Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

CHƯƠNG 10

“Có lời viết”

“Có lời viết”

“Hôm nay, đoạn Kinh Thánh... đã ứng nghiệm”

1-3. Chúa Giê-su muốn dân thành Na-xa-rét rút ra kết luận trọng yếu nào, và ngài đưa ra bằng chứng nào về điều này?

 Đó là giai đoạn đầu trong thánh chức của Chúa Giê-su. Ngài trở về quê hương mình, Na-xa-rét. Mục đích của ngài là giúp dân chúng rút ra một kết luận trọng yếu: Ngài là Đấng Mê-si đã được báo trước từ lâu! Chúa Giê-su đưa ra bằng chứng nào về điều này?

2 Hẳn nhiều người mong Chúa Giê-su sẽ làm phép lạ. Họ từng nghe về những việc phi thường của ngài. Tuy nhiên, Chúa Giê-su không cho họ thấy phép lạ nào. Thay vì thế, ngài đến nhà hội như thường lệ. Ngài đứng lên, rồi có người đưa cho ngài cuộn sách Ê-sai để đọc. Đó là cuộn sách dài. Chúa Giê-su cẩn thận mở cuộn sách và tìm đến đoạn mà ngài muốn. Sau đó, ngài đọc lớn tiếng đoạn Kinh Thánh mà hiện nay là Ê-sai 61:1-3.—Lu-ca 4:16-19.

3 Chắc chắn cử tọa biết đoạn Kinh Thánh này. Đó là một lời tiên tri về Đấng Mê-si. Mọi ánh mắt trong nhà hội đều đổ về Chúa Giê-su, không ai nói lời nào. Rồi ngài bắt đầu giải thích, mở đầu bằng câu: “Hôm nay, đoạn Kinh Thánh anh em vừa nghe đã ứng nghiệm”. Người nghe kinh ngạc trước những lời giảng của Chúa Giê-su, nhưng dường như nhiều người vẫn muốn thấy một việc phi thường. Thay vì làm điều đó, Chúa Giê-su đã mạnh dạn dùng một ví dụ trong Kinh Thánh để vạch trần việc họ thiếu đức tin. Nghe vậy, dân thành Na-xa-rét tìm cách giết ngài!—Lu-ca 4:20-30.

4. Chúa Giê-su lập khuôn mẫu nào cho thánh chức của mình, và chương này sẽ xem xét điều gì?

4 Tại đây, Chúa Giê-su lập một khuôn mẫu cho thánh chức của mình, đó là dựa vào Lời Đức Chúa Trời. Đành rằng những phép lạ Chúa Giê-su làm là yếu tố quan trọng cho thấy thần khí của Đức Chúa Trời ở với ngài, nhưng đối với Chúa Giê-su, không điều gì quan trọng hơn Kinh Thánh. Hãy xem Thầy của chúng ta nêu gương nào về việc trích dẫn, bênh vực và giải thích Lời Đức Chúa Trời.

Trích dẫn Lời Đức Chúa Trời

5. Chúa Giê-su muốn người nghe biết điều gì, và làm thế nào ngài cho thấy lời của ngài là trung thực?

5 Chúa Giê-su muốn người nghe biết thông điệp của ngài đến từ đâu. Ngài nói: “Những gì tôi dạy không phải của tôi mà của đấng phái tôi đến” (Giăng 7:16). Vào dịp khác, ngài cho biết: “Tôi không tự mình làm gì; nhưng Cha đã dạy tôi thế nào thì tôi nói y như vậy” (Giăng 8:28). Ngài cũng nói: “Những điều tôi nói với anh em, tôi không nói theo ý riêng, nhưng Cha, là đấng vẫn hợp nhất với tôi, đang làm công việc của ngài” (Giăng 14:10). Việc Chúa Giê-su thường xuyên trích dẫn Lời Đức Chúa Trời là một cách ngài cho thấy những lời trên là trung thực.

6, 7. (a) Chúa Giê-su trích dẫn phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ nhiều đến mức nào, và tại sao điều này gây ấn tượng? (b) Sự dạy dỗ của Chúa Giê-su khác với những thầy kinh luật ra sao?

