Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

CHƯƠNG 14

Chỉ trung thành ủng hộ Nước Trời

Chỉ trung thành ủng hộ Nước Trời

TRỌNG TÂM CỦA CHƯƠNG

Vì trung thành với Nước Trời, dân Đức Chúa Trời giữ mình tách biệt khỏi thế gian

1, 2. (a) Nguyên tắc nào vẫn hướng dẫn môn đồ Chúa Giê-su ngày nay? (b) Các kẻ thù đã cố làm gì để đánh bại chúng ta, nhưng kết quả là gì?

 Chúa Giê-su đứng trước Phi-lát, quan tòa quyền lực nhất của Do Thái. Ngài nêu một nguyên tắc cho đến nay vẫn hướng dẫn các môn đồ chân chính. Ngài nói: “Nước của tôi không thuộc về thế gian này. Nếu nước tôi thuộc về thế gian này, người của tôi đã chiến đấu để tôi không bị nộp cho dân Do Thái. Nhưng nước tôi không ra từ thế gian này” (Giăng 18:36). Phi-lát đã ra lệnh xử tử Chúa Giê-su, nhưng chiến thắng ấy chẳng kéo dài bao lâu. Chúa Giê-su đã được sống lại. Các hoàng đế của đế quốc La Mã cố xóa sổ môn đồ của Đấng Ki-tô nhưng thất bại. Tín đồ đạo Đấng Ki-tô đã rao truyền thông điệp Nước Trời ra khắp thế giới thời bấy giờ.—Cô 1:23.

2 Sau khi Nước Trời được thành lập năm 1914, một số thế lực quân sự quyền lực nhất trong lịch sử đã cố tuyệt diệt dân Đức Chúa Trời, nhưng không ai thành công. Nhiều chính phủ và đảng phái cố ép chúng ta đứng về phe họ trong các cuộc xung đột, nhưng họ không thể chia rẽ chúng ta. Ngày nay, công dân Nước Trời sống trong hầu hết mọi quốc gia. Dù vậy, chúng ta hợp nhất trong một đoàn thể anh em quốc tế đầy yêu thương và hoàn toàn giữ trung lập về các vấn đề chính trị của thế gian. Sự hợp nhất của chúng ta là bằng chứng thuyết phục cho thấy Nước Trời đang cai trị và Vua Giê-su Ki-tô tiếp tục hướng dẫn, tinh luyện và bảo vệ thần dân. Hãy xem ngài làm thế bằng cách nào, và lưu ý đến một số chiến thắng pháp lý mà ngài ban trong khi chúng ta tiếp tục “không thuộc về thế gian”, nhờ thế đức tin của chúng ta được củng cố.—Giăng 17:14.

Một vấn đề hệ trọng

3, 4. (a) Những biến cố nào xảy ra vào thời điểm Nước Trời ra đời? (b) Dân Đức Chúa Trời có luôn hiểu rõ vấn đề trung lập không? Hãy giải thích.

3 Không lâu sau khi Nước Trời ra đời, một cuộc chiến nổ ra trên trời, rồi Sa-tan bị quăng xuống đất. (Đọc Khải huyền 12:7-10, 12). Cũng có một cuộc chiến nổ ra trên đất thử thách lòng kiên định của dân Đức Chúa Trời. Họ quyết tâm noi gương Chúa Giê-su và không thuộc về thế gian. Nhưng ban đầu họ không hiểu rõ mình cần giữ trung lập đến mức nào trong các vấn đề chính trị.

4 Chẳng hạn, quyển số 6 trong bộ Bình minh của Triều Đại Một Ngàn Năm (Millennial Dawn) a, xuất bản năm 1904, khuyến khích tín đồ đạo Đấng Ki-tô không tham gia chiến tranh. Dù vậy, sách lý luận rằng nếu buộc phải nhập ngũ, một tín đồ nên cố gắng nhận làm việc hậu cần. Nếu không được như thế và bị gửi ra trận, người ấy phải đảm bảo rằng mình không phạm tội giết người. Anh Herbert Senior, sống ở Anh Quốc và làm báp-têm năm 1905, nhận xét: “Lúc đó, nhiều anh em cảm thấy bối rối và không có lời khuyên rõ ràng về việc có được phép nhập ngũ nếu chỉ làm những việc hậu cần hay không”.

