CHƯƠNG 14
“Đoàn dân đông kéo đến với ngài”
1-3. Điều gì xảy ra khi cha mẹ đưa con trẻ đến với Chúa Giê-su, và sự kiện này cho chúng ta biết gì về ngài?
Chúa Giê-su biết cuộc đời trên đất của ngài sắp chấm dứt. Chỉ còn vài tuần nữa nhưng vẫn có nhiều việc phải làm! Ngài cùng các sứ đồ đang ở Pê-rê, một vùng phía đông sông Giô-đanh. Họ đang đi về phía nam, hướng đến thành Giê-ru-sa-lem, nơi Chúa Giê-su sẽ dự Lễ Vượt Qua lần cuối. Họ vừa đi vừa rao giảng.
2 Sau cuộc đối thoại giữa Chúa Giê-su và một số nhà lãnh đạo tôn giáo, có một chút ồn ào. Người ta đưa con đến với Chúa Giê-su. Hẳn các em có độ tuổi khác nhau vì Mác nói về chúng bằng một từ mà trước đó ông dùng để nói về một em gái 12 tuổi, còn Lu-ca dùng một từ mà có thể được dịch là “các em bé” (Lu-ca 18:15; Mác 5:41, 42; 10:13). Nơi nào có trẻ em thì nơi đó thường ồn ào và náo nhiệt. Vì thế, môn đồ Chúa Giê-su khiển trách cha mẹ chúng, có lẽ họ nghĩ rằng Thầy quá bận rộn, không có thời gian cho con trẻ. Chúa Giê-su phản ứng thế nào?
3 Ngài tỏ ra bất bình. Với ai? Với những đứa trẻ? Với cha mẹ chúng? Không, mà với các môn đồ! Chúa Giê-su nói: “Cứ để con trẻ đến với tôi; đừng cố cản chúng, vì Nước Đức Chúa Trời thuộc về những người giống như chúng. Quả thật tôi nói với anh em, ai không tiếp nhận Nước Đức Chúa Trời như một đứa trẻ thì không thể vào được Nước ấy”. Rồi ngài “ôm những đứa trẻ vào lòng” và ban phước cho chúng (Mác 10:13-16). Rõ ràng, Chúa Giê-su rất quý trẻ con. Qua trường hợp này, chúng ta cũng biết một điều khác về Chúa Giê-su—ngài là người dễ gần.
4, 5. (a) Làm sao chúng ta biết Chúa Giê-su là người dễ gần? (b) Chương này sẽ xem xét những câu hỏi nào?
4 Nếu Chúa Giê-su là người nghiêm khắc, lạnh lùng hay tự cao, có lẽ những đứa trẻ không dám đến gần ngài. Có thể cha mẹ chúng cũng không cảm thấy thoải mái để đến gần ngài. Nhưng sự thật không phải như thế. Chắc chắn, các bậc cha mẹ rất vui mừng khi thấy người đàn ông hiền từ này quan tâm trìu mến con họ, xem chúng là quý giá trước mắt Đức Chúa Trời và chúc phước cho chúng. Dù gánh vác nhiều trọng trách, Chúa Giê-su vẫn luôn là người dễ gần.
5 Còn ai khác cảm thấy dễ đến gần Chúa Giê-su? Điều gì khiến ngài dễ đến gần? Chúng ta có thể noi gương ngài thế nào về phương diện này? Hãy cùng xem.
Ai cảm thấy dễ đến gần Chúa Giê-su?
6-8. Chúa Giê-su thường tiếp xúc với những người nào, và thái độ của ngài đối với họ khác giới lãnh đạo tôn giáo ra sao?
