Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

CHƯƠNG 18

“Cơn giận dữ ta sẽ nổi phừng lên”

“Cơn giận dữ ta sẽ nổi phừng lên”

Ê-XÊ-CHI-ÊN 38:18

TRỌNG TÂM CỦA CHƯƠNG: Cuộc tấn công của Gót khiến cơn giận của Đức Giê-hô-va nổi phừng lên; Đức Giê-hô-va bảo vệ dân ngài trong cuộc chiến Ha-ma-ghê-đôn

1-3. (a) “Cơn giận dữ” của Đức Giê-hô-va dẫn đến kết quả nào? (Xem hình nơi đầu bài). (b) Chúng ta sẽ xem xét điều gì?

Những người nam, người nữ và trẻ em cùng nhau hát bài ca Nước Trời. Rồi một trưởng lão dâng lời cầu nguyện chân thành, nài xin Đức Giê-hô-va che chở. Các thành viên trong hội thánh tin chắc rằng Đức Giê-hô-va sẽ chăm sóc họ. Dù vậy, họ vẫn cần sự an ủi và khích lệ. Bên ngoài có tiếng ầm ĩ của chiến tranh. Ha-ma-ghê-đôn đã bùng nổ!—Khải 16:14, 16.

2 Trong cuộc chiến Ha-ma-ghê-đôn, Đức Giê-hô-va sẽ hành quyết người ta trong “cơn giận dữ” chứ không phải là trong sự lạnh lùng vô cảm. (Đọc Ê-xê-chi-ên 38:18). Ngài sẽ không trút cơn giận với một đạo quân hay một nước, mà sẽ trút cơn giận với vô số người trên toàn cầu. Trong ngày đó, những kẻ bị Đức Giê-hô-va diệt “sẽ đầy từ đầu này cho đến đầu kia của trái đất”.—Giê 25:29, 33.

3 Điều gì khiến Đức Giê-hô-va, Đức Chúa Trời của tình yêu thương, đấng được miêu tả là “thương xót và trắc ẩn, chậm nóng giận”, lại nổi “cơn giận dữ” như thế? (Xuất 34:6; 1 Giăng 4:16). Hãy xem làm thế nào lời giải đáp cho câu hỏi này có thể khiến chúng ta được an ủi rất nhiều, có lòng can đảm và được thúc đẩy để rao giảng.

Điều gì khiến Đức Giê-hô-va nổi “cơn giận dữ”?

4, 5. Cơn giận của Đức Giê-hô-va khác với cơn giận của con người bất toàn như thế nào?

4 Trước hết, chúng ta cần hiểu rằng cơn giận của Đức Giê-hô-va không giống với cơn giận của con người bất toàn. Khi một người hành động trong cơn giận dữ thì thường sẽ mất kiểm soát và điều đó dẫn đến hậu quả tai hại. Chẳng hạn, Ca-in, con trai đầu lòng của A-đam, đã tức giận vì Đức Giê-hô-va không chấp nhận vật tế lễ của ông nhưng lại chấp nhận lễ vật của A-bên. Kết quả là gì? Ca-in giết em trai công chính của mình (Sáng 4:3-8; Hê 11:4). Cũng hãy nghĩ đến Đa-vít, là một người làm vừa lòng Đức Giê-hô-va (Công 13:22). Ngay cả người đàn ông có tâm tốt này cũng suýt phạm một tội khủng khiếp khi biết chủ đất giàu có là Na-banh sỉ nhục ông và người của ông. Đa-vít và người của ông vô cùng tức giận. Họ “đeo gươm vào” và không chỉ muốn giết tên Na-banh vô ơn mà còn định giết mọi người nam trong nhà hắn. Thật tốt khi vợ của Na-banh là A-bi-ga-in đã thuyết phục được Đa-vít và người của ông không báo thù (1 Sa 25:9-14, 32, 33). Đức Giê-hô-va có lý do chính đáng để soi dẫn Gia-cơ viết: “Sự nóng giận của con người không đem lại sự công chính của Đức Chúa Trời”.—Gia 1:20.