5. Nhờ Tháp Canh ngày 1-9-1915, sự hiểu biết của chúng ta bắt đầu được điều chỉnh như thế nào?

5 Tuy nhiên, nhờ Tháp Canh ngày 1-9-1915, chúng ta bắt đầu hiểu rõ vấn đề này hơn. Về những lời đề nghị trong bộ Khảo cứu Kinh Thánh (Studies in the Scriptures), Tháp Canh nói: “Chúng tôi không chắc có phải làm thế là thỏa hiệp không”. Nhưng nếu một tín đồ bị xử bắn vì từ chối mặc quân phục và tham gia nghĩa vụ quân sự thì sao? Bài lý luận: “Điều nào tồi tệ hơn: Bị bắn vì trung thành với Chúa Bình An và kiên quyết tuân theo mệnh lệnh của ngài? Hay bị bắn trong khi làm việc cho các vua trên đất và có vẻ đang ủng hộ họ, có dấu hiệu làm trái với sự dạy dỗ của Vua trên trời? Nếu buộc phải chọn một trong hai, chúng ta thà chết vì trung thành với Vua trên trời”. Dù đưa ra những lời mạnh mẽ đó nhưng bài kết luận: “Chúng tôi không ép anh em làm thế. Chúng tôi chỉ đề nghị thôi”.

6. Chúng ta học được gì từ gương của anh Herbert Senior?

6 Một số anh em đã hiểu rõ và sẵn sàng đương đầu với vấn đề. Anh Herbert Senior, được đề cập ở trên, bày tỏ: “Tôi không thấy có gì khác biệt giữa việc dỡ đạn khỏi tàu [việc hậu cần] với việc nạp đạn vào súng để bắn” (Lu 16:10). Do từ chối nhập ngũ vì cớ lương tâm, anh Senior bị bỏ tù. Anh và 4 anh khác thuộc nhóm 16 người từ chối nhập ngũ vì cớ lương tâm, bao gồm những người từ các đạo khác. Họ bị giam một thời gian ở nhà tù Richmond tại Anh Quốc và sau này được biết đến với tên gọi “Richmond 16”. Khi ấy, anh Senior và những người đồng cảnh ngộ bị chuyển lên đầu chiến tuyến ở Pháp một cách bí mật. Tại đó, họ bị kết án tử hình. Anh cùng một số người khác phải dàn hàng trước đội thi hành án, nhưng họ không bị bắn. Thay vì thế, bản án của họ được giảm xuống còn mười năm tù.

“Tôi hiểu rằng dân Đức Chúa Trời phải hòa thuận với mọi người, dù sống trong thời chiến”.—Anh Simon Kraker (Xem đoạn 7)

7. Khi Thế Chiến II bùng nổ, dân Đức Chúa Trời dần hiểu điều gì?

7 Khi Thế Chiến II bùng nổ, dân Đức Giê-hô-va dần hiểu rõ việc giữ trung lập có nghĩa gì và họ phải làm gì để noi gương Chúa Giê-su (Mat 26:51-53; Giăng 17:14-16; 1 Phi 2:21). Chẳng hạn, Tháp Canh ngày 1-11-1939 đăng một bài quan trọng có tựa đề “Sự trung lập”. Bài nói: “Giờ đây điều mà dân trong giao ước của Đức Chúa Trời phải tuân theo là hoàn toàn giữ trung lập trong cuộc chiến giữa các nước”. Anh Simon Kraker, sau này phụng sự tại trụ sở trung ương ở Brooklyn, New York, nói về bài đó như sau: “Tôi hiểu rằng dân Đức Chúa Trời phải hòa thuận với mọi người, dù sống trong thời chiến”. Thức ăn thiêng liêng ấy được cung cấp đúng lúc, giúp dân Đức Chúa Trời sẵn sàng đối phó với một cuộc tấn công ác liệt chưa từng thấy nhắm vào lòng trung thành của họ với Nước Trời.

“Dòng sông” chống đối

8, 9. Lời tiên tri của sứ đồ Giăng được ứng nghiệm như thế nào?

