Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

CHƯƠNG 17

‘Hỡi Gót, ta chống nghịch ngươi’

‘Hỡi Gót, ta chống nghịch ngươi’

Ê-XÊ-CHI-ÊN 38:3

TRỌNG TÂM CỦA CHƯƠNG: Cho biết danh tính của cả “Gót” lẫn “xứ” mà hắn xâm lăng

1, 2. Cuộc chiến lớn nào sắp xảy ra, và những câu hỏi nào được nêu lên? (Xem hình nơi đầu bài).

Qua hàng ngàn năm, trái đất bị vấy máu bởi các cuộc chiến của con người, trong đó có hai thế chiến đẫm máu vào thế kỷ 20. Nhưng cuộc chiến lớn nhất mà nhân loại chưa từng chứng kiến còn đang ở phía trước. Cuộc chiến này sẽ không đơn thuần là cuộc chiến giữa các nước vì lý do ích kỷ. Thay vì thế, cuộc chiến này sẽ là “cuộc chiến trong ngày lớn của Đức Chúa Trời Toàn Năng” (Khải 16:14). Một kẻ thù kiêu ngạo sẽ khiêu chiến bằng cách xâm lăng một xứ quý giá đối với Đức Chúa Trời. Cuộc xâm lăng đó sẽ khiến Chúa Tối Thượng Giê-hô-va biểu dương sức mạnh hủy diệt của ngài theo một cách chưa từng thấy trên đất.

2 Một số câu hỏi quan trọng được nêu lên: Kẻ thù này là ai? Hắn sẽ xâm lăng xứ nào? Khi nào hắn sẽ xâm lăng xứ ấy? Tại sao hắn làm thế? Hắn làm vậy như thế nào? Vì những sự việc này có liên quan đến chúng ta, là những người thờ phượng thanh sạch, nên chúng ta cần biết câu trả lời. Chúng ta có thể tìm câu trả lời trong một lời tiên tri hào hứng được ghi nơi Ê-xê-chi-ên chương 38 và 39.

Kẻ thù là Gót ở xứ Ma-gót

3. Hãy cho biết những điểm chính trong lời tiên tri của Ê-xê-chi-ên liên quan đến Gót ở xứ Ma-gót.

 3 Đọc Ê-xê-chi-ên 38:1, 2, 16, 18; 39:4, 11. Đây là những điểm chính trong lời tiên tri: “Trong những ngày sau cùng,” một kẻ thù được gọi là “Gót ở xứ Ma-gót” xâm lăng “xứ” của dân Đức Chúa Trời. Nhưng cuộc tấn công dữ dội ấy khiến “cơn giận dữ” của Đức Giê-hô-va nổi phừng lên. Ngài ra tay và đánh bại Gót. * Khi giành chiến thắng, Đức Giê-hô-va sẽ phó kẻ thù bị bại trận và những người theo hắn “làm thức ăn cho mọi loài chim săn mồi và muông thú”. Cuối cùng, Đức Giê-hô-va cho Gót “một chỗ làm mồ chôn”. Để hiểu lời tiên tri này được ứng nghiệm thế nào trong tương lai gần, trước hết chúng ta cần xác định danh tính của Gót.

4. Chúng ta có thể kết luận điều gì về Gót ở xứ Ma-gót?

4 Vậy Gót ở xứ Ma-gót là ai? Qua lời miêu tả của Ê-xê-chi-ên, chúng ta có thể kết luận Gót là kẻ thù của những người thờ phượng thanh sạch. Phải chăng Gót là tên mang tính tiên tri của Sa-tan, tức kẻ thù lớn nhất của sự thờ phượng thật? Trong nhiều thập kỷ, ấn phẩm của chúng ta đã giải thích như thế. Tuy nhiên, việc xem xét kỹ hơn lời tiên tri của Ê-xê-chi-ên dẫn đến một sự điều chỉnh về sự hiểu biết của chúng ta. Tháp Canh cho biết Gót ở xứ Ma-gót không phải là tạo vật thần linh vô hình mà là kẻ thù hữu hình, tức là một liên minh các nước chống lại sự thờ phượng thanh sạch. * Trước khi xem xét cơ sở để kết luận như vậy, hãy cùng phân tích hai dữ kiện trong lời tiên tri của Ê-xê-chi-ên cho thấy Gót không phải là một tạo vật thần linh.

