CHƯƠNG 16
Nhóm lại để thờ phượng
1. Khi nhóm lại với nhau, các môn đồ nhận được sự trợ giúp nào, và tại sao họ cần điều đó?
Không lâu sau khi Chúa Giê-su sống lại, các môn đồ nhóm họp để khích lệ lẫn nhau. Họ khóa chặt cửa vì sợ kẻ thù. Nhưng sự sợ hãi tan biến khi Chúa Giê-su hiện ra và phán cùng họ: “Hãy nhận lấy thần khí”! (Đọc Giăng 20:19-22). Sau đó, các môn đồ nhóm họp lần nữa, và Đức Giê-hô-va đã đổ thần khí trên họ. Nhờ thế, họ được thêm sức để thi hành công việc rao giảng phía trước.—Công 2:1-7.
2. (a) Đức Giê-hô-va ban sức cho chúng ta qua cách nào, và tại sao chúng ta cần sức mạnh ấy? (b) Tại sao Buổi thờ phượng của gia đình rất quan trọng? (Xem chú thích và khung “ Buổi thờ phượng của gia đình”).
2 Chúng ta cũng đối mặt với những thử thách tương tự như anh em vào thế kỷ thứ nhất đã gặp (1 Phi 5:9). Đôi lúc một số người trong chúng ta cũng sợ loài người. Chúng ta cần sức mạnh từ Đức Giê-hô-va để có thể kiên trì rao giảng (Ê-phê 6:10). Đức Giê-hô-va ban sức cho chúng ta phần lớn qua các buổi nhóm họp. Hiện tại, chúng ta được tham dự hai buổi họp mỗi tuần—Một buổi họp cuối tuần bao gồm bài diễn văn công cộng và phần thảo luận Tháp Canh cùng buổi họp giữa tuần là Lối sống và thánh chức a. Chúng ta cũng có bốn sự kiện thường niên—hội nghị vùng, hai hội nghị vòng quanh và Lễ Tưởng Niệm sự chết của Chúa Giê-su. Tại sao chúng ta cần tham dự tất cả các buổi nhóm họp đó? Các buổi nhóm họp vào thời hiện đại đã tiến triển thế nào? Thái độ của chúng ta đối với các buổi nhóm họp cho thấy gì?
Tại sao cần nhóm lại?
3, 4. Đức Giê-hô-va lệnh cho dân ngài làm gì? Hãy cho ví dụ.
3 Từ lâu Đức Giê-hô-va đã lệnh cho dân ngài nhóm lại để thờ phượng ngài. Chẳng hạn, vào năm 1513 TCN, Đức Giê-hô-va ban Luật pháp cho dân Y-sơ-ra-ên. Trong Luật pháp có quy định ngày Sa-bát hằng tuần để mỗi gia đình có thể thờ phượng Đức Chúa Trời và được Luật pháp hướng dẫn (Phục 5:12; 6:4-9). Khi vâng theo mệnh lệnh đó, các gia đình được vững mạnh, cả nước được thanh sạch và mạnh mẽ về thiêng liêng. Khi không làm theo Luật pháp, tức lờ đi những quy định như đều đặn nhóm lại thờ phượng Đức Giê-hô-va, họ mất ân huệ của ngài.—Lê 10:11; 26:31-35; 2 Sử 36:20, 21.
4 Cũng hãy xem gương mẫu của Chúa Giê-su. Ngài có thói quen đến nhà hội mỗi tuần vào ngày Sa-bát (Lu 4:16). Sau khi Chúa Giê-su qua đời và sống lại, các môn đồ vẫn giữ thói quen đều đặn nhóm họp dù không cần làm theo luật về ngày Sa-bát nữa (Công 1:6, 12-14; 2:1-4; Rô 14:5; Cô 2:13, 14). Tại những buổi họp đó, các tín đồ vào thế kỷ thứ nhất không chỉ được hướng dẫn và khích lệ mà còn dâng cho Đức Chúa Trời lễ vật là sự ngợi khen qua những lời cầu nguyện, bình luận và bài hát.—Cô 3:16; Hê 13:15.