8 Sứ đồ Giăng tiên tri rằng sau khi Nước Trời được thành lập vào năm 1914, con rồng, tức là Sa-tan, sẽ cố loại bỏ những người ủng hộ Nước Trời bằng cách tuôn ra từ miệng một dòng sông theo nghĩa bóng b. (Đọc Khải huyền 12:9, 15). Lời tiên tri ấy được ứng nghiệm như thế nào? Từ thập niên 1920, dân Đức Chúa Trời phải đương đầu với một làn sóng chống đối. Như nhiều anh khác sống ở Bắc Mỹ vào Thế Chiến II, anh Kraker bị bỏ tù vì trung thành với Nước Trời. Trên thực tế, trong cuộc chiến đó Nhân Chứng Giê-hô-va chiếm hơn hai phần ba số người bị giam tại các nhà tù liên bang ở Hoa Kỳ do từ chối nhập ngũ vì niềm tin tôn giáo.

9 Sa-tan và đồng bọn của hắn muốn phá đổ lòng trung kiên của thần dân Nước Trời, dù họ sống ở đâu đi nữa. Tại châu Âu, châu Phi và Hoa Kỳ, họ bị đưa ra tòa và cơ quan phóng thích tù nhân. Vì quyết tâm giữ trung lập, họ bị tù đày, đánh đập và làm cho tàn phế. Tại Đức, dân Đức Chúa Trời bị đối xử tàn bạo vì từ chối tung hô Hitler hoặc không tham gia chiến tranh. Ước tính có 6.000 Nhân Chứng bị giam giữ trong các trại tập trung dưới thời Quốc Xã. Hơn 1.600 Nhân Chứng, gồm người Đức và người nước khác, đã chết dưới tay những kẻ tra tấn. Dù vậy, Sa-tan không thể gây thiệt hại lâu dài cho dân Đức Chúa Trời.—Mác 8:34, 35.

“Đất” nuốt “dòng sông”

10. “Đất” tượng trưng cho điều gì, và nó đã can thiệp nhằm bảo vệ dân Đức Chúa Trời ra sao?

10 Lời tiên tri của sứ đồ Giăng tiết lộ rằng “đất”, tức những thành phần phải lẽ hơn của thế gian, sẽ nuốt “dòng sông” bắt bớ, và vì thế trở thành sự trợ giúp cho dân Đức Chúa Trời. Phần này của lời tiên tri được ứng nghiệm thế nào? Trong những thập niên sau Thế Chiến II, “đất” thường can thiệp nhằm bảo vệ những người ủng hộ Nước của Đấng Mê-si. (Đọc Khải huyền 12:16). Chẳng hạn, nhiều tòa án có thẩm quyền đã bảo vệ quyền của Nhân Chứng Giê-hô-va khi họ từ chối nhập ngũ và không tham gia những buổi lễ cổ động tinh thần ái quốc. Trước tiên, chúng ta hãy xem xét một vài chiến thắng lớn mà Đức Giê-hô-va ban cho dân ngài liên quan đến vấn đề nhập ngũ.—Thi 68:20.

11, 12. Anh Sicurella và anh Thlimmenos phải đối mặt với vấn đề nào, và kết quả là gì?

11 Hoa Kỳ. Anh Anthony Sicurella lớn lên trong gia đình Nhân Chứng gồm sáu anh chị em. Khi 15 tuổi, anh làm báp-têm. Lúc 21 tuổi, anh đăng ký với ban tuyển quân rằng mình là người truyền giáo. Hai năm sau, vào năm 1950, anh đăng ký lại với tư cách là người không nhập ngũ vì cớ lương tâm. Dù trong báo cáo của Cục điều tra Liên bang không có điều gì tiêu cực về anh, nhưng Sở Tư Pháp lại bác đơn của anh. Sau vài lần khiếu kiện, Tòa Tối Cao Hoa Kỳ đã đồng ý xét xử vụ của anh Sicurella và phán quyết trái ngược với tòa cấp dưới khi xử có lợi cho anh. Phán quyết này lập một tiền lệ cho những công dân Hoa Kỳ từ chối nhập ngũ vì cớ lương tâm.