5, 6. Những chi tiết nào trong lời tiên tri của Ê-xê-chi-ên cho biết Gót ở xứ Ma-gót không phải là tạo vật thần linh?

5 “Ta sẽ phó ngươi làm thức ăn cho mọi loài chim săn mồi” (Ê-xê 39:4). Kinh Thánh thường dùng hình ảnh chim săn mồi ăn xác chết để cảnh báo về sự phán xét của Đức Chúa Trời. Ngài đưa ra những lời cảnh báo như thế cho nước Y-sơ-ra-ên cũng như các nước khác (Phục 28:26; Giê 7:33; Ê-xê 29:3, 5). Nhưng hãy lưu ý rằng những lời cảnh báo ấy là dành cho con người bằng xương bằng thịt chứ không phải là các tạo vật thần linh. Suy cho cùng, các loài chim săn mồi và thú dữ thì ăn thịt chứ không thể ăn thần linh được. Vì thế, lời cảnh báo này của Đức Chúa Trời trong lời tiên tri của Ê-xê-chi-ên cho thấy Gót không phải là một tạo vật thần linh.

6 “Ta sẽ cho Gót một chỗ làm mồ chôn... ở Y-sơ-ra-ên” (Ê-xê 39:11). Kinh Thánh không nói đến việc các tạo vật thần linh được chôn trên đất. Thay vì thế, Sa-tan và các quỷ sẽ bị quăng xuống vực sâu trong 1.000 năm, và sau đó chúng sẽ bị quăng vào hồ lửa. Hồ lửa này tượng trưng cho sự hủy diệt đời đời (Lu 8:31; Khải 20:1-3, 10). Vì Kinh Thánh nói Gót sẽ nhận “một chỗ làm mồ chôn” trên đất nên chúng ta có thể kết luận rằng hắn không phải là một tạo vật thần linh.

7, 8. Khi nào “vua phương bắc” đến “ngày tàn”, và điều đó giống như điều xảy ra với Gót ở xứ Ma-gót như thế nào?

7 Nếu không phải là một tạo vật thần linh thì Gót, kẻ thực hiện cuộc tấn công cuối cùng nhắm vào những người thờ phượng thanh sạch, là ai? Hãy xem xét hai lời tiên tri trong Kinh Thánh giúp chúng ta xác định danh tính của Gót ở xứ Ma-gót.

8 “Vua phương bắc”. (Đọc Đa-ni-ên 11:40-45). Đa-ni-ên báo trước về sự xuất hiện của các cường quốc thế giới từ thời ông đến thời chúng ta. Lời tiên tri cũng nhắc đến hai thế lực chính trị đối địch nhau là “vua phương nam” và “vua phương bắc”. Trong những thế kỷ qua, danh tính của hai vua này đã thay đổi khi nhiều nước tranh giành quyền thống trị. Liên quan đến chiến dịch cuối cùng của vua phương bắc trong “thời kỳ cuối cùng”, Đa-ni-ên nói: “Trong cơn thịnh nộ, vua sẽ đi ra để tiêu diệt và hủy diệt nhiều người”. Những người thờ phượng Đức Giê-hô-va là mục tiêu chính của vua phương bắc. * Nhưng như Gót ở xứ Ma-gót, vua phương bắc sẽ đến “ngày tàn” sau khi thất bại trong cuộc tấn công nhắm vào dân Đức Chúa Trời.