5. Tại sao chúng ta tham dự các buổi nhóm họp hằng tuần và hội nghị hằng năm? (Cũng xem khung “ Những dịp nhóm lại hằng năm hợp nhất dân Đức Chúa Trời”).
5 Tương tự, khi tham dự các buổi nhóm họp hằng tuần và hội nghị hằng năm, chúng ta cho thấy mình ủng hộ Nước Trời, nhận sức mạnh từ thần khí và khích lệ anh em bằng những lời bày tỏ đức tin. Quan trọng hơn, chúng ta có cơ hội thờ phượng Đức Giê-hô-va qua những lời cầu nguyện, bình luận và bài hát. Có thể cách tổ chức nhóm họp thời nay khác với thời dân Y-sơ-ra-ên và thế kỷ thứ nhất, nhưng các buổi nhóm họp của chúng ta cũng quan trọng không kém. Các buổi nhóm họp vào thời hiện đại tiến triển thế nào?
Những buổi nhóm họp hằng tuần khuyến khích “bày tỏ tình yêu thương và làm việc lành”
6, 7. (a) Mục đích của các buổi nhóm họp là gì? (b) Trước đây, các buổi họp của mỗi nhóm khác nhau thế nào?
6 Khi anh Charles Taze Russell bắt đầu tìm kiếm sự thật từ Lời Đức Chúa Trời, anh thấy cần phải họp lại với những người có cùng mục tiêu. Năm 1879, anh Russell viết: “Cùng với những người khác ở Pittsburgh, tôi đã tổ chức và duy trì một lớp học Kinh Thánh vào mỗi chủ nhật để tra cứu Lời Chúa”. Độc giả của Tháp Canh được khuyến khích nhóm lại với nhau. Đến năm 1881, các buổi nhóm họp được tổ chức ở Pittsburgh, thuộc Pennsylvania, vào mỗi chủ nhật và thứ tư. Tháng 11 năm 1895, Tháp Canh cho biết mục đích của các buổi nhóm họp ấy là giúp “tín đồ đạo Đấng Ki-tô tạo dựng tình huynh đệ và tình yêu thương với nhau”, đồng thời tạo cơ hội cho những người tham dự khuyến khích nhau.—Đọc Hê-bơ-rơ 10:24, 25.
7 Trong nhiều năm, các nhóm Học viên Kinh Thánh có cách tổ chức và số lần nhóm họp khác nhau. Chẳng hạn, thư của một nhóm ở Hoa Kỳ được đăng năm 1911 nói: “Chúng tôi tổ chức ít nhất năm buổi họp mỗi tuần”. Những buổi họp đó diễn ra vào thứ hai, thứ tư, thứ sáu và hai lần vào chủ nhật. Lá thư khác của một nhóm ở châu Phi được đăng năm 1914 cho biết: “Chúng tôi nhóm lại hai lần một tháng, mỗi lần kéo dài từ thứ sáu đến hết chủ nhật”. Tuy nhiên, với thời gian, chúng ta có cách tổ chức các buổi nhóm họp như hiện nay. Hãy xem qua lịch sử của mỗi buổi nhóm họp.
8. Một số chủ đề của những bài giảng thời ban đầu là gì?
8 Buổi họp công cộng. Năm 1880, một năm sau khi xuất bản Tháp Canh, anh Russell làm theo gương của Chúa Giê-su và bắt đầu một hành trình rao giảng (Lu 4:43). Trong thời gian đó, anh Russell lập kiểu mẫu cho Buổi họp công cộng hiện nay. Thông báo về chuyến đi ấy, Tháp Canh nói rằng anh Russell “rất vui khi trình bày bài ‘Những điều gắn liền với Nước Đức Chúa Trời’ trong các buổi họp công cộng”. Năm 1911, sau khi các lớp (hội thánh) được thành lập ở một số nước, mỗi lớp được khuyến khích phái các diễn giả đủ khả năng đi những vùng xung quanh để giảng loạt sáu bài về các chủ đề như sự phán xét và giá chuộc. Tên của diễn giả và chủ đề bài giảng tuần kế tiếp được thông báo sau mỗi bài giảng.
