Làm sao tôi có thể hoạt bát hơn?
Giới trẻ thắc mắc...
Làm sao tôi có thể hoạt bát hơn?
“Trước nay tôi vốn ít nói. Tôi có mặc cảm rằng hễ tôi nói gì, người ta sẽ tránh tôi. Mẹ tôi nhút nhát lắm, và chắc vì vậy mà tôi cũng nhút nhát theo”.—Artie.
CÓ KHI NÀO bạn mong ước mình không còn nhút nhát nữa—nhưng thân thiện và hoạt bát hơn không? Tính nhút nhát rất thông thường. Vậy nếu bạn hay trầm lặng, nghiêm trang hay dè dặt thì thật ra đó không phải là một khuyết điểm lớn. Nhưng nhút nhát quá mức có thể gây trở ngại lớn. Ít nhất là nó có thể cản trở việc kết bạn. Nó cũng có thể khiến bạn cảm thấy không được thoải mái và ăn nói vụng về trước người khác.
Ngay cả người lớn cũng thường phải chống chọi với tính nhút nhát. Anh Barry * là trưởng lão trong hội thánh tín đồ Đấng Christ. Nhưng khi ở trước một nhóm người, anh thường im lặng. Anh thú nhận: “Tôi nghĩ mình không có khiếu nói chuyện gì cả”. Vợ anh là Diane có cùng vấn đề. Chị giải quyết thế nào? Chị nói: “Tôi thích ở gần những người hoạt bát vì tôi không phải nói nhiều”. Nhưng làm sao chính bạn có thể trở nên hoạt bát hơn?
Đừng coi thường mình
Trước hết, có lẽ bạn phải xem xét lại quan điểm về chính bản thân. Bạn có hay coi thường chính mình, nhủ thầm rằng người khác sẽ không thích mình hay mình không có khiếu ăn nói không? Những cảm nghĩ tiêu cực về bản thân sẽ khiến bạn khó hoạt bát. Vì xét cho cùng, Chúa Giê-su nói: “Hãy yêu kẻ lân-cận như mình”—chứ không yêu họ thay vì yêu mình! (Ma-thi-ơ 19:19) Vậy yêu chính mình một cách vừa phải là điều lành mạnh và hợp lý. Nhờ vậy mà bạn có thể đủ tự tin để tiếp cận với người khác.
Nếu bạn hay có mặc cảm tự ti, có lẽ bạn nên đọc chương 12 “Tại sao tôi không hài lòng về mình?” trong sách Questions Young People Ask—Answers That Work. * Tài liệu đó có thể giúp bạn thấy rằng mình có giá trị. Thật vậy, sự kiện bạn là tín đồ Đấng Christ chứng tỏ rằng Đức Chúa Trời thấy một điều gì quí giá nơi bạn! Xét cho cùng, Chúa Giê-su nói: “Ví bằng Cha, là Đấng sai ta, không kéo đến, thì chẳng có ai được đến cùng ta”.—Giăng 6:44.
Chú ý đến người khác
Châm-ngôn 18:1 lưu ý: “Kẻ nào ở riêng cách tìm điều chính mình ưa-thích”. Vâng, nếu bạn luôn ở riêng, chắc hẳn bạn chú ý quá nhiều đến mình. Phi-líp 2:4 khuyến khích chúng ta “chớ chăm về lợi riêng mình, nhưng phải chăm về lợi kẻ khác nữa”. Khi chú ý đến sở thích và nhu cầu của người khác, bạn sẽ không để ý nhiều đến mình nữa. Và càng quan tâm đến người khác, bạn càng muốn chủ động làm quen với họ.
Hãy xem thí dụ của Ly-đi; bà nổi tiếng là biểu tượng của sự thân thiện và hiếu khách. Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng sau khi nghe sứ đồ Phao-lô giảng và làm báp têm, bà nài xin Phao-lô và bạn đồng hành: “Nếu các ông đã đoán tôi là trung-thành với Chúa, thì hãy vào nhà tôi”. (Công-vụ các Sứ-đồ 16:11-15) Mặc dù mới tin đạo, Ly-đi đã chủ động làm quen với những anh này—và chắc hẳn kết quả là bà nhận được nhiều ân phước. Sau khi Phao-lô và Si-la được thả khỏi tù, họ đi đâu? Đáng chú ý là họ trở lại nhà Ly-đi!—Công-vụ các Sứ-đồ 16:35-40.
Tương tự, bạn sẽ nhận thấy rằng đa số người ta sẽ đáp lại khi bạn chú ý đến họ. Bạn có thể bắt đầu làm điều này như thế nào? Sau đây là một số lời đề nghị hữu ích.
● Bắt đầu từ từ. Muốn là người hoạt bát không có nghĩa bạn phải trở thành một người hướng ngoại, phô trương, hay phải giao thiệp rộng rãi với mọi người. Hãy cố gắng nói chuyện với từng cá nhân, mỗi lần nói với một người thôi. Bạn có thể đặt mục tiêu gợi chuyện với ít nhất một người mỗi lần dự buổi họp đạo Đấng Christ. Hãy mỉm cười. Tập nhìn mặt người đối thoại.
● Đánh tan sự ngăn cách ban đầu. Có lẽ bạn hỏi: ‘Bằng cách nào?’ Nếu bạn thật sự chú ý đến người khác, thường tìm đề tài nói chuyện sẽ không khó gì. Một bạn trẻ ở Tây Ban Nha tên Jorge nói: “Tôi để ý thấy rằng chỉ cần hỏi thăm người ta hay hỏi về công việc của họ là mình sẽ biết họ rõ hơn”. Một bạn trẻ tên Fred đề nghị: “Nếu không biết nói gì, hãy đặt câu hỏi cho người ta”. Dĩ nhiên, bạn không muốn người khác cảm thấy họ đang bị tra hỏi. Nếu một người có vẻ ngại trả lời, hãy thử cho họ biết vài chi tiết về bạn.