12 Hy Lạp. Năm 1983, anh Iakovos Thlimmenos bị kết tội chống lại pháp luật vì từ chối mặc quân phục và do đó phải lãnh án tù. Sau khi được phóng thích, anh điền hồ sơ để hành nghề kế toán nhưng bị bác bỏ vì đã có tiền án. Anh trình vấn đề lên các tòa án Hy Lạp nhưng vô ích. Vì thế, anh kiện lên Tòa án Nhân quyền Châu Âu. Năm 2000, Đại Hội đồng của tòa án ấy, gồm 17 thẩm phán, đã xử có lợi cho anh và điều này lập một tiền lệ chống lại thành kiến. Trước khi có phán quyết ấy, hơn 3.500 anh ở Hy Lạp có tiền án do từng ở tù vì giữ lập trường trung lập. Sau phán quyết ấy, Hy Lạp ra lệnh xóa bỏ mọi tiền án của họ. Hơn nữa, điều luật cho phép mọi công dân Hy Lạp có quyền thực hiện nghĩa vụ dân sự thay thế nghĩa vụ quân sự, vừa được thông qua vài năm trước đó, đã được tái xác nhận khi Hiến pháp Hy Lạp sửa đổi.

“Trước khi vào phòng xét xử, tôi tha thiết cầu nguyện với Đức Giê-hô-va, sau đó tôi cảm thấy rất bình tĩnh”.—Anh Ivailo Stefanov (Xem đoạn 13)

13, 14. Chúng ta học được gì từ trường hợp của anh Ivailo Stefanov và anh Vahan Bayatyan?

13 Bun-ga-ri. Năm 1994, anh Ivailo Stefanov (lúc đó 19 tuổi) bị gọi nhập ngũ. Anh từ chối tham gia nghĩa vụ quân sự hoặc làm bất cứ công việc hậu cần nào do quân đội kiểm soát. Anh bị kết án 18 tháng tù nhưng kháng án dựa trên quyền từ chối nhập ngũ vì cớ lương tâm. Cuối cùng, trường hợp của anh được đưa lên Tòa án Nhân quyền Châu Âu. Năm 2001, trước khi vụ việc của anh được xét xử, có sự sắp đặt để hai bên giảng hòa. Chính phủ Bun-ga-ri không những ân xá cho anh Stefanov mà còn ân xá cho mọi công dân Bun-ga-ri sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ dân sự thay thế nghĩa vụ quân sự c.

14 Armenia. Anh Vahan Bayatyan bị gọi nhập ngũ vào năm 2001 d. Anh từ chối gia nhập quân đội vì cớ lương tâm nhưng mỗi lần kiện lên các tòa án trong nước thì đều thua kiện. Tháng 9 năm 2002, anh bắt đầu thụ án hai năm rưỡi, nhưng được thả sau mười tháng rưỡi. Trong thời gian đó, anh kiện lên Tòa án Nhân quyền Châu Âu và được xét xử. Tuy nhiên, ngày 27-10-2009, tòa cũng xử bất lợi cho anh. Phán quyết này như một tiếng sét ngang tai đối với những anh ở Armenia có cùng cảnh ngộ. Nhưng Đại Hội đồng của tòa đã xét lại vụ việc. Ngày 7-7-2011, tòa xử có lợi cho anh Vahan Bayatyan. Đây là lần đầu tiên Tòa án Nhân quyền Châu Âu nhìn nhận rằng việc từ chối nhập ngũ vì cớ lương tâm dựa trên niềm tin tôn giáo cần được bảo vệ, phù hợp với quyền tự do tín ngưỡng, suy nghĩ và lương tâm. Phán quyết này không chỉ bảo vệ quyền của Nhân Chứng Giê-hô-va mà còn bảo vệ quyền của hàng trăm triệu người thuộc những nước thành viên của Hội đồng Châu Âu. e

Các anh em ở Armenia được thả khỏi nhà tù sau phán quyết có lợi của Tòa án Nhân quyền Châu Âu

Những buổi lễ cổ vũ tinh thần ái quốc

15. Tại sao dân Đức Giê-hô-va từ chối tham gia những buổi lễ cổ vũ tinh thần ái quốc?

15 Dân Đức Giê-hô-va giữ lòng trung thành với Nước của Đấng Mê-si không chỉ qua việc từ chối nhập ngũ mà còn khéo léo từ chối tham gia những buổi lễ cổ vũ tinh thần ái quốc. Phong trào ái quốc đã lan rộng khắp địa cầu, nhất là từ khi Thế Chiến II bùng nổ. Công dân của nhiều nước phải thề trung thành với tổ quốc bằng cách đọc lời tuyên thệ, hát quốc ca hoặc chào cờ. Tuy nhiên, chúng ta dành sự thờ phượng chuyên độc cho Đức Giê-hô-va (Xuất 20:4, 5). Vì vậy, một làn sóng bắt bớ ập đến trên chúng ta. Nhưng Đức Giê-hô-va lại dùng “đất” để nuốt một phần sự bắt bớ ấy. Hãy lưu ý vài chiến thắng nổi bật mà Đức Giê-hô-va ban cho chúng ta qua Chúa Giê-su.—Thi 3:8.