Cơn giận của Đức Giê-hô-va luôn nằm trong tầm kiểm soát của ngài và chúng ta có thể hiểu rõ tại sao ngài giận

5 Trái với con người, Đức Giê-hô-va luôn kiểm soát cơn giận dữ của ngài, và chúng ta có thể hiểu rõ tại sao ngài giận. Ngay cả khi nổi cơn giận dữ, ngài cũng hành động công chính. Khi chiến đấu với kẻ thù, ngài không bao giờ “diệt người công chính chung với kẻ gian ác” (Sáng 18:22-25). Ngoài ra, Đức Giê-hô-va nổi giận chỉ khi có lý do chính đáng. Hãy xem hai lý do khiến ngài nổi giận và những bài học mà chúng ta có thể rút ra.

6. Đức Giê-hô-va phản ứng thế nào khi danh ngài bị xúc phạm?

6 Lý do: Danh Đức Giê-hô-va bị xúc phạm. Những người tự xưng là đại diện cho Đức Giê-hô-va nhưng lại hành động gian ác thì bôi nhọ thanh danh của ngài và khiến ngài nổi giận một cách chính đáng (Ê-xê 36:23). Như đã thảo luận trong những chương trước, nước Y-sơ-ra-ên đã khiến danh ngài bị sỉ nhục một cách thậm tệ. Thật dễ hiểu khi thái độ và hành động của họ khiến Đức Giê-hô-va nổi giận. Nhưng ngài không bao giờ nổi giận một cách mất kiểm soát. Ngài luôn trừng phạt dân ngài đúng mức (Giê 30:11). Sau khi đạt được mục đích của sự trừng phạt, Đức Giê-hô-va không còn căm giận nữa.—Thi 103:9.

7, 8. Chúng ta học được những bài học nào từ cách Đức Giê-hô-va đối xử với dân Y-sơ-ra-ên?

7 Bài học: Cách Đức Giê-hô-va đối xử với dân Y-sơ-ra-ên cho chúng ta một lời cảnh báo nghiêm túc. Giống như dân Y-sơ-ra-ên xưa, chúng ta có đặc ân mang danh Đức Giê-hô-va. Chúng ta là Nhân Chứng Giê-hô-va (Ê-sai 43:10). Lời nói và hành động của chúng ta ảnh hưởng đến điều người ta nghĩ về Đức Chúa Trời. Chúng ta không bao giờ muốn có những hành vi trâng tráo và làm danh của Đức Giê-hô-va bị sỉ nhục. Những hành vi giả hình như thế sẽ khiến Đức Giê-hô-va nổi giận và sớm muộn gì, ngài cũng sẽ hành động để bảo vệ thanh danh của ngài.—Hê 3:13, 15; 2 Phi 2:1, 2.

8 Lời cảnh báo về việc Đức Giê-hô-va có thể nổi “cơn giận dữ” có ngăn cản chúng ta đến gần ngài không? Không. Chúng ta biết rằng Đức Giê-hô-va là đấng kiên nhẫn và rộng lòng thứ tha (Ê-sai 55:7; Rô 2:4). Nhưng chúng ta cũng hiểu rằng ngài không mềm yếu. Thực tế, chúng ta vun trồng thái độ tôn kính đối với Đức Giê-hô-va vì biết rằng cơn giận của ngài sẽ nổi phừng lên với những người cứng lòng và tiếp tục phạm tội. Ngài sẽ không để những người như thế tiếp tục được kết hợp với dân ngài (1 Cô 5:11-13). Đức Giê-hô-va cho chúng ta biết rõ điều khiến ngài nổi giận. Vì thế, chúng ta cần tránh thái độ và hành động chọc giận ngài.—Giăng 3:36; Rô 1:26-32; Gia 4:8.

9, 10. Đức Giê-hô-va phản ứng thế nào khi dân trung thành của ngài bị đe dọa? Hãy nêu ví dụ.