6 Khi đọc các sách Phúc âm, bạn sẽ thấy rất đông người không ngần ngại đến gần Chúa Giê-su. Chẳng hạn, trong các lời tường thuật về ngài, chúng ta thường bắt gặp những cụm từ như “đoàn dân rất đông tụ họp bên ngài”, “đoàn dân đông kéo đến với ngài”, “rất đông dân chúng cùng đi với Chúa Giê-su” (Ma-thi-ơ 13:2; 15:30; Lu-ca 14:25). Quả thật, thường có đông người ở xung quanh Chúa Giê-su. dân của xứ
7 Đa số những người đến với Chúa Giê-su là thường dân, bị giới lãnh đạo tôn giáo gọi là “dân của xứ”, một cách gọi khinh bỉ vào thời đó. Người Pha-ri-si và thầy tế lễ công khai tuyên bố: “Lũ dân không biết Luật pháp này thật đáng rủa” (Giăng 7:49). Những tài liệu sau này của các ráp-bi xác nhận thái độ đó. Nhiều nhà lãnh đạo tôn giáo xem người dân là đáng khinh. Họ không ăn chung, mua bán hay tiếp xúc với thường dân. Một số người nhất quyết cho rằng thường dân không có hy vọng sống lại vì không biết luật truyền khẩu! Hẳn nhiều người thấp kém e sợ và tránh mặt những nhà lãnh đạo ấy, thay vì xin họ giúp đỡ hoặc chỉ dẫn. Nhưng Chúa Giê-su hoàn toàn khác với giới lãnh đạo tôn giáo.
8 Ngài thoải mái tiếp xúc với thường dân. Ngài ăn chung với họ, chữa lành, dạy dỗ và chia sẻ hy vọng cho họ. Ngài biết đa số người sẽ từ chối phụng sự Đức Giê-hô-va (Ma-thi-ơ 7:13, 14). Dù vậy, ngài vẫn có quan điểm tích cực về mỗi người và thấy nhiều người có tiềm năng làm điều đúng. Thật khác với những người Pha-ri-si và các thầy tế lễ cứng lòng! Tuy nhiên, cũng có người Pha-ri-si và thầy tế lễ đến với Chúa Giê-su, và một số trong vòng họ đã thay đổi đường lối để theo ngài (Công vụ 6:7; 15:5). Một số người giàu có và quyền thế cũng cảm thấy dễ đến gần Chúa Giê-su.—Mác 10:17, 22.
9. Tại sao phụ nữ cảm thấy dễ đến gần Chúa Giê-su?
9 Phụ nữ thoải mái đến gần Chúa Giê-su. Hẳn họ thường thấy sự miệt thị nơi các nhà lãnh đạo tôn giáo. Các ráp-bi nói chung thì coi thường việc dạy phụ nữ. Hơn nữa, phụ nữ không được làm chứng trước tòa vì bị xem là không đáng tin. Thậm chí, các ráp-bi có một bài cầu nguyện cảm tạ Đức Chúa Trời vì họ không phải là phụ nữ! Tuy nhiên, phụ nữ không thấy sự khinh miệt đó nơi Chúa Giê-su. Nhiều người nữ đến gần ngài và háo hức học từ ngài. Chẳng hạn, trong trường hợp của Ma-ri, người chị em của La-xa-rơ, chúng ta thấy cô ngồi nơi chân Chúa Giê-su, chăm chú lắng nghe ngài dạy, trong khi chị gái cô là Ma-thê bận rộn và lo lắng chuẩn bị bữa ăn. Chúa Giê-su khen Ma-ri vì đã ưu tiên điều quan trọng hơn.—Lu-ca 10:39-42.
10. Chúa Giê-su khác giới lãnh đạo tôn giáo như thế nào trong cách đối xử với người bệnh?
10 Những người đau ốm kéo đến với Chúa Giê-su dù họ thường bị giới lãnh đạo tôn giáo hắt hủi. Luật pháp Môi-se quy định việc cách ly những người phong cùi vì lý do dịch tễ, nhưng không nơi nào trong Luật pháp cho phép đối xử thiếu nhân từ với họ (Lê-vi chương 13). Tuy nhiên, về sau, luật lệ của các ráp-bi nói những người bị phong cùi gớm ghiếc như phân. Một số nhà lãnh đạo tôn giáo ghê tởm người phong cùi đến nỗi ném đá xua đuổi họ! Thật khó có thể hình dung những người bị đối xử như thế lại có đủ can đảm đến gần bất cứ thầy dạy nào, nhưng họ đã đến gần Chúa Giê-su. Chẳng hạn, một người phong cùi đã bày tỏ đức tin khi cầu xin ngài: “Thưa Chúa, nếu Chúa muốn, ngài có thể làm cho tôi được sạch” (Lu-ca 5:12). Trong chương tới, chúng ta sẽ thảo luận về phản ứng của Chúa Giê-su. Nhưng chính việc người phong cùi thoải mái đến với Chúa Giê-su là bằng chứng sống động cho thấy ngài là người dễ gần.