9. Buổi họp công cộng thay đổi ra sao qua các năm? Bạn có thể ủng hộ buổi họp này bằng cách nào?
9 Năm 1945, Tháp Canh thông báo là bắt đầu có sự sắp đặt trên toàn cầu về các Buổi họp công cộng, gồm tám bài giảng dựa trên Kinh Thánh bàn đến “những vấn đề bức thiết của thời đại”. Trong nhiều thập kỷ, các diễn giả không chỉ dùng những chủ đề do đầy tớ trung tín cung cấp mà còn giảng những bài do chính họ viết. Thế nhưng, năm 1981, mọi diễn giả đều phải trình bày bài giảng dựa trên dàn bài được cung cấp cho các hội thánh b. Cho đến năm 1990, một số dàn bài của diễn văn công cộng vẫn có phần tham gia của cử tọa hoặc trình diễn. Nhưng có sự sửa đổi vào năm ấy, và kể từ đó diễn văn công cộng chỉ đơn thuần là bài giảng. Có sự điều chỉnh khác vào tháng 1 năm 2008, đó là thời lượng của diễn văn công cộng giảm từ 45 phút xuống còn 30 phút. Dù cách thức đã thay đổi nhưng những bài diễn văn công cộng được chuẩn bị kỹ vẫn củng cố đức tin của chúng ta nơi Lời Đức Chúa Trời và dạy chúng ta nhiều khía cạnh của Nước Trời (1 Ti 4:13, 16). Về những người mà mình viếng thăm và những người khác không phải là Nhân Chứng, bạn có nhiệt tình mời họ đến nghe các bài giảng quan trọng dựa trên Kinh Thánh không?
10-12. (a) Buổi học Tháp Canh đã có những thay đổi nào? (b) Chúng ta nên tự hỏi điều gì?
10 Buổi học Tháp Canh. Năm 1922, các anh được Hội Tháp Canh phái đi trình bày bài giảng tại các hội thánh và dẫn đầu công việc rao giảng đã đề nghị tổ chức các buổi nhóm họp đều đặn để học Tháp Canh. Đề nghị này được chấp thuận và ban đầu Buổi học Tháp Canh diễn ra vào giữa tuần hoặc chủ nhật.
11 Tháp Canh ngày 15-6-1932 chỉ dẫn thêm về cách điều khiển buổi học này. Dựa theo cách thức của nhà Bê-tên, bài nói rằng một anh sẽ điều khiển buổi học. Ba anh khác ngồi ở phía trước để thay phiên nhau đọc. Các bài thời ấy không có sẵn câu hỏi nên anh điều khiển mời cử tọa nêu câu hỏi dựa trên tài liệu đang thảo luận. Sau đó, anh mời cử tọa trả lời các câu hỏi đó. Nếu cần làm rõ thêm, anh điều khiển có thể giải thích “ngắn gọn và súc tích”.
12 Ban đầu, mỗi hội thánh có thể chọn thảo luận số tạp chí mà phần đông người trong hội thánh thích. Tuy nhiên, Tháp Canh ngày 15-4-1933 đề nghị tất cả các hội thánh dùng số mới nhất. Năm 1937 có chỉ thị là nên tổ chức buổi học này vào chủ nhật. Tháp Canh ngày 1-10-1942 đã có thêm sự điều chỉnh về buổi học này theo cách thức mà chúng ta biết thời nay. Thứ nhất, dưới mỗi trang của những bài học đều có câu hỏi để thảo luận. Thứ hai, mỗi buổi học kéo dài một tiếng. Ngoài ra, những người trả lời được khuyến khích phát biểu “bằng lời lẽ riêng” thay vì đọc trong đoạn. Buổi học Tháp Canh vẫn là buổi nhóm họp chính để đầy tớ trung tín cung cấp thức ăn thiêng liêng đúng giờ (Mat 24:45). Mỗi chúng ta nên tự hỏi: “Mình có chuẩn bị cho Buổi học Tháp Canh hằng tuần không? Nếu có thể, mình có cố gắng bình luận không?”.
