Hãy giữ gìn thính giác của bạn!
Hãy giữ gìn thính giác của bạn!
“Hơn 120 triệu người trên thế giới bị khiếm thính”.—Tổ Chức Y Tế Thế Giới.
KHẢ NĂNG nghe của chúng ta là món quà quý báu. Thế nhưng khi có tuổi, thính giác chúng ta yếu dần. Xã hội hiện đại phát sinh nhiều âm thanh và tiếng ồn khác nhau dường như đẩy mạnh quá trình này. Một khoa học gia cao cấp của Viện Khiếm Thính Trung Ương, ở St. Louis, Missouri, Hoa Kỳ, nhận xét: “Ở một người Mỹ tiêu biểu, khoảng 75 phần trăm sự nghễnh ngãng không phải chỉ do quá trình lão hóa mà còn bởi những điều tác động đến đôi tai trong suốt đời sống”.
Ở gần chỗ có tiếng ồn cao và mạnh trong thời gian ngắn có thể làm hại cấu trúc mong manh của tai trong. Nhưng thông thường hơn, theo Bác Sĩ Margaret Cheesman chuyên môn về tai, nguyên nhân việc bị điếc là “hậu quả tích tụ lâu ngày do làm việc ở những nơi có tiếng ồn, chơi những môn sở trường ồn ào, tham gia các hoạt động giải trí ồn ào”. Bạn có thể làm gì để giữ gìn thính giác của bạn? Để trả lời câu hỏi này, hiểu biết chức năng của thính giác sẽ giúp ích.
Những âm thanh chúng ta nghe
Môi trường sống của chúng ta dường như trở nên ồn ào hơn. Nhiều người hàng ngày bị bắt buộc phải nghe những âm thanh có cường độ khác nhau, từ tiếng động của xe hơi, xe buýt và xe tải trên đường đến tiếng ầm ĩ liên tục của những công cụ điện khí ở nơi làm việc.
Đôi khi chúng ta còn làm cho vấn đề trở nên trầm trọng hơn bằng cách vặn âm thanh lớn lên. Một cách nghe nhạc phổ biến là nối ống nghe với máy nghe đĩa CD xách tay hoặc máy cassette. Theo ông Marshall Chasin, người đồng sáng lập Dưỡng Đường Các Nhạc
Sĩ ở Canada, những cuộc thăm dò được thực hiện ở Canada và Hoa Kỳ cho thấy ngày càng có nhiều người trẻ hơn bị khiếm thính do sử dụng ống nghe có âm lượng cao.Nhưng âm lượng thế nào là quá cao? Âm thanh có ba đặc tính: trường độ, tần số và cường độ. Trường độ nói đến khoảng thời gian nghe một âm thanh. Tần số âm thanh, hoặc độ trầm bổng được thể hiện bằng số chu kỳ mỗi giây, hay hertz. Các tần số âm thanh bình thường, vô hại nằm trong phạm vi từ 20 chu kỳ đến 20.000 chu kỳ mỗi giây.
Cường độ âm thanh, hay độ mạnh, được đo bằng đơn vị gọi là đêxiben (dB). Cuộc nói chuyện bình thường có mức độ âm lượng khoảng 60 đêxiben. Các nhà thính giác học nói rằng càng nghe lâu bất cứ âm thanh nào cao hơn 85 đêxiben, cuối cùng tai càng bị hư hỏng nặng. Âm thanh càng lớn, thính giác càng bị hư hại nhanh hơn. Một bản tường trình trong tạp chí Newsweek ghi: “Tai bạn có thể nghe tiếng động của mũi khoan điện (100 dB) trong hai giờ mà không hề hấn gì, nhưng không được nghe quá 30 phút tiếng ầm ĩ trong một trung tâm giải trí video náo nhiệt (110 dB). Mỗi lần tăng thêm 10 đêxiben trên bậc thang âm thanh, tiếng động đinh tai tăng gấp 10 lần”. Các cuộc thử nghiệm xác nhận rằng âm thanh ở cường độ khoảng 120 đêxiben bắt đầu nghe đinh tai nhức óc. Thật khó tin là một số thiết bị âm thanh nổi dùng trong nhà có thể phát ra âm thanh có cường độ trên 140 đêxiben!—Xem khung kèm theo.
Để giúp bạn hiểu tại sao âm thanh lớn có thể hủy hoại thính giác của bạn, chúng ta hãy xem điều gì xảy ra khi làn sóng âm thanh vang đến tai bạn.
Chúng ta nghe như thế nào
Hình dáng của phần tai ngoài được gọi là loa tai, hay vành tai, có công dụng thu nhận và truyền làn sóng âm thanh vào ống tai, nơi đây âm thanh truyền tới màng nhĩ. Tại điểm này, những làn sóng âm thanh khiến màng nhĩ rung lên, và kế tiếp, màng nhĩ khiến ba thanh xương của tai giữa rung lên. Kế đó, các rung động được chuyển đến tai trong, một túi đầy chất lỏng nằm trong xương. Ở đây các rung động truyền qua chất lỏng trong ốc tai, một bộ phận nghe của tai trong có hình xoắn ốc và chứa tế bào có lông. Chất lỏng ở ốc tai kích thích phần trên cùng của những tế bào có lông tạo ra xung lực thần kinh. Rồi những xung lực này được
chuyển tới não, nơi đây chúng được giải mã và thể hiện thành các dạng âm thanh.Hệ bản tính giúp não quyết định xem âm thanh nào nên nhận và âm thanh nào nên bỏ qua. Chẳng hạn, một người mẹ có lẽ không nghe thấy âm thanh bình thường của đứa con đang chơi, nhưng bà sẽ phản ứng nhanh chóng khi nghe tiếng kêu cứu. Việc nghe bằng hai tai khiến chúng ta nghe được âm thanh nổi, điều này rất có ích. Nó cho chúng ta nhận biết nguồn xuất phát âm thanh. Tuy nhiên, khi âm thanh là tiếng nói, não chỉ có thể hiểu mỗi lần một thông điệp. Cuốn sách The Senses (Các giác quan) nói: “Đây là lý do tại sao khi nghe người nào đó nói qua điện thoại, người ta không thể nghe người kế bên nói gì”.
