Đức Chúa Trời có dung túng việc buôn nô lệ không?
Quan điểm Kinh Thánh
Đức Chúa Trời có dung túng việc buôn nô lệ không?
NHỮNG thân thể đen bóng, nhễ nhại, gần như cúi gập người dưới sức nặng khủng khiếp của những kiện gòn khổng lồ, đang lê bước lên cầu tàu. Những tên cai độc ác dùng roi da sống đốc thúc họ. Bị giằng khỏi tay những bà mẹ đầm đìa nước mắt, những đứa trẻ gào thét vì bị đưa đến các chợ đấu giá để bán cho người ngã giá cao nhất. Khi nghĩ đến chế độ nô lệ, có lẽ những hình ảnh dã man, tàn nhẫn đó lại hiện lên trong trí chúng ta.
Mỉa mai thay, nhiều tên buôn nô lệ và chủ nô lại là người rất sùng đạo. Sử gia James Walvin viết: “Có hàng trăm người như thế ở Châu Âu và Hoa Kỳ, ngợi khen Chúa đã ban phước, cảm tạ Ngài vì vụ kinh doanh ở Châu Phi được an toàn và sinh lợi, khi những chiếc tàu nô lệ của họ hướng tới Tân Thế Giới”.
Một số người còn cho rằng Đức Chúa Trời dung túng việc buôn nô lệ. Chẳng hạn, trong bài phát biểu tại Đại Hội Tổng Kết của Hội Giám Lý Tin Lành vào năm 1842, ông Alexander McCaine đã tuyên bố sự hình thành của chế độ nô lệ là “do chính Đức Chúa Trời đặt để”. Quan điểm của ông McCaine có đúng không? Phải chăng Đức Chúa Trời chuẩn chấp việc bắt cóc và cưỡng hiếp những bé gái, việc vô lương tâm phá tán các gia đình, và những cuộc đánh đập hung bạo vốn gắn liền với nạn buôn nô lệ vào thời ông McCaine? Còn hàng triệu người ngày nay đang bị ép buộc phải sống và lao động trong những điều kiện tồi tệ thì sao? Đức Chúa Trời có dung túng những cách đối xử vô nhân đạo như thế không?
Chế độ nô lệ và người Y-sơ-ra-ên
Kinh Thánh nói: “Con người thống trị con người, và gây cho nhau bao thảm họa”. (Truyền-đạo 8:9, Tòa Tổng Giám Mục) Điều đó có lẽ được thấy rõ nhất trong chế độ nô lệ đầy áp bức mà con người lập nên. Giê-hô-va Đức Chúa Trời không bao giờ làm ngơ trước sự đau khổ do chế độ nô lệ gây ra.
Chẳng hạn, hãy xem trường hợp của dân Y-sơ-ra-ên. Kinh Thánh cho biết dân Ai Cập “bắt họ làm việc càng thêm nhọc nhằn, làm cho đời họ đắng cay. Trong công việc nhồi đất, nung gạch và mọi việc đồng áng, họ bị đối xử cách cay nghiệt, bạo tàn”. Dân Y-sơ-ra-ên “kêu ca ta oán vì cuộc đời nô lệ cực Xuất Ê-díp-tô Ký 1:14; 2:23, 24; 6:6-8, Bản Diễn Ý.
nhục và khóc than với Thượng Đế”. Đức Giê-hô-va có dửng dưng trước hoàn cảnh của họ không? Không, trái lại “Thượng Đế nghe tiếng kêu của họ, nhớ lại lời Ngài đã hứa với Áp-ra-ham, Y-sác, và Gia-cốp”. Ngài bảo với dân Ngài: “Ta sẽ... giải phóng Y-sơ-ra-ên khỏi sự áp bức, khỏi ách nô lệ”.—Rõ ràng, Đức Giê-hô-va không bao giờ chấp nhận việc “con người thống trị con người” bằng chế độ nô lệ hung bạo. Nhưng chẳng phải sau đó Đức Chúa Trời đã cho phép chế độ nô lệ tồn tại trong dân Ngài sao? Đúng, nhưng chế độ nô lệ ở Y-sơ-ra-ên khác xa với hình thức nô dịch hà khắc đã tồn tại trong suốt lịch sử.