13, 14. Buổi học Kinh Thánh của hội thánh hình thành như thế nào, và bạn thích điểm nào của buổi họp này?
13 Buổi học Kinh Thánh của hội thánh. Vào giữa thập niên 1890, sau khi một số quyển trong bộ Bình minh của Triều Đại Một Ngàn Năm (Millennial Dawn) ra mắt, anh H. N. Rahn, một Học viên Kinh Thánh sống ở thành phố Baltimore, Maryland, Hoa Kỳ, đề nghị tổ chức “Buổi nhóm Bình Minh” để học Kinh Thánh. Buổi họp này thường được tổ chức tại nhà riêng, và mới đầu chỉ là thử nghiệm. Nhưng đến tháng 9 năm 1895, buổi họp này được tổ chức thành công tại nhiều thành phố ở Hoa Kỳ. Vì thế, Tháp Canh tháng đó đề nghị tất cả Học viên Kinh Thánh tổ chức buổi họp này. Tháp Canh nói rằng anh điều khiển nên là người đọc giỏi. Anh đọc một câu rồi mời cử tọa bình luận. Sau khi đọc và thảo luận từng câu trong đoạn, anh điều khiển sẽ đọc những câu Kinh Thánh được viện dẫn. Cuối chương, mỗi người trong cử tọa sẽ tóm lược phần vừa thảo luận.
14 Tên của buổi họp này đã thay đổi nhiều lần. Mới đầu, buổi họp mang tên là Buổi nhóm Bê-rê, nói đến những người Bê-rê vào thế kỷ thứ nhất đã cẩn thận tra xét Kinh Thánh (Công 17:11). Với thời gian, buổi họp được đổi tên thành Buổi học cuốn sách hội thánh. Tên hiện nay là Buổi học Kinh Thánh của hội thánh, và cả hội thánh họp tại Phòng Nước Trời thay vì nhóm lại tại những nhà riêng. Qua hàng thập kỷ, nhiều sách, sách mỏng và kể cả Tháp Canh đã được dùng làm tài liệu học hỏi. Ngay từ thời ban đầu, tất cả người tham dự đều được khuyến khích tham gia buổi họp. Buổi họp này đã giúp chúng ta nhiều trong việc đào sâu Kinh Thánh. Bạn có thường xuyên cố gắng chuẩn bị và tham gia buổi họp này không?
15. Mục tiêu của Trường thánh chức là gì?
15 Trường thánh chức. Một anh từng phụng sự tại trụ sở trung ương ở Brooklyn, New York là anh Carey Barber nhớ lại: “Tối thứ hai, ngày 16-2-1942, tất cả các anh trong gia đình Bê-tên ở Brooklyn được mời ghi danh vào trường về sau gọi là Trường thánh chức”. Anh Barber, sau này là thành viên Hội đồng Lãnh đạo, miêu tả trường ấy là “một trong những bước tiến nổi bật nhất cho thấy điều Đức Giê-hô-va đã làm cho dân ngài vào thời hiện đại”. Về việc giúp các anh cải thiện kỹ năng dạy dỗ và rao giảng, khóa học này đã thành công đến mức kể từ năm 1943, sách nhỏ Khóa học trong Trường thánh chức (Course in Theocratic Ministry) dần được phân phát cho các hội thánh khắp thế giới. Tháp Canh ngày 1-6-1943 nói rằng mục tiêu của Trường thánh chức là “huấn luyện [dân Đức Chúa Trời] rao truyền về Nước Trời hữu hiệu hơn”.—2 Ti 2:15.