11. Ví dụ nào cho thấy những người mang nặng mặc cảm tội lỗi không ngại đến với Chúa Giê-su, và tại sao điều này quan trọng?
11 Những người mang nặng mặc cảm tội lỗi không ngại đến với Chúa Giê-su. Chẳng hạn, lúc Chúa Giê-su dùng bữa tại nhà một người Pha-ri-si, một phụ nữ có tiếng là người tội lỗi vào và quỳ dưới chân ngài, khóc về tội của mình. Nước mắt của bà rơi ướt chân Chúa Giê-su, và bà lấy tóc mình để lau. Chủ nhà thì tránh ra và thầm xét đoán ngài vì cho người phụ nữ này đến gần, nhưng Chúa Giê-su khen bà vì đã thành thật ăn năn và ngài đảm bảo rằng Đức Giê-hô-va tha thứ cho bà (Lu-ca 7:36-50). Ngày nay, hơn bao giờ hết, những người mang nặng mặc cảm tội lỗi cần đến gặp những người có thể giúp họ hàn gắn mối quan hệ với Đức Chúa Trời. Để họ thoải mái làm thế, môn đồ Chúa Giê-su, đặc biệt các trưởng lão, phải dễ đến gần. Điều gì khiến Chúa Giê-su dễ đến gần?
Điều gì khiến Chúa Giê-su dễ đến gần?
12. Tại sao không ngạc nhiên khi Chúa Giê-su là người dễ gần?
12 Hãy nhớ rằng Chúa Giê-su noi gương Cha kính yêu trên trời cách hoàn hảo (Giăng 14:9). Kinh Thánh cho biết Đức Giê-hô-va “không ở xa mỗi người trong chúng ta” (Công vụ 17:27). Các tôi tớ trung thành của Đức Giê-hô-va cũng như những người thành thật muốn tìm hiểu và phụng sự ngài có thể đến gần ngài, “Đấng Nghe Lời Cầu Nguyện”, bất cứ khi nào (Thi thiên 65:2). Hãy tưởng tượng, đấng có quyền lực nhất trong vũ trụ cũng là đấng dễ đến gần nhất! Giống như Cha, Chúa Giê-su yêu thương con người. Những chương tiếp theo sẽ xem xét tình yêu thương sâu đậm trong lòng Chúa Giê-su. Nhưng Chúa Giê-su nổi tiếng là người dễ gần vì ngài thể hiện tình yêu thương bằng những cách mà người khác dễ thấy. Hãy xem một số ví dụ.
13. Cha mẹ có thể noi gương Chúa Giê-su như thế nào?
13 Người ta dễ nhận thấy Chúa Giê-su quan tâm đến họ. Khi gặp áp lực, ngài vẫn thể hiện sự quan tâm đó. Như chúng ta đã biết, khi cha mẹ mang con trẻ đến với Chúa Giê-su, dù bận rộn và gánh vác những trọng trách, ngài vẫn là người dễ gần. Quả là một gương xuất sắc cho các bậc cha mẹ! Ngày nay, dù gặp nhiều áp lực trong việc nuôi dạy con cái, cha mẹ vẫn cần là người dễ gần. Đôi lúc, bạn bận rộn đến mức không thể dành thời gian cho con khi con muốn. Tuy nhiên, bạn có trấn an con rằng bạn sẽ dành thời gian cho chúng sớm nhất có thể không? Nếu bạn giữ lời, con sẽ học được rằng sự kiên nhẫn mang lại phần thưởng, đồng thời biết chúng có thể đến gần cha mẹ bất cứ khi nào gặp vấn đề hoặc cần được chăm sóc.
14-16. (a) Hoàn cảnh nào dẫn đến việc Chúa Giê-su làm phép lạ đầu tiên, và tại sao đó là điều kỳ diệu? (b) Phép lạ của Chúa Giê-su tại thành Ca-na cho biết gì về ngài, và các bậc cha mẹ rút ra bài học nào?