9. Có sự tương đồng nào giữa điều xảy ra với Gót ở xứ Ma-gót và điều xảy ra với “các vua trên khắp đất”?

9 “Các vua trên khắp đất”. (Đọc Khải huyền 16:14, 16; 17:14; 19:19, 20). Sách Khải huyền báo trước về một cuộc tấn công của “các vua trên đất” nhắm vào “Vua của các vua”, tức Chúa Giê-su. Nhưng vì ngài ở trên trời nên họ không thể tấn công ngài được. Do vậy, những kẻ phản nghịch này tấn công những người trên đất ủng hộ Nước Trời. Nhưng những kẻ ấy sẽ bị bại trận tại cuộc chiến Ha-ma-ghê-đôn. Hãy lưu ý rằng “các vua trên đất” sẽ bị hủy diệt sau khi tấn công dân của Đức Giê-hô-va. Điều này giống như những gì đã được báo trước về Gót ở xứ Ma-gót. *

10. Chúng ta có thể kết luận thế nào về danh tính của Gót ở xứ Ma-gót?

10 Dựa vào những dữ kiện trên, chúng ta có thể kết luận thế nào về danh tính của Gót? Thứ nhất, Gót không phải là một tạo vật thần linh. Thứ hai, Gót tượng trưng cho các nước trên đất sẽ tấn công dân Đức Chúa Trời trong tương lai gần. Chắc hẳn những nước này sẽ hình thành một liên minh, tức gắn kết với nhau theo một cách nào đó. Tại sao? Vì dân của Đức Chúa Trời ở trên khắp đất nên các nước cần hợp nhất trong ý định và hành động để tấn công họ (Mat 24:9). Tuy nhiên, chính Sa-tan mới là chủ mưu của cuộc tấn công này. Từ lâu hắn đã tác động đến các nước của thế gian để khiến họ chống đối sự thờ phượng thật (1 Giăng 5:19; Khải 12:17). Nhưng lời tiên tri của Ê-xê-chi-ên về Gót ở xứ Ma-gót nhấn mạnh vai trò của các nước trên đất trong cuộc tấn công dân Đức Giê-hô-va. *

Đó là “xứ” nào?

11. Lời tiên tri của Ê-xê-chi-ên miêu tả thế nào về “xứ” mà Gót sẽ xâm lăng?

11 Như đã xem trong  đoạn 3, Gót ở xứ Ma-gót khiến Đức Giê-hô-va vô cùng giận dữ khi xâm lăng một xứ quý giá đối với ngài. Đó là xứ nào? Hãy cùng trở lại lời tiên tri của Ê-xê-chi-ên. (Đọc Ê-xê-chi-ên 38:8-12). Lời tiên tri này cho biết Gót sẽ “xâm lăng xứ có dân được khôi phục” và “được thâu về từ các nước”. Cũng hãy lưu ý đến điều mà lời tiên tri này nói về dân được khôi phục: Họ “sống an ổn... trong làng mạc không có tường, thanh cài hay cổng bảo vệ” và “ngày càng có nhiều của cải”. Đây là xứ mà những người thờ phượng Đức Giê-hô-va ở khắp đất đang sống. Làm thế nào chúng ta có thể biết xứ này là gì?

12. Sự khôi phục nào diễn ra trong xứ Y-sơ-ra-ên vào thời Kinh Thánh?

12 Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần xem xét sự khôi phục diễn ra ở Y-sơ-ra-ên xưa, tức là xứ mà dân được chọn của Đức Chúa Trời đã sống, làm việc và thờ phượng trong nhiều thế kỷ. Khi người Y-sơ-ra-ên trở nên bất trung, Đức Giê-hô-va báo trước qua Ê-xê-chi-ên rằng xứ của họ sẽ bị tàn phá và hoang vu (Ê-xê 33:27-29). Nhưng Đức Giê-hô-va cũng tiên tri rằng một nhóm người còn sót lại biết ăn năn sẽ được trở về sau thời kỳ lưu đày ở Ba-by-lôn và sẽ khôi phục sự thờ phượng thanh sạch trong xứ. Với sự ban phước của Đức Giê-hô-va, xứ Y-sơ-ra-ên sẽ được biến đổi, phát triển “như vườn Ê-đen” (Ê-xê 36:34-36). Sự khôi phục đó bắt đầu từ năm 537 TCN khi những người Do Thái bị lưu đày trở về Giê-ru-sa-lem để khôi phục sự thờ phượng thanh sạch tại quê nhà yêu dấu của họ.