Mary, có con ở tuổi vị thành niên, nói: “Tôi thấy cách tốt nhất để làm người khác được thoải mái là mời họ nói chuyện về họ”. Bạn trẻ Kate nói thêm: “Đôi khi cũng có thể khen người ta về cách ăn mặc hay về một điểm nào khác. Như vậy họ sẽ cảm thấy được người khác mến”. Dĩ nhiên, bạn phải thành thật và không khen để lấy lòng. (1 Tê-sa-lô-ni-ca 2:5) Nói chung, người ta sẽ đáp lại những lời thành thật, ân cần và tử tế.—Châm-ngôn 16:24.
● Tập lắng nghe. Kinh Thánh nói: “Phải mau nghe mà chậm nói”. (Gia-cơ 1:19) Thật vậy, cuộc nói chuyện là đối thoại—chứ không phải độc thoại. Vậy nếu bạn ngại nói chuyện, điều này thật ra còn có thể có lợi cho bạn! Người ta thích người nào biết lắng nghe.
● Tham gia. Một khi thạo việc nói chuyện với một người khác, hãy tiến đến việc nói chuyện với nhiều người. Một lần nữa, các buổi họp đạo Đấng Christ là nơi lý tưởng để tập kỹ năng này. Đôi khi cách dễ nhất là nhập vào một nhóm người đang nói chuyện. Dĩ nhiên, ở đây chúng ta phải sáng suốt và lịch sự. Đừng xen ngang vào một câu chuyện riêng tư. Khi thấy rõ rằng một nhóm người đang nói chuyện chơi, hãy cố gắng tham gia. Hãy tế nhị; đừng cắt lời ai và đừng tìm cách chi phối cuộc nói chuyện. Hãy lắng nghe trước đã. Rồi khi cảm thấy thoải mái, có lẽ bạn sẽ muốn phát biểu đôi lời.
Rô-ma 3:23; so sánh Gia-cơ 3:2). Elisa nói: “Tôi ý thức được rằng đây là bạn bè tôi. Vậy họ sẽ thông cảm nếu tôi lỡ lời”.
● Đừng đòi hỏi quá nhiều nơi mình. Có khi một số bạn trẻ quá lo sợ là mình sẽ nói lỡ lời. Một thiếu nữ ở Ý tên Elisa nhớ lại: “Tôi luôn sợ là nếu mở miệng ra là tôi nói tầm bậy”. Tuy nhiên, Kinh Thánh nhắc nhở chúng ta rằng mọi người chúng ta đều bất toàn, vậy chúng ta không thể ăn nói một cách hoàn toàn được. (● Nên biết hài hước. Công nhận là bạn có thể ngượng khi nói lỡ lời. Nhưng như Fred nhận xét: “Nếu bạn thư giãn và biết cười về lỗi mình, giây phút ngượng ngùng sẽ mau qua đi. Nhưng bạn sẽ làm to chuyện nếu để mình bị lúng túng, bực bội hay lo sợ”.
● Hãy kiên nhẫn. Hãy hiểu rằng không phải mọi người đều mau đáp lại. Nếu câu chuyện tạm lắng khiến hai người ngượng ngùng, điều này không nhất thiết có nghĩa người đối thoại không thích bạn hay bạn không nên cố gắng nói chuyện nữa. Có khi người ta bận suy nghĩ điều gì đó—hay cũng nhút nhát như bạn vậy. Trong những trường hợp như thế, có lẽ bạn nên cho họ thêm thời gian để làm quen với bạn.
● Thử nói chuyện với người lớn. Đôi khi người lớn, đặc biệt tín đồ Đấng Christ thành thục, rất thông cảm với những người trẻ đang chống chọi với tính nhút nhát. Vậy đừng sợ gợi chuyện với người lớn. Kate nói: “Tôi cảm thấy thoải mái gần người lớn vì tôi biết họ sẽ không phán đoán, chế giễu hay chọc ghẹo tôi như bạn cùng lứa tuổi có thể làm”.
Được thúc đẩy bởi tình yêu thương
Trong khi những lời đề nghị này có thể giúp ích, nhưng không có cách nào để dễ dàng khắc phục tính nhút nhát. Về lâu về dài, sự thành công không tùy thuộc vào một kế hoạch khéo léo nào đó. Bí quyết là chúng ta phải “yêu người lân-cận như mình”. (Gia-cơ 2:8) Vâng, hãy tập quan tâm đến người khác—đặc biệt là anh chị em tín đồ Đấng Christ. (Ga-la-ti 6:10) Nếu trong lòng bạn có sự yêu thương chân thành thì bạn sẽ khắc phục được sự lo sợ và bạn sẽ cảm thấy tự tin hơn mà cố gắng làm bạn với người khác. Như Chúa Giê-su nói, “do sự đầy-dẫy trong lòng mà miệng mới nói ra”.—Ma-thi-ơ 12:34.
Anh Barry, đề cập ở đầu bài, nhận xét: “Càng biết người ta rõ, tôi càng thấy dễ nói chuyện với họ”. Nói cách khác, bạn tập hoạt bát bao nhiêu, thì nó sẽ trở nên dễ dàng bấy nhiêu. Và khi thấy mình kết bạn mới và cảm thấy được người khác chấp nhận hơn, chắc hẳn bạn sẽ thấy kết quả thật sự đáng công!
[Chú thích]
^ đ. 5 Một số tên đã được đổi.
^ đ. 8 Do Hội Tháp Canh xuất bản.
[Hình nơi trang 28]
Hãy chủ động mà tham gia các cuộc nói chuyện!