14 Chúa Giê-su cho người khác thấy ngài quan tâm đến điều mà họ quan tâm. Chẳng hạn, hãy xem phép lạ đầu tiên của Chúa Giê-su. Ngài đang dự một tiệc cưới tại thành Ca-na, xứ Ga-li-lê. Có một vấn đề rắc rối xảy ra—hết rượu! Mẹ Chúa Giê-su là Ma-ri nói với con trai về điều này. Ngài đã làm gì? Ngài bảo những người phục vụ đổ đầy nước vào sáu cái vại. Khi người ta múc một ít cho người quản tiệc thử, ông thấy đó là rượu nho ngon tuyệt! Phải chăng đây là trò ảo thuật? Không, sự thật là nước “đã biến thành rượu” (Giăng 2:1-11). Từ lâu, con người đã tìm mọi cách để biến cái này thành cái khác. Trong nhiều thế kỷ, các nhà giả kim cố gắng biến chì thành vàng. Nhưng họ chưa bao giờ thành công, dù chì và vàng là những nguyên tố hóa học gần giống nhau. a Vậy còn nước và rượu nho thì sao? Xét về mặt hóa học, nước là hợp chất đơn giản, gồm hai nguyên tố cơ bản. Trái lại, rượu nho được tạo bởi gần một ngàn thành phần, trong đó có nhiều hợp chất phức tạp! Tại sao Chúa Giê-su làm điều kỳ diệu như thế chỉ để giải quyết vấn đề hết rượu trong một tiệc cưới?
15 Đây không phải là vấn đề nhỏ đối với cô dâu và chú rể. Ở vùng Trung Đông xưa, tiếp đãi khách là việc tối quan trọng. Hết rượu tại tiệc cưới có thể khiến cô dâu và chú rể xấu hổ và làm ngày trọng đại của họ trở nên ảm đạm, để lại ký ức buồn cho nhiều năm sau. Vì thế Chúa Giê-su đã làm phép lạ. Ngài quan tâm đến điều người khác quan tâm. Vậy không ngạc nhiên gì khi người ta đến với Chúa Giê-su để giãi bày mối lo âu.
16 Cha mẹ cũng có thể rút ra bài học hữu ích từ trường hợp này. Khi con kể cho bạn nghe một vấn đề con gặp phải thì sao? Có thể lúc đầu bạn cho đó là chuyện nhỏ nhặt, thậm chí buồn cười. Khi so sánh với vấn đề của bạn, có thể vấn đề của con tầm thường. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng vấn đề đó không nhỏ đối với con trẻ! Nếu vấn đề đó quan trọng đối với con bạn thì chẳng phải cũng quan trọng với bạn sao? Việc cho con thấy rằng bạn để ý đến những mối quan tâm của chúng sẽ giúp bạn là người cha, người mẹ dễ gần.
17. Chúa Giê-su nêu gương nào trong việc thể hiện tính mềm mại, và tại sao đức tính này là một bằng chứng của sự mạnh mẽ?
17 Như đã thảo luận trong chương 3, Chúa Giê-su là người ôn hòa và khiêm nhường (Ma-thi-ơ 11:29). Ôn hòa, hay mềm mại, là đức tính cao đẹp, là bằng chứng nổi bật cho thấy một người khiêm nhường. Đó là một khía cạnh của bông trái thần khí và gắn liền với sự khôn ngoan từ trên (Ga-la-ti 5:22, 23; Gia-cơ 3:13). Ngay cả khi bị khiêu khích tột độ, Chúa Giê-su vẫn giữ tự chủ. Ngài mềm mại không có nghĩa là ngài yếu ớt. Theo một học giả, đức tính này “ẩn chứa sự dịu dàng, nhưng bên trong sự dịu dàng là sức mạnh của gang thép”. Thật vậy, cần có sự mạnh mẽ để kiềm chế được tính khí và cư xử mềm mại với người khác. Nhưng với sự hỗ trợ của Đức Giê-hô-va, chúng ta có thể noi gương Chúa Giê-su trong việc biểu lộ tính mềm mại, nhờ thế chúng ta sẽ là người dễ gần hơn.