13, 14. (a) Xứ thiêng liêng là gì? (b) Tại sao xứ này quý giá đối với Đức Giê-hô-va?

13 Trong thời hiện đại, những người thờ phượng thanh sạch của Đức Chúa Trời trải nghiệm một sự khôi phục tương tự. Như đã thảo luận trong Chương 9, vào năm 1919, dân Đức Chúa Trời được thoát khỏi sự giam cầm kéo dài của Ba-by-lôn Lớn. Vào năm đó, Đức Giê-hô-va đem dân được khôi phục của ngài vào một xứ thiêng liêng. Xứ đó là địa đàng thiêng liêng, tức môi trường, hay tình trạng, an toàn và thịnh vượng về thiêng liêng của những người thờ phượng Đức Chúa Trời. Trong xứ đó, chúng ta được sống an ổn cùng nhau, có sự bình an tâm trí (Châm 1:33). Chúng ta nhận được dư dật thức ăn thiêng liêng và có công việc thỏa nguyện là rao truyền về Nước Trời. Quả thật, chúng ta cảm nghiệm được sự thật của câu Châm ngôn: “Ân phước Đức Giê-hô-va làm cho giàu có, ngài cũng chẳng thêm đau khổ lẫn vào” (Châm 10:22). Dù sống ở bất cứ nơi đâu trên đất, chúng ta đều ở trong xứ này, tức địa đàng thiêng liêng, miễn là chúng ta tích cực ủng hộ sự thờ phượng thanh sạch qua lời nói và hành động.

14 Xứ thiêng liêng này rất quý giá đối với Đức Giê-hô-va. Tại sao? Trong mắt ngài, cư dân của xứ là “báu vật của tất cả các nước”, tức là những người được ngài kéo đến với sự thờ phượng thanh sạch (Ha-gai 2:7; Giăng 6:44). Họ nỗ lực hết sức để mặc lấy nhân cách mới, là nhân cách phản ánh các phẩm chất cao quý của Đức Chúa Trời (Ê-phê 4:23, 24; 5:1, 2). Là những người thờ phượng thanh sạch, họ hết lòng phụng sự Đức Chúa Trời theo những cách mang lại sự ngợi khen cho ngài và chứng tỏ họ yêu mến ngài (Rô 12:1, 2; 1 Giăng 5:3). Chúng ta có thể tưởng tượng Đức Giê-hô-va vui mừng thế nào khi chứng kiến những người thờ phượng ngài nỗ lực tô điểm xứ thiêng liêng này. Hãy thử nghĩ: Bằng cách ưu tiên cho sự thờ phượng thanh sạch, anh chị không chỉ tô điểm cho địa đàng thiêng liêng mà còn làm Đức Giê-hô-va vui lòng.—Châm 27:11.

Dù sống ở bất cứ nơi đâu, chúng ta đều ở trong xứ thiêng liêng miễn là chúng ta tích cực đẩy mạnh sự thờ phượng thanh sạch (Xem đoạn 13, 14)

Gót xâm lăng xứ—Khi nào, tại sao và như thế nào?

15, 16. Khi nào Gót ở xứ Ma-gót xâm lăng xứ thiêng liêng được khôi phục?

15 Chúng ta cần ý thức rằng chẳng bao lâu nữa một liên minh các nước sẽ xâm lăng xứ thiêng liêng quý báu của chúng ta. Vì cuộc tấn công này liên quan đến chúng ta, là những người thờ phượng thanh sạch của Đức Giê-hô-va, nên chúng ta muốn biết rõ hơn về cuộc tấn công đó. Hãy xem xét ba câu hỏi.

