Quan sát thế giới
Quan sát thế giới
Tính chần chừ và sức khỏe
Nhật báo Vancouver Sun đăng một cuộc khảo cứu cho biết “tính chần chừ có thể làm hại sức khỏe của bạn”. Như được trình bày tại hội nghị của Hội Tâm Lý Hoa Kỳ tổ chức gần đây tại Toronto, Canada, sau khi nghiên cứu 200 sinh viên Canada, người ta “thấy những người có tính chần chừ tự gây nhiều áp lực cho mình vì việc chần chừ khiến họ bị mắc nhiều bệnh do căng thẳng gây ra hơn những người khác... Khi ngày thi gần kề, mức căng thẳng cao hẳn lên trong số những người có tính chần chừ. Thái độ vô tư không còn nữa; thay vào đó, họ thường bị nhức đầu, đau lưng, cảm cúm, khó ngủ và dị ứng. Họ gặp nhiều vấn đề về hô hấp, nhiễm trùng và đau đầu”.
Giúp trẻ em bớt ham vật chất
Nhật báo Globe and Mail của Canada tường thuật trẻ em là “mục tiêu lý tưởng của chuyên gia thị trường”. Ngay cả các em còn nhỏ đã trở thành “những người bị ám ảnh về tiêu thụ và không có cách nào hữu hiệu để ngăn chận khuynh hướng này”. Tuy nhiên, một nhóm giáo sư tại Đại Học Y Khoa Stanford cho rằng họ đã nghĩ ra được một giải pháp: một chương trình giáo dục dài sáu tháng nhắm vào việc giúp trẻ em xem truyền hình ít đi và cũng giúp các em biết cách chọn lựa những gì mình xem. Vào cuối năm học, các em trong chương trình này rất ít khi đòi cha mẹ mua đồ chơi mới. Theo nhật báo Globe, “một trẻ em trung bình xem 40.000 màn quảng cáo, tăng lên từ 20.000 màn một năm trong thập niên 1970”.
Người trẻ uống rượu
Nhật báo Đức Süddeutsche Zeitung cho biết “người trẻ Âu Châu say sưa ở lứa tuổi trẻ hơn và thường xuyên hơn”. Xu hướng đáng lo ngại này gần đây được các bộ trưởng y tế của Liên Minh Âu Châu lưu ý. Vấn đề này nghiêm trọng tới độ nào? Thí dụ, một cuộc nghiên cứu vào năm 1998 cho thấy ở một số nước, 40 và 50 phần trăm các thiếu niên 15 tuổi uống bia thường xuyên, trong khi các thiếu nữ cùng tuổi ở Anh, Scotland và Wales uống rượu nho và rượu mạnh nhiều hơn các thiếu niên. Tại Đan Mạch, Phần Lan và Vương Quốc Anh, hơn một nửa những người trẻ 15 tuổi đã hơn một lần say bí tỉ. Rượu cũng là lý do gây ra cái chết cho nhiều ngàn người thuộc lứa tuổi từ 15 đến 29 trong Liên Minh mỗi năm. Hội Đồng Bộ Trưởng đã đề nghị một chương trình giáo dục về rượu nhằm giúp những người trẻ có được ý thức về hậu quả của việc uống rượu.
Nguy hiểm của việc truyền máu
Nhật báo Sydney Morning Herald của Úc cho biết là “cứ ba vụ truyền máu thì có một vụ không cần phải truyền máu nếu theo sự chỉ dẫn của Bộ Y Tế [New South Wales]. Bản chỉ dẫn cho biết bệnh nhân cần truyền máu khi huyết cầu tố ở mức độ bảy hoặc thấp hơn”. Bác sĩ Ross Wilson, người trông nom cuộc nghiên cứu về cách dùng máu, giải thích rằng “truyền máu nếu không cần thiết có thể khiến bệnh nhân chết vì chứng suy tim”. Theo cuộc nghiên cứu của bác sĩ Wilson sáu năm trước đó, “khoảng 18.000 [người Úc] chết mỗi năm vì các biến chứng phát triển do hậu quả trực tiếp của cách chữa trị”. Bác sĩ Wilson đề nghị mỗi lần muốn bệnh nhân truyền máu, các bác sĩ cần được nhắc nhở về những sự chỉ dẫn y tế trong việc truyền máu và bệnh nhân cũng cần được biết về những sự chỉ dẫn này để họ có thể hỏi thẳng bác sĩ của mình.