6 Nếu đọc kỹ những lời của Chúa Giê-su, chúng ta sẽ thấy ngài trích các đoạn hoặc nói những ý tưởng được tìm thấy trong hơn một nửa các sách thuộc phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ. Mới nghe, có thể bạn chưa thấy ấn tượng mấy. Có lẽ bạn thắc mắc tại sao trong ba năm rưỡi rao giảng và dạy dỗ, ngài không trích hết những sách trong Kinh Thánh đã có thời bấy giờ. Trên thực tế, có thể ngài đã làm điều đó, vì chỉ một phần nhỏ những lời dạy và việc làm của Chúa Giê-su được ghi lại (Giăng 21:25). Bạn có thể đọc lớn tiếng những lời được ghi lại của ngài chỉ trong vài giờ. Hãy thử nghĩ, bạn có thể nói về Đức Chúa Trời và Nước Trời chỉ trong vài tiếng, và đề cập hơn một nửa các sách trong phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ không? Hơn nữa, trong đa số các trường hợp, Chúa Giê-su không có trong tay những cuộn sách thuộc Kinh Thánh. Khi nói Bài giảng trên núi, ngài đã đề cập hoặc trích dẫn hàng chục câu trong phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ—tất cả từ trí nhớ!

7 Việc Chúa Giê-su trích dẫn Kinh Thánh cho thấy ngài rất coi trọng Lời Đức Chúa Trời. Những người nghe ngài “kinh ngạc về cách giảng dạy của ngài vì ngài dạy như một người có uy quyền, chứ không như các thầy kinh luật” (Mác 1:22). Khi dạy, các thầy kinh luật thích dùng “luật truyền khẩu”, tức dẫn lời của các ráp-bi uyên bác thời xưa. Nhưng Chúa Giê-su không bao giờ dùng điều đó làm thẩm quyền. Thay vì thế, ngài xem Lời Đức Chúa Trời là nguồn thẩm quyền tối hậu. Nhiều lần ngài nói: “Có lời viết”. Ngài thường xuyên dùng cụm từ này hoặc những câu tương tự khi dạy các môn đồ và điều chỉnh quan điểm sai trái.

8, 9. (a) Khi dọn sạch đền thờ, làm thế nào Chúa Giê-su cho thấy hành động của ngài được Lời Đức Chúa Trời cho phép? (b) Những nhà lãnh đạo tôn giáo có mặt tại đền thờ đã tỏ ra bất kính với Lời Đức Chúa Trời ra sao?

8 Khi dọn sạch đền thờ ở Giê-ru-sa-lem, Chúa Giê-su nói: “Có lời viết: ‘Nhà ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện’, nhưng các người đang biến nó thành hang trộm cướp” (Ma-thi-ơ 21:12, 13; Ê-sai 56:7; Giê-rê-mi 7:11). Hôm trước, ngài làm nhiều việc kỳ diệu tại đền thờ. Những đứa trẻ có mặt ở đó rất ấn tượng và bắt đầu ngợi khen ngài. Tuy nhiên, những nhà lãnh đạo tôn giáo phẫn nộ hỏi Chúa Giê-su có nghe bọn trẻ nói gì không. Ngài đáp: “Có. Các ông chưa đọc điều này sao: ‘Ngài đã dùng miệng trẻ nhỏ con thơ để ca ngợi ngài’?” (Ma-thi-ơ 21:16; Thi thiên 8:2). Chúa Giê-su muốn những người này biết rằng hành động của ngài và phản ứng của con trẻ đều được Lời Đức Chúa Trời cho phép.

9 Sau đó, những nhà lãnh đạo tôn giáo ấy đến gặp Chúa Giê-su và hỏi: “Ông lấy quyền nào mà làm những việc này?” (Ma-thi-ơ 21:23). Lẽ ra họ không cần hỏi. Chúa Giê-su không chế ra các giáo lý mới mà chỉ làm theo những gì được ghi trong Lời của Cha. Vậy thái độ của những thầy kinh luật và thầy tế lễ cho thấy họ bất kính với Đức Giê-hô-va và Lời ngài. Họ đáng bị Chúa Giê-su khiển trách vì động cơ xấu xa của họ.—Ma-thi-ơ 21:23-46.

10. Chúng ta có thể noi gương Chúa Giê-su thế nào trong việc dùng Lời Đức Chúa Trời, và chúng ta có những công cụ nào mà ngài không có?

10 Noi gương Chúa Giê-su, tín đồ đạo Đấng Ki-tô ngày nay luôn dựa vào Lời Đức Chúa Trời khi làm thánh chức. Khắp nơi trên thế giới, Nhân Chứng Giê-hô-va được biết đến là những người sốt sắng chia sẻ thông điệp dựa trên Kinh Thánh. Những ấn phẩm của chúng ta trích và viện dẫn nhiều câu Kinh Thánh. Trong thánh chức, chúng ta cũng cố gắng làm thế mỗi khi có thể (2 Ti-mô-thê 3:16). Thật vui khi chủ nhà đồng ý nghe chúng ta đọc, thảo luận ý nghĩa và lợi ích của Lời Đức Chúa Trời! Dù không có trí nhớ hoàn hảo như Chúa Giê-su, nhưng chúng ta có những công cụ mà ngài không có. Ngoài Kinh Thánh trọn bộ ngày càng được in trong nhiều ngôn ngữ, chúng ta còn có nhiều công cụ hỗ trợ giúp tra tìm những câu mình cần. Hãy quyết tâm trích dẫn Kinh Thánh và nắm bắt mọi cơ hội để hướng người ta vào Lời Đức Chúa Trời!

