Định mệnh hay chỉ là sự rủi ro?
Định mệnh hay chỉ là sự rủi ro?
“ĐỊNH MỆNH cướp đi mạng sống của nhiều người nhưng lại tha những người khác”, tờ International Herald Tribune tuyên bố. Năm ngoái, hai cuộc khủng bố nhằm vào tòa đại sứ Hoa Kỳ ở Kenya và Tanzania đã giết chết gần 200 người và gây thương tích cho hàng trăm người khác. Tuy nhiên, tờ báo này viết rằng “thời cơ che chở hầu hết các nhà ngoại giao cao cấp của tòa đại sứ”.
Mạng sống những người này được bảo toàn vì họ đi họp trong một khu của tòa nhà cách xa vụ nổ. Nhưng có một viên chức cao cấp của tòa đại sứ ở trong khu gần vụ nổ hơn đã bị thương vong; bình thường thì ông tham dự buổi họp nhưng lần này thì không.
“Định mệnh cũng ác nghiệt với Arlene Kirk”, tờ báo trên nói. Trên đường trở về Kenya sau kỳ nghỉ hè, Arlene tự nguyện nhường chỗ của mình trên chuyến bay quá đông người. Tuy nhiên, có những hành khách khác đã nhường chỗ trước, vì vậy bà đã đáp chuyến bay. Rốt cuộc, bà trở lại làm việc ở tòa đại sứ vào ngày có vụ nổ bom và bị chết.
Con người không xa lạ gì với tai họa. Dù vậy, giải thích thảm họa thì lại không bao giờ dễ dàng. Thông thường trong các tai nạn và đại họa trên khắp thế giới, một số người chết trong khi những người khác lại sống sót. Tuy nhiên, không phải chỉ vào những lúc có tai họa một số người mới tự hỏi: ‘Tại sao lại là tôi?’ Ngay cả khi xét đến những điều thuận lợi trong đời sống, dường như một số người có cơ may tốt hơn người khác. Mặc dù đối với nhiều người đời sống là chuỗi ngày gian lao, nhưng với những người khác thì dường như mọi điều đều dễ dàng thuận lợi. Vì thế, bạn có thể hỏi: ‘Có thể nào tất cả những điều này đã được định sẵn bằng một cách nào đó không? Định mệnh có chi phối đời tôi không?’
Tìm lời giải thích
Khoảng 3.000 năm trước đây, một vị vua khôn ngoan quan sát những điều bất ngờ xảy ra chung quanh mình. Ông đưa ra lời giải thích sau về những sự kiện này: “Thời-thế và cơ-hội [“sự bất trắc”, NW] xảy đến cho mọi người”. (Truyền-đạo 9:11) Đôi lúc những điều bất ngờ xảy đến. Tuyệt nhiên không có cách nào đoán trước được. Những sự việc đáng chú ý, cả tốt lẫn xấu, rốt cuộc thường là vấn đề thời cơ.
Tuy nhiên, thay vì giải thích nguyên do mọi việc là sự ngẫu nhiên, thì có những người cho rằng có bàn tay của một lực khác đang hoạt động—định mệnh. Bạn có thể có cùng quan điểm như họ. Tin vào định mệnh hay vận mệnh là một trong những niềm tin tôn giáo lâu đời nhất và phổ biến nhất của con người. Giáo Sư François Jouan, giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Thần Thoại thuộc Đại Học Paris, nói: “Không có thời đại nào hay nền văn minh nào mà người ta không tin rằng một thần thánh nào đó có quyền định đoạt vận mệnh... để giải thích tất cả những gì không thể giải thích nổi trong đời sống chúng ta”. Đó là tại sao chúng ta thường nghe người ta nói: “Ông ấy chưa tới số” hay là: “Số trời đã định”. Nhưng định mệnh là gì?
Định nghĩa định mệnh
Từ ngữ “định mệnh” có nghĩa là “số mệnh do một lực lượng huyền bí định sẵn”. Mặc dù đôi lúc người ta nghĩ rằng một lực ngẫu nhiên định đoạt tương lai bằng một cách mà không ai tránh được và giải thích nổi, nhưng phần lớn người ta lại nghĩ lực này là một thần thánh.