Tiếng động gây hại cho thính giác như thế nào
Để tưởng tượng mức nguy hại của âm thanh lớn đối với thính giác của chúng ta, xin xem sự so sánh dưới đây. Một bản báo cáo an toàn lao động so sánh lớp màng lông của tai trong với lúa mì trong một cánh đồng và âm thanh rót vào tai với tiếng gió thổi. Một cơn gió nhẹ, giống như một âm thanh trầm, khẽ lay động đầu ngọn lúa nhưng không làm hại lúa mì. Tuy nhiên, vận tốc gió gia tăng sẽ tăng áp lực trên thân cây lúa mì. Một ngọn gió đột nhiên cực mạnh hoặc việc liên tục hứng chịu ngọn gió nhẹ hơn trong khoảng thời gian dài có thể làm hại thân cây, khiến cây bị chết vĩnh viễn không thể phục hồi.
Điều này tương tự với tiếng ồn và những tế bào li ti có lông, mỏng manh ở tai trong. Một tiếng nổ to đột ngột có thể xé toang các mô của tai trong và để lại những vết sẹo khiến tai điếc vĩnh viễn. Thêm vào đó, mức độ ồn ào nguy hiểm kéo dài có thể hủy hoại vĩnh viễn những tế bào lông mỏng manh. Một khi đã bị hủy hoại, chúng không thể sinh sôi nữa. Kết quả sau đó có lẽ là bị ù tai—tức tiếng vo vo, lùng bùng trong tai hoặc đầu.
Giữ gìn và duy trì thính giác của bạn
Dù do di truyền hay vì bất ngờ gặp tai nạn mà chúng ta có thể bị khiếm thính, chúng ta có thể phòng ngừa để bảo vệ và duy trì giác quan nghe quý báu của chúng ta. Nên biết trước những mối nguy hại đối với thính giác. Một nhà thính giác học nói: “Chờ cho đến khi vấn đề phát sinh mới hành động thì giống như thoa kem chống nắng sau khi bạn đã bị rám nắng”.
Thường thì vấn đề là cách nghe chứ không phải điều chúng ta nghe. Chẳng hạn, nếu dùng ống nghe âm thanh nổi, có lẽ bạn muốn vặn âm thanh nhỏ vừa đủ nghe để bạn có thể nghe những âm thanh xung quanh. Nếu dàn âm thanh nổi trong xe hơi hoặc trong nhà lớn tới độ át đi tiếng trò chuyện bình thường, đây rất có thể là dấu hiệu cho thấy nó cũng đủ lớn để hủy hoại thính giác của bạn. Các chuyên gia lưu ý rằng nghe mãi một điều gì trong hai hoặc ba giờ liền ở mức độ 90 đêxiben có thể làm hại tai bạn. Nên dùng nút bịt tai hay những thiết bị khác che chở thính giác mỗi khi bạn ở trong môi trường nhiều tiếng động.
Cha mẹ nên nhớ rõ rằng con cái càng dễ bị hư tai hơn người lớn. Hãy nhớ mối nguy cơ của những trò chơi ồn ào. Ngay cả tiếng rè rè của đồ chơi có thể lên tới 110 đêxiben!
Tai của chúng ta là cơ quan nhỏ, kỳ lạ và dễ hư hại. Nhờ có tai, chúng ta có thể nghe tất cả những âm thanh hay và khác nhau của thế giới xung quanh chúng ta. Chắc chắn, cơ quan thính giác là món quà quý báu đáng được giữ gìn.
[Khung nơi trang 28]
Mức độ đêxiben phỏng chừng của một số âm thanh thông thường
• Tiếng thở—10 đêxiben
• Tiếng thì thầm—20 đêxiben
• Tiếng nói chuyện—60 đêxiben
• Tiếng xe chạy trong giờ cao điểm
—80 đêxiben
• Tiếng máy xay thực phẩm—90 đêxiben
• Tiếng xe lửa chạy—100 đêxiben
• Tiếng máy cưa xích—110 đêxiben
• Tiếng máy bay phản lực—120 đêxiben
• Tiếng súng nổ—140 đêxiben
[Khung nơi trang 29]
Có lẽ bạn đang bị khiếm thính nếu bạn
• Mở lớn máy radio hoặc ti-vi của bạn nhưng người khác thấy chói tai
• Thường yêu cầu người khác lặp lại
• Thường cau mày, ngả về phía trước, và quay đầu lại để nghe người nói
• Không nghe rõ trong những hội họp nơi công cộng hoặc những môi trường ồn ào như cuộc họp mặt chung vui hay trong một cửa hàng đông khách
• Thường phải nhờ người khác nhắc lại những điều ai đó nói
[Biểu đồ nơi trang 28]
(Để có thông tin đầy đủ, xin xem ấn phẩm)
Loa tai
Ba thanh xương trong tai giữa
Màng nhĩ
Ốc tai
Những dây thần kinh nối với não