Bênh vực Lời Đức Chúa Trời

11. Tại sao Chúa Giê-su thường phải bênh vực Lời Đức Chúa Trời?

11 Chúa Giê-su biết “lời Cha là chân lý” (Giăng 17:17). Ngài cũng biết “kẻ cai trị thế gian này”, tức Sa-tan, “là kẻ nói dối và là cha sự nói dối” (Giăng 8:44; 14:30). Vì thế, Chúa Giê-su không ngạc nhiên khi Lời Đức Chúa Trời thường bị công kích. Khi kháng cự những cám dỗ của Sa-tan, Chúa Giê-su trích dẫn Kinh Thánh ba lần. Sa-tan trích một câu trong sách Thi thiên và cố tình áp dụng sai, nhưng Chúa Giê-su đã bênh vực Lời Đức Chúa Trời qua việc đáp trả sự bóp méo đó.—Ma-thi-ơ 4:6, 7.

12-14. (a) Những nhà lãnh đạo tôn giáo tỏ ra bất kính với Luật pháp như thế nào? (b) Chúa Giê-su đã bênh vực Lời Đức Chúa Trời ra sao?

12 Chúa Giê-su nhiều lần bênh vực Lời Đức Chúa Trời trước những sự bóp méo và giải thích sai lệch. Vào thời ngài, giới lãnh đạo tôn giáo đã truyền tải Lời Đức Chúa Trời một cách không trung thực. Họ chú trọng đến những điều chi li trong Luật pháp, nhưng lại bỏ qua các nguyên tắc cơ bản. Khi làm thế, họ khuyến khích hình thức thờ phượng chiếu lệ, coi trọng bề ngoài, thay vì những điều quan trọng hơn như công lý, lòng thương xót và sự trung thành (Ma-thi-ơ 23:23). Chúa Giê-su đã bênh vực Luật pháp Đức Chúa Trời như thế nào?

13 Trong Bài giảng trên núi, Chúa Giê-su nhiều lần dùng cụm từ “anh em từng nghe lời truyền dạy” để giới thiệu một điều răn trong Luật pháp Môi-se. Sau đó, ngài dùng cụm từ “nhưng tôi cho anh em biết” và giải thích một nguyên tắc đòi hỏi một người làm nhiều hơn là tuân theo Luật pháp cách chiếu lệ. Phải chăng ngài phản đối Luật pháp? Không, ngài đang bênh vực Luật pháp. Chẳng hạn, người nghe biết rõ điều răn “ngươi không được giết người”, nhưng Chúa Giê-su nói rằng ghét một người là đi ngược lại với tinh thần của điều răn đó. Tương tự, nuôi dưỡng ham muốn một người không phải là người hôn phối của mình là đi ngược lại với nguyên tắc của điều luật lên án tội ngoại tình.—Ma-thi-ơ 5:17, 18, 21, 22, 27-39.

14 Sau cùng, Chúa Giê-su nói: “Anh em từng nghe lời truyền dạy rằng: ‘Ngươi phải yêu người lân cận nhưng hãy ghét kẻ thù mình’. Tuy nhiên, tôi nói với anh em: Hãy luôn yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những người ngược đãi mình” (Ma-thi-ơ 5:43, 44). Điều răn “ghét kẻ thù mình” có phải đến từ Lời Đức Chúa Trời? Không, đây là điều mà những nhà lãnh đạo tôn giáo đã dạy theo ý riêng. Khi pha trộn Luật pháp Đức Chúa Trời với quan điểm của con người, họ đã làm Luật pháp hoàn hảo của ngài giảm hiệu lực. Chúa Giê-su đã can đảm bảo vệ Lời Đức Chúa Trời khỏi sự ảnh hưởng tai hại của truyền thống loài người.—Mác 7:9-13.

15. Làm thế nào Chúa Giê-su bênh vực Luật pháp trước những nỗ lực làm các điều luật có vẻ quá nghiêm khắc, thậm chí khắt khe?