9 Lý do: Dân trung thành của Đức Giê-hô-va bị đe dọa. Đức Giê-hô-va bị chọc giận khi kẻ thù tấn công những người trung thành tìm kiếm sự che chở của ngài. Chẳng hạn, sau khi dân Y-sơ-ra-ên rời Ai Cập, Pha-ra-ôn và đội quân hùng hậu của hắn đã đuổi theo dân dường như bất lực, lúc đó đang đứng trước Biển Đỏ. Nhưng khi đội quân hùng hậu này tiến gần đến dân Y-sơ-ra-ên và đang băng qua đáy biển khô ráo, Đức Giê-hô-va tháo bánh xe của các chiến xa và ném quân Ai Cập vào lòng biển. Kinh Thánh cho biết: “Ngài không để một ai sống sót” (Xuất 14:25-28). Vì “tình yêu thương thành tín” dành cho dân ngài nên Đức Giê-hô-va nổi giận với quân Ai Cập.—Đọc Xuất Ai Cập 15:9-13.

Vào thời Ê-xê-chia, một thiên sứ đã bảo vệ dân của Đức Chúa Trời khỏi quân A-si-ri. Tương tự, các thiên sứ cũng sẽ che chở chúng ta (Xem đoạn 10, 23)

10 Tương tự, vào thời vua Ê-xê-chia, tình yêu thương của Đức Giê-hô-va dành cho dân ngài thúc đẩy ngài hành động. Quân A-si-ri, lực lượng quân đội hùng hậu và tàn bạo nhất lúc đó, đã tiến đến thành Giê-ru-sa-lem. Họ đe dọa tôi tớ trung thành của Đức Giê-hô-va bằng cách nói rằng sẽ có một cuộc vây hãm dẫn đến cái chết từ từ và khủng khiếp (2 Vua 18:27). Đáp lại lời đe dọa đó, Đức Giê-hô-va đã phái một thiên sứ đến giết 185.000 quân thù chỉ trong một đêm! (2 Vua 19:34, 35). Hãy hình dung cảnh tượng trong trại quân A-si-ri vào buổi sáng hôm sau. Gươm, giáo và khiên nằm yên một chỗ. Không có tiếng kèn báo hiệu để đánh thức đội quân. Không có lệnh triệu tập quân lính. Sự yên lặng đến lạ thường bao trùm trại quân. Xác chết nằm la liệt khắp nơi.

11. Những trường hợp cho thấy cách Đức Giê-hô-va phản ứng khi dân ngài bị đe dọa giúp chúng ta được an ủi và thêm can đảm như thế nào?

11 Bài học: Những trường hợp trên cho thấy cách Đức Giê-hô-va phản ứng khi dân ngài bị đe dọa, qua đó cung cấp một lời cảnh báo mạnh mẽ cho kẻ thù của chúng ta: “Rơi vào tay Đức Chúa Trời hằng sống quả là điều đáng sợ” khi ngài bị chọc giận (Hê 10:31). Nhưng đối với chúng ta, những trường hợp này mang lại sự an ủi và giúp chúng ta thêm can đảm. Chúng ta được an ủi vì biết rằng kẻ thù chính của mình là Sa-tan sẽ không thành công. Không lâu nữa, “thời gian ngắn” mà hắn cai trị sẽ chấm dứt (Khải 12:12). Từ giờ đến lúc đó, chúng ta có thể can đảm phụng sự Đức Giê-hô-va và tin chắc rằng không cá nhân, tổ chức hay chính phủ nào có thể ngăn cản chúng ta thực thi ý muốn của Đức Chúa Trời. (Đọc Thi thiên 118:6-9). Sứ đồ Phao-lô thể hiện niềm tin chắc như thế qua những lời được soi dẫn sau: “Nếu Đức Chúa Trời ở với chúng ta thì ai có thể chống lại chúng ta?”.—Rô 8:31.

