Đứng vững trong thời quốc xã chiếm đóng Hà Lan
Đứng vững trong thời quốc xã chiếm đóng Hà Lan
VIỆN Bảo Tàng Hoa Kỳ kỷ niệm cuộc tàn sát tập thể (United States Holocaust Memorial Museum) trưng bày bộ sưu tập lớn nhất thế giới về các đồ tạo tác và phim tài liệu nói lên tội ác của Quốc Xã trong Thế Chiến II. Kể từ khi mở cửa đón tiếp công chúng vào năm 1993, khoảng 12 triệu người đã đến thăm nơi triển lãm ngày càng phổ biến này tại thủ đô Washington, D.C.
Viện Bảo Tàng cũng trưng bày một số tài liệu về sự bắt bớ gay gắt mà Nhân Chứng Giê-hô-va đã phải chịu đựng dưới chế độ Quốc Xã. Ngoài những cuộc triển lãm thường trực có giới hạn, Viện Bảo Tàng này cũng đã giới thiệu một loạt chương trình đặc biệt về Nhân Chứng Giê-hô-va. Các chương trình này đã nêu lên những gương mẫu rõ rệt về sự chịu đựng và lòng trung kiên của Nhân Chứng Giê-hô-va. Ngày 8 tháng 4 năm 1999, Viện Bảo Tàng đã bảo trợ một chương trình đặc biệt mang tựa đề “Nhân Chứng Giê-hô-va tại Hà Lan trong thời Quốc Xã chiếm đóng”. Chương trình này được tổ chức tại hai thính phòng lớn của Viện Bảo Tàng.
Chương trình khai mạc với lời nhận xét mở đầu của bà Sara Jane Bloomfield, giám đốc điều hành của Viện Bảo Tàng. Bà Bloomfield bày tỏ sự quan tâm thành thực đến câu chuyện về Nhân Chứng Giê-hô-va. Trong cuộc phỏng vấn của tạp chí Tỉnh Thức!, bà cho biết hiện đang có nhiều cố gắng nâng cao sự hiểu biết của công chúng về lòng trung kiên của Nhân Chứng Giê-hô-va trước sự bắt bớ. Bà nói: “Những chương trình như thế này được loan báo bằng cùng phương tiện như những chương trình quan trọng khác được tổ chức tại Viện Bảo Tàng”.
Nhiều sử gia đã hiện diện và cùng tham dự chương trình tối hôm ấy. Trong số đó có Tiến Sĩ Lawrence Baron, giáo sư về lịch sử Đức và Do Thái hiện đại, thuộc Đại Học San Diego. Trong bài thuyết trình, Tiến Sĩ phát biểu rằng “Nhân Chứng Giê-hô-va đáng khâm phục vì đã không đồng lõa chút nào với Đệ Tam Quốc Xã”. Ông lưu ý rằng các Nhân Chứng “đặt lòng tin nơi Đức Chúa Trời lên trên các yêu sách của Quốc Xã. Họ xem việc đề cao sự lãnh đạo của Hitler như một hình thức thờ phượng thế tục và không chấp nhận tôn sùng Hitler qua lời chào Quốc Xã bằng cách hô to: ‘Heil Hitler’... Vì Đức Chúa Trời truyền cho họ phải yêu thương người lân cận và không được giết người, nên họ không tham gia nghĩa vụ quân sự... Khi Đệ Tam Quốc Xã ra lệnh cho họ phải đình chỉ thánh chức, thì câu trả lời điển hình của các Nhân Chứng là: ‘Thà vâng lời Đức Chúa Trời còn hơn vâng lời người ta’ ”. Vì thế, nhiều Nhân Chứng tại các nước Âu Châu đã bị đưa vào trại tập trung, bị tra tấn, và ngay cả bị hành quyết nữa.