15 Những nhà lãnh đạo tôn giáo cũng công kích Luật pháp Đức Chúa Trời khi làm những điều luật có vẻ quá nghiêm khắc, thậm chí khắt khe. Khi môn đồ Chúa Giê-su bứt vài bông lúa lúc đi qua cánh đồng, một số người Pha-ri-si cho rằng họ đã phạm luật về ngày Sa-bát. Chúa Giê-su dùng một ví dụ trong Kinh Thánh để bênh vực Lời Đức Chúa Trời trước cái nhìn lệch lạc ấy. Đó là trường hợp Đa-vít “đã vào nhà Đức Chúa Trời và ăn bánh dâng hiến, là bánh không ai được phép ăn ngoại trừ các thầy tế lễ, rồi người cũng đưa cho thuộc hạ ăn nữa sao?”. Bằng cách này, Chúa Giê-su cho những người Pha-ri-si thấy họ không hiểu lòng thương xót và trắc ẩn của Đức Giê-hô-va.—Mác 2:23-27.

16. Giới lãnh đạo tôn giáo đã bóp méo điều răn trong Luật pháp về việc ly dị như thế nào, và Chúa Giê-su phản ứng ra sao?

16 Giới lãnh đạo tôn giáo cũng nghĩ ra các phương kế “lách luật” để làm Luật pháp Đức Chúa Trời giảm hiệu lực. Chẳng hạn, Luật pháp cho phép một người nam ly dị vợ nếu ông phát hiện “một điều không xứng đáng nơi cô”, dường như muốn nói đến một vấn đề nghiêm trọng gây sỉ nhục cho gia đình (Phục truyền luật lệ 24:1). Tuy nhiên, trong thời Chúa Giê-su, những nhà lãnh đạo tôn giáo dựa vào điều răn này để cho phép người đàn ông ly dị vợ vì đủ mọi lý do, ngay cả việc nấu cơm khê! a Chúa Giê-su cho thấy họ đã hoàn toàn bóp méo những lời Môi-se viết dưới sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời. Sau đó, ngài lập lại tiêu chuẩn ban đầu của Đức Giê-hô-va về hôn nhân là một vợ một chồng, chỉ khi một trong hai người phạm tội vô luân mới được phép ly dị.—Ma-thi-ơ 19:3-12.

17. Tín đồ đạo Đấng Ki-tô ngày nay có thể noi gương Chúa Giê-su thế nào trong việc bênh vực Lời Đức Chúa Trời?

17 Ngày nay, môn đồ Đấng Ki-tô cũng thấy cần bênh vực Lời Đức Chúa Trời trước sự công kích. Khi ám chỉ rằng các tiêu chuẩn đạo đức trong Kinh Thánh lỗi thời, thật ra những nhà lãnh đạo tôn giáo đang công kích Kinh Thánh. Kinh Thánh cũng bị công kích khi các tôn giáo dạy giáo lý sai lầm nhưng lại cho rằng đó là sự dạy dỗ của Kinh Thánh. Chúng ta xem việc bênh vực những sự thật trong Lời Đức Chúa Trời là một đặc ân, chẳng hạn khi chúng ta giúp người khác hiểu Đức Chúa Trời không phải là một phần của Chúa Ba Ngôi (Phục truyền luật lệ 4:39). Dĩ nhiên, chúng ta muốn làm thế với thái độ ôn hòa và lòng kính trọng sâu xa.—1 Phi-e-rơ 3:15.

Giải thích Lời Đức Chúa Trời

18, 19. Những trường hợp nào cho thấy Chúa Giê-su có khả năng tuyệt vời trong việc giải thích Lời Đức Chúa Trời?

18 Chúa Giê-su sống ở trên trời khi phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ được viết ra. Hẳn ngài rất vui khi có cơ hội xuống trái đất giải thích Lời Đức Chúa Trời! Chẳng hạn, vào ngày Chúa Giê-su được sống lại, ngài gặp hai môn đồ trên đường đến làng Em-ma-út. Khi chưa nhận ra ngài, họ bày tỏ với ngài nỗi buồn và sự bối rối về cái chết của người Thầy yêu dấu. Chúa Giê-su phản ứng ra sao? “Bắt đầu từ sách của Môi-se và sách của tất cả các nhà tiên tri, ngài cắt nghĩa cho họ những điều có liên quan đến ngài trong cả Kinh Thánh”. Họ được tác động thế nào? Sau đó họ nói với nhau: “Lúc đi đường, chẳng phải lòng chúng ta đã rạo rực khi nghe ngài nói chuyện và giải thích rõ về Kinh Thánh sao?”.—Lu-ca 24:15-32.

