BÀI 23
Tin mừng về Nước Trời lan rộng khắp đất
Sứ đồ Phao-lô thực hiện những chuyến hành trình truyền giáo bằng đường bộ và đường thủy
Sau khi cải đạo, sứ đồ Phao-lô hăng hái loan báo tin mừng về Nước Trời. Trước đây, ông là người chống đối các môn đồ của Chúa Giê-su, nhưng nay chính ông bị chống đối dữ dội. Với lòng nhiệt huyết, ông thực hiện những chuyến hành trình xa để truyền bá tin mừng về Nước Trời, là chính phủ sẽ thực thi ý định ban đầu của Đức Chúa Trời.
Trong chuyến hành trình đầu tiên, tại thành Lít-trơ, Phao-lô chữa lành một người què bẩm sinh. Đám đông hô rằng Phao-lô và bạn đồng hành có tên Ba-na-ba là các vị thần. Khó khăn lắm hai người mới ngăn được dân chúng dâng lễ vật cho mình. Tuy nhiên khi bị kẻ thù của Phao-lô kích động, đám đông ném đá ông đến khi nghĩ ông đã chết thì bỏ đi. Nhưng ông sống sót và ít lâu sau đó ông trở lại thành ấy để khuyến khích các tín đồ, làm họ vững lòng.
Giữa các tín đồ thời đó nảy sinh một vấn đề. Một số tín đồ người Do Thái đòi hỏi anh em đồng đạo thuộc dân khác phải tuân thủ vài quy định của Luật Pháp Môi-se. Vì thế, sứ đồ Phao-lô trình vấn đề này lên các sứ đồ và trưởng lão ở Giê-ru-sa-lem. Sau khi xem kỹ Kinh Thánh và nhờ hướng dẫn của thánh linh Đức Chúa Trời, những người này viết thư cho các hội thánh. Họ răn bảo anh em phải tránh thờ hình tượng, ăn huyết, thịt thú vật không cắt tiết, và tà dâm. Ấy là những điều cần thiết, và không đòi hỏi phải tuân thủ Luật Pháp Môi-se.—Công-vụ 15:28, 29.
Trong chuyến hành trình truyền giáo thứ hai, Phao-lô đến thành Bê-rê, nay thuộc Hy Lạp. Người Do Thái sống tại đó nhiệt tình hưởng ứng tin mừng, ngày nào cũng tra cứu Kinh Thánh để xem lời giảng của Phao-lô có đúng không. Nhưng, một lần nữa Phao-lô gặp sự chống đối và buộc phải rời khỏi thành Bê-rê. Lần này ông đi đến thành A-thên. Tại đây, ông nói bài giảng hùng hồn trước một nhóm người có học thức. Đến nay, đó vẫn là bài giảng mẫu về cách diễn đạt tế nhị, khéo léo và có sức thuyết phục.
Sau chuyến hành trình thứ ba, Phao-lô đến Giê-ru-sa-lem. Khi ông đang ở trong đền thờ, một số người Do Thái kích động dân gây náo loạn hầu giết ông. Nhưng lính La Mã can thiệp và giam giữ để chất vấn ông. Vì là công dân La Mã, Phao-lô có cơ hội biện hộ cho mình trước quan tổng đốc La Mã Phê-lít. Những kẻ chống Phao-lô không có bằng chứng nào để buộc tội ông. Sau đó, để cản một quan tổng đốc La Mã khác tên là Phê-tu giao ông cho người Do Thái, Phao-lô nói: “Tôi kêu-nài sự đó đến [hoàng đế] Sê-sa”. Phê-tu trả lời: “Chắc sẽ đến nơi Sê-sa”.—Công-vụ 25:11, 12.
Phao-lô được đưa lên thuyền đến nước Ý để hầu tòa. Trên đường đi, thuyền bị đắm nên ông phải ở lại đảo Man-tơ trong suốt mùa đông. Cuối cùng, ông cũng đến được thành Rô-ma và bị giam lỏng ở đó trong hai năm tại căn nhà thuê. Mặc dù bị lính canh gác, sứ đồ Phao-lô một lòng sốt sắng tiếp tục giảng về Nước của Đức Chúa Trời cho tất cả những ai đến thăm.
—Dựa trên Công-vụ 11:22–28:31.