12. Trong hoạn nạn lớn, điều gì sẽ khiến cơn giận dữ của Đức Giê-hô-va nổi phừng lên?

12 Trong hoạn nạn lớn sắp đến, Đức Giê-hô-va sẽ hành động để bảo vệ chúng ta giống như ngài đã làm khi dân Y-sơ-ra-ên bị quân Ai Cập dồn vào đường cùng, và khi người Do Thái ở Giê-ru-sa-lem bị quân A-si-ri vây hãm. Tình yêu thương sâu đậm của Đức Giê-hô-va dành cho chúng ta sẽ khiến cơn giận của ngài nổi phừng lên khi kẻ thù cố hủy diệt chúng ta. Những kẻ dại dột tấn công chúng ta như thể đang đụng đến con ngươi mắt Đức Giê-hô-va. Ngài sẽ phản ứng một cách nhanh chóng và quyết đoán (Xa 2:8, 9). Đó sẽ là một sự hủy diệt chưa từng xảy ra. Nhưng những kẻ thù của Đức Giê-hô-va không có lý do gì để ngạc nhiên khi ngài trút cơn thịnh nộ trên họ. Tại sao?

Đức Giê-hô-va đưa ra những lời cảnh báo nào?

13. Đức Giê-hô-va đưa ra những lời cảnh báo nào?

13 Đức Giê-hô-va “chậm nóng giận” và nhiều lần cảnh báo rằng ngài sẽ hủy diệt những ai chống lại ngài và đe dọa dân ngài (Xuất 34:6, 7). Đức Giê-hô-va đã dùng những nhà tiên tri như Giê-rê-mi, Ê-xê-chi-ên, Đa-ni-ên, Chúa Giê-su Ki-tô cũng như sứ đồ Phi-e-rơ, Phao-lô và Giăng để cảnh báo về một trận chiến lớn mang tính quyết định.—Xin xem khung “Đức Giê-hô-va cảnh báo về trận chiến lớn sắp đến”.

14, 15. Đức Giê-hô-va đã thực hiện những công việc nào, và tại sao?

14 Đức Giê-hô-va cho ghi lại những lời cảnh báo đó trong Kinh Thánh. Ngài đảm bảo rằng sách này được dịch sang nhiều thứ tiếng nhất và phân phát rộng rãi nhất trong lịch sử. Trên khắp trái đất, ngài dấy lên một đạo quân những người tình nguyện giúp người khác biết cách hòa thuận với Đức Chúa Trời. Họ cũng cảnh báo về “ngày lớn của Đức Giê-hô-va” sắp đến (Xô 1:14; Thi 2:10-12; 110:3). Đức Chúa Trời đã thúc đẩy dân ngài dịch các ấn phẩm học hỏi Kinh Thánh sang hàng trăm ngôn ngữ và dành hàng trăm triệu giờ mỗi năm để chia sẻ về những lời hứa và lời cảnh báo được ghi lại trong Kinh Thánh.

15 Đức Giê-hô-va khiến những công việc này được thực hiện “vì chẳng muốn bất cứ ai bị hủy diệt mà muốn mọi người đều ăn năn” (2 Phi 3:9). Quả là một đặc ân khi được đại diện cho Đức Chúa Trời yêu thương và kiên nhẫn của chúng ta cũng như được góp phần nhỏ bé vào việc rao truyền thông điệp của ngài! Tuy nhiên, chẳng bao lâu nữa những người lờ đi các lời cảnh báo ấy sẽ không còn cơ hội để thay đổi.

Khi nào cơn giận của Đức Giê-hô-va “nổi phừng lên”?

16, 17. Đức Giê-hô-va đã định một ngày cho trận chiến cuối cùng chưa? Hãy giải thích.

16 Đức Giê-hô-va đã định một ngày cho trận chiến cuối cùng. Ngài biết trước khi nào cuộc tấn công nhắm vào dân ngài sẽ nổ ra (Mat 24:36). Làm thế nào Đức Giê-hô-va biết thời điểm kẻ thù tấn công dân ngài?

17 Như chúng ta đã thấy trong chương trước, Đức Giê-hô-va bảo Gót: “Ta sẽ... đặt móc vào hàm ngươi”. Ngài sẽ dẫn các nước đến trận chiến mang tính quyết định (Ê-xê 38:4). Điều đó không có nghĩa là Đức Giê-hô-va gây ra trận chiến này và cũng không có nghĩa là ngài lấy đi sự tự do ý chí của những người chống lại ngài. Thay vì thế, điều đó có nghĩa là Đức Giê-hô-va có thể đọc được lòng và biết được kẻ thù của ngài sẽ phản ứng ra sao trước hoàn cảnh cụ thể nào đó.—Thi 94:11; Ê-sai 46:9, 10; Giê 17:10.