16 Khi nào Gót ở xứ Ma-gót xâm lăng xứ thiêng liêng được khôi phục? Lời tiên tri cho biết Gót sẽ tấn công dân của Đức Chúa Trời “trong những ngày sau cùng” (Ê-xê 38:16). Câu này cho biết cuộc xâm lăng xảy ra vào thời điểm gần đến sự kết thúc của thế gian này. Hãy nhớ rằng hoạn nạn lớn sẽ bắt đầu với sự hủy diệt của Ba-by-lôn Lớn, đế quốc tôn giáo sai lầm. Sau khi các tổ chức tôn giáo sai lầm bị hủy diệt và trước khi Ha-ma-ghê-đôn bắt đầu, Gót sẽ dốc toàn lực tấn công những người thờ phượng thật.

17, 18. Trong hoạn nạn lớn, Đức Giê-hô-va sẽ lèo lái sự việc như thế nào?

17 Tại sao Gót xâm lăng xứ được khôi phục của những người thờ phượng thanh sạch? Lời tiên tri của Ê-xê-chi-ên tiết lộ hai lý do. Thứ nhất là Đức Giê-hô-va lèo lái sự việc, và thứ hai là động cơ xấu xa của Gót.

18 Đức Giê-hô-va lèo lái sự việc. (Đọc Ê-xê-chi-ên 38:4, 16). Hãy chú ý đến điều Đức Giê-hô-va nói với Gót: “Ta sẽ... đặt móc vào hàm ngươi” và “ta sẽ đem ngươi đến đánh xứ ta”. Phải chăng những lời này có nghĩa là Đức Giê-hô-va sẽ buộc các nước tấn công những người thờ phượng ngài? Dĩ nhiên là không! Ngài không bao giờ khiến điều ác xảy ra cho dân ngài (Gióp 34:12). Nhưng Đức Giê-hô-va hiểu rõ kẻ thù của ngài và biết rằng chúng ghét những người thờ phượng thanh sạch và sẽ không bỏ lỡ cơ hội để cố xóa sổ họ (1 Giăng 3:13). Như thể đặt móc vào hàm của Gót và dẫn đi, Đức Giê-hô-va sẽ lèo lái sao cho các sự việc diễn ra theo ý muốn và thời gian biểu của ngài. Tại một thời điểm nào đó sau khi Ba-by-lôn Lớn bị hủy diệt và bằng một cách nào đó, Đức Giê-hô-va sẽ nhử các nước để họ thực hiện điều có sẵn trong lòng họ. Khi làm thế, ngài đang sắp xếp sự việc để các nước tấn công dân ngài. Cuộc tấn công ấy sẽ dẫn đến Ha-ma-ghê-đôn, là trận chiến lớn nhất trên đất. Rồi Đức Giê-hô-va sẽ giải cứu dân ngài, biểu dương quyền tối thượng và làm thánh danh ngài.—Ê-xê 38:23.

Các nước sẽ cố “đoạt lấy” sự thờ phượng thanh sạch vì căm ghét sự thờ phượng thanh sạch và những ai đẩy mạnh sự thờ phượng ấy

19. Điều gì khiến Gót cố “đoạt lấy” sự thờ phượng thanh sạch?

19 Động cơ xấu xa của Gót. Các nước sẽ “nghĩ ra mưu kế độc ác”. Họ sẽ thể hiện sự giận dữ và thù ghét đã có từ lâu với những người thờ phượng Đức Giê-hô-va, là những người dường như không có khả năng tự vệ, như thể “sống trong làng mạc không có tường, thanh cài hay cổng bảo vệ”. Các nước cũng sẽ háo hức “đoạt lấy nhiều chiến lợi phẩm và của cướp” từ một “dân ngày càng có nhiều của cải” (Ê-xê 38:10-12). “Của cải” nào? Dân Đức Giê-hô-va có nhiều của cải thiêng liêng, tài sản quý giá nhất của chúng ta là sự thờ phượng thanh sạch dành cho một mình ngài. Các nước sẽ cố “đoạt lấy” sự thờ phượng thanh sạch, không phải vì họ quý trọng mà là vì căm ghét sự thờ phượng thanh sạch và những ai đẩy mạnh sự thờ phượng ấy.