Viện Bảo Tàng đã mời những nhà nghiên cứu người Hà Lan và một nhóm người đã sống sót sau cuộc tàn sát tập thể để cung cấp những trường hợp về việc Quốc Xã đã bắt bớ Nhân Chứng tại Hà Lan. Ngày 29 tháng 3 năm 1940, ít lâu sau khi Quốc Xã chiếm đóng Hà Lan, khoảng 500 Nhân Chứng Giê-hô-va đã bị cấm chỉ tại xứ này. Trong những tháng tiếp theo,
hàng trăm Nhân Chứng bị bắt giữ. Chính quyền đã tra tấn những người bị bắt hòng buộc họ khai tên những Nhân Chứng khác. Vào giai đoạn cuối chiến tranh, hơn 450 Nhân Chứng đã bị bắt giữ. Trong số này, hơn 120 người chết vì bị ngược đãi.Một nhà nghiên cứu người Hà Lan giải thích rằng trong các tài liệu lưu trữ ở văn phòng chi nhánh tại Hà Lan của Hội Tháp Canh có “trên 170 cuộc phỏng vấn ghi lại trên băng video và 200 văn bản tiểu sử của Nhân Chứng Giê-hô-va người Hà Lan đã sống sót sau cuộc tàn sát tập thể. Tất cả những điều này cho thấy động cơ thúc đẩy các Nhân Chứng chính là lòng yêu mến của họ đối với Đức Chúa Trời và người đồng loại”.
Nhiều diễn giả nhấn mạnh một sự kiện đó là không như những nhóm khác là mục tiêu tấn công của Quốc Xã, hầu hết Nhân Chứng lẽ ra đã có thể được tự do nếu họ đồng ý ký tên từ bỏ tín ngưỡng của mình. Tuy nhiên, cả diễn giả lẫn những người được phỏng vấn đều giải thích rằng đại đa số các Nhân Chứng thà chịu bắt bớ hơn là nhượng bộ, sự lựa chọn của họ dựa trên lý trí và có hiểu biết. Một vài người ký vì họ không muốn kết hợp với Nhân Chứng Giê-hô-va nữa.
Một số khác đã ký vì bị hoang mang. Họ không hề có ý định từ bỏ hình thức thờ phượng của mình. Một số ít cảm thấy việc đánh lạc hướng những kẻ bắt bớ để được tự do trở lại với công việc rao giảng của mình là đúng về mặt đạo đức. Vào một lúc nào đó sau khi được thả ra, họ nhận thức được rằng dù có động cơ nào, ký tên vào tờ tuyên bố đó là sai.
Sự phán đoán sai lầm đó đã không làm người khác xa lánh họ. Khi trở về với gia đình và hội thánh, họ nhận được sự trợ giúp về thiêng liêng. Bức thư vào tháng 6 năm 1942 của văn phòng chi nhánh Hà Lan của Hội Tháp Canh khuyến khích các Nhân Chứng tại xứ này thông cảm với những hoàn cảnh đã khiến một số anh em ký tên vào tờ tuyên bố, và đối xử với họ một cách đầy thương xót. Mặc dù quân Quốc Xã vẫn còn chiếm đóng, chẳng bao lâu sau, những cựu tù nhân này lại tham gia vào công việc rao giảng, và điều này thật nguy hiểm. Một số người bị bắt lần thứ nhì. Một người trong số họ ngay cả bị hành quyết vì không đồng ý tham gia các hoạt động quân sự.
Dù phải chịu nhiều đau khổ và trải qua nhiều năm hoạt động kín trong tình trạng nguy hiểm và căng thẳng, số Nhân Chứng Giê-hô-va đã gia tăng từ khoảng 500 vào năm 1940 lên đến hơn 2.000 người vào năm 1945, khi chế độ Quốc Xã cáo chung. Lòng can đảm và quyết tâm vâng phục Đức Chúa Trời còn làm chứng hùng hồn cho đến ngày nay.
[Hình nơi trang 23]
Những nhà nghiên cứu nói trước nhóm người tề tựu
[Hình nơi trang 23]
Cuộc phỏng vấn những người Hà Lan sống sót sau cuộc tàn sát tập thể