Sử gia về tôn giáo Helmer Ringgren giải thích: “Khía cạnh chính trong quan niệm tôn giáo là ý nghĩ cho rằng vận mệnh con người không phải là vô nghĩa hay ngẫu nhiên, nhưng do một quyền lực gây ra; và ta có thể gán cho quyền lực này chủ tâm và ý định”. Mặc dù người ta thường nghĩ họ có thể làm chủ được phần nào, nhưng nhiều người xem con người như những quân tốt tương đối bất lực trong một trận đấu cờ ngoài vòng kiểm soát của họ. Vì thế họ ‘đành thủ phận’.
Từ lâu, các nhà thần học và triết gia cố công giải thích định mệnh. Sách The Encyclopedia of Religion nói: “Khái niệm về định mệnh, dù dưới biến thể, ngôn từ, hay sắc thái nghĩa nào đi nữa, cũng luôn chứa đựng yếu tố huyền bí cơ bản của nó”. Tuy nhiên, những ý tưởng rắc rối này đều có chung một khái niệm cho rằng một quyền lực siêu nhân nào đó kiểm soát và hướng dẫn sự việc của con người. Người ta nghĩ rằng lực này định đoạt trước đời sống từng cá nhân và cả quốc gia, khiến không thể tránh được tương lai cũng như đã không tránh được quá khứ.
Một yếu tố quyết định
Việc bạn tin nơi định mệnh có quan trọng không? “Hoàn cảnh trong đời sống người ta quyết định phần nhiều triết lý của họ, nhưng ngược lại triết lý của họ quyết định phần nhiều hoàn cảnh của họ”, triết gia người Anh Bertrand Russell viết.
Thật thế, niềm tin nơi định mệnh—dù thật sự có định mệnh hay không—có thể quyết định cách chúng ta hành động. Vì tin rằng định mệnh là ý muốn của thần thánh mà nhiều người thụ động cam chịu hoàn cảnh của mình—dù nó bất công hay áp bức đến đâu—như thể là số phận đời mình không thể thay đổi được. Như thế, niềm tin nơi định mệnh làm suy yếu đi khái niệm về trách nhiệm cá nhân.
Mặt khác, niềm tin nơi vận mệnh thúc đẩy những người khác đi theo hướng ngược lại. Thí dụ, khi truy nguyên sự phát triển của chủ nghĩa tư bản và cuộc cách mạng kỹ nghệ, các sử gia quy về một số yếu tố. Một trong số đó là niềm tin nơi sự tiền định. Một số tôn giáo Tin Lành dạy rằng Đức Chúa Trời định trước sự cứu rỗi cho người ta. Nhà xã hội học người Đức Max Weber nói: “Sớm muộn mọi tín đồ sẽ đặt câu hỏi: ‘Tôi có phải là một trong những người được chọn không?’ ” Người ta cố tìm xem họ có phước của Đức Chúa Trời không và nhờ thế mà được sự cứu rỗi tiền định. Weber biện luận rằng họ làm điều này qua “hoạt động thế tục”. Thành công trong thương mại và tích lũy của cải được xem là dấu hiệu ân huệ của Đức Chúa Trời.
Niềm tin nơi định mệnh đẩy một số người đến những hành động cực đoan. Trong thế chiến thứ hai, phi công cảm tử người Nhật tin nơi kamikaze, hay “thần phong”. Ý niệm cho rằng các thần thánh có ý định và người ta có thể đóng một vai trò trong ý định này đã khiến cái chết khủng khiếp đó thêm màu tôn giáo. Trong thập kỷ vừa qua, báo chí thường đăng những hàng tít lớn về những người đánh bom cảm tử ở Trung Đông với những cuộc tấn công khủng khiếp của họ. Thuyết định mệnh đóng một vai trò quan trọng trong những “cuộc tấn công cảm tử do tôn giáo khích động”, một từ điển bách khoa lưu ý.
Nhưng tại sao niềm tin nơi định mệnh lại phổ thông đến thế? Vắn tắt xem xét nguồn gốc của nó sẽ cung cấp lời giải đáp.