Gót “sẽ nghĩ ra mưu kế độc ác” để xóa bỏ sự thờ phượng thanh sạch nhưng sẽ thất bại (Xem đoạn 19)

20. Gót sẽ xâm lăng xứ thiêng liêng, hay địa đàng thiêng liêng, như thế nào?

20 Gót sẽ xâm lăng xứ thiêng liêng, hay địa đàng thiêng liêng, như thế nào? Các nước có thể cố quấy rối đời sống của chúng ta và khiến chúng ta ngưng thờ phượng Đức Chúa Trời. Để làm điều đó, có lẽ họ sẽ cố khiến thức ăn thiêng liêng không đến được với chúng ta, ngăn cản việc nhóm họp và rao truyền thông điệp của Đức Chúa Trời, cũng như cố phá vỡ sự hợp nhất của chúng ta. Những điều họ cố hủy hoại chính là những đặc điểm của địa đàng thiêng liêng. Sa-tan sẽ xúi giục các nước xóa bỏ những người thờ phượng thật và sự thờ phượng thanh sạch khỏi trái đất.

21. Tại sao anh chị biết ơn khi Đức Giê-hô-va cảnh báo chúng ta về điều sắp xảy ra?

21 Cuộc tấn công sắp đến của Gót ở xứ Ma-gót sẽ ảnh hưởng tới tất cả những người thờ phượng thật trong xứ thiêng liêng mà Đức Chúa Trời ban cho. Thật biết ơn khi Đức Giê-hô-va cảnh báo chúng ta về điều sắp xảy ra! Trong khi chờ đợi hoạn nạn lớn, mong sao chúng ta quyết tâm ủng hộ sự thờ phượng thanh sạch, đặt sự thờ phượng ấy lên hàng đầu. Khi làm thế, chúng ta đang góp phần vào vẻ đẹp của xứ được khôi phục. Chúng ta cũng có triển vọng được chứng kiến một điều thật sự tuyệt vời trong tương lai gần: Đức Giê-hô-va sẽ bênh vực dân ngài và danh thánh của ngài tại Ha-ma-ghê-đôn. Chương kế tiếp sẽ giải thích cách ngài làm điều này.

^ đ. 3 Trong chương kế tiếp, chúng ta sẽ xem cơn giận dữ của Đức Giê-hô-va nổi phừng lên cùng Gót ở xứ Ma-gót như thế nào, khi nào và điều đó có ý nghĩa gì với những người thờ phượng thanh sạch.

^ đ. 4 Xin xem “Độc giả thắc mắc” trong Tháp Canh ngày 15-5-2015, trg 29, 30.

^ đ. 8 Đa-ni-ên 11:45 cho biết vua phương bắc sẽ nhắm vào dân Đức Chúa Trời, vì câu này nói rằng vua ấy “sẽ dựng lều trại hoàng gia giữa biển lớn [Địa Trung Hải] và núi thánh của Xứ Vinh Hiển [từng là nơi tọa lạc của đền thờ Đức Chúa Trời và là nơi mà dân ngài thờ phượng]”.

^ đ. 9 Kinh Thánh cũng nhắc đến cuộc tấn công của “người A-si-ri” tân thời, là người sẽ cố xóa sổ dân Đức Chúa Trời (Mi 5:5). Kinh Thánh báo trước bốn cuộc tấn công nhắm vào dân ngài: cuộc tấn công của Gót ở xứ Ma-gót, của vua phương bắc, của các vua trên đất và của người A-si-ri. Có thể bốn cuộc tấn công này đều ám chỉ cùng một cuộc tấn công nhưng được gọi bằng tên khác nhau.

^ đ. 10 Xin xem Chương 22 để biết thông tin về danh tính của “Gót và Ma-gót” được nhắc đến trong Khải huyền 20:7-9.