18. Trường hợp nào cho thấy Chúa Giê-su phải lẽ, và theo bạn, tại sao đức tính này làm một người dễ đến gần?
18 Chúa Giê-su phải lẽ. Khi Chúa Giê-su ở thành Ty-rơ, một phụ nữ đến xin ngài chữa cho con gái bị “quỷ ám, khổ sở vô cùng”. Qua ba cách khác nhau, Chúa Giê-su tỏ ra không muốn làm theo yêu cầu của bà. Thứ nhất, ngài không đáp lời bà; thứ hai, ngài nói lý do ngài không nên giúp bà; thứ ba, ngài đưa ra một ví dụ để bà càng hiểu rõ ý của ngài. Tuy nhiên, Chúa Giê-su có lạnh lùng và cứng nhắc không? Ngài có nói rằng tại sao bà dám nói lại một người vĩ đại như ngài? Không, lời tường thuật cho thấy người phụ nữ này rất tự tin, không run sợ. Bà không chỉ cầu xin ngài một lần, nhưng tiếp tục nài nỉ dù ngài tỏ vẻ không muốn giúp. Chúa Giê-su thấy lòng tin mạnh mẽ của bà và đã chữa lành cho con gái bà (Ma-thi-ơ 15:22-28). Chắc chắn, tính phải lẽ của Chúa Giê-su, tức sẵn lòng lắng nghe và nhún nhường lúc thích hợp, khiến người ta háo hức đến gần ngài!
Bạn có là người dễ gần?
19. Làm thế nào chúng ta có thể biết mình thật sự là người dễ gần hay không?
19 Nhiều người cho rằng mình là người dễ gần. Chẳng hạn, một số người có quyền hành nói rằng họ có “chính sách mở cửa”, cấp dưới được hoan nghênh đến gặp họ bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, Kinh Thánh cảnh báo: “Biết bao người tuyên bố mình yêu thương thành tín, nhưng một người trung tín, ai có thể tìm được?” (Châm ngôn 20:6). Thật dễ để nói mình là người dễ gần, nhưng chúng ta có thật sự noi theo Chúa Giê-su trong khía cạnh này không? Để biết câu trả lời, có thể chúng ta cần xem cách người khác đánh giá về chúng ta. Phao-lô nói: “Hãy cho mọi người thấy tính phải lẽ của anh em” (Phi-líp 4:5). Mỗi chúng ta nên tự hỏi: “Người khác thấy mình là người như thế nào? Mình có danh tiếng nào?”.
20. (a) Tại sao trưởng lão phải là người dễ gần? (b) Tại sao chúng ta nên phải lẽ, không đòi hỏi quá nhiều nơi trưởng lão?
20 Đặc biệt, các trưởng lão phải cố gắng là những người dễ gần. Họ muốn sống xứng đáng với những lời được ghi nơi Ê-sai 32:1, 2: “Mỗi người sẽ như một nơi núp gió, một nơi ẩn náu tránh cơn mưa bão, như các dòng nước trong xứ khô hạn, bóng vách đá lớn trong đất cằn cỗi”. Chỉ khi là người dễ gần, các trưởng lão mới có thể mang lại sự che chở, tươi tỉnh và an ủi cho người khác. Đành rằng, làm điều này không luôn dễ vì các trưởng lão gánh vác nhiều trách nhiệm trong thời kỳ khó khăn này. Tuy nhiên, các anh cố gắng không tỏ ra bận rộn đến nỗi chiên của Đức Giê-hô-va cảm thấy ngại đến gần (1 Phi-e-rơ 5:2). Còn những anh chị khác trong hội thánh thì cố gắng phải lẽ, không đòi hỏi quá nhiều nơi các anh chăn bầy. Khi làm thế, họ biểu lộ lòng khiêm nhường và tinh thần hợp tác.—Hê-bơ-rơ 13:17.
21. Làm thế nào cha mẹ có thể luôn gần gũi với con, và chương tới sẽ xem xét điều gì?
21 Các bậc cha mẹ hãy cố gắng ở bên con mỗi lúc con cần. Điều này rất quan trọng! Hãy cho con biết chúng có thể thoải mái giãi bày mọi điều với cha mẹ. Hãy mềm mại và phải lẽ, đừng vội nổi giận khi con thú nhận lỗi lầm hoặc bày tỏ quan điểm không đúng. Hãy kiên nhẫn với con và luôn cố gắng sao cho con không ngại tâm sự với mình. Thật vậy, tất cả chúng ta đều muốn là người dễ gần như Chúa Giê-su. Chương tới sẽ thảo luận một trong những đức tính làm ngài dễ đến gần—lòng trắc ẩn sâu xa.
a Những người học về hóa học biết rằng chì và vàng nằm sát nhau trong Bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học. Chì chỉ hơn vàng ba proton. Những nhà vật lý ngày nay đã biến một lượng nhỏ chì thành vàng, nhưng quá trình này tiêu tốn rất nhiều năng lượng và không khả thi về mặt kinh tế.