18. Tại sao con người sẽ gây chiến với Đấng Toàn Năng?

18 Nếu Đức Giê-hô-va không khiêu chiến hoặc buộc những kẻ chống lại ngài phải tham chiến thì tại sao con người lại tự đặt mình vào tình thế chiến đấu với Đấng Toàn Năng? Một lý do là đến thời điểm đó trong lịch sử, rất có thể họ sẽ tự thuyết phục rằng Đức Chúa Trời không hiện hữu hoặc ngài không can thiệp vào các sự việc của con người. Có lẽ họ sẽ nghĩ như vậy vì họ vừa mới xóa sổ tất cả các tổ chức tôn giáo sai lầm trên đất. Họ có thể lý luận rằng nếu Đức Chúa Trời hiện hữu, chắc hẳn ngài đã bảo vệ các tổ chức tự nhận là đại diện cho ngài. Họ sẽ không nhận ra rằng chính Đức Chúa Trời đã đặt vào lòng họ ý tưởng xóa sổ các tôn giáo xuyên tạc sự thật về ngài.—Khải 17:16, 17.

19. Rất có thể điều gì sẽ xảy ra sau khi tôn giáo sai lầm bị hủy diệt?

19 Một thời điểm nào đó sau khi tôn giáo sai lầm bị hủy diệt, rất có thể Đức Giê-hô-va dùng dân ngài để rao truyền thông điệp mạnh mẽ, là thông điệp được sách Khải huyền ví như những cục mưa đá nặng khoảng 20kg (Khải 16:21, chú thích). Thông điệp này có thể là một lời tuyên bố rằng hệ thống chính trị và thương mại sắp chấm dứt. Những người nghe thông điệp cảm thấy khổ sở đến mức phỉ báng Đức Chúa Trời. Rất có thể chính thông điệp này chọc giận các nước khiến họ dốc toàn lực tấn công dân của Đức Chúa Trời để chúng ta phải im lặng một lần và mãi mãi. Họ sẽ nghĩ rằng chúng ta không có sự che chở và dễ bị hủy diệt. Đó quả là sai lầm!

Đức Giê-hô-va sẽ thể hiện cơn giận dữ như thế nào?

20, 21. Gót là ai, và điều gì sẽ xảy ra với hắn?

20 Như chúng ta đã thấy trong Chương 17, Ê-xê-chi-ên dùng một danh mang tính tiên tri là “Gót ở xứ Ma-gót” để nói đến liên minh các nước tấn công chúng ta (Ê-xê 38:2). Nhưng mối liên kết giữa các thành viên của liên minh này rất lỏng lẻo. Dù bề ngoài họ có vẻ hợp tác với nhau, nhưng tinh thần thù địch, kiêu ngạo và tham vọng vẫn tồn tại trong vòng các nước ấy. Đức Giê-hô-va sẽ dễ dàng khiến gươm của họ “đánh anh em mình” (Ê-xê 38:21). Nhưng sự hủy diệt của các nước không phải là một thảm họa do con người gây ra.

21 Trước khi bị hủy diệt, kẻ thù của chúng ta sẽ thấy dấu hiệu của Con Người, rất có thể đó là một hiện tượng siêu nhiên cho thấy quyền năng của Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su (Mat 24:30). Những kẻ chống đối sẽ thấy những điều khiến họ vô cùng lo âu. Như Chúa Giê-su báo trước, “người ta ngất xỉu vì thất kinh và thấp thỏm chờ đợi những gì sẽ xảy đến trên đất” (Lu 21:25-27). Họ sợ hãi khi nhận ra việc tấn công dân của Đức Giê-hô-va là sự tính toán sai lầm. Họ sẽ bị buộc phải nhìn nhận vai trò của Đấng Tạo Hóa là tướng chỉ huy quân đội, tức Đức Giê-hô-va vạn quân (Thi 46:6-11; Ê-xê 38:23). Hẳn Đức Giê-hô-va sẽ dùng đạo quân trên trời và lực thiên nhiên để bảo vệ các tôi tớ trung thành và hủy diệt kẻ thù của ngài.—Đọc 2 Phi-e-rơ 2:9.