16, 17. Hai em Lillian và William Gobitas phải đối mặt với vấn đề nào? Chúng ta học được gì từ trường hợp này?

16 Hoa Kỳ. Năm 1940, tám trong chín thẩm phán của Tòa Tối Cao Hoa Kỳ chống lại Nhân Chứng Giê-hô-va trong vụ Các trường thuộc Minersville kiện gia đình Gobitis. Em Lillian Gobitas f (12 tuổi) và em trai là William (10 tuổi) muốn giữ lòng trung thành với Đức Giê-hô-va nên đã từ chối chào cờ hay đọc lời tuyên thệ. Vì thế, trường đuổi học các em. Vụ việc của hai em được trình lên Tòa Tối Cao và tòa kết luận rằng hành động của trường phù hợp với hiến pháp vì nó đẩy mạnh “sự hợp nhất quốc gia”. Phán quyết đó làm nổi lên một cơn bão bắt bớ. Có thêm các em Nhân Chứng bị đuổi học, không ít anh chị bị mất việc và nhiều anh chị bị đám đông hành hung. Sách Sự huy hoàng của đất nước (The Lustre of Our Country) nói rằng “sự bắt bớ Nhân Chứng từ năm 1941 đến 1943 là đợt bắt bớ dữ dội nhất vì kỳ thị tôn giáo tại Mỹ vào thế kỷ hai mươi”.

17 Kẻ thù của Đức Chúa Trời chẳng thắng được bao lâu. Năm 1943, Tòa Tối Cao xét xử một vụ tương tự với vụ Gobitis, đó là vụ Bộ giáo dục bang West Virginia kiện Barnette. Lần này, Tòa Tối Cao đưa ra phán quyết có lợi cho Nhân Chứng Giê-hô-va. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ, Tòa Tối Cao xử ngược lại với phán quyết của chính mình chỉ trong thời gian ngắn. Sau phán quyết đó, việc công khai bắt bớ dân Đức Giê-hô-va giảm rõ rệt. Với thời gian, các quyền của công dân Hoa Kỳ được củng cố.

18, 19. Theo lời anh Pablo Barros, điều gì đã giúp anh giữ được lòng trung kiên? Các tôi tớ khác của Đức Giê-hô-va noi gương anh như thế nào?

18 Argentina. Năm 1976, Pablo Barros (bảy tuổi) và Hugo Barros (tám tuổi) bị đuổi học vì không tham gia lễ chào cờ. Một lần, bà hiệu trưởng xô Pablo và đánh vào đầu em. Bà bắt hai em sau khi tan học phải ở lại trường thêm một tiếng, cố ép các em tham gia những buổi lễ cổ vũ tinh thần ái quốc. Nhớ lại thử thách ấy, anh Pablo nói: “Nếu không có sự trợ giúp của Đức Giê-hô-va thì tôi đã không thể giữ vững lòng trung kiên trước áp lực đó”.

19 Khi vụ việc được đưa ra tòa, thẩm phán ủng hộ quyết định đuổi học của trường. Tuy nhiên, vụ việc được trình lên Tòa Tối Cao Argentina. Năm 1979, tòa đã xử ngược lại với phán quyết của tòa cấp dưới rằng: “Hình phạt đó [đuổi học] đi ngược với quyền được học ghi trong hiến pháp (Điều 14) và trách nhiệm của chính phủ là đảm bảo bậc giáo dục tiểu học (Điều 5)”. Chiến thắng này mang lại lợi ích cho khoảng 1.000 em Nhân Chứng. Một số không bị đuổi học nữa và số khác, trong đó có Pablo và Hugo, được trường nhận lại.

Nhiều em Nhân Chứng đã trung thành trước thử thách

20, 21. Trường hợp của hai em Roel và Emily Embralinag củng cố đức tin của bạn ra sao?

