được xức dầu khác hội đủ điều kiện chắc chắn sẽ giúp công việc giám sát tiếp tục diễn tiến một cách trật tự.

18, 19. Phi-e-rơ nói những lời hùng hồn nào, và người nghe nên đi đến kết luận nào?

18 Lu-ca tường thuật tiếp: “Sau khi bàn luận rất sôi nổi, Phi-e-rơ đứng lên nói: ‘Hỡi anh em, anh em biết rõ rằng từ lúc đầu, Đức Chúa Trời đã chọn tôi trong vòng anh em, hầu cho bởi miệng tôi mà dân ngoại được nghe tin mừng và tin theo. Và Đức Chúa Trời, đấng biết rõ lòng loài người, đã chứng thực rằng ngài chấp nhận họ bằng cách ban thần khí thánh cho họ, như ngài đã ban cho chúng ta. Ngài cũng chẳng hề phân biệt chúng ta với họ, nhưng làm lòng họ tinh sạch bởi đức tin’” (Công 15:7-9). Theo một tài liệu tham khảo, từ Hy Lạp được dịch là “bàn luận rất sôi nổi” nơi câu 7 cũng bao hàm nghĩa “tìm; đặt câu hỏi”. Dường như các anh ấy thật lòng có quan điểm khác nhau và đã thẳng thắn nói ra.

19 Lời lẽ hùng hồn của Phi-e-rơ nhắc mọi người nhớ rằng chính ông đã có mặt vào lần đầu tiên khi những người dân ngoại không cắt bì, tức Cọt-nây và gia đình, được xức dầu bằng thần khí thánh vào năm 36 CN. Vậy, nếu Đức Giê-hô-va không còn phân biệt người Do Thái với dân ngoại thì con người lấy quyền gì để làm ngược lại? Hơn nữa, chính đức tin nơi Đấng Ki-tô, chứ không phải việc làm theo Luật pháp Môi-se, mới làm cho lòng của một tín đồ trở nên tinh sạch.—Ga 2:16.

20. Những người cổ vũ việc cắt bì đã “thử Đức Chúa Trời” qua cách nào?

20 Dựa trên những bằng chứng vững chắc từ lời phán của Đức Chúa Trời và qua thần khí thánh, Phi-e-rơ đúc kết: “Vậy sao nay anh em lại thử Đức Chúa Trời bằng cách đặt lên cổ các môn đồ ấy cái ách mà tổ phụ chúng ta và cả chúng ta cũng không mang nổi? Trái lại, chúng ta tin mình sẽ được cứu nhờ lòng nhân từ bao la của Chúa Giê-su giống như những người ấy” (Công 15:10, 11). Những người cổ vũ việc cắt bì thật ra đang “thử Đức Chúa Trời”. Họ cố áp đặt lên dân ngoại một bộ luật mà chính người Do Thái cũng không thể làm trọn và vì thế bị kết án tội chết (Ga 3:10). Thay vì vậy, những người nghe Phi-e-rơ nên cảm tạ Đức Chúa Trời đã biểu lộ lòng nhân từ bao la qua Chúa Giê-su.

21. Ba-na-ba và Phao-lô góp ý kiến nào trong cuộc thảo luận ấy?

21 Rõ ràng, lời của Phi-e-rơ đã có tác động mạnh, vì “hết thảy đều im lặng”. Sau đó, Ba-na-ba và Phao-lô “thuật lại nhiều dấu lạ và việc kỳ diệu mà Đức Chúa Trời đã dùng họ để làm giữa dân ngoại” (Công 15:12). Giờ đây, cuối cùng các sứ đồ và trưởng lão có thể cân nhắc mọi bằng chứng rồi quyết định sao cho phản ánh rõ ý muốn của Đức Chúa Trời về vấn đề cắt bì.

22-24. (a) Hội đồng Lãnh đạo ngày nay noi gương hội đồng lãnh đạo thời ban đầu như thế nào? (b) Làm thế nào các trưởng lão có thể biểu lộ lòng tôn trọng uy quyền trong tổ chức thần quyền?

22 Ngày nay cũng vậy, khi các thành viên Hội đồng Lãnh đạo họp lại, họ tìm sự hướng dẫn từ Lời Đức Chúa Trời và tha thiết cầu nguyện xin ngài ban thần khí thánh (Thi 119:105; Mat 7:7-11). Để quyết định phù hợp với ý Đức Chúa Trời, mỗi thành viên đều nhận được chương trình nghị sự trước một thời gian, hầu có thể cầu nguyện và suy nghĩ về những điểm trong đó (Châm 15:28). Trong buổi họp, các anh được xức dầu trình bày quan điểm một cách thẳng thắn và tôn trọng. Họ thường dùng Kinh Thánh trong buổi họp.

23 Các trưởng lão hội thánh nên noi theo gương mẫu ấy. Nếu sau khi xem xét trong buổi họp trưởng lão mà vẫn chưa giải quyết được một vấn đề quan trọng, hội đồng trưởng lão có thể hỏi ý kiến văn phòng chi nhánh địa phương hoặc những anh được bổ nhiệm làm người đại diện cho chi nhánh, chẳng hạn như các giám thị vòng quanh. Và nếu cần, chi nhánh có thể viết thư cho Hội đồng Lãnh đạo.

24 Thật vậy, Đức Giê-hô-va ban phước cho những ai tôn trọng sự sắp đặt thần quyền đồng thời thể hiện lòng khiêm nhường, trung thành và kiên nhẫn. Như chúng ta sẽ thấy trong chương sau, khi làm thế, phần thưởng Đức Chúa Trời ban là sự bình an thật, sự thịnh vượng về thiêng liêng cùng sự hợp nhất giữa các tín đồ.

b Giao ước qua phép cắt bì không thuộc về giao ước Áp-ra-ham. Giao ước Áp-ra-ham bắt đầu có hiệu lực vào năm 1943 TCN, khi Áp-ra-ham (bấy giờ là Áp-ram) băng qua sông Ơ-phơ-rát trên đường đi đến Ca-na-an, và vẫn còn hiệu lực đến ngày nay. Lúc đó, ông được 75 tuổi. Còn giao ước qua phép cắt bì được thiết lập sau đó, vào năm 1919 TCN, khi Áp-ra-ham được 99 tuổi.—Sáng 12:1-8; 17:1, 9-14; Ga 3:17.

c Dường như trong số những người đi lên Giê-ru-sa-lem cũng có Tít, một tín đồ người Hy Lạp về sau trở thành bạn đồng hành đáng tin cậy và là đại diện của Phao-lô (Ga 2:1; Tít 1:4). Ông là một trường hợp điển hình cho thấy người dân ngoại không cắt bì đã được xức dầu bằng thần khí thánh.—Ga 2:3.