16, 17. Có phải Trường thánh chức chỉ dạy những kỹ năng chuyên môn không? Hãy giải thích.
16 Mới đầu, nhiều người thấy khổ sở khi phải nói trước cử tọa đông người. Anh Clayton Woodworth, Junior, có cha bị tù oan với anh Rutherford và những người khác vào năm 1918, nhớ lại cảm giác khi lần đầu tham gia trường vào năm 1943. Anh kể: “Hồi đó tôi thấy làm bài giảng sao mà khó quá. Lưỡi của tôi cứ líu lại, miệng thì khô khốc, còn giọng nói thì như pha trộn giữa tiếng rống và tiếng kêu the thé”. Dù vậy, khi khả năng của anh Clayton được cải thiện, anh có đặc ân làm nhiều bài giảng trước công chúng. Trường này không chỉ dạy anh những kỹ năng chuyên môn mà còn dạy giá trị của tính khiêm nhường và tầm quan trọng của việc nương cậy nơi Đức Giê-hô-va. Anh nói: “Tôi dần nhận ra rằng diễn giả là ai không quan trọng. Nếu diễn giả chuẩn bị kỹ và đặt lòng tin nơi Đức Giê-hô-va thì cử tọa sẽ thích thú lắng nghe và học được những điều bổ ích”.
17 Năm 1959, các chị cũng được mời ghi danh vào trường. Nhớ lại lúc nghe thông báo tại hội nghị, chị Edna Bauer cho biết: “Tôi nhớ là khi ấy các chị hào hứng lắm vì giờ họ đã có thêm cơ hội” được huấn luyện. Trong những năm qua, nhiều anh chị đã tận dụng cơ hội này để ghi danh vào Trường thánh chức và được Đức Giê-hô-va dạy dỗ. Ngày nay, chúng ta tiếp tục nhận được sự huấn luyện như thế tại buổi họp giữa tuần.—Đọc Ê-sai 54:13.
18, 19. (a) Ngày nay, làm thế nào chúng ta nhận được sự chỉ dẫn thiết thực để thi hành thánh chức? (b) Tại sao chúng ta hát tại buổi nhóm họp? (Xem khung “ Hát về sự thật”).
18 Buổi họp công tác. Ngay từ năm 1919 đã có những buổi họp để tổ chức công việc rao giảng. Lúc đó, chỉ những ai trực tiếp phân phát ấn phẩm mới được tham dự những buổi họp ấy. Bắt đầu từ năm 1923, Buổi họp công tác diễn ra mỗi tháng một lần và mọi người trong hội thánh đều tham gia. Đến năm 1928, hội thánh được khuyến khích tổ chức Buổi họp công tác hằng tuần. Năm 1935, Tháp Canh khuyên tất cả các hội thánh tổ chức Buổi họp công tác dựa trên thông tin trong một ấn phẩm gọi là Director (sau này đổi thành Informant và sau đó là Thánh Chức Nước Trời). Không lâu sau, buổi họp này trở thành một phần cố định trong chương trình của mỗi hội thánh.
19 Ngày nay, chúng ta nhận được sự chỉ dẫn thiết thực tại buổi họp giữa tuần để thi hành thánh chức (Mat 10:5-13). Nếu hội đủ điều kiện để có riêng một tờ chương trình nhóm họp, bạn có nghiên cứu và áp dụng những đề nghị trong đó khi đi rao giảng không?
Buổi họp quan trọng nhất trong năm
20-22. (a) Tại sao chúng ta tưởng niệm sự chết của Chúa Giê-su? (b) Bạn nhận được lợi ích nào khi tham dự Lễ Tưởng Niệm hằng năm?