20 Philippines. Năm 1990, em Roel Embralinag g (9 tuổi) và chị gái là Emily (10 tuổi) cùng với hơn 65 học sinh là Nhân Chứng bị đuổi học vì không chào cờ. Cha của Roel và Emily là anh Leonardo đã cố gắng giải thích với ban giám hiệu nhà trường nhưng vô ích. Khi sự việc càng trở nên nghiêm trọng, anh Leonardo trình lên Tòa Tối Cao. Anh không có tiền, cũng không có luật sư đại diện. Gia đình anh tha thiết cầu xin Đức Giê-hô-va hướng dẫn. Trong suốt thời gian đó, các con anh bị chế nhạo và mắng nhiếc. Anh Leonardo thấy vô vọng vì anh không biết nhiều về luật.

21 Cuối cùng, anh Felino Ganal, người từng làm việc cho một trong những công ty luật nổi tiếng nhất nước, nhận làm luật sư đại diện cho gia đình anh Leonardo. Trong thời gian vụ việc xảy ra, anh Felino Ganal đã thôi việc ở công ty và trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va. Khi vụ việc được trình lên Tòa Tối Cao, tòa nhất trí đưa ra phán quyết có lợi cho Nhân Chứng Giê-hô-va và hủy bỏ quyết định đuổi học. Một lần nữa, những người cố phá đổ lòng trung kiên của dân Đức Chúa Trời đã thất bại.

Trung lập dẫn đến sự hợp nhất

22, 23. (a) Tại sao chúng ta giành được nhiều chiến thắng pháp lý nổi bật? (b) Đoàn thể anh em quốc tế sống hòa thuận là bằng chứng cho điều gì?

22 Tại sao dân Đức Giê-hô-va giành được nhiều chiến thắng pháp lý nổi bật đến vậy? Chúng ta không có sức ảnh hưởng về chính trị. Thế nhưng, tại nhiều nước, các thẩm phán liêm chính đã bảo vệ chúng ta khỏi những cuộc tấn công dữ dội và dai dẳng của kẻ thù, đồng thời lập những tiền lệ cho hiến pháp. Chắc chắn, Đấng Ki-tô đã giúp chúng ta giành được những chiến thắng đó. (Đọc Khải huyền 6:2). Tại sao chúng ta phải đấu tranh trong những cuộc chiến pháp lý? Chúng ta không muốn cải cách hệ thống pháp luật. Thay vì thế, mục tiêu của chúng ta là làm mọi cách để được tiếp tục phụng sự Vua, là Chúa Giê-su Ki-tô, mà không bị cản trở.—Công 4:29.

23 Trong một thế gian bị chia rẽ vì xung đột chính trị và suy tàn vì sự thù ghét ăn sâu, Vua đang cai trị là Chúa Giê-su Ki-tô ban phước cho các môn đồ trên khắp thế giới khi họ cố gắng giữ lập trường trung lập. Sa-tan đã thất bại khi ra sức gây chia rẽ và chinh phục chúng ta. Nước Trời đã thu nhóm hàng triệu người từ chối “tập sự chiến-tranh”. Sự tồn tại của đoàn thể anh em quốc tế sống hòa thuận với nhau là một phép lạ, một bằng chứng không thể chối cãi rằng Nước Đức Chúa Trời đang cai trị!—Ê-sai 2:4.

a Quyển này cũng có nhan đề Sự sáng tạo mới (The New Creation). Về sau, bộ “Bình minh của Triều Đại Một Ngàn Năm” được gọi là “Khảo cứu Kinh Thánh”.

b Về phần thảo luận lời tiên tri này, xin xem sách Khải huyền gần đến cực điểm vinh quang! (Revelation—Its Grand Climax At Hand!), chương 27, trang 184-186.

c Phán quyết này cũng yêu cầu chính phủ Bun-ga-ri cho phép những người từ chối nhập ngũ vì cớ lương tâm được làm nghĩa vụ dân sự thay thế.

d Để biết rõ hơn về lời tường thuật này, xin xem bài “Tòa án Châu Âu bênh vực quyền từ chối nhập ngũ vì lương tâm” trong Tháp Canh ngày 1-11-2012.

e Trong hơn 20 năm, chính phủ Armenia đã bỏ tù hơn 450 anh Nhân Chứng trẻ. Tháng 11 năm 2013, những anh cuối cùng trong số này được thả ra.

f Trong hồ sơ tòa án, họ của gia đình này bị viết sai chính tả.

g Trong hồ sơ tòa án, họ của gia đình này bị viết sai chính tả thành Ebralinag.