Khi dân của Đức Giê-hô-va bị đe dọa, ngài sẽ dùng đạo quân trên trời để trút cơn thịnh nộ của ngài (Xem đoạn 21)

22, 23. Ai sẽ bảo vệ dân Đức Chúa Trời, và hẳn họ cảm thấy thế nào về công việc của mình?

Sự hiểu biết của chúng ta về ngày của Đức Giê-hô-va nên thúc đẩy chúng ta làm gì?

22 Hãy nghĩ đến việc Chúa Giê-su cảm thấy hào hứng thế nào khi dẫn đầu cuộc chiến chống lại kẻ thù của Đức Chúa Trời cũng như bảo vệ những người yêu mến và phụng sự Cha ngài. Cũng hãy nghĩ đến cảm xúc của những người được xức dầu. Tại một thời điểm nào đó trước khi Ha-ma-ghê-đôn bắt đầu, những người được xức dầu còn sót lại trên đất sẽ được lên trời để tất cả 144.000 người cùng Chúa Giê-su chiến đấu (Khải 17:12-14). Hẳn nhiều người được xức dầu có tình bạn mật thiết với các thành viên thuộc chiên khác khi họ kề vai sát cánh làm việc với nhau trong những ngày sau cùng. Lúc đó, những người được xức dầu sẽ có cả quyền hành lẫn quyền năng để bảo vệ những ai đã hỗ trợ họ một cách trung thành trong khi họ gặp thử thách.—Mat 25:31-40.

23 Các thiên sứ cũng sẽ là một phần của đạo quân trên trời do Chúa Giê-su lãnh đạo (2 Tê 1:7; Khải 19:14). Họ từng giúp ngài đuổi Sa-tan và các quỷ khỏi trời (Khải 12:7-9). Họ cũng giúp thu nhóm những người trên đất muốn thờ phượng Đức Giê-hô-va (Khải 14:6, 7). Thật thích hợp khi Đức Giê-hô-va để cho các thiên sứ bảo vệ những người trung thành này! Điều quan trọng nhất là tất cả đạo quân của Đức Giê-hô-va đều vinh dự khi được làm thánh danh và biện minh cho thanh danh của ngài qua việc hủy diệt kẻ chống đối ngài.—Mat 6:9, 10.

24. Đám đông lớn thuộc các chiên khác sẽ phản ứng ra sao?

24 Với sự che chở của một đội quân hùng hậu và có động lực mạnh mẽ như thế, đám đông lớn thuộc các chiên khác sẽ không cần phải sợ hãi. Thực tế, họ sẽ “đứng thẳng và ngước đầu lên vì sự giải cứu của [họ] đang đến gần” (Lu 21:28). Trước khi ngày của Đức Giê-hô-va đến, thật quan trọng khi chúng ta giúp càng nhiều người càng tốt biết đến và yêu thương Cha đầy lòng thương xót và quan tâm của chúng ta!—Đọc Xô-phô-ni 2:2, 3.

Trong Ha-ma-ghê-đôn, dân của Đức Giê-hô-va sẽ không chiến đấu. Các thiên sứ sẽ bảo vệ họ trong khi những kẻ tấn công quay sang chống lại nhau.—Ê-xê 38:21 (Xem đoạn 22-24)

25. Trong chương tới, chúng ta sẽ thảo luận điều gì?

25 Các cuộc chiến của con người luôn để lại hậu quả là sự hỗn loạn và đau khổ. Trái lại, Ha-ma-ghê-đôn sẽ đem đến sự trật tự và hạnh phúc. Mọi thứ sẽ ra sao khi cơn giận dữ của Đức Giê-hô-va qua đi, khi gươm của những chiến binh được tra vào vỏ và khi không còn tiếng ồn ào của trận chiến lớn đó nữa? Trong chương tới, chúng ta sẽ thảo luận về tương lai tuyệt vời đó.