19 Cũng trong ngày hôm đó, Chúa Giê-su gặp các sứ đồ và những người khác. Hãy lưu ý điều ngài đã làm: “Ngài mở trí cho họ hiểu tường tận về Kinh Thánh” (Lu-ca 24:45). Chắc chắn, dịp vui mừng đó đã giúp các môn đồ nhớ lại những lần Chúa Giê-su từng làm điều tương tự cho họ và bất cứ ai sẵn lòng lắng nghe. Ngài thường trích những câu Kinh Thánh quen thuộc và giải thích theo cách giúp người nghe hiểu Lời Đức Chúa Trời sâu sắc hơn.

20, 21. Chúa Giê-su giải thích thế nào về những lời Đức Giê-hô-va nói với Môi-se nơi bụi gai cháy?

20 Chẳng hạn, có lần Chúa Giê-su nói với một nhóm người Sa-đu-sê. Họ là một giáo phái của đạo Do Thái, có mối quan hệ mật thiết với lớp thầy tế lễ và không tin sự sống lại. Ngài nói với họ: “Về sự sống lại của người chết, các ông chưa đọc lời phán của Đức Chúa Trời cho các ông sao: ‘Ta là Đức Chúa Trời của Áp-ra-ham, Đức Chúa Trời của Y-sác và Đức Chúa Trời của Gia-cốp’? Ngài không phải là Đức Chúa Trời của người chết, mà là của người sống” (Ma-thi-ơ 22:31, 32). Đây là câu Kinh Thánh mà người Sa-đu-sê rất quen thuộc, do một người mà họ tôn sùng là Môi-se viết ra. Bạn có thấy cách lập luận tài tình của Chúa Giê-su không?

21 Môi-se đã trò chuyện với Đức Giê-hô-va tại nơi bụi gai cháy vào khoảng năm 1514 TCN (Xuất Ai Cập 3:2, 6). Lúc đó, Áp-ra-ham qua đời được 329 năm, Y-sác qua đời được 224 năm và Gia-cốp qua đời được 197 năm. Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va vẫn phán với Môi-se: “Ta là Đức Chúa Trời của tổ phụ con”. Những người Sa-đu-sê biết rằng Đức Giê-hô-va không giống thần chết nào đó của ngoại giáo, cai quản “âm phủ”. Thay vì thế, ngài là Đức Chúa Trời “của người sống” như Chúa Giê-su đã nói. Vậy kết luận hợp lý là gì? Chúa Giê-su nói: “Đối với ngài tất cả họ đều sống” (Lu-ca 20:38). Dù đã qua đời, những tôi tớ yêu quý của Đức Giê-hô-va vẫn được gìn giữ trong trí nhớ vô tận của ngài. Vì thế, ý định làm người chết sống lại của Đức Giê-hô-va chắc chắn đến mức họ được gọi là những người sống (Rô-ma 4:16, 17). Đó chẳng phải là sự giải thích tuyệt vời về Lời Đức Chúa Trời sao? Chẳng lạ gì khi “dân chúng rất ngạc nhiên”!—Ma-thi-ơ 22:33.

22, 23. (a) Làm thế nào chúng ta có thể noi gương Chúa Giê-su trong việc giải thích Lời Đức Chúa Trời? (b) Chương tới sẽ thảo luận điều gì?

22 Tín đồ đạo Đấng Ki-tô ngày nay có đặc ân noi gương Chúa Giê-su trong việc giải thích Lời Đức Chúa Trời. Đành rằng chúng ta không có trí óc hoàn hảo, nhưng chúng ta vẫn có thể chia sẻ với người khác câu Kinh Thánh họ quen thuộc và giải thích các khía cạnh mà có lẽ họ chưa từng nghĩ tới. Chẳng hạn, có lẽ cả đời họ lặp lại câu “nguyện danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến”, nhưng chưa từng biết danh Cha hoặc Nước Cha là gì (Ma-thi-ơ 6:9, 10, Trịnh Văn Căn). Quả là cơ hội tuyệt vời khi được giải thích các sự thật như thế cho những người sẵn sàng lắng nghe!

23 Trích dẫn, bênh vực và giải thích Lời Đức Chúa Trời là những cách quan trọng mà chúng ta có thể bắt chước Chúa Giê-su khi chia sẻ chân lý. Chương tới sẽ thảo luận một số phương pháp hữu hiệu mà Chúa Giê-su dùng để động đến lòng người nghe.

a Sử gia sống vào thế kỷ thứ nhất là Josephus, bản thân là người Pha-ri-si đã ly dị vợ, sau này đề xuất rằng người chồng có thể ly dị vợ “vì bất cứ lý do nào (và người đàn ông thường có nhiều lý do)”.