Luật Pháp Đức Chúa Trời quy định những kẻ phạm tội bắt cóc và buôn bán người phải bị tử hình. Hơn nữa, Đức Giê-hô-va còn ban hành những hướng dẫn để bảo vệ người nô lệ. Thí dụ, một nô lệ bị chủ gây trọng thương phải được trả tự do. Nếu một người nô lệ chết do bị chủ đánh, người chủ có thể bị xử tử. Có thể giữ nữ tù binh làm nô lệ, hay làm vợ, nhưng không được phép dùng họ chỉ để thỏa mãn nhục dục. Tinh thần của Luật Pháp hẳn dạy những người Y-sơ-ra-ên ngay thẳng có cách đối xử tử tế và tôn trọng đối với nô lệ, coi họ như những người làm thuê.—Xuất Ê-díp-tô Ký 20:10; 21:12, 16, 26, 27; Lê-vi Ký 22:10, 11; Phục-truyền Luật-lệ Ký 21:10-14.
Một số người Do Thái còn xin làm nô lệ cho người đồng hương để trả nợ. Tập quán này không chỉ giúp họ thoát khỏi cảnh chết đói, mà thật ra còn cho phép nhiều người thu hồi tài sản. Ngoài ra, vào những năm đặc biệt theo lịch Do Thái, người nô lệ phải được trả tự do nếu họ muốn. * (Xuất Ê-díp-tô Ký 21:2; Lê-vi Ký 25:10; Phục-truyền Luật-lệ Ký 15:12) Bình luận về đạo luật nô lệ này, học giả Do Thái Moses Mielziner nói: “Người nô lệ không bao giờ mất quyền làm người, nhưng được xem như một con người với một số nhân quyền căn bản, mà ngay cả chủ cũng không được phép xâm phạm”. Quả là một sự khác biệt quá lớn so với hệ thống nô lệ hung bạo đã làm nhơ sử sách!
Chế độ nô lệ và tín đồ Đấng Christ
Các tín đồ Đấng Christ ở thế kỷ thứ nhất sống vào thời mà chế độ nô lệ là một cơ chế kinh tế của Đế Quốc La Mã. Vì thế, trong vòng tín đồ cũng có người là nô lệ, có người là chủ nô. (1 Cô-rinh-tô 7:21, 22) Nhưng phải chăng điều này có nghĩa là các môn đồ của Chúa Giê-su cũng là những chủ nô hung bạo? Chắc chắn không! Bất kể những gì luật pháp La Mã cho phép, chúng ta có thể tin chắc rằng tín đồ Đấng Christ không ngược đãi những người dưới quyền họ. Sứ đồ Phao-lô thậm chí còn khuyến khích Phi-lê-môn đối xử với một nô lệ của ông đã trở thành tín đồ Đấng Christ, là Ô-nê-sim như “anh em”. *—Phi-lê-môn 10-17.
Không có nơi nào trong Kinh Thánh cho thấy việc người phục dịch người nằm trong ý định ban đầu của Đức Chúa Trời đối với nhân loại. Cũng không có lời tiên tri nào ám chỉ chế độ nô lệ sẽ tồn tại trong thế giới mới của Đức Chúa Trời. Thay vì thế, trong Địa Đàng tương lai, người ngay thẳng “sẽ ngồi dưới cây nho mình và dưới cây vả mình, không ai làm cho lo-sợ”.—Mi-chê 4:4.
Rõ ràng Kinh Thánh không dung túng sự ngược đãi người khác, dù dưới bất kỳ hình thức nào. Trái lại, cuốn sách này đề cao sự tôn trọng và bình đẳng giữa người với người. (Công-vụ 10:34, 35) Đọc Kinh Thánh, người ta được thúc đẩy đối xử với người khác như cách họ muốn được đối xử. (Lu-ca 6:31) Hơn thế nữa, Kinh Thánh còn khuyến khích tín đồ Đấng Christ hãy khiêm nhường xem người khác tôn trọng hơn mình, bất kể địa vị xã hội của họ. (Phi-líp 2:3) Những nguyên tắc này hoàn toàn trái ngược với những hình thức nô dịch tàn bạo đã tồn tại ở nhiều nước, đặc biệt là trong những thế kỷ gần đây.
[Chú thích]
^ đ. 11 Điều khoản cho phép người nô lệ được tiếp tục ở lại với chủ cho thấy rõ chế độ nô lệ ở nước Y-sơ-ra-ên không hà khắc.
^ đ. 13 Tương tự như thế, ngày nay một số tín đồ Đấng Christ là chủ; số khác là nhân viên. Một người chủ tín đồ Đấng Christ không bao giờ hành hung nhân viên dưới quyền. Cũng thế, các môn đồ của Chúa Giê-su vào thế kỷ thứ nhất hẳn cũng đối xử với đầy tớ đúng theo nguyên tắc của đạo Đấng Christ.—Ma-thi-ơ 7:12.