20 Chúa Giê-su dặn các môn đồ tưởng niệm sự chết của ngài cho đến khi ngài đến. Như Lễ Vượt Qua, Lễ Tưởng Niệm sự chết của Chúa Giê-su diễn ra hằng năm (1 Cô 11:23-26). Mỗi năm có hàng triệu người tham dự lễ này. Buổi lễ nhắc những người được xức dầu về đặc ân đồng thừa kế Nước Trời (Rô 8:17). Còn với các chiên khác, buổi lễ khơi dậy sự tôn kính sâu xa và lòng trung thành với Vua Nước Trời.—Giăng 10:16.
21 Anh Russell và các đồng sự đã nhận ra tầm quan trọng của Bữa Ăn Tối của Chúa và biết rằng chỉ nên tổ chức lễ này mỗi năm một lần. Tháp Canh tháng 4 năm 1880 nói: “Nhiều năm qua, nhiều người trong chúng ta tại Pittsburgh đã có thói quen... nhớ đến Lễ Vượt Qua [Lễ Tưởng Niệm] và dùng các món biểu trưng cho thân thể và huyết của Chúa”. Không lâu sau, Lễ Tưởng Niệm được tổ chức chung với hội nghị. Lần đầu tiên sự kiện này được thống kê là năm 1889, có 225 người tham dự và 22 người làm báp-têm.
22 Thời nay, chúng ta không còn cử hành Lễ Tưởng Niệm chung với hội nghị nhưng mời mọi người trong cộng đồng đến tham dự tại Phòng Nước Trời hoặc một nơi được thuê. Năm 2013, có hơn 19 triệu người tham dự Lễ Tưởng Niệm sự chết của Chúa Giê-su. Thật là một đặc ân khi được tham dự Lễ Tưởng Niệm và mời người khác cùng có mặt tại buổi tối thiêng liêng nhất này! Bạn có hăng hái mời càng nhiều người càng tốt đến dự Lễ Tưởng Niệm hằng năm không?
Thái độ của chúng ta cho thấy gì?
23. Bạn xem việc nhóm lại như thế nào?
23 Tôi tớ trung thành của Đức Giê-hô-va không xem mệnh lệnh nhóm lại là nặng nề (Hê 10:24, 25; 1 Giăng 5:3). Chẳng hạn, vua Đa-vít rất thích đến nhà Đức Giê-hô-va để thờ phượng ngài (Thi 27:4). Ông đặc biệt vui thích làm thế cùng với những người yêu mến Đức Chúa Trời (Thi 35:18). Cũng hãy nghĩ đến gương của Chúa Giê-su. Ngay từ khi còn nhỏ, Chúa Giê-su đã ao ước được đến nhà Cha để thờ phượng.—Lu 2:41-49.
Càng mong muốn nhóm lại với nhau bao nhiêu, chúng ta càng cho thấy Nước Trời có thật với mình bấy nhiêu
24. Khi tham dự nhóm họp, chúng ta có những cơ hội nào?
24 Khi tham dự nhóm họp, chúng ta biểu lộ tình yêu thương với Đức Giê-hô-va và ước muốn xây dựng anh em đồng đạo. Chúng ta cũng cho thấy mình muốn học cách sống của một công dân Nước Trời, vì chủ yếu qua các buổi nhóm họp và hội nghị mà chúng ta mới nhận được sự huấn luyện này. Hơn nữa, các buổi nhóm họp trang bị kỹ năng và cho chúng ta sức lực cần thiết để thi hành một trong những công việc quan trọng nhất của Nước Trời thời nay, đó là đào tạo và huấn luyện môn đồ của Vua Giê-su Ki-tô. (Đọc Ma-thi-ơ 28:19, 20). Chắc chắn càng mong muốn nhóm lại với nhau bao nhiêu, chúng ta càng cho thấy Nước Trời có thật với mình bấy nhiêu. Mong sao chúng ta luôn quý trọng các buổi nhóm họp!